Saturday, January 20, 2024

VÌ SAO NGƯỜI VIỆT LUỘM THUỘM?

Nói người Việt anh hùng thì ai cũng khoái chứ luộm thuộm thì dễ bị chửi “nói xấu đồng bào”. Thí dụ thôi nhiều ê hề, không kể ra đây, tôi chỉ tìm hiểu nguyên do xem sao. Có người bảo đa số người Việt xuất thân từ nông nghiệp nên nhiễm cái thói “tiểu nông”, ra đồng ruộng nếu buồn tiểu buồn tiểu thì sà vào bụi cỏ ven đường ngồi thực hiện vế sau của câu “Nhất quận công, nhì... đồng”.

Ăn uống thì có khi trong nhà, có lúc ngoài ruộng, không giờ giấc, không nơi cố định vì mọi việc tùy vào thời vụ, do hoàn cảnh “nhứt thì, nhì thục” (nông vụ kịp thời quan trọng hơn chuẩn bị cày bừa chu đáo). Thời gian làm việc cũng có khi sương đang xuống, mặt trời chưa mọc, người nông dân đã có mặt ngoài đồng nhưng khi mãn mùa, nằm ngủ  mặt trời mọc “non 1 sào” trời đông, họ vẫn còn an giấc, pho pho ngáy.

Tính “tiểu nông” theo con người ra phố thị phồn hoa? Cũng có thể như thế. Nhưng nước nào khởi đầu tiến bộ văn minh lại không từ nông nghiệp? Người ở các nước công nghiệp hóa như Nhật, Hàn, Singapore…cũng đi lên từ nông nghiệp, tại sao đời sống nơi phố phường của họ văn minh, thành phố họ sạch đẹp?

Việt Nam đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã mấy chục năm, các thành phố lớn là bộ mặt của sự phát triển, thử hỏi có cái nào thực sự “xanh, sạch, đẹp” như mong ước của mấy cái loa phường ra rả ta nghe mỗi sớm mai thức giấc?

Hà Nội sẽ như Paris, Sài Gòn sẽ như Singapore, ước muốn "sẽ" ấy khi nào hiện thực? Các thành phố lớn khắp nước sao vẫn còn những cảnh sinh hoạt nhếch nhác, lộn xộn, và rất chi là luộm thuộm, vì đâu nên nỗi?

Chờ đợi khi giàu thì sang sẽ đến, trước mắt cần giàu cái đã, có đúng hay không? Nếp sống văn minh, phố phường sạch đẹp có được khi con người sống ở đó có…văn hóa đạt tầm cao nhất định.

Đến bao giờ thì văn hóa cao đủ tầm để có nếp sống văn minh, phố phường sạch đẹp, trong khi phải mất ít nhất một thế hệ chừng 30 năm của một đời người, mới có thể hình thành một nếp văn hóa, chứ không phải thức dậy là đã “văn hóa” khắp hang cùng ngõ hẻm, gia đình văn hóa, ấp văn hóa, khu phố văn hóa, xã văn hóa, huyện văn hóa…Văn hóa ngút ngàn.

Trong lúc đợi văn hóa hình thành để có nếp sống văn minh lành mạnh, tôi nghĩ “chế tài”, đưa vào khuôn phép, là biện pháp trước mắt, để hạn chế đi đến giảm bớt những cái chúng ta gọi là “tệ nạn” đã làm cho đời sống dân chúng vốn bộn bề lo toan lại bát nháo hơn vì chúng. Chế tài mạnh (phạt) là biện pháp tệ nhất trong các biện pháp quản trị xã hội nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Có mấy cái tệ nạn dễ thấy nhất ở các đô thị, thành phố, là vứt rác bừa bãi, ồn ào vì loa kẹo kéo, loa bán hàng, và lấn chiếm lề đường, lòng lề đường, gây kẹt xe, không có chỗ cho người đi bộ. Biện pháp mạnh quá, khắt khe quá sẽ đẻ ra những tệ nạn khác là “né” biện pháp bằng thói “hối lộ” để khỏi bị chế tài. Thật ra biện pháp hay luật pháp đều có kẽ hở.

Trước đây khi chuẩn bị áp dụng chế tài những ai không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, nhiều người đã “lên án”, không những bởi người đi xe máy mà còn bởi những “ông bà nhà báo” (quốc doanh đường hoàng nghe). Họ chế giễu Sài Gòn sẽ là thành phố “phi hành gia”, ai cũng đội mũ như những phi hành gia. Đi đám cưới làm tóc tốn bạc triệu, “úp” cái mũ bảo hiểm lên, còn chi là vẻ đẹp của quý bà…

Cuối cùng thì mọi người đi xe máy đều phải chấp hành đội mũ bảo hiểm gần như 100%. Nếu không phạt hay không chế tài, liệu có ai chịu đội cái “nồi cơm điện” trên đầu dưới ánh nắng chói chang, nhiệt độ như lửa đốt, chạy mấy giờ đồng hồ chen chúc trên những con đường đặc nghẹt xe cộ bụi đường?

Nếu có sẵn nền tảng “văn hóa” thì mọi người sẽ tự nguyện đội mũ vì an toàn cho chính bản thân khi chạy xe trên đường chứ không phải sợ bị cảnh sát phạt mới đội mũ.

Cấm đốt pháo là một ví dụ sinh động khác, dù rằng đốt chừng mực, có giới hạn vào ngày tết sẽ là nếp văn hóa cổ truyền rất đáng trân trọng. Nếu không bị phạt nặng, người sản xuất, người đốt pháo, liệu họ có chấp hành lệnh cấm hay không?

Do chúng ta chưa đủ “tầm văn hóa” trong việc sử dụng pháo chừng mực, ý thức, tục đốt pháo nên thơ từ xưa trong những ngày đầu xuân đã bị xóa bỏ đầy tiếc nuối. Chưa đạt đến tầm văn hóa thì biện pháp là cái cần nghĩ tới khi quản trị xã hội -  ở đây là nói về các thành phố lớn khắp cả nước.

“Rác, tiếng ồn, lấn chiếm lề đường” là những vấn đề cỏn con hay sao?

Hay là những người quản trị đất nước này đã quen với những kế hoạch vĩ đại, vĩ mô, nên phát ngôn của họ cũng vĩ mô vĩ đại: thành phố thông minh, thành phố đáng sống, sẽ bắt kịp Singapore, Hồng Kông, sẽ có giải Nobel y tế?

Tôi đi Singapore và ngạc nhiên tại sao dân nơi đây không lập cho ông Lý Quang Diệu một cái tượng đài hoành tráng, để ghi nhận công lao của ông đối với một đất nước nhỏ, có mức sống nằm trong hàng cao nhất thế giới. Và nếu lập tượng đài tại đó, tôi nghĩ họ nên làm thêm một tượng đài về thỏi kẹo cao su (chewing gum) của hãng Wrigley, đã bị ông Lý Quang Diệu cấm tiệt sản xuất tại đảo quốc này sau 15 năm cho phép hoạt động. Kẹo nhai chóp chép tốt cho răng cho hàm rất thường dùng trên thế giới lại không thấy ở đất nước này, lý do: lợi bất cập hại.

Chúng ta đã từng thấy ở VN, trên nền sảnh sang trọng ở những tòa nhà cao đẹp đã có những bã kẹo cao su nham nhở  dính chặt lỗ đỗ. Những chiếc ghế trong rạp hát đã có những bã kẹo dính vào quần của người đi xem vô tình ngồi lên. Trên cầu thang bộ, thang máy…chúng ta thấy không ít những bã kẹo như thế, cho dù trên vỏ bọc kẹo, người Mỹ đã in câu “hãy giữ cho xứ sở bạn sạch sẽ” và hướng dẫn cách để gói kẹo khi ăn xong. Chỉ cái bã kẹo thôi, ông Lý Quang Diệu đã có biện pháp dứt khoát và mạnh tay, không hề nể sợ người Mỹ.

Chúng ta với “rác, tiếng ồn, lấn chiếm lề đường”…không “vĩ mô” hơn chuyện cây kẹo Wrigley kia hay sao? Internet là xa lộ thông tin mà quý vị còn có quyền phân làn cho chạy, chẳng lẽ ba cái “rác, tiếng ồn, chiếm lòng lề đường”, quý vị lại không quản nổi? Tôi sẽ nói lại một ngày nào đó: người Việt văn minh, không luộm thuộm đâu nhé, chớ có mà xuyên tạc.