Nguyễn Du mấy trăm năm trước đã than thở số phận người phụ nữ. Cho đến bây giờ, số phận họ cũng còn là số phận cam chịu trong gia đình phụ nữ bị xích chân trong ảnh. Xích sắt không còn là biểu tượng. Xích sắt trở thành sợi dây oan nghiệt trói cuộc đời của một phụ nữ đáng thương: gia đình.
Vì sao người phụ nữ Việt Nam của Á Đông không như phụ nữ phương Tây? Họ cả ngàn năm truyền đời tam tòng tứ đức. Họ như người mẹ, người bà của họ, luôn luôn là cái bóng, là nhân vật phụ trong gia đình truyền thống. Ảnh hưởng về mặt tiêu cực của Khổng giáo đã hết chưa ở thời đại ngày nay, một thời đại có phụ nữ là chủ tịch quốc hội, phó chủ tịch nước, bộ trưởng?
Giáo dục đã không giúp được người phụ nữ thoát khỏi số phận như "tôi đòi" trong một số gia đình, ở những vùng nghèo khó, những vùng đa số dân Việt Nam đang sống. Trọng nam khinh nữ không hẳn ở trong đầu người đàn ông. “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một nam cũng gọi là có, mười nữ coi như không). Tư tưởng đàn ông là thống soái, trớ trêu thay, lại còn rơi rớt ở tâm trí của người phụ nữ. "Thím đâu, chú lại rửa chén?". Tại sao tôi không rửa chén phụ vợ khi bà ấy bận.
Ngay cả ở thành phố, tôi thấy sự phân biệt nam nữ, trọng nam khinh nữ vẫn còn.
Cách đây không lâu, độ năm bảy năm, nhân ghé một người bà con bên ngoại, là một viên chức khá lớn ở một ty sở tại Huế, được anh mời cơm thân mật. Khi ngồi vào mâm, tôi ngỏ ý mời bà chủ, chủ nhà khoác tay, "bà ấy ăn với con ở nhà dưới." Tôi nghĩ thầm, ở Sài Gòn đi đâu dự tiệc, thậm chí đi nhậu, vợ cũng được đàn ông dẫn theo. Vị chủ nhà vẫn còn giữ nếp phong kiến vì đang ở một thành phố cổ kính từng là nơi vua chúa ở?
Vì đâu vẫn còn sự phân biệt nam nữ ngay cả trong quan hệ vợ chồng? Không hẳn tất cả là do giáo dục, hay truyền thống. Người phụ nữ hy sinh nhiều quá, tự nguyện hy sinh, không màng được đền đáp. Họ xem việc chồng ăn xong nhảy lên phòng khách xỉa răng xem ti vi, còn mình loay hoay việc dọn chén bát, thậm chí đút cơm cho con là chuyện của...đàn bà. Vất vả, cực khổ, chịu đựng, hy sinh cả đời con gái, đến làm mẹ, làm bà...cho một gia đình, cho một nguồn an ủi, một nơi chốn người phụ nữ luôn luôn nghĩ đó là hạnh phúc.
Người chồng của phụ nữ trong ảnh đánh bạc và uống rượu, mỗi lần thua bài hay say xỉn, về nhà lôi vợ ra đánh, thậm chí xích chân vợ lại, khủng khiếp, thân phận người phụ nữ này không khác thân phận một con chó. Đến đây, có hai điểm tôi thấy: một, phụ nữ phải tự giải thoát mình, bằng học hành nếu có điều kiện, phải tìm cho mình một việc làm thích hợp, tự chủ về tài chánh, không nên phụ thuộc chồng, và điều tiên quyết trong tư duy: hãy thương mình trước để thương chồng, thương con, thương gia đình nhà chồng. Đây không phải là lời khuyên vô đạo. Mình "thương" mình để có điều kiện "thương" người khác.
Có rất nhiều bà vợ, bà mẹ đã bị chồng, ngay cả con cái, bỏ rơi họ, không phải hiếm khi về già, đau yếu, không một đồng xu trong túi, vì đã dành trọn cho chồng, cho con. Hai, đối với đàn ông chúng ta, hãy là đàn ông đích thực, không phải là quân tử (Tàu) mà là gentleman, trượng phu thời nay.
Không thể bắt chước được lời ông Jesus: Hãy thương người như mình, thì cũng theo (mặt tích cực Nho giáo): Điều chi mình không muốn thì đừng làm cho người, đối với phụ nữ. Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. Thương cho người phụ nữ trong ảnh quá. Chị hãy dũng cảm bỏ ngay thằng chồng đốn mạt, như trong bài báo, chị nói sẽ ly dị sau vụ việc này. Thà ở một mình còn hơn ở trong địa ngục, phải không chị?