Wednesday, January 17, 2024

NGƯỜI VIỆT: CHẾT TRỌNG HƠN SỐNG?

Hình bên dưới không phải là dinh cơ hay một nhà bảo tàng. Đó là một phần trong một nghĩa trang hoành tráng, bề thế trong hàng trăm nghĩa trang hoành tráng, bề thế khắp nước. Lo chỗ an nghỉ những người thân là việc làm tình nghĩa, cần trân trọng.

Nhiều quốc gia tiến bộ, mộ phần những người chết không được chú trọng như ở Việt Nam. Phần mộ của các tổng thống Mỹ nhìn rất giản dị, bình thường, không như phần mộ các nguyên thủ hay quan chức Việt Nam, có người nằm trong khuôn viên rộng 6 mẫu đất.

Khi một người thân qua đời, việc đầu tiên là “làm đám”. Từ thành thị cho chí thôn quê, một đám tang, giàu cũng như nghèo, tổ chức không dưới 2, 3 ngày. Có đám kéo dài cả tuần lễ do nhà khá giả hay coi chưa đặng ngày giờ tốt chôn người chết. Ở nông thôn, đám không khó khăn như ở thành thị, không gian tổ chức đám rộng rãi. Ở phố, có những đám gia quyến dựng rạp ngay trên đường, án cả lối đi, không ai thấy phàn nàn; có đám cả ngày lẫn đêm đội kèn trống nhà hiếu với âm thanh inh ỏi, hàng xóm cũng đành lòng cam chịu, mong cho mau vãn đám, tất cả mọi người đều nghĩ:  nghĩa tử là nghĩa tận.

Đời sống ngày càng khá giả, những người trẻ chú trọng tổ chức các sự kiện vui cho gia đình: kỷ niệm ngày sinh, ngày cưới, ngày đầy tháng, ngày thôi nôi…cho người còn sống. Nhưng số đông khác vẫn coi trọng những ngày giỗ kỵ, chạp mả, tảo mộ…cho người đã khuất. Đây là việc làm thể hiện lòng hiếu đạo, không quên cội nguồn, nòi giống, dù  không ít những đám kỵ, đám giỗ, lớn không khác lễ hội, xe pháo người đến dự đậu dài dài trên đường trước nhà gia chủ, không khác đoàn xe các quan chức đi dự đại hội. Người dân thường tổ chức họp mặt nhân ngày giỗ kỵ thật trân trọng: gia đình, con cháu có dịp gặp nhau vì ngày thường ai cũng lo việc mưu sinh ở xa.

Đối với quốc gia, những ngày kỷ niệm của các bậc “khai quốc công thần” thì vô số kể;  đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, anh hùng xuất hiện đầy rẫy. Tri ân họ là việc làm đúng đắn của người sống. Chỉ có điều là hơi bị nhiều. Việc tổ chức lễ tang cho những vị chức sắc cũng có đôi điều suy nghĩ. Khi một quan chức mất, việc tiếp theo là thành lập ban lễ tang. Không phải cấp trung ương mà cấp thấp như xã cũng làm tương tự. Tôi có biết ở nông thôn, quan chức cấp nào qua đời, ngay cả cha mẹ họ, đều có thông báo cho tất cả những người làm việc cùng cấp. Nếu là cấp trên, cấp dưới cũng được thông báo để mọi người biết, đến chia buồn cùng tang quyến. Đến chia sẻ nỗi buồn gia đình có người qua đời là việc làm tình nghĩa không phải là “nghĩa vụ” cần được nhắc nhở bởi thông tri. Những tổ chức kinh tế quốc doanh cũng thực hiện việc thông báo đến chia buồn tương tự như thế.

Nhìn rộng ra chút nữa ở tầm “vĩ mô”: quốc tang. Tôi theo dõi các nước tiên tiến, họ có rất ít quốc tang, chỉ dành cho những vị cực kỳ xuất sắc, "công lao trời bể", hay nhiều dân thường chết 1 lần quá thảm thương  và nếu có thì quốc hội nhóm họp quyết định, ít có chuyện quy định như ta, các vị được vinh dự ấy gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội. Hiện giờ những người nằm trong diện vinh danh đó còn rất nhiều. Đất nước ta sẽ tha hồ tổ chức quốc tang.

Các quan chức cấp thấp hơn khi qua đời, cách tổ chức lễ tang cũng quy mô không kém. Nhiều ban lễ tang thành lập gồm những vị đương chức. Không rõ tham gia nhiều “ban” quá, họ có đủ thời giờ để lo chuyện quốc kế dân sinh không.

Ngay cả chỗ nằm của các vị được tổ chức lễ tang như thế cũng là vấn đề: thứ bậc vị trí hẳn cũng phải trang trọng như khi họ còn sống. Dự định xây nơi chôn cất các vị công bộc quốc gia nghe đâu sẽ rất hoành tráng. Công sức người còn sống dành cho người quá cố rất đáng biểu dương: nghĩa tình trọn vẹn, chết cũng như sống. Nhưng chỗ nằm cho người chết sẽ nhiều lên và đất dành cho người sống co lại. Đây là cái ít ai nghĩ tới và cũng không dám nghĩ tới: người sống rất sợ người chết, “tính toán” với người chết có khi người chết “tính sổ” lại, người sống tiêu đời.

Lúc Mao Trạch Đông lên cầm quyền, ông ta ra lệnh “giải quyết” hàng ngàn nghĩa trang, đất dôi ra cho sản xuất, xây dựng nghe đâu mấy triệu mẫu, dẫu đất nước Trung Quốc hết sức mênh mông. Ý tưởng quá tả, quá khích của ông ta đôi khi lại là ý tưởng chúng ta chưa nghĩ rốt ráo: không chôn người tràn lan, lấy đâu mà “giải tỏa, quy hoạch”? Nếu chôn cất trật tự, diện tích mỗi người được quy định, bằng nhau từ “thằng dân” cho đến chủ tịch nước, đất dành cho người mất sẽ còn chỗ cho người sống, không phải đến thời điểm nào đó, “đào mồ” người chết để có đất cho người sống.

Lúc đệ tử hỏi Khổng Tử về cái chết, ông ta đáp: “Tử giả biệt luận” (chết là hết, không bàn làm chi). Nhưng không hiểu các môn đệ thấm nhuần Lễ của ông thế nào mà khi ổng chết, họ xây một ngôi mộ tổ bố, môn sinh ra đó làm nhà canh giữ hàng mấy trăm người, trong 3 năm trời.

Thấm nhuần đạo đức cách mạng, í lộn, đạo đức Nho giáo, người Việt Nam hôm nay, chừng mực nào đó, cũng còn tuân thủ truyền thống “đậm đà bản sắc dân tộc”, người chết, chỗ nằm của người chết, là điều thiêng liêng, việc tổ chức ma chay linh đình, chôn cất trang trọng trong những ngôi mộ hoành tráng, âu cũng là điều dễ hiểu. Chỉ có điều này là khó hiểu. Khi cả nước “học tập và làm theo” gương Bác nhưng chẳng ai làm theo di chúc của cụ: hỏa táng. Tôi thấy cái giá trị lớn nhất trong di chúc của cụ Hồ là ý tưởng này: sống mới quan trọng chứ chết không quan trọng: chỉ là một nắm tro. “Người là cát bụi, sẽ trở về với cát bụi”.