Ai cũng biết mấy chữ này, cụ Hồ Chí Minh đã nói khi dặn dò cụ Huỳnh Thúc Kháng lĩnh nhận trách nhiệm, thay mặt cụ ở nhà, trước khi qua Pháp dự hội nghị Fontainebleau. Chúng ta không bàn về ngữ nghĩa nhưng bàn về suy nghĩ, liệu lúc nào cũng phải “bất biến” để ứng phó với “vạn biến” hay không?
Trước hết, ta hãy xem vài sự kiện lịch sử để thấy việc có nên áp dụng, một cách kiên định, quan điểm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Hoạt động của vị tiền bối cộng sản Nguyễn Ái Quốc có thời gian rất bí mật. Cụ có trên 100 bí danh sử dụng từ khi qua Pháp, đi các nước, qua Trung Hoa, và 1943, về Việt Nam. Cụ đã áp dụng quy tắc “vạn biến” thành công, luôn thay tên đổi họ trong hoạt động cách mạng. Nếu đi đâu cụ cũng giữ(bất biến) cái tên Nguyễn Ái Quốc thì mật thám Pháp sẽ để cụ tự do được sao?
Lúc đối phó tình huống “một cổ hai tròng”, thực dân Pháp, và lực lượng giải giới Nhật của quân đội Tưởng Giới Thạch, từ vĩ tuyến 16 trở ra, cụ đã thay mặt chính phủ lâm thời ký “hiệp ước sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946”, trong đó có điều khoản gây tranh cãi, là VN được độc lập nhưng phải nằm trong liên hiệp Pháp, và đồng ý để quân Pháp thay quân Tưởng đổ bộ vào miền Bắc giải giáp quân Nhật; thành phần đảng phái không cộng sản lúc đó trong nội các chính phủ chống đối quyết liệt nhưng cụ vẫn cố thuyết phục họ đi đến đồng thuận.
Giải pháp của cụ rất khôn ngoan: tống ông Tàu về, chỉ còn mỗi ông Pháp dễ đối phó hơn, vì cụ đã ở Pháp, rất am hiểu người Pháp. Rồi tháng 11 năm 1946, cụ đã ký lệnh giải tán đảng Cộng sản Đông Dương, đổi tên thành hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin; ban đầu tổng bí thư Trường Chinh không chịu nhưng cụ đã giải thích tỏ tường tư tưởng “lùi một bước, để tiến nhiều bước”.
Hai việc làm trên của cụ đã thể hiện rất sát ý nghĩa của lấy “vạn biến” để ứng với “bất biến”. Nếu cứ “bất biến”, không “vạn biến”, cố chấp, không linh hoạt, phong trào cách mạng đâu có đi đến thắng lợi Điện Biên Phủ 1954.
Lịch sử thế giới gần đây cũng đã chứng minh phải lấy “vạn biến” để ứng phó với “bất biến”. Mao Trạch Đông đã không thay đổi “thế giới xã hội chủ nghĩa” là gì, khi ngả về Mỹ để chống lại Liên Xô, khởi đầu từ “ngoại giao bóng bàn”, gần 1 giờ nói chuyện với tổng thống Mỹ Richard Nixon, và đến thời “mở cửa”, Đặng Tiểu Bình đã thực hiện “mèo trắng, mèo đen, mèo nào cũng được, miễn mèo bắt được chuột”?(Khi giải đáp kẻ hỏi ông ta, đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản để theo chủ nghĩa tư bản hay sao). Những người cộng sản kiên định của Trung Hoa đã “vạn biến” ngoạn mục chứ còn chi nữa?
Nếu “bất biến” thì thế giới cộng sản bao la 1 tỷ 4 dân phải được trang bị cuốc xẻng đầy đủ để “đào mồ chôn” chủ nghĩa tư bản (tuyên ngôn cộng sản của Các Mác) chứ đâu có “sát cánh” cùng đế quốc đầu sỏ mà làm ăn buôn bán (nhưng nay đang “ngất ngư con tàu đi” với đòn “vạn biến” của Donald Trump đánh tan lập trường “bất biến” của Tập Cận Bình).
Xem ti vi thời sự thế giới thỉnh thoảng thấy tổng thống Putin…làm dấu thánh giá, trong những lễ trọng đại ở nhà thờ, như một tín đồ Công giáo (Nga theo Chính thống giáo nhiều); không ai ngờ một đảng viên cộng sản kỳ cựu, (từng nắm KGB tình báo hải ngoại của Liên Xô) lại “diễn biến, chuyển hóa” lạ đời như thế. Putin đã không “vạn biến” là gì?
Tóm lại, thế giới hiện nay đang biến chuyển khôn lường. Nếu có áp dụng những nguyên lý nào, hay chủ nghĩa nào, dẫu có cho là tốt đẹp nhất, vào cuộc sống của dân VN, cũng phải lưu ý một cái đơn giản nhất: Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong. (Thiên ở đây còn hàm nghĩa là quy luật vũ trụ)
“Bất biến” hay “vạn biến” cũng không nằm ngoài quy luật; cái nào mang lại lợi ích cho nhân quần xã hội thì áp dụng, một cách “kiến cơ nhi tác”(tùy cơ ứng biến, chẳng nên cứng nhắc mần chi).
( Xin có mấy lời: “Cãi” chút chơi, Quảng Nam mà, nhưng bài có đề cập đến nhân vật lịch sử VN, cả thế giới đều biết, hiện có chỗ đã đặt lên nơi thờ phượng, với sự tôn kính của một số người. Nếu có nhận xét, xin vui lòng tránh điều “cấm kỵ”. Và cũng đâu khác Thái Lan, có người đã ở tù vì đụng chạm đến nhà vua)