Mình có cơ duyên quen một số chú tiểu (tu sinh Phật giáo) chùa Tỉnh hội (Pháp Hoa) lúc đi học ở Hội An thập niên 60.
Giờ thỉnh thoảng gặp lại vài vị, nay đã vào hàng thượng tọa, hòa thượng, và cũng cơ duyên làm sao, vì biết mình theo ki tô giáo, các vị vui vẻ cho nghe mấy bài thuyết pháp ngắn mà ý nghĩa, trong đó có bài ÁI NGỮ.
Nôm na, ái là dễ yêu. Ngữ là lời nói.
Lời nói đáng yêu, dễ nghe, ấy mà.
Mới buổi sáng chui vô thang máy để xuống đất tập thể dục, gặp ngay một đồng hương.. Quảng Nam (người Quảng mình rất thiệt thà, gặp là hỏi tuổi, cái mà bọn Tây rất cấm kỵ). "Chào. Anh năm nay bảy mấy rồi". Tắt lửa thiệt.
Mình mới sáu mấy mà nhìn cái đầu bạc, gương mặt đầy vết chân cu, ý lộn, chân chim, anh ta tăng mình thêm cả chục tuổi. Hỏi răng không "mất lửa" được chớ. May sao, người phụ nữ đi cạnh, có lẽ là vợ, gương mặt rất khả ái, khi trẻ chắc cũng phải hoa hậu hay hoa khôi chi đó, đỡ lời, khi thấy mình hơi bối rối chưa kịp đáp. "Anh nói sao chứ nhìn ảnh chừng sáu máy”, nàng nhẹ giọng "còn..."trẻ" mà".
Toan bực mình vì ông chồng cô ta chê mình gìa hóp, định bụng ngậm thinh, nhưng thấy câu trả lời của chị vợ anh ta...dễ thương quá, bèn đổi giận làm vui, hớn hở nở nụ cười không thể nào tươi hơn. "Tôi mới 68 cô ạ". Tôi phát âm chữ "cô" hết sức nhẹ nhàng như xuống giọng trong khi hát karaoke, đầy âm điệu. Cô vợ anh ta mỉm cười, ôi nụ cười, chết thật, mấy ngày ăn ngủ tôi cũng còn nhớ.
Rõ ràng già là quy luật. Nhưng có ai nhắc cái quy luật nghiệt ngã ấy đối với mình, mình cảm thấy "buồn ơi là sầu"( mượn chữ của Nguyễn Nhật Ánh).
Cũng một nhận xét, không rõ anh chồng hay chị vợ đúng, nhưng phản ứng tâm trạng của mình chuyển từ thái cực nầy sang thái cực khác, trong trường hợp nầy là, bực dọc sang vui vẻ.
Tháng 3 âm này, về Trung, mong gặp lai mấy vị cao tăng bạn hữu, hỏi thử lời cô vợ ông đồng hương kia có phải là ÁI NGỮ không.
Mà mình vui cả tuần.