(Southeast Asia: China’s Long Shadow)
“MỌI CHUYỆN ĐỀU ỔN” là mấy chữ in trên áo thun của cô gái 19 tuổi Ma Kyal Sin – dân chúng gọi là Thiên Thần – ngày 3 tháng 3 năm 2021, ở Mandalay, một thành phố của Myanmar, không xa mấy TQ. Hàng trăm ngàn thanh niên Miến Điện tràn xuống đường phố, tiếp tục phản đối quân đội tiếm quyền một tháng trước đó. Cô tham gia cùng họ ở tuyến đầu, mong muốn bảo vệ những người bạn trước đà tiến quân của cảnh sát. Cô bị bắn chết phía từ phía sau. Chôn không mấy ngày, tập đoàn quân sự quật xác cô mang đi, lấy xi măng lấp lại huyệt mộ. Sau đó, chính quyền tuyên bố kết quả mổ pháp y cho thấy, đạn trong hộp sọ có thể từ súng của các người biểu tình. Tuy nhiên, lúc bị bắn, lưng cô hướng về hướng cảnh sát đang tiến tới.
Mọi chuyện chẳng ổn, ở Miến, thời gian sẽ không lâu. Cho đến đầu tháng 4, quân đội – gọi là Tatmadaw- do tướng Min Aung Hlaing cầm đầu, đoạt mạng sống chừng 400 người dân thường, chẳng có tội gì ngoài việc phản đối ôn hòa chế độ tiếm quyền tàn nhẫn. Đến giữa tháng 4 số người chết vượt quá 700.
Mọi chuyện cũng chẳng ổn ở cửa ngỏ bên kia là Thái Lan, một quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Bảy năm trôi qua từ cuộc đảo chính cuối năm 2014 – cuộc tiếm quyền thành công lần thứ 13 từ ngày lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế ở nước này năm 1932. Dù tổ chức lần chót năm 2019, cuộc bầu cử bị quân đội thao túng để họ duy trì sự cai trị của mình. Những người trẻ Thái liên tục biểu tình chống chính phủ từ đầu năm 2020.
Phía đông Thái Lan là ba nước đối mặt với TQ nhiều hơn ở lục địa ASEAN: Miên, Lào, Việt Nam. Nhà độc tài Hun Sen cầm quyền hơn 36 năm, một kỷ lục ở châu Á, chỉ có thua Ayatollah Khomeini, Iran. Tháng 3 năm 2021, một tòa án Campuchia tạo thế cho Hun Sen bằng cách kết án 20 năm tù dành cho chín đảng viên cao cấp thuộc đảng đối lập từng bị cấm hoạt động, tước hoàn toàn cơ hội họ lưu vong trở về nước.
Trên thực tế, Lào là vương quốc của đảng Cách mạng Nhân dân Lào thống trị hà khắc, với các lãnh đạo chuyên dập tắt đối lập, hạn chế quyền tự do, mạnh tay đàn áp xã hội dân sự muốn độc lập khỏi chế độ độc đảng. Ở Việt Nam, luật an ninh mạng khắc nghiệt khép tội những ai “tổ chức, hoạt động, âm mưu, khích động, mua chuộc, lường gạt hoặc lừa dối, lôi kéo, đào tạo, hoặc huấn luyện” nhằm “chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, trong khi vẫn hình sự hóa những hành vi mơ hồ như “gây rối”, “xuyên tạc lịch sử”, và “phủ nhận những thành quả cách mạng”. Thế nên cũng chẳng ngạc nhiên, Lào và Việt Nam xếp tuần tự 172 và 175 theo bảng xếp hạng của tổ chức Tự do Báo chí Quốc tế.
TƯƠNG PHẢN GIỮA VÙNG BIỂN VÀ VÙNG LỤC ĐỊA
Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam hình thành vùng cận lục địa Đông Nam Á. Lào và VN có chung biên giới với TQ. Các quốc gia còn lại – Philippines, Mã Lai, Indonesia, Singapore và Timor-Leste có tính chất bản đảo hay hải đảo, khá xa TQ. Theo thông lệ trong các nghiên cứu về Đông Nam Á, người ta phân biệt năm nước “đất liền” hay lục địa gần TQ khác với sáu nước “vùng biển” xa tít về phía Nam và phía Tây.
Địa lý và địa chất không giống nhau. Thuộc về 5 nước “lục địa”, chỉ 4 nước có bờ biển; riêng Lào không có. Tất cả quốc gia biển thì hoàn toàn là hải đảo hoặc một phần hải đảo. Chỉ có Mã Lai và Singapore là “tiểu lục địa” ở chỗ, họ ở vị trí cực nam của Đông Nam Á. Dự kiến, ba tuyến đường sắt trên bộ nối Malaysia và Singapore với Trung Quốc đại lục, nếu hoàn tất, sẽ nâng cao về mặt kinh tế, xã hội cái tính chất tiểu lục địa ấy. Đường sắt đi về phía nam từ Côn Minh, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, qua Miến, Lào, VN, đến Bangkok, Thái Lan, tiếp tục qua Mã Lai đến Singapore. Hoàn thành đường nối bắc-nam này là “ưu tiên một” trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Tập Cận Bình.
Nỗi sợ “lục địa hóa” – tức Trung Hoa hóa – dấy lên trong bối cảnh ấy. Sự có mặt của TQ hiện ra rất rõ trong các địa phương phía bắc Miến Điện và Lào, khi các khu kinh tế và văn hóa hình thành chung quanh, tràn ngập du khách và người nhập cư từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Người Tàu bản địa và Hoa kiều thống lĩnh kinh tế thành phố lớn thứ nhì của Myanmar, Mandalay, nơi cô gái Thiên Thần bị giết chết. Tiếng Quan thoại sử dụng rộng rãi tại đây. Nếu kế hoạch Vành đai và Con đường thành công, nếu lộ trình nam-bắc thiết lập và duy trì, xe cộ nườm nượp qua lại, vì lợi ích “hai bên cùng có lợi” (win-win) cho TQ và tất cả 5 nền kinh tế của ASEAN dọc đường đi, thì Bắc Kinh sẽ bành trướng ảnh hưởng ra khắp vùng.
Không phải “muốn” là “được”. Kinh tế thế giới suy trầm hơn 4% trong năm 2020. Kiến thiết hạ tầng đắt đỏ, lợi ích mang lại xa vời. Với nội dung khác nhau bởi nhiều nước khác nhau, sự nối kết viễn tưởng trở thành tai ương mang đến Covid-19, khi các chính phủ đóng cửa biên giới, hạn chế sự xâm nhập của vi rút và biến thể của nó. Năm 2019-2020, nhịp độ vay vốn của nước ngoài từ các ngân hàng TQ chậm lại, và chi tiêu vào các đại công trình trong sáng kiến BRI chưa bao giờ xuống mức thấp như thế. Kế hoạch 5 năm của TQ kêu gọi “hai dòng tiền” để đáp ứng nhu cầu vay vốn trong nước và từ quốc tế nhưng chỉ có kinh tế trong nước được ưu tiên.
Điều đó nói lên, tăng trưởng kinh tế TQ năm 2021 có thể đạt 8%, do đó, sẽ hâm nóng chiến dịch tạo uy thế ở vùng “lục địa” ASEAN. Ví dụ, tại Lào, các ngân hàng cho vay táo bạo và nhóm chóp bu tham nhũng đã khiến đất nước này mắc nợ, đến mức độ, việc xuất khẩu điện sinh lợi dồi dào sớm bị TQ kiểm soát. Là một nước ASEAN nghèo nhất, Lào cần các khoản thu đó. Kiểm soát chi phối mạng lưới điện cao thế sẽ cho Bắc Kinh một đòn bẩy họ sử dụng, để chắc chắn biến Lào thành bạn “đồng sàng” với TQ.
Bằng minh họa trường hợp Lào đối mặt với TQ, sự phân chia quyền lực chuyên chế ở Đông Nam Á có chiều hướng gia tăng chia rẽ vùng lục địa-vùng biển. Một quan chức của tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận xét, năm 2015: “Người ta nói nhiều năm rồi, ASEAN là câu lạc bộ của các nhà chuyên chế”.
Nhận định đó không phải là nói vống lên. Theo Freedom House, 6 trong 10 nước thành viên ASEAN là “Thiếu tự do”: Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, và Việt Nam. Theo đánh giá đó, phân nửa ASEAN là chuyên chế, và 6 trong các thành viên toàn trị thì có 5 nằm ở phần lục địa. Chỉ có nước bé nhỏ chuyên chế Brunei thuộc biển, một chế độ quân chủ tuyệt đối bên bờ biển Borneo. Bốn nước ASEAN còn lại – Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore – tất cả đều sát biển, xếp hạng “Hơi tự do”. Nước lẻ loi “Tự do” Timor-Leste, tiếp cận lãnh thổ ba nước khác, đang muốn gia nhập ASEAN.
Mô tả thô thiển như sau: Một, Đông Nam Á “lục địa” thì chuyên chế. Hai, Đông Nam Á thuộc biển thì dân chủ một phần – nằm giữa hoặc hỗn hợp phản ảnh cân bằng giữa hai quốc gia nhỏ nhất liên quan tới biển, xét về số dân, là Brunei chuyên chế và Timor-Leste dân chủ. Ba, các thành viên ASEAN nghiêng về toàn trị là 6/10, 4/10 dân chủ một phần, 0/10 dân chủ. Tất cả theo xếp hạng của Freedom House.
MỤC TIÊU CỦA TRUNG QUỐC: ỔN ĐỊNH TRÊN HẾT
Làm thế nào TQ và ý muốn của họ được đưa vào so sánh sau đây? Vị trí địa lý là số mệnh? Tập Cận Bình và các cố vấn muốn đối tác của họ suy nghĩ như thế. Hãy xem xét đề xuất của Bắc Kinh cho một “Cộng đồng chung vận mệnh ASEAN-TQ (ASEAN-China Community of Common Destiny). ‘Cộng đồng chung vận mệnh” thể hiện sự đồng cảm, giả định, hay ý muốn thôn tính hoặc ở chiếu trên của TQ? Bắc Kinh muốn các nước láng giềng ASEAN coi ý tưởng chia sẻ một cộng đồng như là minh chứng bảo đảm TQ thực lòng quan tâm đến họ, đến khu vực, nhiều hay ít và như thế nào. Nhưng vận mệnh chung sẽ phá tan những viễn cảnh và những mục đích khác nhau. Nếu vận mệnh của TQ là duy trì chế độ độc tài độc đảng dưới một lãnh đạo trọn đời, Bắc Kinh có muốn lấy vận mệnh ấy áp lên phần còn lại là ASEAN? Họ có cố “lục địa hóa” toàn khu vực bằng cách củng cố sự cai trị từ trên áp xuống ở phần ASEAN “Thiếu tự do”, đồng thời buộc các nước “Tự do một phần” trở thành “Thiếu tự do”?
TQ không thể truyền cái chuyên chế lên các láng giềng theo ý nghĩa ý thức hệ. “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ” là mớ hổ lốn không xuất khẩu được- chỏi nhau trong lý thuyết, ngẫu nhiên (contingent) trong thực tiễn, và khu biệt (parochial) ngay trong tên gọi. Giống ứng viên muốn chu du khỏi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà chẳng có chân. TQ cũng không dựa vào việc biến con người ở Đông Nam Á trở thành những hâm mộ trung tín cho một mô hình TQ. Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng quyền lực mềm và khuyến khích các láng giềng của họ thừa nhận và tự nguyện tham dự vào vòng ảnh hưởng khu vực của họ. Các nước ASEAN, nói chung, đã là đối tác thương mại lớn nhất của TQ và ASEAN sẽ là đối tác hàng đầu khi chuỗi cung ứng phát triển và ngược lại. Nhưng nếu ngoại giao cộng đồng và gắn kết kinh tế thất bại thì chính cái chủ nghĩa định mệnh, chứ không phải chủ nghĩa cộng sản, là cái mà Bắc Kinh đặt cược.
Nói trắng ra, hy vọng của Tập Cận Bình là các nước láng giềng sẽ nhìn vào bản đồ mà chùn bước. Vì sao? Tại vì, như nhà ngoại giao hàng đầu hiện nay, ông Dương Trì, tuyên bố với các đồng cấp ở ASEAN năm 2010: “TQ là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ, đó là sự thật”. Làm như nước lớn TQ đang phủ dụ các nước láng giềng bé nhỏ: vận mệnh chung của chúng ta là trải nghiệm và chấp nhận sự khác biệt với nhau, bởi vì chúng tôi và các anh, vận mệnh an bài không bình đẳng, dù các anh có muốn hay là không muốn. Lấy ví dụ Biển Đông. Chúng tôi – nước CHNDTH – luôn được định sẵn để thâu tóm tất cả nguồn nước biển, dựa trên chủ quyền của TQ “hình thành hơn hai ngàn năm trước”, theo lời họ Dương, năm 2016.
Biển Đông không phải là lãnh thổ “đệm” của quốc gia nào (lebensraum). Biển Đông được Bắc Kinh coi như kiểu nước Đức (quốc xã) xem Ba Lan hồi tháng 8 năm 1939. Thế mà, TQ của Tập Cận Bình liên tục chế tạo ra cái vận mệnh đặc sắc Trung Quốc trong cái trung tâm hàng hải ASEAN bằng cách chế tác ra “cái đương nhiên” trên vùng biển mà người vùng Đông Nam Á không thể đảo ngược. “Cái sự đương nhiên” ấy gồm việc cưỡng chiếm các thực thể đất đai các nước ở vùng biển ASEAN tuyên bố chủ quyền. Họ biến các thực thể này thành căn cứ quân sự, từ nơi này họ có thể răn đe cả khu vực. Việc gài bẫy xung đột trên biển, hay gần như xung đột, vây hãm, “lấy thịt đè người” nhằm ngăn người Đông Nam Á không đánh cá hay không khai thác được dầu khí dưới lòng biển, ngay cả trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, tất cả đều vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển.
Bắc Kinh kỳ vọng, một ngày nào đó, sự kiểm soát của mình lên Biển Đông và những thực thể đầy súng đạn ở đó, sẽ là “cái đương nhiên” mà các nước ASEAN phải chấp nhận; sức của họ không sánh nổi với sức của Tàu sẽ khiến cho họ, chẳng còn lựa chọn nào ngoài chuyện phải khấu đầu (kowtow). Thay vì cố cấy vào vùng ĐNA chủ nghĩa chuyên quyền qua hình ảnh TQ, Bắc Kinh chọn cách khuyến dụ chủ nghĩa định mệnh ở ASEAN, cùng với nó là sự cam chịu và thụ động tuân phục vì sự thiết thân mà ra.
Mặc dù mô hình chính trị TQ là toàn trị, Tập không phải là người truyền bá cái chế độ chuyên quyền ra Đông Nam Á. Nếu đã tuyên bố như thế, TQ của Tập sẽ phá sản về mặt ý thức hệ. Họ chẳng còn chút dự trữ ý tưởng nào dùng để thuyết phục thế giới rập theo học thuyết của mình. Nếu là lời khuyên xuất khẩu được, cái công thức mà Bắc Kinh thể hiện – hợp thức hóa chế độ bằng thành tích kinh tế - sẽ thực dụng hơn ý thức hệ. Tuy nhiên, có ba cách mà chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở Đông Nam Á ảnh hưởng, và bị ảnh hưởng, bởi tính cách chuyên chế hơn của đại lục ASEAN so với các quốc gia thành viên ven biển.
Ba tác động phản dân chủ gồm: xu hướng ổn định từ trên xuống dưới của TQ; chuộng khoa trương ra ngoài với các đối tác trọng nể hàm ơn mà không bị chống đối bên trong cản trở; và hiệu quả của việc hợp tác từ trên xuống với người quyền uy duy nhất thay vì phải đối phó với nhiều tác nhân từ dưới lên trong một đất nước dân chủ.
Thứ nhất, sự ổn định: Khi tìm cách ảnh hưởng láng giềng và thế giới bên ngoài, TQ của Tập có thể không minh định ý thức hệ. Nhưng Bắc Kinh thích ổn định. Khi Adam Przeworski mô tả dân chủ như là sự “bất định được thể chế hóa”, ông chú ý đến hiệu quả tiềm tàng của nó. Tính khó dự báo kết quả bầu cử trong một thể chế dân chủ tỏ ra ổn định, ở chừng mực, khi thúc đẩy một ứng viên thất cử không quay lưng với thể chế mà còn muốn tranh cử lần nữa. Cơ hội thắng cử - sự bất định tích cực – có thể bảo đảm thành công lần thử thách khác.
Sự bất định thể chế là “lời nguyền” đối với mô thức của Tập về đảng CSTQ. Ở đại hội đảng lần thứ 20 vào năm 2022, đương nhiên, ông ta sẽ thành lãnh tụ suốt đời. Và có thể không xảy ra điều đó. Nhưng nếu xảy ra và nền kinh tế TQ vẫn phát triển, quyền lực và thẩm quyền dự kiến của đảng CSTQ sẽ đem lại sự ổn định thể chế mà chế độ độc tài rất cần – hoặc cho là cần- cho sự sống còn. Cho đến nay, trong khi tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và ngăn trở có hệ thống xã hội dân sự ở TQ chí ít ngăn cản việc viện đến một Thiên An Môn đẫm máu khác. So sánh một cách khái quát, sự đàn áp có hệ thống ở Lào, Campuchia, Việt Nam, đã giúp củng cố các chế độ độc tài cho đến bây giờ. Niềm tin của Bắc Kinh vào sức mạnh vững vàng của ổn định thể chế khiến việc đối phó với những kẻ bất đồng chính kiến không gặp trở ngại là một lựa chọn hợp lý cho mình.
Hãy xem xét Myanmar. Với lợi ích kinh tế và chiến lược của Bắc Kinh trong việc sử dụng quốc gia này làm trạm dừng để Trung Quốc tiếp cận nhiều hơn vùng Ấn Độ Dương, Tập có lẽ bực dọc khi tướng Min Aung Hlaing làm Myanmar trở nên bất ổn và khó lường. Chế độ của vị tướng này vốn không thân TQ. Nhưng có lẽ Bắc Kinh tính toán chọn lựa dân chủ thay cai trị quân sự sẽ gây nguy hiểm cho vị thế của TQ, thậm chí nhiều hơn. Trong những ngày liền sau quân đội tiếm quyền, Bắc Kinh thậm chí không thừa nhận xảy ra đảo chính và chỉ gọi đó là “sắp xếp nội các”, và ngăn cản Hội đồng Bảo an LHQ không được chỉ trích những gì đã xảy ra. Bên trong Myanmar, các cuộc nổi dậy chống TQ xảy ra liền sau đó lên án tin lan truyền TQ khuyến nghị đảo chánh do chính bản chất chuyên chế và đường hướng của họ. Những lời đồn đoán có vẻ không có cơ sở. Nhưng sự thật, đồn đoán lan truyền trong các đối thủ có đầu óc dân chủ của tập đoàn quân phiệt củng cố suy nghĩ rằng cai trị bằng quân đội theo ý thích Bắc Kinh.
Thứ hai: Sự nể vì. TQ của Tập ham mê ca tụng. Các nhà ngoại giao “chiến lang” TQ ở Đông Nam Á không ngại ngùng thúc giục, và từ đó, ngầm yêu cầu những người hàm ân TQ, như vắc-xin cho nước sở tại dung chống Covid-19, công khai cám ơn lòng quảng đại của TQ – họ rất thích từ ngữ khen ngợi ngập tràn. Ở nước dân chủ, đề cao phẩm giá cá nhân hơn là tôn kính cấp bậc và sự biết ơn bắt buộc, việc “cúi đầu” không hề phổ biến. Ngược lại, dưới chế độ chuyên chế, việc xu nịnh bắt buộc có thể là bình thường và do đó dễ dàng thực hiện hơn để làm hài lòng nhà tài trợ nước ngoài cũng chuyên chế, những người có thể hoan nghênh và khuyến khích sự tôn vinh đó như là bằng chứng cho sự phục tùng cung cúc.
Việc Bắc Kinh thích giao thiệp với các nhà lãnh đạo quen trung thành và ca ngợi cho thấy rõ đường lối của TQ là lên án và trừng phạt những ai ở các nước dân chủ chỉ trích và từ chối sự kiểm duyệt của TQ. Giảm thiểu nguy cơ chọc giận Bắc Kinh có thể là một lý do để hạn chế tự do ngôn luận ở các nước sở tại. Nhìn lại quá khứ, nhìn tới tương lai, lịch sử TQ, một đế chế tự phụ, và sự đeo đuổi của Tập - “hồi sinh” hào quang quá khứ, trước “thế kỷ tủi nhục” vì đế quốc – chẳng có lợi cho việc so sánh một quốc gia phương Tây trên cơ sở bình đẳng với các quốc gia khác.
Thứ ba và cuối cùng: hiệu quả. Nếu TQ chuyên chế là một sản phẩm không cần nhiều tiến triển, trong lúc xã hội dân chủ đảo ngược các ưu tiên đó, thì cái lý đúng là, các nhà hoạch định chính sách TQ có thể, các thứ khác thì như nhau, ưa chuộng giao hảo với các lãnh đạo quốc gia chuyên chế, có thể làm được việc, chẳng bao giờ màng việc thế nào. Làm như vậy sẽ khiến ngoại giao của TQ đơn giản đi. Trong khi ở các nền dân chủ thì cần phải tính đến nhiều tác nhân hơn, cả chuyện nhiều người chỉ trích TQ mà thế mạnh của họ là ngôn luận được bảo vệ.
ĐÁNH LUI, NHÌN TỚI
Cách cắt nghĩa cấu trúc xác định về ảnh hưởng của TQ ở Đông Nam Á – về tầm vóc, cận kề, nền kinh tế “nam châm” – bỏ qua hành vi ngẫu nhiên của con người: khả năng của người dân, của các lãnh đạo, đặt vấn đề và từ chối lệ thuộc vào các điều kiện, hoàn cảnh có quá nhiều lợi thế của TQ. Có lẽ buồn cho Bắc Kinh là cái khả năng, thể hiện quá rõ trong tư duy ở những người tầng lớp ưu tú Đông Nam Á, những người dõi theo và có ảnh hưởng các vấn đề đối ngoại của quốc gia họ. Các quan điểm của các chuyên gia này được đưa ra hằng năm trong các cuộc khảo sát của viện ISEAS-Yusof Ishak, một Think-Tank ở Singapore. Bằng chứng ghi nhận số liệu cho thấy bất tín nhiệm gia tăng đối với TQ, trái lại, ngày càng tăng tín nhiệm cho Hoa Kỳ.
Theo khảo sát năm 2018, những người ưu tú này lại thiếu tín nhiệm cả Tàu lẫn Mỹ mức độ ngang nhau. Vào năm đó, 52% không tin rằng TQ sẽ “thực hiện đúng đắn” các sự vụ quốc tế, trong khi 51% cũng nói tương tự về Hoa Kỳ. Nhưng trong 2019 - 2020, với cả hai nước. các con số đều giữ như nhau và có phần bất lợi về phía TQ.
Qua năm 2020, 63% các người được hỏi ở Đông Nam Á không tín nhiệm TQ, so với 31% không tín nhiệm Hoa Kỳ. Nếu sự thay đổi ấy có vẻ kỳ quặc vì thái độ thất thường do tác động của Donald Trump, thì cần lưu ý rằng khảo sát 2020 thực hiện cuối nhiệm kỳ tổng thống, và câu hỏi về cái mà người ta kỳ vọng Hoa Kỳ và TQ có thể thực hiện trong tương lai. Hy vọng của TQ về các láng giềng trung thành nhận một đòn giáng mạnh trong các câu trả lời đối với câu hỏi liệu các nước ASEAN có buộc phải chọn bên giữa hai cường quốc đang cạnh tranh, thì họ sẽ ở về bên nào. Mặc dù có 39% người được hỏi chọn TQ thì có tới 62 % chọn Hoa Kỳ.
Ý kiến thì dễ thay đổi. Sự tín nhiệm đối với TQ và Hoa Kỳ sẽ biến động song song với biến động trong tương lai. Dù nghiên cứu khảo sát ở trên cho thấy TQ không đáng tin, nhưng các người theo chủ nghĩa bành trướng ở Bắc Kinh có thể thoải mái với với dữ liệu khảo sát về nhận thức của các quốc gia Đông Nam Á về quyền lực tương đối là chuyện đương nhiên, gạt qua bên sự bất tín. Được hỏi năm 2020, nước nào, tổ chức nào ở khu vực (như ASEAN hay EU) là siêu cường kinh tế ảnh hưởng nhất ở Đông Nam Á, 76% nói TQ. Chỉ có 7% nêu tên Hoa Kỳ. TQ lại thắng, dù chưa cách biệt áp đảo, khi cùng câu hỏi ấy đưa ra về ảnh hưởng chính trị và chiến lược. Việc TQ có ảnh hưởng nhất các mặt vừa kể thu về 49% đồng ý, so với 30% số người nghĩ Hoa Kỳ hợp với mô tả đó. Kết quả là, khảo sát vô tình hợp lý hóa việc TQ nuôi dưỡng chủ nghĩa định mệnh an bày (acquiescent) ở Đông Nam Á – vận mệnh hơn cơ hội, chính trị thực dụng hơn chính trị lý tưởng (destiny over opportunity, realpolitik over moralpolitik) – lợi thế nghiêng về Trung Quốc.
Với hoàn cảnh như thế, nước Mỹ phải làm gì? Thứ nhất, hoàn chỉnh thế trận an ninh Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, chú ý phù hợp với thay đổi mạnh mẽ của TQ – hợp tác kinh tế. Thứ hai, mở rộng và làm sâu sắc thêm cam kết xã hội dân sự về các trọng điểm tương đối lợi thế của Hoa Kỳ là giáo dục chất lượng cao và dịch vụ y tế. Thứ ba, hợp tác với các cường quốc bậc trung, như Nhật Bản, giúp đáp ứng nhu cầu của Đông Nam Á về xây dựng hạ tầng thông qua mua sắm cạnh tranh, minh bạch tài chánh, phương sách chống tham nhũng. Thứ tư, với mức độ có thể và hữu ích, duy trì tiếp xúc, ủng hộ chính phủ đoàn kết quốc gia chống quân phiệt của Myanmar đang lưu vong, chí ít vì mục đích cứu trợ nhân đạo, và tiếp tục trừng phạt chính quyền Min Aung Hlaing. Thứ năm, xúc tiến thành lập liên minh các quốc gia sẵn sàng tuyên bố không một quốc gia nào có quyền kiểm soát Biển Đông.
TQ không hẳn tiếng tăm, ít hơn hay nhiều hơn, đáng kể hoặc liên tục, ở Đông Nam Á lục địa hơn là vị trí của họ ở các nước vùng biển trong khu vực. Lấy ví dụ, bất tín TQ nhiều nhất là ở VN “lục địa” và ở Philippines “biển đảo”, do nhiều lý do khác nhau. Việt Nam không quên lịch sử chống ách cai trị Trung Hoa và căm thù hành vi bắt nạt hiện nay ở Biển Đông. Hành động bắt nạt này cũng khiến người Phi phẫn nộ, lịch sử hậu thuộc địa của họ có xu thế, với những ngoại lệ, can dự việc “sống chung” với Mỹ. Nhưng sự hiện hữu “chiếc áo cơ chế” bó buộc (chữ tiếng Anh: straitjacket, loại áo dành cho tù để dễ trói tay họ- ND) với cách hiểu TQ, trung tâm của “vận mệnh chung”, hàm ý rõ ràng trong những nước sống gần TQ, từ đó, khó có khả năng phớt lờ cái ông hàng xóm khổng lồ, hống hách, và hay bắt bẻ.
Trung Quốc không cố tình truyền bá chế độ chuyên chế ở Đông Nam Á. Quan hệ của họ với láng giềng có động cơ lợi ích hơn là động cơ ý thức hệ. Tuy nhiên, với ngoại lệ rõ ràng về Việt Nam, người ta có thể hình dung ra một sự cộng sinh độc tài các thứ phát triển giữa TQ chuyên chế và các chế độ độc tài vệ tinh dọc theo biên giới phía nam TQ. Myanmar có thể thành một trường hợp thử nghiệm trong bối cảnh này. Nếu chính quyền quân sự đàn áp đối lập, nếu ASEAN chẳng cảnh cáo thành viên giết người, và nếu sự phẫn nộ của phương Tây đẩy tập đoàn quân phiệt vào vòng tay TQ, thì sự lớn mạnh phạm vi ảnh hưởng của TQ, dựa vào toa rập độc tài, ngày nào đó sẽ chặt nhỏ ASEAN ra từng mảnh tùy theo vị trí địa lý của họ.
Tuy nhiên, sự can đảm của liệt nữ “Thiên Thần” Ma Kyal Sin và đồng bạn của cô ở Myanmar, sự dũng cảm của các bạn cùng lý tưởng ở Thái Lan đang phản đối lại chính quyền quân phiệt của chính họ, niềm bất tín dâng cao về những mưu đồ của TQ ở khu vực sẽ làm tan đi, ít nhất trong thời điểm hiện nay, cái tương lai bớt độc đoán và bớt lệ thuộc đối với Đông Nam Á. Sự bất ổn của chế độ toàn trị không phải là tập hợp những cái tự mâu thuẫn. Ổn định và thịnh vượng trong nước của chính TQ không phải được bảo đảm. Quyền lực mềm của họ giảm sút là có thật, và sự lấn lướt dưới thời Tập Cận Bình có thể tiếp tục chứng minh những hồ nghi của Đông Nam Á về ý đồ thật của họ. Trong những tháng và những năm sắp tới, các nhân tố lớn bên ngoài – Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước khác – có thể cộng tác với các nước Đông Nam Á muốn tự do, làm chậm bước đi của ông Ngáo Ộp Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á. Vận mệnh của ngay những nước chưa dân chủ ở Đông Nam Á không phải – chí ít là chưa – được quyết định ở Bắc Kinh.
DONALD K. EMMERSON, Bài nghiên cứu trên Tạp chí Democracy của đại học Stanford, Mỹ. Nguyễn long Chiến dịch từ https://l.facebook.com/l.php...