Bầu là tên của một con trâu, cha tôi nuôi nó từ nhỏ; mẹ nó có tên Dảnh. Tôi không rõ, trâu Dảnh dấu hỏi hay dấu ngã nhưng nó có cặp sừng không cân phân. Nông dân đặt tên cho trâu như cho người. Cha tôi giải thích, không phải sừng nó khuynh tròn, mà đặt nó tên Bầu. Ông nói, Bầu rất hay. Người ta hay gọi bầu trời hay bầu sữa mẹ. Trời thì rộng bao la, mẹ thì yêu thương vô lượng. Khi cày, kéo, chỉ cần gọi tên là trâu sẽ nghe lời. Tôi không rõ, con vật có ích như heo lại không được đặt tên. Có lẽ “ăn như heo” là tính xấu, hay tuổi đời con heo quá ngắn, chẳng ai đặt tên cho một loài lấy thịt, hầu như là món gắn bó đời sống người Việt, có thể cả ngàn năm.
“Con trâu là đầu cơ nghiệp” vào thời kinh tế phát triển nhờ cây lúa. Trâu Bầu góp công rất nhiều cho cơ nghiệp của cha mẹ tôi. Trâu Bầu sinh ra trước tôi. Khi 6,7 tuổi tôi mới chú ý khi nó cần mẫn, gần như cả đêm, đi quanh trên đống rơm có lúa hạt, trong ngôi nhà ngang cạnh nhà trên của cha tôi. Thỉnh thoảng, bác thợ xảy rơm mang một cái rổ có lót một ít rơm chạy đến con trâu khi nó dừng lại và ngỏng đuôi lên. Con Bầu cũng đi vệ sinh. Nhưng khi buồn tiểu, Bầu cũng dừng lại, ngỏng đuôi, lần này sẽ là một cái thùng thiết mang đến.
Cho đến bây giờ, 60 năm sau, tôi vẫn không hiểu tại sao, người ta biết khi nào trâu đại tiện, khi nào tiểu tiện, để mang đúng dụng cụ vệ sinh đến. Ngày nay, các máy gặt đập liên hợp thay thế nhiệm vụ nặng nề của những con trâu chăm chỉ thời xưa. Chẳng gặp cảnh trâu đạp lúa, để tôi hỏi cho ra lẽ.
Có lẽ gần gũi nhau hàng chục năm, cha tôi rất hiểu tính khí con Bầu, và con Bầu cũng hiểu tính khí cha tôi. Khi có kẻ ăn người ở trong nhà, con Bầu giao cho người khác giữ, cày bừa, đạp lúa, và cha tôi luôn dặn dò họ không được đánh nó, vì nó chẳng lì như trâu. Ngày xưa người ta hay sử dụng một cây roi mây, dài hơn một mét, nhỏ như chiếc đũa ăn, có chừa phần gốc, gốc mây, lớn như ngón tay cái, rất cứng, gọi là “củ trối”. Khi cày bừa, chiếc roi này “hoạt động” liên tục.
Nếu để ý, trâu đang cày, bừa, hay bộng (ban cho phẳng mặt ruộng để nước ngập đều), tiếng vun vút của roi mây và tiếng la hét trâu của người nông dân đều đều xen kẽ nhau. Đánh nhiều quá, trâu hóa liều, roi sau phải mạnh hơn roi trước, trâu mới có thể tuân lời. “Lì như trâu” sẽ xảy ra khi trâu bị bắt làm việc quá sức, thời tiết quá nóng, sự tức giận của người điều khiến quá nhiều. Lúc lì ra, trâu sẽ bị ăn roi quyết liệt, lần này, gốc roi không phải để cầm; gốc roi biến thành ngọn roi. Tiếng bốp bốp vang lên, củ trối đập mạnh vào xương lưng, xương đùi của trâu, hẳn là đau thấu xương.
Trâu Bầu của cha tôi không cần roi nhưng vẫn làm việc theo ý người điều khiển nếu họ hiểu ý nó. Và khi chuyển giao “quản lý”, vị trai cày cho cha đều nghe rõ diễn giải cặn kẽ của cha tôi về “tính khí” con Bầu. Tuy roi vẫn còn sử dụng nhưng cha tôi yêu cầu không được dùng để đánh con Bầu thân thiết của cha.
Từ khi ra riêng (lúc 40 tuổi) với vài ang gạo bà nội tôi “cấp” (ang tương đương 10 lít), cha tôi xây nhà, mua ruộng, nuôi cả gia đình, sau này cho chúng tôi ăn học. Cơ nghiệp ấy có công sức của con trâu Bầu. Con Bầu sống như thành viên trong gia đình tôi.
Mùa nông nhàn trâu thường ở nhà. Thỉnh thoảng, tôi lén chạy ra chuồng trâu, trèo qua hàng rào bằng thanh gỗ, để leo lên lưng con Bầu – cỡi trâu cho thỏa thích. Cha tôi không cho tôi được tiếp xúc với con Bầu cũng nhưng hai đứa con của nó, “một thanh niên, một thiếu nhi”. Ông sợ chúng húc vào người, nếu tôi lớ ngớ chòng ghẹo chúng.
Ngồi trên lưng con Bầu, hai chân thõng xuống, thỉnh thoảng, bắt chước người cỡi ngựa, tôi thúc gót chân mình vào hông nó. Bầu phản ứng bằng cách thở thật to, mấy tiếng phì phì bực bội, đuôi đập mạnh về hướng tôi ngồi, có vẻ nó không bằng lòng với những cú thúc quá mạnh.
Hồi nhỏ, tôi rất thích được cỡi trâu. Lúc vắng cha, tôi xin bác xảy rơm, cho được leo lên con Bầu đang đi quanh đạp lúa. Vài vòng đầu rất thích thú. Tôi lại thúc gót chân vào hông như người ta muốn ngựa đi nhanh. Con Bầu không nghe lời. Nó vẫn đĩnh đạc đi chầm chậm trên đống rơm có lúa, coi như không có tôi đang ngồi trên lưng nó.
Chừng năm phút, tôi bắt đầu chóng mặt, khẩn khoản xin được leo xuống. Hò…hò…Con Bầu dừng lại sau hiệu lịnh của bác xảy rơm. Được đỡ xuống lưng con Bầu, tôi bước tới trước, một tay nắm chiếc tai to của nó, tay kia vuốt lên má phía dưới con mắt to đen, tròn trịa luôn luôn ngấn nước, không rõ có phải là nước mắt than thở, vì làm việc nhiều và thức quá khuya? “Bầu ơi,chào mi”. Con Bầu khì một tiếng to rồi bắt đầu cất bước khi có lệnh tiếp tục đạp lúa.
Có khi đi tắm sông, tôi may mắn gặp con Bầu cũng đang nằm trong nước, phía dưới chỗ tắm của dân làng. Tôi xin chú giữ trâu (con bác xảy rơm, hơn tôi 5,6 tuổi) được leo lên lưng một chút. Trâu rất thích dầm mình trong nước vừa ngập lưng. Thỉnh thoảng nó cúi đầu xuống nước, một lúc rồi ngẩng lên, lắc thật mạnh, sau tiếng phì thật to. Nước từ hai lỗ tai, lỗ mũi bắn ra rất xa, trong khi đuôi quất xuống nước, qua lại cũng rất mạnh, nước văng tung tóe. Trâu cũng như trẻ con, ưa đùa nghịch khi tắm mát.
Trâu thích nhất có người kỳ cọ lưng nó. Và tôi làm công việc đó. Tôi vốc những những nắm cát mịn dưới lòng sông, xoa lên lưng Bầu. Nó nằm yên có vẻ thích thú. Khi mỏi tay, tôi ngưng chà lưng, chà cổ, con Bầu ngoảnh lại phía tôi, đôi mắt đen to, ngấn nước, nhìn tôi như muốn nói “tiếp tục đi”. Thế là tôi vốc thêm cát, chà xát khắp người nó. Thỉnh thoảng, gặp một hai con ve trốn dưới hai mắt, hay trong lỗ tai bự của nó, tôi tẩn mẩn rứt ra, vứt xuống sông. Con Bầu lắc nhẹ hai sừng như muốn cám ơn. Chú chăn trâu ra hiệu cho tôi ngưng để anh cỡi Bầu về nhà; tôi hơi tiếc nhưng cũng vui vẻ chạy đi, nhảy tùm xuống sông, bơi lội. Tôi vui như mới vừa tắm chung với một đứa bạn thân.
Con vật cũng như con người, đều có số mệnh, và cũng đều sinh tử như nhau. Ngày xưa, quê tôi chuyên trồng lúa; ruộng lúa luôn có nước. Người nông dân chỉ nuôi trâu mà không nuôi bò trong việc nông tang. Mỗi làng, nhờ vậy, hơn một phần ba hộ có nuôi trâu. Số lượng ngày càng nhiều và con trâu bớt còn là vật thân thương như con người. Trâu không cày, không bừa, không kéo gỗ sẽ bị bán đi hoặc làm thịt. Những ngày trọng đại trong năm, như lễ Cầu An, hay cúng Thành Hoàng, người ta mổ hai hay ba con trâu béo tốt nhưng “vô dụng” làng bỏ tiền ra mua, để cả làng mở tiệc, đôi ba ngày. Tôi chứng kiến một cảnh mổ trâu như thế khi còn bé.
Trên một khoảng sân rộng, người ta cột con trâu vào cọc đóng ở giữa, cọc to bằng bắp chân người lớn. Trâu to nhưng ít khi nào dám giật mạnh nếu bị người nắm chặt lấy dây thừng mũi. Bị ghịt chặt dây mũi, trâu rất dễ mất thế. Một số lực điền khỏe mạnh chia thành 2 tốp; mỗi tốp thủ một sợi dây thừng dài nhưng chắc chắn. Tốp quàng sợi dây vào hai chân trước; tốp quàng dây vào hai chân sau. Qua một hiệu lệnh, hai sợ dây thít chặt vào chân trâu, hai tốp giật mạnh, con trâu to ngã đánh huỵch xuống đất, trong tiếng reo hò tở mở của đám trẻ con chúng tôi đang lố nhố bu quanh. Một bác lực điền khác đi lại, tay cầm một con dao to tướng, sáng loáng, có lẽ mài rất bén; một người khác đi theo, khệ nệ khuân một nồi đồng cực lớn, để hứng tiết.
Thoáng một nhát, chiếc dao bén thọc sâu vào cổ con trâu đang giãy giụa. Một số người khác dùng hai đòn cây dài đè thân trâu, dí sát mặt đất, không cho nó vùng vẫy. Trâu rống to, càng lúc càng thống thiết. Tiếng thét của nó không lấn át tiếng ùng ục của máu phụt ra từ cổ, theo con dao to, qua bàn tay nắm chặt chuôi dao, chảy vào nồi đồng đặt dưới hố nhỏ đào sẵn trên mặt đất, vừa tầm cho tiết trâu chảy vào.
Lúc con trâu ngã huỵch xuống đất, tôi cũng reo hò như thắng trận cùng những đứa trẻ trong làng. Nhưng khi thấy máu chảy, nghe tiếng rống thê lương , âm thanh ùng ục theo dòng máu trào ra từ con dao to bản, tôi không còn thấy hồ hởi nữa. Lòng tôi sững lại, chùng xuống. Tôi nghĩ một ngày nào đó, con Bầu nhà tôi cũng theo số phận con trâu này, với tiếng thở phì ngắt quãng; nó đang trút hơi thở cuối cùng. Tôi giật mình đánh thót: trên con mắt đen tròn của con trâu khốn khổ, những giọt nước mắt ứa ra, giọt này lăn theo giọt khác. Trâu cũng khóc trước khi lìa đời như người hay sao?
Tôi không còn hứng thú đứng chờ xem phần thui trâu. Nhìn những đống bổi to chất gần đó, tôi thấy buồn vô hạn. Một ngày nào đó, con Bầu nhà tôi cũng sẽ bị đâm cổ cho chết, ngọn lửa sẽ thui cháy nó. Lớp da sẽ mất đi, kéo theo những sợi lông đen dài mượt mà, tôi từng kỳ cọ cho nó.
Lo lắng của tôi cũng thành sự thật. Con Bầu nhà tôi chịu một số phận oan nghiệt hơn. Do quá già, hay quá yếu, Bầu sơ ý ngã xuống một hố sâu, có cắm chông nhọn, thời chuẩn bị chiến tranh. Khi kéo lên khỏi miệng hố, thân thể nó đầy những vết đâm, lỗ chỗ. Máu có chỗ tươm ra, nhỏ thành từng giọt. Nó đi khệnh khạng nhưng vẫn về được tới nhà. Từ đó, con Bầu không thiết đến ăn uống. Cha tôi cắt những bó rau xanh mướt, bỏ trước mặt nó. Con Bầu như nhìn cha tôi rồi nằm bất động, chỉ có đôi tai còn ve vẩy. Đôi mắt nó buồn rười rượi. Tôi cầm một hai cộng cỏ non đưa vào mũi nó. Con Bầu có vẻ lắc đầu. Nó bỏ ăn từ đó.
Cha tôi từ chối bán nó cho người trong làng mổ thịt. Ông thương con Bầu như con. Cha sao nỡ nhìn con bị người ta giết chết. Liên tưởng đến cảnh trâu bị trói, bị đâm tôi thấy cha tôi quyết định thật đúng: không thể cam tâm nhìn con Bầu chịu thêm khổ nạn.
Con Bầu được thương lái nơi khác đến mua. Đó là một buổi chiều cuối đông ảm đạm. Sau khi ngả giá chóng vánh, cha tôi đồng ý cho người ta bắt trâu dắt đi. Tôi chạy ra chuồng đứng nhìn con Bầu thật lâu. Nó không còn nằm. Nó đang đứng thẳng, mắt hướng vào cửa sau nhà tôi. Tôi tiến lại gần để vuốt ve, an ủi nó trước giờ phút chia ly. Một lúc sau, người lái trâu trở ra, chú chăn trâu nhà tôi đi cùng; anh giúp dắt con Bầu đi về nhà ông. Trâu không đi theo người lạ; người quen phải dắt, nó mới chịu đi. Con Bầu mệt nhọc nhấc từng bước chân, lững thững đi khỏi cái nơi nó từng gắn bó nhiều năm trời với gia đình tôi, từ cơ hàn đến đủ ăn đủ mặc.
Nghĩ đến trâu có thể khóc trước khi lìa đời, tôi đi theo con Bầu, quanh sau vườn, ra đường làng. Và, điều tôi không ngờ, trên đôi mắt con Bầu long lanh như có nước mắt khi đi qua chỗ cha tôi đang đứng; ông muốn tiễn nó ra đi. Tôi cũng không cầm được nước mắt. Bầu ơi, ngươi vĩnh viễn xa rồi. Tôi buồn bã trở vào. Ở đầu ngõ, cha tôi đang đứng đó, đôi mắt đỏ hoe. Ông kéo vạt áo lên lau nước mắt. Tôi nghe ông thầm thì: “Hãy tha lỗi cho ta, nghe Bầu”.
“Lễ” đâm trâu!
Sau này, khi người ta tổ chức lễ hội đâm trâu, tôi không bao giờ dám đến. Thấy con trâu bị đâm máu đổ, tôi sợ sẽ nhớ đến con trâu Bầu nhà tôi.