Saturday, February 3, 2024

WASHINGTON ĐANG CHUẨN BỊ CHIẾN TRANH SAI LẦM VỚI TRUNG QUỐC

Lời người dịch: Mỹ có vẻ không ngán chiến tranh. Tàu cũng vậy; họ muốn trắc nghiệm sức mạnh quân sự dày công xây dựng mấy chục năm nay. Nếu chiến tranh xảy ra, "ngoại giao cây tre" có chịu nổi bão tố giữa hai cường quốc ảnh hưởng nhất VN?

(Washington Is Preparing for the Wrong War With China).

Hoa Kỳ ngày càng nghiêm túc về mối đe dọa chiến tranh với TQ. Bộ quốc phòng Hoa Kỳ xem TQ là đối thủ chính, các nhà lãnh đạo dân sự chỉ đạo quân đội triển khai các kế hoạch chắc chắn để bảo vệ Đài Loan, và tổng thống Joe Biden mạnh mẽ ám chỉ Hoa Kỳ không cho phép đảo quốc dân chủ bị xâm chiếm.

Tuy nhiên, Washington có thể đang chuẩn bị cho một loại chiến tranh sai lầm. Các nhà hoạch định của bộ quốc phòng có vẻ tin họ có thể thắng cuộc xung đột ngắn ở eo biển Đài Loan bằng cách đơn giản ngăn chặn sự xâm chiếm của TQ. Về phần mình, các nhà lãnh đạo TQ hình dung các cuộc tiến đánh chớp nhoáng, gây tê liệt sức chống đỡ của Đài Loan, đặt Hoa Kỳ vào thế đã rồi (a fait accompli). Cả hai bên đều chuộng một cuộc chiến tranh nhỏ mà “hoành tráng”, nhưng đó không phải là thứ chiến tranh họ sẽ có.

Cuộc chiến tranh vì Đài Loan có lẽ kéo dài hơn là ngắn ngủi, mang tính khu vực hơn là cục bộ, dễ bắt đầu hơn là kết thúc. Cuộc chiến sẽ mở rộng và leo thang, cả hai nước đều tìm phương chiến thắng trong cuộc xung đột, hai bên không thể để thua. Cuộc chiến sẽ phơi bày ra những tình huống khỏ xử nghiêm trọng cho việc xây dựng hòa bình và có nguy cơ cao dẫn đến sử dụng nguyên tử. Nếu Washington không bắt đầu khởi sự phát động và rồi kết thúc, ngay bây giờ cái cuộc chiến kéo dài ấy, họ có thể đối mặt thảm họa khi tiếng súng bắt đầu nổ.

CUỘC THƯ HÙNG ĐANG HIỂN HIỆN

Chiến tranh Trung-Mỹ ở Đài Loan sẽ bắt đầu bằng một “chấn động”. Học thuyết quân sự TQ nhấn mạnh các cuộc tác chiến phối hợp sẽ “làm kẻ thù choáng váng bằng một cú đánh”. Trong hầu hết kịch bản đáng lo ngại, Bắc Kinh sẽ tấn công bất thần bằng tên lửa, dội lên không những tuyến phòng thủ của Đài Loan mà còn lên lực lượng không quân hải quân mà Hoa Kỳ tập trung ở một số căn cứ lớn tại Tây Thái Bình Dương.  TQ đồng thời sẽ tấn công mạng và tác chiến chống vệ tinh, tạo hỗn loạn, cản trở hiệu quả đáp trả của Hoa Kỳ hoặc Đài Loan. Giải phóng quân nhân dân (PLA) sẽ chớp lấy thời cơ, tiến hành tấn công, đổ bộ đường biển, đường hàng không, phủ đầu sức kháng cự của Đài Loan. Vào thời gian Hoa Kỹ bắt đầu sẵn sàng chiến đấu, thì cuộc chiến kể như hoàn tất.

Kế hoạch của Ngũ giác đài ngày càng xoay quanh việc ngăn chặn kịch bản này, bằng cách củng cố và phân tán sự hiện diện quân sự ở châu Á, khuyến khích Đài Loan bố trí những khả năng phi đối xứng có thể gây tổn thất cho kẻ tấn công là TQ, và triển khai năng lực ngăn chặn khả năng tấn công của PLA và đánh chìm các hạm đội xâm phạm. Hoạch định này dự đoán dựa trên giả định quan trọng rằng, những tuần, thậm chí những ngày, sớm chiến đấu sẽ quyết định một Đài Loan tự do cơ may tồn tại.

Tuy nhiên, bất kể cái gì xảy ra từ đầu thì cuộc xung đột hầu như không thể chấm dứt nhanh chóng. Hầu hết tất cả cuộc chiến giữa các cường quốc thường kéo dài hơn người ta tưởng kể từ thời xảy ra cuộc Cách mạng công nghiệp, bởi lẽ các quốc gia tân tiến có tiềm lực đánh nhau khi cả khi tổn thất nặng nề. Ngoài ra, trong các cuộc chiến tranh bá quyền – các cuộc đụng độ giành quyền thống trị giữa những quốc gia hùng mạnh nhất – hiểm nguy cao, và giá thất bại phải trả có vẻ rất đắt. Trong thế kỷ 19 đến 20, chiến tranh giữa các cường quốc -  cuộc chiến thời Napoleon, chiến tranh vùng Crimea, hai thế chiến– đều là những trận thư hùng đằng đẵng.

Nếu Hoa Kỳ quyết tâm đẩy lùi cuộc tấn công của TQ chống Đài Loan, Bắc Kinh không dễ quy hàng. Phát động cuộc chiến chống Đài Loan là canh bạc sống còn: chấp nhận thất trận sẽ đe dọa tính chính danh của chế độ và đe dọa luôn quyền bính của Tập Cận Bình. Thất bại cũng khiến TQ dễ thương tổn hơn trước mặt kẻ thù, phá hỏng giấc mơ làm chủ trong vùng. Tiếp tục một cuộc chiến cam go chống Hoa Kỳ sẽ là viễn cảnh không dễ chịu, nhưng bỏ cuộc khi TQ thoái lui còn tệ hại hơn.

Washington cũng ngả về hướng tiếp tục chiến đấu dù cuộc chiến không diễn ra thuận lợi. Giống Bắc Kinh, họ xem cuộc chiến về Đài Loan là cuộc chiến để thống lĩnh khu vực. Sự thật là, cuộc chiến có thể khởi sự bằng cái kiểu tấn công như Trân Châu Cảng vào các căn cứ Hoa Kỳ sẽ khiến cho quần chúng và lãnh đạo Mỹ tức giận không dễ dàng chấp nhận thua. Ngay cả Hoa Kỳ không ngăn nổi sức mạnh quân sự chiếm giữ Đài Loan, họ cũng không dễ dàng rút khỏi cuộc chiến. Bỏ cuộc chiến mà không làm tổn thất nghiêm trọng sức mạnh không quân và hải quân TQ ở châu Á sẽ làm tổn hại nặng nề danh dự của Washington, cũng như khả năng bảo vệ các đồng minh còn lại trong vùng.

Tuy nhiên, cả hai bên đều có khả năng duy trì cuộc chiến. Hoa Kỳ sẽ điều tàu chiến, máy bay, tàu ngầm ở khu vực khác, sử dụng quyền chỉ huy Thái Bình Dương ngoài khơi dãy đảo đầu tiên – chạy dài từ hướng bắc Nhật Bản tới Đài Loan và từ hướng nam của Philippines – thực hiện các cuộc tấn công liên tục vào lực lượng TQ. Về phía mình, TQ sẽ điều các lực lượng không quân, hải quân, tên lửa còn hoạt động để tấn công lần thứ hai, thứ ba vào Đài Loan, buộc lực lượng dân quân bờ biển và các tàu đánh cá tham dự chiến đấu. Cả Mỹ lẫn Trung có thể sống sót sau các cuộc chạm trán đổ máu nhưng chưa hắn kiệt quệ, và đẩy mạnh một cuộc chiến kéo dài và tồi tệ.

LỚN HƠN, LÂU HƠN, HỖN ĐỘN HƠN.

Cuộc chiến các cường quốc khi kéo dài sẽ lan rộng hơn, hỗn độn hơn, và khó kiểm soát hơn. Bất cứ xung đột nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng buộc hai nước huy động nguồn lực kinh tế cho chiến tranh. Sau những gì cứu vãn được ban đầu, hai bên sẽ cấp tốc thay thế vũ khí, tàu thuyền, tàu ngầm, và máy bay bị tổn thất khi mở màn cuộc chiến. Cuộc đua này đè nặng lên các cơ sở công nghiệp, buộc phải điều chỉnh kinh tế, phát động tinh thần dân tộc – hoặc thắt chặt chính quyền – nhằm huy động quần chúng ủng hộ cuộc chiến lâu dài.

Cuộc chiến kéo dài cũng sẽ leo thang khi các chiến binh tìm kiếm nguồn lực thúc đẩy mới. Các người hiếu chiến mở thêm mặt trận, lôi kéo đồng minh dự phòng vào cuộc chiến. Họ mở rộng hướng tấn công, không còn e dè về thương vong thường dân. Đôi lúc, họ công khai nhắm vào dân chúng, bằng cách đánh bom vào các thành phố hoặc phóng ngư lôi tiêu diệt tàu thuyền dân sự. Và họ sẽ phong tỏa đường biển, trừng phạt, và cấm vận để ép đối phương khuất phục. Một khi TQ và HK gần như tung ra mọi thứ theo ý muốn, cuộc chiến cục bộ có thể biến thành cuộc chiến toàn xã hội lan ra nhiều khu vực.

Chiến tranh mở rộng hơn đòi hỏi mục tiêu to tát hơn. Hy sinh càng lớn để chiến thắng thì thỏa thuận hòa bình cuối cùng càng tốt hơn để biện minh cho những hy sinh đó. Cái khởi đầu chiến dịch bảo vệ Đài Loan của Mỹ dễ dàng biến thành nỗ lực làm cho TQ không còn khả năng xâm lược bằng cách phá hủy hoàn toàn sức mạnh tấn công quân sự. Ngược lại, khi Hoa Kỳ giáng nhiều đòn thiệt hại lên TQ, các mục đích chiến tranh của Bắc Kinh có khả năng mở rộng tiện thể từ việc thu phục Đài Loan đến việc đánh bật Washington ra khỏi tây Thái Bình Dương.

Tất cả điều này khiến cho việc tìm kiếm hòa bình trở nên cam go. Việc mở rộng mục tiêu chiến tranh khép lại khoảng rộng ngoại giao cho một cuộc dàn xếp và gây ra nhiều tổn thất nhân mạng nghiêm trọng, đổ thêm dầu vào sự căm thù và lòng bất tín. Ngay khi lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc ngán ngẩm chiến tranh, họ vẫn phải cố chiến đấu để có một nền hòa bình hai bên chấp nhận được.

DẪN ĐẾN CHIẾN TRANH HẠT NHÂN

Chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ khác với các cuộc chiến tranh nước lớn trước đây ở phương diện cơ bản: cả hai đều có vũ khí hạt nhân. Điều này khiến họ do dự cuộc leo thang toàn diện, nhưng đồng thời, thật trớ trêu, sẽ tạo nguy hiểm vốn có ở một cuộc chiến kéo dài.

Ban đầu, cả hai bên cảm thấy thoải mái bắn đi vũ khí quy ước với niềm tin rằng kho vũ khí hạt nhân có thể che chắn họ khỏi bị đánh trả tan tác. Các học giả gọi cái này là “nghịch lý ổn định-bất ổn định”, theo đó, niềm tin mù quáng về răn đe hạt nhân sẽ đưa đến một cuộc chiến tranh quy ước toàn diện. Các bài viết về quân sự của TQ thường cho thấy PLA có thể xóa sạch căn cứ quân sự và hàng không mẫu hạm Mỹ ở Đông Á một khi kho vũ khí hạt nhân của TQ sẽ ngăn cản Mỹ tấn công vào lục địa TQ. Về phía kia, một số nhà chiến lược Mỹ kêu gọi đánh vào các căn cứ nội địa TQ ngay khi mở màn xung đột với tin tưởng sự vượt trội vũ khí hạt nhân của Mỹ tương tự sẽ ngăn cản TQ đáp trả.

Một khi chiến tranh xảy ra, nó dễ dẫn tới chiến tranh hạt nhân theo ba cách riêng biệt. Bên nào thua bên đó sẽ dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật – các đầu đạn sức công phá thấp có thể tiêu diệt mục tiêu quân sự không cần phải hủy diệt quê nhà đối phương – để lật ngược thế cờ. Đó là cách làm của Ngũ Giác Đài dự định ngăn chặn cuộc xâm lăng của Liên Xô vào trung đông trong chiến tranh lạnh, và đây là cái Bắc Triều Tiên, Pakistan, và Nga từng gợi ý làm nếu họ thua trận thời nay. Nếu TQ làm tê liệt lực lượng quy ước của HK ở Đông Á, Hoa Kỳ phải quyết định có nên cứu Đài Loan bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật đánh vào cảng biển, sân bay, hoặc hạm đội xâm lược. Đây không phải tưởng tượng: quân đội Mỹ đã phát triển tên lửa hành trình tấn công bằng tàu ngầm mang đầu đạn nguyên tử sử dụng cho những mục đích như vậy.

TQ cũng có thể sử dụng vũ khí nguyên tử để chớp lấy chiến thắng khi ở thế nguy hiểm sắp thua. PLA chú trọng vào việc mở rộng chưa từng thấy về kho vũ khí hạt nhân, và các quan chức quân đội từng viết TQ có thế sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chiến tranh quy ước đe dọa sự tồn vong của chính quyền hoặc kho vũ khí hạt nhân – chắc chắn trong trường hợp Bắc Kinh thua cuộc chiến ở Đài Loan. Có lẽ những tuyên bố không chính thức này chỉ là “đánh giặc miệng”. Tuy nhiên, không khó để tưởng tượng nếu TQ đối diện viễn cảnh thất bại nhục nhã, họ sẽ khai mào vũ khí nguyên tử (có lẽ vào hay gần căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ ở đảo Guam) để lấy lại lợi thế hoặc tạo tạo cú sốc cho Washington đi tới  ngừng bắn.                                

Khi xung đột kéo dài, một trong hai bên cũng có thể sử dụng vũ khí tối tân để kết thúc một cuộc chiến tranh tiêu hao. Trong Chiến tranh Triều Tiên, các nhà lãnh đạo Mỹ nhiều lần tính chuyện thả bom hạt nhân xuống Trung Quốc để buộc nước này chấp nhận ngừng bắn. Ngày nay, cả hai quốc gia sẽ có lựa chọn sử dụng hạn chế các cuộc tấn công hạt nhân để buộc đối thủ cứng đầu nhượng bộ. Cách làm này có thể rất mạnh, bên nào khai hỏa hạt nhân trước bên đó có thể giành ưu thế.

Con đường cuối cùng dẫn đến chiến tranh hạt nhân là sự leo thang vô tình. Mỗi bên, biết rằng leo thang là một rủi ro, có thể cố gắng hạn chế các lựa chọn hạt nhân của bên kia. Ví dụ, Hoa Kỳ có thể cố muốn đánh chìm các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc trước khi chúng ẩn náu ở vùng biển sâu bên ngoài chuỗi đảo đầu tiên. Tuy nhiên, một cuộc tấn công như vậy có thể khiến Trung Quốc rơi vào tình thế “sử dụng nó hoặc mất nó” đối với các lực lượng hạt nhân của họ, đặc biệt nếu Hoa Kỳ cũng tấn công hệ thống liên lạc và tên lửa đất đối đất của Trung Quốc, vốn xen lẫn giữa các lực lượng hạt nhân và quy ước. Trong kịch bản này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí hạt nhân của họ thay vì có nguy cơ mất hoàn toàn lựa chọn đó

TRÁNH MỘT MẤT MỘT CÒN

Không có cách nào dễ để chuẩn bị chiến tranh khi chiều hướng và động lực vốn không lường trước được. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và đồng minh có thể làm bốn việc để sẵn sàng đối phó – và, hy vọng là, ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra.

Thứ nhất, Washington có thể thắng cuộc đua “lên nòng súng”. TQ sẽ ít chọn đánh nhau nếu họ thấy mình vũ khí không vượt đối phương khi cuộc chiến kéo dài. Washngton và Đài Bắc vì thế nên mạnh dạn tích trữ khí tài và quân nhu. Về phía Hoa Kỳ, công cụ quan trọng là tên lửa có thể đánh chìm những chiến hạm, máy bay giá trị nhất của TQ, Về phía Đài Loan, vũ khí chủ đạo là tên lửa tầm ngắn, súng cối, mìn, súng phóng rốc két, tiêu diệt các đội tàu đánh chiếm. Hai nước cũng cần sẵn sàng phối hợp vũ khí mới trong thời chiến. Các xưởng máy Đài Loan sẽ là mục tiêu dễ nhất cho tên lửa TQ, do đó, Hoa Kỳ nên tranh thủ sức mạnh công nghiệp của các đồng minh khác. Chẳng hạn, khả năng đóng tàu của Nhật Bản được trang bị lại để sản xuất xà lan chở tên lửa đơn giản, nhanh chóng, đại trà.

Thứ hai, Hoa Kỳ và Đài Loan có thể chứng tỏ khả năng kiên cường của họ. Trong cuộc chiến tranh lâu dài, Trung Quốc có thể cố bóp nghẹt Đài Loan bằng phong tỏa, bắn phá nước này phải khuất phục hoặc đánh sập các mạng lưới điện và mạng viễn thông của Hoa Kỳ và Đài Loan bằng các cuộc tấn công mạng. Họ có thể sử dụng tên lửa siêu thanh, được vũ trang thông thường để tấn công các mục tiêu ở nội địa Hoa Kỳ và tràn ngập nước Mỹ với thông tin sai lệch. Chống lại các phương sách ấy cần đòi hỏi sự chuẩn bị phòng thủ, chẳng hạn, đảm bảo các mạng lưới quan trọng; mở rộng hệ thống địa điểm trú ẩn cho dân chúng Đài Loan; và mở rộng kho dự trữ nhiên liệu, thực phẩm và vật tư y tế của đảo quốc.

Phá vỡ chiến dịch bắt ép của Trung Quốc cũng đòi hỏi phải đe dọa Bắc Kinh bằng đòn trả đũa đích đáng.

Do đó, mục tiêu thứ ba là phải sẵn sàng chủ động leo thang. Bằng cách chuẩn bị phong tỏa thương mại Trung Quốc và cắt đứt thị trường, công nghệ của Bắc Kinh trong thời chiến, Mỹ và các đồng minh có thể đe dọa biến một cuộc xung đột kéo dài thành một thảm họa kinh tế đối với Trung Quốc. Bằng cách chuẩn bị đánh chìm các tàu hải quân Trung Quốc  bất kỳ nơi đâu ở tây Thái Bình Dương và phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc ở các khu vực khác, Washington có thể đe dọa quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc cả một thế hệ nay. Và bằng cách phát triển các phương tiện tấn công các cảng biển, sân bay và khu quân sự của Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, Hoa Kỳ có thể ngăn chặn Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân hạn chế. Washington nên đối đầu với Bắc Kinh bằng một mệnh đề cơ bản: chiến tranh càng kéo dài thì Trung Quốc càng phải gánh chịu nhiều tàn phá.

Bởi vì kiểm soát được leo thang sẽ là điều cần thiết, Hoa Kỳ cũng cần có những lựa chọn cho phép mình thực hiện các biện pháp trừng phạt mà không nhất thiết phải tăng cường bạo lực. Chẳng hạn, bằng cách chứng minh khéo léo rằng họ có năng lực an ninh mạng làm tê liệt cơ sở hạ tầng quan trọng và hệ thống an ninh trong nội địa Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể đe dọa đưa chiến tranh về tận Bắc Kinh. Tương tự, với sự cải thiện khả năng chế áp các hệ thống phòng không của Trung Quốc gần Đài Loan bằng các cuộc tấn công mạng, chiến tranh điện tử và vũ khí năng lượng trực tiếp, Hoa Kỳ có thể tăng cường quyền tự do hành động trong khi hạn chế mức độ tàn phá vật chất mà họ gây ra trên đất liền.

Bất kỳ động thái leo thang nào đều có nguy cơ làm gia tăng cường độ của một cuộc xung đột. Vì vậy, sự chuẩn bị cuối cùng mà Washington phải làm là xác định rõ chiến thắng. Một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc có vũ khí hạt nhân sẽ không kết thúc với việc thay đổi chế độ hoặc một bên chiếm thủ đô của bên kia. Nó sẽ kết thúc với một thỏa hiệp thương lượng. Cách giải quyết đơn giản nhất sẽ là trở lại nguyên trạng: Trung Quốc ngừng tấn công Đài Loan để đổi lấy cam kết rằng đảo quốc này sẽ không đòi độc lập chính thức và Hoa Kỳ sẽ không tán thành như thế. Để làm dịu thỏa thuận, Washington có thể đề nghị giữ các lực lượng của mình ở ngoài khơi Đài Loan và ngoài eo biển Đài Loan. Tập Cận Bình có thể nói với người dân Trung Quốc rằng ông đã “dạy” cho kẻ thù của mình một bài học. Hoa Kỳ lẽ ra đã cứu được một nền dân chủ có vị trí chiến lược. Đó có thể không phải là một kết thúc thỏa mãn cho một cuộc xung đột gay go. Nhưng trong một cuộc chiến lâu dài giữa các cường quốc, bảo vệ các lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ trong khi tránh được huyết chiến một mất một còn cũng đã tốt lắm rồi.

No photo description available.

Ảnh: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang hội đàm trực tuyến với chủ tịch TQ Tập Cận Bình, tháng 12 năm 2021. Jonathan Ernst / Reuters.

Bài của Hal Brands và Michael Beckley đăng trên FOREIGN AFFAIRS ngày 16 tháng 12 năm 2021. MICHAEL BECKLEY là Phó giáo sư Khoa học chính trị, đại học Tufts. Hal Brands  là giáo sư xuất sắc về Các vấn đề toàn cầu, trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins; nghiên cứu viên cao cấp tại viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Nguyễn Long Chiến dịch https://www.foreignaffairs.com/.../washington-preparing...