“Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình “.
Ngẫm đi ngẫm lại mới thấy ngài Nguyễn Du là bậc thầy tâm lý. Tâm lý gái trai, tình trai, tình gái. Người ta bảo, đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai. Bởi thế, nhiều giai nhân nguyệt thẹn hoa nhường có nàng lại yêu chết bỏ những nam nhân “tệ hơn thằng Đậu”. Thằng Đậu dẻo mồm, lời lời mật ngọt, hàng hàng gấm thêu.
Tôi lại thấy đàn ông còn yêu bằng mũi- hai lỗ mũi, yêu mùi, hương. Các bà các cô tiếp xúc với quý ông có khi nào thấy họ nín thở khi má áp má, vai kề vai?
Hương gây mùi nhớ, ôi, bốn từ thôi, chàng trai Nguyễn Du “đi guốc” trong bụng đàn ông. Hương cà phê gợi nhớ những người thân quen thuở nào trong một chỗ yên ả mà rộn ràng: tiếng cười giòn giã sau một câu chuyện hài hước đơn sơ. Hương cà phê còn gợi lại nhiều kỷ niệm, bên chiếc phin những giọt màu nâu rơi tí tách, như chờ đợi một lời tỏ tình thời mới quen nhau “bên tách cà phê”. Vì sao trong bữa rượu- trai gái ngày nay đều có thể uống, đề huề- chẳng ai tỏ tình khi men lên chếnh choáng, men tình, men rượu. Người ta gọi mùi rượu, không ai kêu hương rượu. Phụ nữ lần đầu nghe đàn ông tỏ tình qua mùi rượu, tôi đoan chắc, 100% sẽ bái bay lời yêu nồng nặc hơi men.
Hương cau, hương (bông) bưởi, hương (hoa) chanh, hương hoa hồng, hoa huệ, hoa lài…chưa nói đến hương lan, giúp bao chàng thi sĩ sáng tác những áng thơ trác việt. Hương mà chuyển thành mùi thì như Cao Bá Quát “ Ngán thay cái mũi vô duyên. Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An”. (*)
Chính vì “hương gây mùi nhớ” nên nhân loại có cả ngàn loại nước hoa khác nhau và hàng tỷ phụ nữ trên thế giới yêu dùng. Không có thống kê nhưng chắc chắn đàn ông tất cả đều trở thành nạn nhân hạnh phúc của mùi hương từ người phụ nữ họ yêu hay chỉ mới gặp lần đầu.
“Hương gây mùi nhớ”! Chỉ có một mùi trong 4 chữ này là gây mùi nhớ, thật buồn cười, lại là mùi mồ hôi. Có ai chê chồng, chê vợ vì mồ hôi của họ hay không, khi thật sự vợ chồng, không nhất thiết đã sinh con đẻ cái? Không ai yêu mùi mồ hôi của nhau trừ cha mẹ với con cái và vợ chồng với nhau.
Ai đọc Bướm Trắng của Nhất Linh đều không quên một chi tiết nhà văn mô tả mối tình giữa Truong và Thu manh nha do mùi mồ hôi từ chiếc áo của cô gái. Thu đi khỏi phòng, bỏ trên giường chiếc áo đang khâu dở, Truong bèn cầm lên áp vào má và mũi chậm rãi hôn tưởng tượng như da thịt người con gái. Thu bất ngờ quay lại phòng thì thoáng thấy chiếc áo của mình trong tay Trương. Nàng vừa sợ hãi vừa sung sướng như chàng trai đang ôm mình vào lòng lần đầu tiên trong đời. Nàng lẳng lặng nhẹ nhàng bỏ đi. Mối tình nảy nở và hình thành từ đó, hai người trở thành của nhau, có lẽ từ mùi mồ hôi trong chiếc áo của Thu?
Ảnh: Bên tách cà phê.
Hương và mùi đi vào thơ ca và hình tượng văn học rồi chăng? Hương cà phê sinh sau đẻ muộn nhưng thật lãng mạn tiếp bước vào nếp sống văn hóa VN.
(*) Thi xã Mạc Vân của Tùng Thiện vương Miên Thẩm Cao Bá Quát xếp sau (mùi cá) con thuyền Nghệ An.