Monday, January 1, 2024

ĂN CHI BỔ NẤY?

Nhiều người nghĩ, muốn bổ phổi thì ăn phổi; bổ óc ăn óc; bổ dương ăn “ngầu pín” (ngoc duong). Có người giàu tưởng tượng còn nâng cách ăn lên tầm cao mới. Thấy chó giao hợp lâu, họ quấn quýt thịt chó. Thấy dê “quất” nhiều “em” trong ngày, thịt dê thành chọn lựa số một cho mấy ông chồng cảm thấy “thua sút”…gối chăn. Nghĩa là: Ăn chi bổ nấy? Thật khôi hài. Phi khoa học.

“Triết lý” ni được áp dụng “khoa học” hơn. Muốn bác sĩ có lòng nhân thì đưa môn văn vào “thực đơn” xét tuyển. Nhân…văn. Bác Lưu Trọng Văn vừa có một status rất cấp thời về đề tài này nhưng ông xoay qua y đức, hay đạo đức trong giới y khoa.

Tôi có dịp nói chuyện vài lần với nhà báo tên tuổi này. Ông có nghe tôi đọc 4 câu thơ nổi tiếng của bố ông trong bài thơ bất hủ Tiếng Thu. Trong phần trích dẫn sau, ông nhận xét các bác sĩ VNCH rất am hiểu thơ văn, nói chung là văn học trong nước và ngoài nước. Không nói ra, tôi hiểu ý ông, là bác sĩ cũng nên trang bị cho mình một kiến thức văn học. Và cũng không nói ra, tôi đoán, ông có thể tán thành việc đưa môn văn vào thi tuyển ở một số trường đại học y. Biết đâu, nhờ học văn, hay giỏi văn, một số "từ mẫu" sẽ không còn “tiền trao cháo múc” trong việc chữa trị bệnh nhân.

Tôi hay đọc Facebook của Lưu Trọng Văn. Khi cả nước có cái gì “nóng”, ông là người “tiên phong” đề cập. Đưa môn văn vào thi tuyển y khoa hẳn là đang “hot”.

Quay lại “ăn chi bổ nấy”. Muốn bác sĩ “nhân văn”, đưa vào đề văn. Như trước đây có đề xuất, muốn bớt tai nạn giao thông, luật giao thông nên đưa vào trường học. Nghe đâu, có ý kiến, muốn chống tham nhũng thành công, chương trình giáo khoa cũng cần có giáo trình chống tham nhũng. Muốn cái gì tốt, cứ đưa vào học đường. Xã hội sẽ tốt hơn sau này. Quả đúng như thế. Nhưng không thể có cái gì “nóng” trong xã hội thì cứ đưa vào giáo dục. Chương trình giáo dục cần hình thành từ triết lý giáo dục.

Lưu Trọng Văn ca ngợi trình độ thưởng ngoạn văn học trong giới bác sĩ trưởng thành từ nền giáo dục VNCH. Và ông cũng biết, nhân bản, dân tộc, khai phóng là mục tiêu của nền giáo dục đó.

Dù không dài, nền giáo dục ấy sản sinh ra những con người mà nhà báo đánh giá cao trong bài viết ngắn; và hàng triệu người ở tuổi 60 trở lên như tôi đều biết ơn và rất buồn khi nó bị bức tử năm 1975.

Chương trình giáo dục lập ra có thể thay đổi theo trào lưu tiến bộ của xã hội. Chương trình ấy không thể bạ đâu sửa đó. Hậu quả của thay đổi xoành xoạch sách giáo khoa khiến học sinh và phụ huynh hoang mang. Tâm lý bất an sẽ có hại cho môi trường giáo dục.

Học sinh chúng tôi học tiểu học rồi trung học rất an nhiên. Chỉ có hai kỳ thi gây “bất an” là tú tài 1 (bãi bỏ năm 1972) và tú tài 2. Hai năm đó, nếu hỏng, học sinh phải đăng lính vì đủ tuổi. Bất an là vì vậy. Trong giáo trình, chưa bao giờ nghe, bộ giáo dục sẽ đưa môn nào vào giảng dạy thêm, giống như bây giờ, ta có đề xuất đưa giao thông, chống tham nhũng…vào nhà trường khi hai cái này là nỗi bất an của xã hội hiện nay.

Vì sao thanh niên chúng tôi yêu văn chương? Vì văn chương thấm sâu vào tâm hồn chúng tôi khi mới bước vào mái trường . Ban đầu là những bài thơ ngắn, đoạn văn năm bảy dòng, diễn tả những cảnh đẹp của quê hương, đạo lý ở đời, tình yêu dành cho anh em, bè bạn, cha mẹ, thầy cô, đồng bào; số lượng các bài trích giảng trong sách giáo khoa như thế không ít hơn những bài ca ngợi lòng yêu nước qua những nhân vật lịch sử.

Lên trung học, chúng tôi được cho đọc sách, những tác phẩm hay, nhất là của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Chúng tôi làm quen với các nhà thơ cổ điển, có cả Nguyễn Du (với truyện Kiều). Từ lớp 6 đến lớp 11 (lớp 12 không học văn, chỉ học triết), học sinh có thêm môn Thuyết Trình. Đó là các nhóm trong lớp chọn bất kỳ tác phẩm văn học nào để thuyết trình trước lớp qua một “diễn giả”, thường là đọc sách khá nhiều. Các bạn khác trong lớp sẽ theo dõi bài thuyết trình về tác phẩm đó. Họ buộc phải đọc nó trước để có thể nắm nội dung và đặt câu hỏi về chủ đề tác giả sách muốn chuyển tải. Diễn giả hay bạn của nhóm thuyết trình “bí” thì thầy phụ trách sẽ đứng ra giải thích. Rồi đến các nhóm khác với cuốn sách khác. Sinh hoạt này dẫn đến tình hình: tất cả học sinh phải đọc sách.

Đọc sách, mượn của nhau, hay ở thư viện, là niềm vui của mỗi học sinh. Không ai buộc phải đọc loại sách nào kể cả nhà trường. Vì sao đọc sách nhiều ở thời gian trung học? Vì chương trình học rất nhẹ. Không đọc sách thì lấy gì làm thú vui khám phá ở tuổi đang lớn? Đọc sách nhiều còn là niềm hãnh diện. Bạn nào "mọt sách" được nhiều người kính nể. Ai mà không ưa người khác kính nể mình?

Thú vui duy nhất của học sinh thời chiến tranh chỉ có đọc. Rạp hát, rạp chiếu phim khá hiếm, chỉ có ở những thành phố lớn. Cũng không có games hay smartphone nên đọc trở thành niềm vui. Chưa kể, yêu nhau, các cô cậu thường tặng sách cho nhau, những cuốn sách thời thượng của những tác giả ăn khách. Đoán ý người yêu để tặng sách phù hợp là cả một nghệ thuật.

Lên đại học, ngoài sách giáo khoa, sinh viên còn tự mình đọc sách nhiều chủ đề, mua hay mượn ở thư viện. Các chủ đề "triết học" (như thuyết hiện sinh, chẳng hạn) rất thời thượng. Sinh viên nào không đọc sách triết kể như là hậu đậu, không "a la mode" chút nào.

Ở đại học, sinh viên có nhiều thời gian đọc sách như ở trung học. Đọc sách để mở mang kiến thức. Đó là suy nghĩ đơn giản trong giới sinh viên. Trong câu chuyện, đề sách, loại sách đang đọc có thể đánh giá "trình độ" hiểu biết của sinh viên. Ai muốn mình "kém trình độ" cơ chứ.

Ông Lưu ngạc nhiên sao bác sĩ VNCH lại yêu văn học. Họ có tình yêu ấy từ bé. Đại học Sài Gòn tuyển sinh viên: học thứ gì thì thi môn đó. Không hề có chuyện, muốn nâng cao y đức, cần phải đưa môn văn vào thi tuyển. Không phải, vi du , tránh tai nạn giao thông thì đưa luật đường bộ vào trường học; chống tham nhũng thì đưa môn đạo đức công vụ vào nhà trường… Các nội dung trên phải nằm trong “triết lý” giáo dục từ trước.

Không thể thấy xã hội bất an vấn đề gì thì đưa vấn đề đó vào chương trình giáo dục. Tuy khác nhau nhưng cùng ý nghĩa “ăn chi bổ nấy” hay sao?