Thursday, January 18, 2024

HAI MẶT, SỐNG HAI MẶT

Nhìn hình bên dưới, chúng ta thấy 2 cánh con bướm có hình mặt con cú mèo. Con bướm hiền lành vẫn phải có thêm một mặt dữ tợn, để giúp nó sinh tồn; cú là loài chim đem lại nỗi sợ hãi cho những sinh vật sống chung với nó.

Sống hai mặt, hay sống nhiều mặt là bản năng “sinh tồn” của con người trong một môi trường sống, nếu chỉ "một mặt" thì sẽ “khó sống” hoặc “dễ chết”? Nhiều ví dụ lắm. Nếu một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng nhất đến chế độ này không sống “nhiều mặt”, cụ thể là sống với nhiều cái tên, đóng nhiều vai che mắt, ngày nay Việt Nam chắc chi đã dựng nhiều tượng, xây nhiều đài để trọng vọng ông.

Thời nhân văn giai phẩm, nhà giáo nhân dân Nguyễn L. đáng kính, có năm sáu người con là giáo sư, tiến sĩ hiện nay, cũng phải viết bài đả kích kẻ “bị rút phép thông công” Trần Đức Thảo, với lời lẽ không tương thích với một người trí thức chân chính. Ông hẳn trong lòng không muốn như thế vì biết rõ Trần Đức Thảo là trí thức yêu nước, từ chối sống sung sướng ở Paris hoa lệ, để theo cụ Hồ đấu tranh cực khổ cho độc lập nước nhà.

Cũng vì sống “một mặt”, không biết sống hai mặt mà vị trí thức mới 23 tuổi đã có hai bằng tiến sĩ ở Pháp, ông Nguyễn Mạnh Tường, đăng đàn hưởng ứng phong trào sửa sai Cải Cách Ruộng Đất bằng những lời phê phán chân thành, theo lương tri và kiến thức một luật sư yêu nước, với cái kết quả, ông phải sống một thời gian dài như "vô dụng", bị hờ hững, hồ nghi, trong con mắt giới cầm quyền.

Nguyễn Tuân nếu “không biết sợ”, trắng ra nếu sống một mặt thẳng ngay, chắc chi ông còn được “sống sót” với trọng vọng trong văn đàn VN hiện đại. Không xét về mặt đạo đức, con người sống "hai mặt hay nhiều mặt", nghĩ cho chí tình, không hẳn là xấu nếu xét về nguyên lý sống còn, sinh tồn.

Trong truyện Papillon, người tù khổ sai, có chi tiết, ông ta và một người bạn rất thân trốn tù, chẳng may rơi vào vùng cát lún không đáy, chỉ có chết nếu không có vật gì làm phao, và khi người bạn bơi lại để chụp mảnh ván ông đang ôm, ông đành giang chân đạp người đó ra, nếu hai người bu phao thì hai người sẽ chết hết. Nếu Papillon sống “một mặt”, trung thành với bạn, sinh tử có nhau, người bạn thân ấy và ông sẽ chết vì cùng chìm dần vào bãi cát lún. Bản năng sinh tồn khiến ông ta phải sống hai mặt.

Sau 1954, lúc “quốc gia” tái lập ở vùng quê tôi, có câu chuyện xé cờ đỏ sao vàng và dẫm hình Hồ Chí Minh của một vị từng nắm giữ chức bí thư thời Việt Minh, trong một mít tinh đấu tố, có đông đủ những “đảng viên VM sám hối”, "trở về với chính nghĩa quốc gia”. Vị cán bộ này sau đó không còn được dân chúng kính trọng vì đã sám hối "phản đảng": “quốc gia” buộc ông có hai chọn lựa: chết, bị bỏ bao tời thả sông (một lối giết cán bộ cộng sản ở lại miền Nam) hoặc sống, xé cờ và dẫm lên ảnh lãnh tụ. Sau khi thoát chết, ông tiếp tục hoạt động cộng sản và ngày 30 tháng 4 thành công, ông ở Sài Gòn, do đổi địa bàn hoạt động; đóng góp của ông lớn đến mức nhà nước cấp một ngôi nhà mặt tiền ở một đại lộ cho gia đình ông. Ông thành công với lý tưởng của mình nhờ “sống hai mặt”. Ông cũng như bao người bất khuất kiên cường khác, sẽ nhận lấy cái chết anh hùng nếu sống “một mặt”: thà chết chứ không làm điều “sỉ nhục”.

Con người bản chất không xấu nhưng hoàn cảnh xã hội đã làm người ta…xấu: phải sống hai mặt hay nhiều mặt.

Để kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ. Những năm kháng chiến chống Pháp sau 1945, quê tôi thuộc vùng “tự do”, nghĩa là không nằm trong địa bàn Pháp kiểm soát. Các đơn vị bộ đội thường đóng dưỡng quân ở đây một thời gian trước khi lên đường chiến đấu. Nhà tôi khá rộng, cha tôi lại làm “trưởng ban đỡ đầu dân quân vùng bị chiếm”, được ban chỉ huy tiểu đoàn xin ở trọ nhà trên.

Các anh trong ban - độ mấy người- rất thân thiện, gần gũi, và hay giúp đỡ, như mỗi ngày gánh giùm đôi nước uống khi đi tắm từ sông về, thi thoảng quét dọn nhà, hoặc bồng chị tôi hai tuổi (tôi chưa sinh ra) ra sông tắm với “xà bông” cục, rất hiếm thời đó. Họ chỉ huy cả trăm bộ đội nhưng cung cách cư xử rất lễ phép, đúng mực dù người chỉ huy khá trẻ, tầm tuổi con đầu cha tôi.

Nhân một ngày giỗ, mẹ tôi làm bữa mì Quảng khá thịnh soạn, có mổ cả một con gà trống thiến to, một sự kiện hết sức trọng đại thời kháng chiến đói kém, dân chúng đều phải ăn độn, nhà nào cũng phải có một “hũ gạo tiết kiệm” (mỗi bữa vo gạo bốc ra 1 nắm, hằng tháng có người đi gom để góp gạo nuôi quân).

Khi dùng bữa xong, ba vị sĩ quan ngồi uống nước trà, người chức lớn nhất nghiêm nghị nói với cha tôi: “Cám ơn cụ (ông là người Bắc) đã cho chúng tôi ăn một bữa ngon, nhưng tôi không thể không nói: trong lúc quần chúng nhân dân đói khổ, cụ không tuân thủ chủ trương tiết kiệm, tất cả cho đánh Pháp, lại tổ chức ăn uống lãng phí thế này, chúng tôi thật bất đắc dĩ phải nhận lời. Chúng tôi không muốn việc này xảy ra một lần nữa.” Cha tôi đỏ mặt, vừa buồn vừa tức giận, từ đó về sau, trừ những việc quan trọng phải lên nhà trên, ông không hề muốn gặp mặt cáí vị “được ăn rồi còn được chửi”.

Lúc đơn vị sắp đi nơi khác, khi chia tay, vị chỉ huy kêu cha tôi vào một chỗ khuất trong nhà và nói nhỏ, chỉ đủ cha tôi nghe, với giọng buồn buồn: “Cháu xin cụ tha thứ. Vì có mặt anh em chi bộ trong bữa tiệc, cháu phải nói với cụ cái câu bội ơn hôm ăn giỗ. Cụ tha lỗi cho cháu. Cháu cám ơn cụ và gia đình đã cưu mang chúng cháu hơn một tháng nay”. Cha tôi hiểu ra và không còn giận ông chỉ huy nữa. Ông ta buộc phải “sống hai mặt”, vì nếu thật lòng, vì "một mặt", sẽ bị đồng chí mình xét nét phê phán "thiếu lập trường".

Đầu năm nay thì phải, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng than phiền “cần khắc phục ngay lối sống hai mặt của một số cán bộ”. Từ khi có một chế độ dân chủ vạn lần tư bản cho đến bây giờ, hơn 2/3 thế kỷ, lối sống “hai mặt” trong một số quan chức với nhau và với người dân, tại sao không giảm đi? Vì sao người phải sống hai mặt? Xã hội trong đó người khó sống thật (một mặt) với nhau lắm sao?

Thật khó nghĩ.