Thế lực thù địch ngày xưa có thể còn gọi là phản động. Ai chống lại nhà nước, hay chủ trương nhà nước, có thể hiểu là thế lực thù địch, nếu bị kết tội có thể sẽ bị nhốt tù. Không ai bắt kẻ không thuộc thế lực thù địch ngoại trừ họ phạm các tội hình sự.
Tôi đọc một bài viết ghi nguồn từ Peter Nguyen nói về một trường quốc tế đầu tiên ở Việt Nam thành thập năm 1929 tại Đà Lạt, và trường đã tồn tại cho đến ngày nay gần 100 năm, nhưng không phải ở Việt Nam (hình bên dưới). Nếu ông bà hiệu trưởng người Pháp này không thuộc thế lực thù địch thì sẽ không bị du kích bắt năm 1962, sau đó 1965, trường buộc phải dời qua Thái Lan rồi Mã Lai; trường quốc tế thu nhận học sinh từ 28 nước trên thế giới này “sẽ là của Việt Nam”, với giáo trình giảng dạy của Mỹ ngay cả khi mới thành lập, không phải như các trường “quốc tế” nhan nhản hiện nay, trong đó có trường “tây” nhưng chất lượng “tây đui”.
Trường có tên Dalat ở Malaysia.
Điểm qua lịch sử thế lực thù địch. Thế lực thù địch sau năm 1945 thì hơi bị nhiều, nào là Quốc Dân đảng, Đại Việt, Việt Cách…và chính phủ thân Pháp do họ lập ra. Một số thành viên trong thế lực này hoặc nhờ che chở của người Pháp, hoặc phải trốn chạy khỏi nước như Nguyễn Tường Tam và một số đồng chí…mới thoát khỏi số phận thê thảm của Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Huỳnh Phú Sổ, Tạ Thu Thâu…Những tổ chức này, những con người này, đều yêu nước, chỉ cái tội là không yêu chủ nghĩa xã hội.
Sau 1954 và trước đó một vài năm, thế lực thù địch là thành phần bóc lột địa chủ ở miền Bắc và bọn “Việt gian” đội lốt. Theo nhà sử học kinh tế Đặng Phong, trong 172.008 người bị đấu tố, có 123.266 bị quy sai, quy oan, chiếm tỷ lệ hơn 71 %. Tài sản năm ba mẫu đất của những địa chủ này so với các ông đại điền chủ bây giờ có nhằm nhò chi; họ thì bị đấu tố, có người bị giết, nhưng những người giàu gấp trăm lần họ thì được biểu dương thành tích nhờ tích tụ ruộng đất hàng trăm mẫu “làm giàu đất nước”. Nhưng số phận bà Nguyễn Thị Năm, hiệu buôn Cát Hanh Long, trong số họ là đau đớn nhất. Bà là mẹ của một trung đoàn trưởng, giúp Việt Minh cả ngàn lượng vàng, nuôi quân kháng chiến ở Thái Nguyên, lại là người lãnh phát súng đầu tiên năm 1953 trong đợt mở màn cải cách ruộng đất. Có người khuyên không nên giết bà vì là người có công và lại là phụ nữ, nhưng những cố vấn Trung Quốc cho rằng “đã là hổ thì hổ đực hay hổ cái cũng đều ăn thịt người”. Nếu người “thù địch” này sống thời buổi bây giờ, bà có quyền đi nghênh ngang cạnh Phạm Nhật Vượng, Trịnh Văn Quyết, bắt tay với các quan chức cấp côi chứ chẳng chơi, công trạng còn lớn hơn mấy ông kia gấp vạn.
Một ngôi trường ở Dalat trên 100 năm (ảnh chụp năm 1965).
Những năm sau đó, “thế lực thù địch” về văn hóa thì có những người trong nhóm “Nhân văn giai phẩm”. Lúc còn sống họ lên bờ xuống ruộng vì tội “chống phá chế độ” về tư tưởng, nhưng không đầy 30 chục năm sau các suy nghĩ của họ lúc chống đối đó lại hữu ích để tham khảo trong thời kỳ đổi mới tư duy, cởi trói giới trí thức văn nghệ. Có người trong số họ được ngợi ca không tiếc lời vì những tác phẩm đóng góp của họ cho văn học nước nhà.
Có một thành viên trong “thế lực thù địch” về nông nghiệp đáng nói đến là ông Kim Ngọc. Trong lúc cả nước VNDCCH đang trên đà đi lên hợp tác hóa nông nghiệp thì tỉnh của ông áp dụng “khoán chui” bên cạnh kinh tế HTX. Khoán chui là cách phá rào kinh tế nhưng nhờ “phá rào” mà dân ở tỉnh Vĩnh Phú của ông đủ ăn, còn thóc dư nộp đủ đầy cho nhà nước. Ông “thù địch” này bị phát hiện và bị kỷ luật, “phá hoại chủ trương hợp tác” của nhà nước. Nhưng oái oăm thay, năm 1986 khi đã an giấc ngàn thu, ông được phục hồi danh dự, phong anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Cuộc chiến Nam Bắc xảy ra, giữa VNDCCH và VNCH với sự giúp đỡ khí tài quân sự, và có cả người của hai phe xã hội chủ nghĩa và phe tư bản chủ nghĩa. Thế lực thù địch lần này hơi bị nhiều và hùng hậu. Hà Nội, bên thắng cuộc, đã huy động cật lực tất cả sức mình, với cái chết hàng triệu người đã phá tan được thế lực thù địch “ngụy quân, ngụy quyền”, số thương vong bên thua cuộc cũng nhiều không kém, chưa tính cả triệu người chết vì súng đạn đánh nhau, vì bom mìn của Mỹ, của Nga và TQ cùng phe XHCN; họ làm cho đế quốc Mỹ cuốn cờ goodbye, rồi “cút” về nước, thề không bao giờ “see you again”.
“Thế lực thù địch” một số lên rừng cải tạo, số khác theo người Mỹ lúc di tản, số nữa vượt biên. Vật đổi sao dời, những thành phần thuộc thế lực này lại hình thành một cộng đồng khá lớn trên thế giới, nhất là ở Mỹ; họ giàu có và tri thức, được coi là núm ruột dặm ngàn, nhiều người đóng góp trí tuệ siêu việt cho nền khoa học, kỹ thuật ở nước sở tại, quê hương thứ hai, và thế lực này có cái là rất “yêu nước”, mỗi năm gửi về cho quê mẹ hàng chục tỷ đô la…
Thế lực thù địch sau ngày 30 tháng 4 về kinh tế, ôi thôi, ở miền Nam không kể lại mần chi, kể chỉ có rơi nước mắt. Đánh đổ tư sản mại bản rầm rộ, khốc liệt, để tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Thời điểm hiện nay, nếu thế lực thù địch này còn, biết đâu họ không đóng góp to lớn cho kinh tế quốc gia; đất nước không phải túng bấn, làm con đường huyết mạch xuyên Việt mà cứ ngóng về “phương Bắc anh em”. Biết đâu hãng xe La Dalat (1970) xưa kia trở thành một hãng xe không bằng nhưng cũng có thể sánh vai so kè với Honda hay Toyota của Nhật, Daewoo của Hàn Quốc…
Nhưng có một thế lực thù địch cũ cựu đáng nói nhất là “đế quốc Mỹ”; anh ta bỗng nhớ lại câu “see you again” với Việt Nam. Họ đến Việt Nam, rời Việt Nam, trở lại Việt Nam cũng vì quyền lợi của họ và lần này, “thế lực thù địch” trở thành “thế lực đồng minh” một ngày không xa vì quyền lợi của họ trùng khớp với quyền lợi Việt Nam hiện nay trên biển Đông, trước hiểm họa lấn lướt, đè ép, có thể bị xâm chiếm lãnh thổ, gây ra do người bạn vàng chí cốt, nhiều thế hệ thắm thiết, môi hở răng lạnh. Nếu mặc cho chủ quyền bị đe dọa không cần phải liên minh với cường quốc nào giúp mình bảo vệ lãnh thổ, Việt Nam sẽ thế nào đây?
Chính quyền không rõ có thái độ thế nào về hai ông lớn Trung Quốc và Hoa Kỳ nhưng dân chúng, tôi không hồ đồ, đều có cảm tình với kẻ từng là “thế lực thù địch” nhiều hơn kẻ từng là “bạn tốt 16 chữ vàng”.
Ta với địch, thù với bạn, qua câu chuyện tôi dẫn, thật lẫn lộn khó phân. Nhưng tôi rút ra một kết luận: Việt Nam có quá nhiều “thế lực thù địch” trong một thời gian quá dài, đã làm tiêu hao sinh lực của chính mình, một sinh lực vốn dồi dào, hùng mạnh, thừa hưởng từ tổ tiên, đáng lẽ phải là một động lực biến đất nước thành rồng, thành hổ, nếu sinh lực đó không phải chỉ dành đối phó những cái có lúc ta gọi “thế lực thù địch” nhưng rốt cuộc qua thời thế nó không đúng, không phải.
Nếu có thế lực thù địch thì hiện nay, thế lực đó đang đi theo tàu Hải Dương 8 trở lại bãi Tư Chính, chứ không phải thế lực thù địch có tên “diễn biến”, “chuyển hóa”, để rồi phải nhọc sức, như trong quá khứ đã lao tâm khổ tứ, chống lại “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. (“Tự” trong câu nói này là ở bên trong, trong tim, trong lòng, làm sao chống nổi?)
Nhiều kẻ thù sẽ nguy hiểm hơn ít kẻ thù. “Tứ bề thọ địch” dễ dẫn đến thất bại. Nếu không có thế lực thù địch, người ta sẽ nằm ngủ ngáy khò khò vô tư mỗi tối, bình yên. Vô sự tiểu thần tiên.
(Trong hình màu là ngôi trường 100 năm, hiện ở Mã Lai, lấy tên Dalat, trường trong hình trắng đen là trước 1965)