Đây không phải tác phẩm “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn (bố của Phạm Duy). Đây là câu cảm thán ám chỉ chuyện con gái ông Nguyễn Bắc Son chối bỏ lời khai của cha đã đưa mình 3 triệu đô la tiền hối lộ. Khi khai như thế người cha nghĩ con mình sẽ “chia lửa” cho cha. Nếu không thì ông nhận hết cho mình chứ “dây” cho con làm chi. Người con sợ “tiêu thụ của phạm tội mà có” sẽ dính dáng tới lao lý. Cô quên rằng khi có nhận của cha ngần ấy tiền, tiền của cha cho con, làm sao con biết nguồn gốc mà không nhận. Không ai có thể kết tội cô và tội cha sẽ nhẹ hơn một chút nếu cô hoàn trả đủ số đó để “khắc phục hậu quả”.
Ở đây, tiền trao nhưng cháo không múc. “Tình nghĩa cha con có thế thôi” (nhại thơ Thế Lữ: Tình nghĩa đôi ta có thế thôi). Tình phụ tử ông không được con yêu thương, tình đất nước ông cũng không vẹn toàn. Đã làm là nhận lấy trách nhiệm việc mình làm: thà chết chứ không khai. Ở tù 10 năm hay 20 năm hay có khi phải án tử hình, một người từng là cán bộ cao cấp, “bất khuất” phải là phẩm chất: dẫu có đưa tiền phạm tội cho con mình cũng kiên quyết không khai ra. Đó mới là người “nghĩa khí”: chịu tội một mình. Cũng may chứ nếu chiến tranh, lỡ bị địch bắt, muốn nhẹ tội, ông ta sẽ khai ra tất tần tật, và sẽ có bao nhiêu người sẽ lãnh nạn vì thiếu “sự kiên trung” của mình.
Đất nước phải cần có những người kiên trung. Lao lý, thật may, sẽ giữ một người thiếu kiên trung ấy vào đó, mãi mãi.
Sự trung thực cũng phải cần, nhất là đối với quan chức. Trung với nước. Ông Trương Minh Tuấn không phải là người trung thực. Một mặt ông viết sách thuyết giảng “Chống diễn biến, chống chuyển hóa”, mặt khác ông tự diễn biến và tự chuyển hóa. Có người nói ông phạm tội hối lộ chứ không phạm tội “diễn biến, chuyển hóa”, khái niệm này thuộc về lĩnh vực chính trị.
Một cán bộ đạo đức không bao giờ làm chuyện sai quấy như hối lộ (ăn cắp của dân). Một bộ trưởng mà ăn cắp thì uy tín chính trị của chế độ bị mất mát biết chừng nào. Bỏ tù ông ta cũng chưa thể khôi phục nhanh chóng danh dự của một tổ chức chính quyền, sự công chính, và thanh liêm phải đặt hàng đầu.
Những quan chức cấp cao được tống vào lò cháy rụi sẽ làm những quan chức khác chùn bước trước cám dỗ vật chất (nhận hối lộ) lâu dài không? Không ai trả lời chắc chắn; không lẽ lò xây mỗi ngày mỗi to, củi đun vô mỗi ngày một nhiều khi cái cơ chế đẻ ra tham nhũng không bị đập ra để xây dựng lại?
Một trong những nguyên do lớn đẻ ra tham nhũng, theo suy nghĩ cá nhân, là ý tưởng “quốc doanh là chủ đạo”. Định hướng xã hội chủ nghĩa cho kinh thế thị trường đã hình thành một khái niệm như thế. Theo tôi, quốc doanh nên nhường vai trò chủ đạo cho dân doanh. Nhà nước tách khỏi “buôn bán, làm ăn”, việc đó để cho dân họ làm. Chúng ta đã thấy kinh tế dân doanh phát triển rất ngoạn mục dù họ không được ưu ái bằng quốc doanh. Quốc doanh là chủ đạo thì ai là người phụ trách nếu không phải là…quan chức?
Quan chức cũng là con người, họ không phải là thánh, giao cho họ khối tài sản khổng lồ (quốc doanh) làm sao mà họ có thể giữ được “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”? Những quả đấm thép, những đứa con cưng của chế độ đã đem lại những gì cho đất nước? Tôi không nhắc lại vì ai ai cũng rõ.
Quốc doanh là chủ đạo thì hai ngành như công an và quân đội phải là những ngành phụ trách cái khối tài sản khổng lồ của quốc gia bởi họ là hai người được tin tưởng nhất của chế độ. Giao cho họ làm ăn, nhà nước sẽ vô cùng an tâm – người nhà mà.
Nhưng Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) là một ví dụ điển hình nhất cho quan điểm quốc doanh là chủ đạo. Ông ta làm việc cho bộ công an. Dù chức vụ chưa lớn (đại tá), anh ta đã làm đảo lộn biết bao nhiêu hàng ngũ quan chức đáng kính khác, một số đang dính vào lao lý. Một doanh nhân thành đạt, quen biết nhiều cấp quyền lực. Không phải là yếu nhân của công an nhưng đi tới đâu ông ta cũng được đón tiếp trọng thể như một bộ trưởng có khi còn hơn.
Vì sao? Ông ta "nhân danh" bộ công an. Vài hôm nữa ông ta sẽ ra tòa lãnh án nhưng qua vụ này chúng ta có chắc chắn sẽ không còn Vũ Nhôm nào nữa không? Con người, tôi nhắc lại, không phải là thánh. Nếu tách việc điều hành kinh tế ra khỏi điều hành quản trị quốc gia, bộ máy sẽ gọn nhẹ, chỉ chăm lo những việc thuộc tầm chiến lược, toàn tâm toàn ý vào việc ban hành pháp luật và thực thi pháp luật. Chuyện làm ăn kinh tế hãy để cho người dân đảm trách trừ những ngành quá đặc thù. Nhiều người sợ không quốc doanh là chủ đạo, đất nước sẽ đi chệch hướng phát triển.
Xin thưa, ở Mỹ, những ngành chế tạo hỏa tiễn, máy bay chiến đấu, thậm chí bom đạn, hầu như đều thuộc tư nhân quản lý, ngay cả ngành “giáo dục tuyên truyền” như báo chí, đài phát thanh, truyền hình cũng của tư nhân nốt.
Có người bảo Trung Quốc nhờ “quốc doanh là chủ đạo” đã giúp nước họ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Quốc doanh là chủ đạo VN đang theo đuổi là đúng đắn. Có mấy yếu tố để thấy Trung Quốc “thần kỳ” không phải nhờ mỗi quốc doanh, ngoài chuyện giỏi ăn cắp sở hữu trí tuệ : (1) Họ là dân tộc nổi tiếng giỏi làm ăn. Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, các Chinatowns trên thế giới…có quốc doanh chủ đạo đâu mà họ giàu nức nở. (2) “Rộng hồ dễ vét”, “đông cây sây buồng”: đất nước 1,4 tỷ dân. Mỗi người đổ đồng làm mỗi ngày 1 đô la thôi thì họ có 1,4 tỷ đô la. Họ giàu ư? Không, bình quân đầu người họ kém rất xa Đài Loan hay Hồng Kông. (3) “Bệnh sĩ diện” ưa bành trướng: tiền dân đóng thuế họ gom lại cho nhà nước để dương oai diễu võ làm tàu mua súng, đầu tư rất ít trở lại cho phúc lợi công cộng, dẫn đến “nước giàu, dân nghèo”.
Tôi đi xa vấn đề nhưng cũng xin lưu ý, “TQ quốc doanh là chủ đạo” nhưng họ không còn để công an và quân đội làm kinh tế nữa. Họ đã giúp đỡ và khuyến khích xây dựng những tập đoàn tầm cỡ quốc tế do tư nhân quản lý.
Quy trình xây dựng, bồi dưỡng, chọn lọc, đề bạt, một quan chức nhà nước, theo tôi nhận xét, là hết sức lâu dài, chặt chẽ, và “bài bản” nữa. Những đối tượng được chọn đã qua bao nhiêu là sàng lọc cam go, tốn kém sức người, tốn kém thời gian theo dõi, chưa nói đa phần họ là những “hồng phúc của dân tộc”. “Mất” cán bộ vì tham nhũng không phải không tổn thất cho chính quyền.
Chỉ vì “mỡ để gần mèo” mà ngày càng nhiều quan chức sai phạm. Dựng lò, nhóm củi, gom củi, đâu phải để chỉ thỏa lòng những người căm ghét tham nhũng mà việc này còn làm hao tốn công sức, thời gian của các ông chủ lò, hiện còn phải lo trăm công ngàn việc, trong thời gian đất nước đang dầu sôi lửa bỏng chuyện biển đảo và đối phó với đe dọa bị xâm phạm lãnh thổ bởi cường quốc anh em.
Nếu Nguyễn Bắc Son hay Trương Minh Tuấn không vì quốc doanh là chủ đạo, chỉ lo chuyên môn thông tin tuyên truyền của mình, trao trả cho dân vai trò “chủ quản” thì đâu đến nỗi bây giờ hai ông nẫu ruột đau đớn, một thì bị ngay cả con ruột cư xử tệ bạc, đang “gặm một mối u hoài trong cửa sắt” (không phải: "Gặm một nỗi căm hờn trong cũi sắt"), một bị nhân dân đàm tiếu, dạy người khác không diễn biến, chuyển hóa nhưng mình thì “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.