Friday, January 19, 2024

TRI ÂN: Có mấy loại tri ân?

Biết ơn là tình cảm sâu đậm nhất của mọi người Việt Nam. Tỏ lòng hiếu đạo với cha mẹ là biết ơn công sinh thành dưỡng dục. Thông thường, người Việt thể hiện lòng biết ơn cha mẹ rõ rệt nhất là khi cha mẹ qua đời. Các nghi lễ kính trọng nhất được thể hiện, và việc làm lớn nhất sau đó là xây dựng mồ mả. Sống cái nhà, già cái mồ. Nhiều ngôi mộ hoành tráng như lăng tẩm, đền đài được xây, thậm chí còn cho người trông coi.

Không phải ai cũng giàu có như những người ấy. Có phải lăng tẩm nguy nga là đã hiếu đạo, đã tỏ lòng biết ơn cha mẹ? Đúng nhưng chưa đủ. Khi còn sống, con cái phụng dưỡng cha mẹ bằng những việc làm nho nhỏ, cho cụ một miếng trầu nếu cha mẹ già còn giữ thói quen này. Ngay cả thuốc lá, nếu cha mình, mẹ mình yêu thích, dù biết có hại, con cái cũng nên thỏa mãn yêu cầu ấy. Đó tôi cho là hiếu đạo.

Nhân ngày 2 tháng 9, ngày quốc khánh, cũng là ngày ra đi của chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi tình cờ đọc bài cũ  ở báo công an Nghệ An, kể câu chuyện dựa theo hồi ký Vũ Kỳ, người giúp việc tận tụy cho chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc cụ (lẽ đáng nên gọi là chủ tịch) sắp ra đi có yêu cầu được nghe một bài hát yêu thích. Lần thứ 1, cụ hỏi có ai biết hò Huế, nơi trải qua thời niên thiếu của mình. Yên lặng. Không ai biết. Lần thứ 2, cụ hỏi ai biết hát ví dặm quê nhà của mình. Yên lặng. Cũng không ai biết. Lần thứ 3, cụ hỏi ai biết hát quan họ không. "May sao", đó là chữ dùng trong bài báo, bỗng có cô gái nhỏ, y tá quân y Ngô Thị Oanh, lên tiếng. Khi hát đến câu: "Người ơi, người ở đừng về...", trên đôi mắt sâu thẳm của một cụ già sắp lìa trần, những giọt nước rưng rưng, cụ khóc và mọi người đều khóc.

Một lãnh tụ vĩ đại sắp ra đi không có lấy một người anh, người chị, người con, người cháu...bên giường, ai mà không rơi nước mắt khi nghe thêm câu: Người ơi, người ở đừng về. Tôi, tôi cho rằng giọt nước mắt ấy của cụ còn hàm chứa một niềm mãn nguyện, đã hy sinh cả cuộc đời vì nước vì non, yêu cầu nghe hát của mình được đáp ứng. " Vui sao nước mắt lại trào?". Tôi còn một thắc mắc, tại sao trước khi vĩnh biệt cõi đời, mong ước được nghe một câu hát, một bài hát, nhắc nhớ thời ấu thơ ở Huế, Nghệ An của cụ, "chung quanh đều vắng lặng như tờ" (lời bài hát)? Không ai biết các bài ấy.

Văn nghệ miền Bắc tuy chiến tranh đâu thiếu những ca sĩ nổi tiếng, hát những bài về đề tài cụ yêu cầu, trước lúc đi xa? Yêu cầu cuối đời đơn giản, sâu nặng tình yêu nhà, yêu quê, của một vị lãnh tụ, không ai đáp ứng được hay sao? Thỏa mãn yêu cầu giản dị ấy, đó mới thực sự biết ơn lãnh tụ.

Biết ơn còn thể hiện ở việc làm theo những điều lãnh tụ ra đi đã dặn.

Trong di chúc, cụ yêu cầu xác cụ được hỏa táng, tro cốt chia ra 3 miền, đặt trên một ngọn đồi; ai đến viếng sẽ trồng một cây, nhiều người viếng sẽ có nhiều cây, nhiều cây sẽ thành rừng. Di chúc viết trước 1969 vài ba năm, đến bây giờ khoảng 55 năm, hơn nửa thế kỷ. Vào lúc đó, suy nghĩ của một lãnh tụ chính trị phải nói là hết sức tiến bộ.

Truyền thống Việt Nam là người chết phải được chôn cất tử tế, "mồ yên mả đẹp"; nhưng xuất thân Nho giáo nề nếp, cụ vẫn muốn mình được hỏa thiêu. Hơn nửa thế kỷ, cụ có được tầm nhìn thế kỷ: đất hẹp, người đông, chết như cụ cần làm một cái lăng mấy hectare cũng xứng đáng, nhưng cụ muốn chọn một chỗ nằm dung dị, trong một hũ nhỏ đựng tro cốt của mình. Ai chết cũng xây mộ, xây lăng hoành tráng, liệu 100 năm sau còn đất để chôn, để xây, hay lúc ấy phải quay lại nghe theo lời cụ: hỏa táng?

Một suy nghĩ lớn nữa của cụ ít ai để ý, hoặc để ý nhưng cứ giả ngơ: trồng cây. Trong chiến tranh, rừng bị hủy hoại rất nhiều. Sau 1975, nhiều người được đi máy bay kể lại, nước VN nhìn từ trên không có 2 màu rõ rệt: màu xanh bên kia vĩ tuyến 17, màu "loang lổ" bên Nam vĩ tuyến. Bom, chất độc khai quang đã hủy diệt rừng rất nhiều ở miền Nam.

Miền Bắc xanh ngát màu rừng, có chắc chắn nhờ ý tưởng gây rừng của ông Hồ Chí Minh? Tôi chắc chắn là có. Ngoài đó mỗi tết đều trồng cây, gọi là "trồng cây nhớ ơn Bác". Mỗi người đến thăm trồng một cây, cây nhiều thành rừng, ông cụ đã nhìn thấy trước, con cháu mình sẽ phá trọc núi rừng, lời dặn trong di chúc là một lời tiên tri: hãy trồng rừng.

Hậu sanh của cụ cho rằng không nên làm theo lời di chúc (hỏa táng), một tác phẩm viết cẩn thận mấy năm trời, xóa đi, viết lại nhiều câu, nhiều chữ, chứng tỏ giá trị lịch sử di chúc rất cao; đó là kết tinh sự suy nghĩ thấu đáo của một người từng trải hiểm nguy, hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp chính trị của mình.

Người ta xây dựng lăng Lê Nin để lưu giữ thân xác vị lãnh tụ cộng sản này, Việt Nam không làm được như người Liên Xô hay sao? Vâng, để biết ơn một vị lãnh tụ xuất sắc, một cái lăng nguy nga,  có xác ướp của cụ được canh phòng cẩn mật, nằm ở vị trí trang trọng giữa thủ đô, hằng ngày dòng người vào ra thăm viếng, là lòng tri ân đối với vị anh hùng cả đời hy sinh cho nền độc lập nước nhà.

Lòng tri ân thể hiện nhiều cách, cách nào chân thành cũng đều trân quý. Làm lăng tẩm to không hẳn là tri ân lớn.

So sánh cảm xúc khi bước vào ngôi nhà tranh (phục chế) của gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc ở quê Nghệ An với cảm xúc khi vào lăng viếng chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Hà Nội, bản thân tôi thấy, cảm xúc ở ngôi nhà tranh kia dạt dào hơn cảm xúc ở lăng tẩm nguy nga. Sự giản dị của ngôi nhà tranh nói lên một cái gì đó vĩ đại. Cô gái phụ trách thuyết minh ngôi nhà, rơm rớm nước mắt chỉ vào chiếc giường cũ bị cắt ngắn do hỏa hoạn: nơi nằm của cậu bé mồ côi mẹ Nguyễn Sinh Cung hồi 5 tuổi. Chiếc giường đơn sơ nhưng gây xúc động nhiều hơn cái lồng kính trang trọng, bao bọc thân xác cụ ở Ba Đình rất nhiều, đối với tôi.

Làm lăng tẩm nguy nga để thể hiện lòng tri ân của dân tộc Việt Nam đối với một vị "cha già" có khác việc "không thấy" tri ân  một vị "cha già" khác của Singapore dù chỉ một tượng đài be bé, bằng xi măng, cát sạn? Dân đảo sư tử bội bạc với vị cha già của họ hay sao? Không, vị khai sáng quốc gia ấy cũng có tượng đài, tượng đài ẩn trong mỗi quả tim người dân. Cách tri ân nào cũng đáng trân trọng do nền tảng văn hóa, hoàn cảnh chính trị, mỗi nước mỗi khác nhau.

Mọi sự so sánh đều "khập khiễng". Ở đây tôi muốn nói: trong di chúc chủ tịch Hồ Chí Minh không căn dặn xây lăng. Việc làm không đúng di chúc cũng là một cách thể hiện lòng tri ân vị lãnh tụ?

Dù sao người ta cũng đã xây lăng cho cụ rồi, việc bảo quản thi hài, bảo vệ chỗ nằm, hẳn là rất tốn kém mỗi năm. Nhưng xây lăng, học tập và làm theo tư tưởng HCM, thể hiện lòng tri ân đủ chưa? Ngôn hành cần hợp nhất.Nói đi đôi với làm. Làm theo, đơn giản là "theo" và "làm". "Thắng giặc Mỹ ta xây dựng hơn mười ngày nay", hậu duệ của cụ đã làm được chưa?

Có người bảo đời sống bây giờ cao gấp chục, gấp trăm lần trước đây. Đúng. Trước ăn độn nay ăn cơm trắng. Trước cơm vắt (gói bằng lá chuối hơ lửa) nay có KFC gà rô ti. Trước rượu mía, rượu gạo, rượu bắp nay có Whisky, Sake, Soychu... Trước đi bộ nay đi xe hơi bóng lộn. Đó là một phần. Ý của chủ tịch Hồ Chí Minh "xây dựng hơn mười ngày nay", có nghĩa rộng hơn là: giáo dục không mất tiền, vào bệnh viện không lo sợ " thủ tục đầu tiên".

"Xây dựng hơn mười ngày nay", có nghĩa sân bay Long Thành, đường bộ, xe lửa, cao tốc Bắc Nam, xây dựng bằng công sức, tiền bạc của người dân, của nhà nước, không phải đi vay, đi mượn, mướn những bác mũi lõ, mắt xanh hoặc các bác "nị ngộ" đứng giám sát những công trình xây dựng trọng yếu trên chính đất nước chúng ta. Không phải chỉ tổ chức những chương trình ti vi kể những câu chuyện cảm động, hay hợp xướng những lời ca tụng về lãnh tụ là tri ân lãnh tụ.

Thực hiện đúng di chúc của lãnh tụ với đầu óc sáng suốt, bằng đôi tay can trường, và nhất là trên đôi chân vững chãi của chính mình, không dựa cậy người, là thể hiện lòng tri ân chân thành và sâu xa nhất.