“Xin phép bác cho em hỏi 2 ý kiến, vì đọc các bài của bác, em nhận ra bác học trước 75, rất hay, em xin bác lúc nào rảnh rỗi bàn cho 2 điều: 1. Trong buổi học (Quốc văn) thì nhà trường có dành thời gian (tiết học) nào để giáo viên (giáo sư) tổ chức cho học sinh bàn về một cuốn sách không ạ? 2. Cái văn hóa còn lại cho đến nay của nền giáo dục VNCH trong tâm hồn người miền Nam đến nay cụ thể là gì ạ?( em muốn tìm để so sánh với bài của Trần Đình Hựu có dạy trong chương trình hiện nay). Cảm ơn bác nhiều!”
Tôi nhận được câu hỏi của một thầy giáo dạy văn cấp 3, bạn trên facebook như trên. Tôi xin trả lời thầy câu thứ hai, còn câu đầu tôi sẽ trả lời thầy qua messenger. Tôi có mấy ấn tượng về nội dung câu hỏi.
Trước hết, tôi nghĩ thầy được đào tạo bài bản trong môi trường giáo dục XHCN. Tìm hiểu một khía cạnh về nền giáo dục (bị xóa bỏ sau 1975) từng “song hành” với nền giáo dục miền Bắc là điều đáng hoan nghênh ở một thầy giáo trẻ, không để chính trị “yêu - ghét”, “địch - ta” chi phối suy nghĩ vốn tự do của con người.
Thầy hỏi tôi một câu rất khó trả lời, “Cái văn hóa còn lại cho đến nay của nền giáo dục VNCH trong tâm hồn người miền Nam đến nay cụ thể là gì ạ?”
Nếu tôi ca ngợi văn hóa còn lại của giáo dục VNCH là tốt thì có người sẽ chê bai, chửi bới tôi :“Cái chế độ của mày tốt sao lại thua chế độ tao?” Nếu tôi chê bai, phỉ báng cái văn hóa còn lại của giáo dục VNCH thì hóa ra tôi “ăn cháo đá bát”, “ăn gian nói ngược” à? Tôi sẽ nói đúng cảm nhận mình về câu hỏi thầy nêu ra.
Giáo dục VNCH hình thành không lâu, có thể từ 1955 đến 1975 trong hoàn cảnh chiến tranh. Do đó, ảnh hưởng văn hóa còn lại chưa hẳn đã hằn sâu trong tâm hồn những người sinh sống ở miền Nam trước đây. Tôi chỉ có thể trao đổi với thầy trên một góc hẹp từ cái nhìn cá nhân.
Tôi cảm nhận mình là “sản phẩm” văn hóa còn lại của giáo dục VNCH. Trước nay thầy đã đọc những bài viết từ “sản phẩm” này sinh ra. Tôi lấy mình ra làm ví dụ. Sống gần nửa thế kỷ trong một xã hội mới, ảnh hưởng của giáo dục xã hội cũ (ở miền Nam trước 1975) trong tôi khó mà không bị “nhạt nhòa” theo năm tháng gian lao. Tuy nhiên, có mấy cái tôi không thay đổi: trọng danh dự mình và suy nghĩ độc lập.
Giáo dục trung học chế độ VNCH không nhiều, không đa dạng, không “chuyên sâu”, nhưng nó cung cấp một nền tảng kiến thức cơ bản, cho một người đã “đỗ tú tài”: có thể ra đời để sống, đồng thời là bước đệm khi có điều kiện tiếp tục bậc học cao hơn.
Nhiều người cầm bằng tú tài đăng ký dạy các trường tư thục và người ta không hồ nghi chất lượng giảng dạy của họ. Họ tự đào tạo mình theo chuẩn mực bộ giáo dục đưa ra, không phải học chuyên tu hay tại chức: tự học để tự nâng cao mình trước khi dạy học trò, họ tự nguyện chứ không ai bắt buộc, kể cả nhà trường nơi họ dạy.
Giáo dục trung học giúp hầu hết những người ra đời sớm đều có thể tự học, tự rèn luyện mình, tự mình “lập thân” trên những nền tảng tiếp thu từ lớp 1 cho đến lớp 12. Thầy có thể thấy những người như thế trong đời sống thường ngày nếu có dịp tiếp xúc họ (bây giờ họ tầm 65 tuổi trở lên).
Bên ngoài như trong giao tiếp, thầy sẽ nghe “cám ơn” và “xin lỗi” là những câu họ sẵn sàng nói ra từ trong lòng, không phải là cửa miệng. Bên trong, danh dự luôn luôn là phẩm chất của họ. Họ có thể đánh mất cơ hội thăng tiến xã hội đôi khi vì không thể “hy sinh danh dự” như ton hót, luồn cúi, hay bợ đỡ cấp trên. Tôi có một bạn học là tiến sĩ (làm luận án hơn 20 năm trước), lẽ đáng sẽ lên phó viện trưởng hoặc viện trưởng một viện thuộc nông lâm nghiệp ở Sài Gòn, đành bỏ qua công tác ở một trường đại học, chuyển từ quản lý sang dạy học và hướng dẫn thạc sĩ. Anh ta thấy muốn đạt một vị trí “danh vọng” như thế, danh dự mình (tôi không đào sâu vì sao) cần phải “hy sinh”.
Một “thầy giáo VNCH”, bạn tôi, dạy trung học có kinh doanh photocopy (năm 1981, máy này khá đắt, khá hiếm) từ chối in thu nhỏ tài liệu của học sinh mang đến để giấu gọn vào phòng thi quay cóp, dù đó không phải là những học sinh ở trường anh dạy. “Tiền cũng cần nhưng tiền bỉ ổi từ gian lận thi cử, tao không cần” anh ta tâm sự với tôi.
Bản thân tôi có lần mang giấy tờ ra ngoài phô tô vì máy trong cơ quan bị hỏng. Phô tô xong, chủ tiệm hỏi tôi :“Chú cần viết hóa đơn bao nhiêu đây?”. Tôi thoáng ngạc nhiên, anh ta liền cười, “các vị khác trong cơ quan ra đây thỉnh thoảng cũng kê lên chút đỉnh kiếm tiền uống cà phê”. Những năm sau 1980 đời sống kinh tế khá khó khăn. Tôi cười và lắc đầu thầm nghĩ “tôi không phải như họ”.
Có thể ví dụ của tôi và của bạn tôi chỉ là cá biệt không trả lời đúng câu hỏi thầy nêu ra nhưng tôi nghĩ những người “có đến trường” như chúng tôi đều có một tính cách không khác nhau về mặt nhân cách: luôn tự trọng. Những người tầm tuổi như tôi còn sống rất nhiều ở miền Nam, thầy có thể kiểm chứng điều tôi nói khi có dịp tiếp xúc với họ, và đó là câu trả lời thực tiễn nhất. Chào thầy.