Hai chữ này, trước 1975, ở Sài Gòn báo chí dùng để gọi tin không đúng hoặc không chính thống. Giờ, dân mạng hay gọi tin giả, tin bịa đặt, (Tây hơn) gọi là fake news. Tin giả bùng nổ thời thông tin bùng nổ. Chả ai để ý fake news này ông cha ta là các bậc thầy sử dụng chúng. Ngon ăn nhất là thời Lê Lợi kháng chiến, "trùm" tuyên truyền Nguyễn Trải đã tạo ra tin giả " Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" bằng cách lấy mật viết mấy chữ ấy trên lá khô, mối ăn mật, làm thủng lá theo chữ, tạo nên câu "khẩu hiệu" dân chúng răm rắp tin theo, xem đó là mệnh trời, thiên mệnh.
Nói dối nhưng có lợi nói dối lại tốt. Bác sĩ cũng vì an ủi bệnh nhân mà nói dối sắp khỏi bệnh trong lúc họ sắp...chết. Nhưng hiện nay, tin giả có làm được nhiệm vụ "cao quý" ấy không, trong thế giới ảo Internet, ảo mà thực? Thông tin "chính thức" ít hoặc chậm, thông tin "giang hồ" sẽ chiếm trận địa.
Facebook chứa rất nhiều fake news dù nó chỉ có một mình; trong khi 800 đài báo nói, ít người tin nhưng cái anh Mark FB này nói có nhiều người tin, dù chẳng thấy tổng biên tập, thư ký tòa soạn, phóng viên nào.
Nhiều tin vịt vẫn gây sốt, gây bão, vì sao? Chàng khổng lồ truyền thông kia phải đợi một bác duy nhất cho phép, ảnh mới dám cất tiếng nói, và cất tiếng lên rồi, ảnh cũng phải ngó về mặt Hồ Gươm "lung linh mây trời" dò xét, "nói thế" có "phạm" chính trị gì không, phạm sẽ bị tuýt còi tắp lự, có khi đổ nồi cơm. Trong khi đó các tướng trên facebook, trừ vài vị thông thái, cũng có nhiều tướng "thánh" lắm, nói nửa đúng nửa sai, cũng có một số người xúm lại xem và like nức nở.
Người đọc thiếu trình độ nhận thức sao? Không, người nghe, người xem, người đọc, bây giờ đã có nhận thức rất cao. Họ thích nghe trên mạng hơn trên truyền thông chính thống vì họ thích biết sự thật, muốn tìm sự thật, và đôi khi, vì ham mê đi tìm chân lý, họ vớ những fakenews có vẻ như thật, rồi hí hửng như bắt được vàng, share ra nhanh như chớp.
Truyền thông chính thống ví như...phở. "Phở" ăn riết ngán quá, facebooker phải ăn cơm cà pháo chấm mắm tôm, mộc mạc, giản dị mà ngon, dù cho "phở Hà Nội" được cho là "cái thế". Tin giả chỉ phát triển ở môi trường mọi thông tin bị định hướng, bưng bít? Không. Ở Mỹ có ai định hướng, bưng bít dư luận đâu, fake news cũng tràn.
Vì sao? Vì ghét. Ghét ai, người ta tung nhiều tin giả: "thương người thương cả lối đi. Ghét người ghét cả tông ty họ hàng" (Ca dao). Donald Trump tài năng không phải ở chỗ, không thể làm cán bộ nhưng lại làm được lãnh tụ. Ông ta tài năng ở chỗ chiến đấu chống tin giả rất cao bồi Mỹ (cowboy), nghĩa là rất tốt. Ông còn "chửi" cả đám báo chí Mỹ quyền lực (như CNN) chống lại ông ta.
Fake news, ngay cả trong thăm dò thường gần đúng 100% trước các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trump lúc nào cũng đội sổ, Hillary lúc nào cũng đứng đầu. Thống kê như thế có fake, có xạo không?
Ở VN, người ta sợ tin giả như sợ ma. Thường những tin giả, fake news, được tặng cho cái tên mỹ miều " luận điệu xuyên tạc" của " thế lực thù địch". Làm sao được như Trump, thiệt vàng sợ chi lửa. Hàng ngàn fake news mỗi năm chả làm ông ta chùn bước. Trump tuy là người Mỹ nhưng ông ta đã học được câu danh ngôn của người Việt "tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường".
Không sợ tin giả nhưng chúng ta cũng cần sáng suốt tiếp nhận thông tin. Một con người có nhận thức sẽ không bao giờ tin "một em bé tẩm xăng đầy người, tự quẹt diêm, rồi chạy vào kho xăng của địch, đốt sạch cả kho".Khi con người đã có nhận thức thì fake news, hàng triệu tin giả, cũng chả ảnh hưởng đời sống báo chí chân chính của họ.
(Tôi viết status này như một trả lời cho một người đọc của tôi khuyên "chú nên công tâm" đừng vì tin bịa đặt có nhiều).