Những năm đầu qua VN, người Mỹ rất thật thà. Nhỡ cán người bị thương, họ nhảy khỏi xe jeep ôm nạn nhân chở đi cấp cứu. Chưa kịp lên xe, tài xế đã bị dân chúng (không biết có ai kích động không) kéo ra vây đánh bầm dập, xe bị đốt cháy. Lần sau, khi xảy ra tai nạn tương tự, họ lái xe dông thẳng. Họ “rút kinh nghiệm” rất nhanh. Chơi lâu với Tàu, lần này Mỹ hẳn kinh nghiệm đầy mình. Đồng minh Anh thì sao?
Qua bài viết, độc giả mới thấy sức mạnh mềm, cứng đáng gờm của TQ. Không rõ Hà Nội có đủ trí, dũng, để dứt khỏi cái “răng” cắn chặt vào “môi” VN từ sau 1949?
(The fightback: it’s time for the West to take on China)
Thủ tướng Anh tuyên bố “kêu gọi một Chiến tranh lạnh chống TQ” là một sai lầm. Nhưng, theo nhiều cách hiểu, Trung Quốc là kẻ thù còn dữ hơn Liên Bang Xô Viết. TQ thâm nhập rất sâu vào hệ thống thương mại thế giới, và hình mẫu kinh tế của họ ít khiếm khuyết hơn. Điều này giúp họ có sức mạnh kinh tế ở phương Tây hơn Liên Xô. Chừng mực nào đó, lợi thế về mua bán và xây dựng tổ chức lý giải, vì sao Anh và khắp các nước phương Tây ngần ngại không muốn cứng rắn với Bắc Kinh. Một bộ trưởng than vãn: “Đó là tiền, chứ không phải rắc rối chiến tranh lạnh”.
Tuy nhiên, vào năm qua, TQ vấp hàng loạt sai lầm chiến thuật. Mới nhất là áp đặt trừng phạt vào các chính trị gia châu Âu và Anh chỉ trích nhiều nhất đảng CSTQ. Có lẽ, thái độ hung hăng này tạo phản ứng đoàn kết trong thế giới dân chủ.
Đặng Tiểu Bình, người khởi xướng hiện đại hóa kinh tế TQ, có tuyên bố nổi tiếng Bắc Kinh nên “ẩn mình chờ thời” (‘hide its capacities and bide its time’). Chính sách này thực sự khá thành công. Phương Tây ưa giải thích động thái của TQ là “hiền hòa”. Thậm chí khi Bắc Kinh tách khỏi “ẩn mình chờ thời”, phương Tây vẫn còn xem TQ là cơ hội, không phải đe dọa. Cựu thủ tướng Anh Cameron và Osborne nỗ lực gầy dựng “thời vàng son” trong quan hệ với TQ. Họ hy vọng “đối tác hàng đầu Bắc Kinh ở phương Tây” sẽ đầu tư nhiều vào Vương quốc Anh.
Nhưng từ khi có Covid, TQ lộ rõ mưu đồ, qua cái kiểu, phương Tây khó mà lơ là. Qua lời một bộ trưởng, cách “nắn gân” của TQ (muscle-flexing) thật ra là “lợi dụng thời cơ, không phải là sách lược”. Hành xử hung hăng - có dấu hiệu “gậy ông đập lưng ông” - đánh thức phương Tây, ý thức về bản chất chế độ Tập Cận Bình, có thể làm nguy hại thỏa ước kinh tế ký với TQ hồi cuối năm ngoái.
Dưới sự cai trị của Tập, TQ tỏ ra đối đầu hơn. Đặc biệt khi Covid bùng phát: chúng ta chứng kiến Hong Kong bị khuất phục, Đài Loan bị đe dọa quân sự, và Úc bị bắt nạt kinh tế. Về mặt chiến lược, không thể nghĩ đây là một lầm lẫn.
Một người gần gũi trong cuộc thảo luận cách đối phó TQ nhận định: “Nếu TQ “ẩn mình” độ 10 năm nữa, chúng ta sẽ bó tay”. Phụ thuộc của chúng ta vào họ quá lớn. Lúc đó chẳng còn cơ hội mà thoát ra. Giở trò quá sớm, họ đã cho chúng ta một cơ hội”. Một thành viên nội các chính phủ cũng nhất trí phân tích này: “Người TQ rất bí mật, rất khéo léo len lỏi vào rất nhiều tổ chức. Những tổ chức hầu như quá lớn, khó mà loại bỏ”.
Tuần qua, Hoa Kỳ, EU, Anh, và Canada áp đặt lệnh trừng phạt TQ về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Bắc Kinh chọn cách đáp trả theo kiểu “giang hồ” (wolf warrior). Bằng cách nêu sự quan trọng về ngoại giao của vấn đề người Hồi Duy Ngô Nhĩ, có lẽ họ sẽ tạo ra một sự đoàn kết ở phương Tây trong tương lai; rốt cuộc, đây lại là vấn đề các cường quốc phương Tây rất dễ đồng thuận. Trừng phạt của TQ đối với năm nghị viện châu Âu là quyết định sai lầm, một quyết định tăng thêm khả năng nghị viện châu Âu sẽ không phê chuẩn hiệp định đầu tư EU- TQ.
TQ tự tin là họ quá lớn, có nhiều thị trường béo bở, đường lối cứng rắn của họ hoặc khiến người ta phải “cởi giáp”, hoặc nếu khá hơn, khiến người ta phải hợp tác. Một nghị viên nói với tôi, mục đích của TQ là “phủ bóng đen lên tương lai”: khiến người ta lo sợ về cuộc sống ngày mai có thể bị tác động bởi sự chỉ trích Bắc Kinh ngày nay. Quyết định trừng phạt hàng loạt quan chức rời chức vụ của chính quyền Trump làm sáng tỏ nhất vấn đề này. Quyết định đưa ra khiến các quan chức Hoa Kỳ lo lắng, nếu chỉ trích Bắc Kinh, họ sẽ gặp khó khăn về cuộc sống ngay cả khi rời chức vụ.
Cũng nên để ý, các chiến thuật bắt nạt này có tác dụng. Một tổ chức Bắc Kinh trừng phạt tuần qua là văn phòng tòa án Essex. Văn phòng này rút xuống khỏi trang web, một tham khảo ý kiến khiến Bắc Kinh nổi giận và ra thông báo nhấn mạnh, không có ai có tên trong tài liệu có vai trò gì trong việc đề ra tham vấn. Phản ứng sợ sệt này càng khiến TQ sẽ mạnh tay hơn đối với các tổ chức pháp lý khác.
TQ muốn bẻ bó đũa từng chiếc. Chỉ có một phương Tây đoàn kết mới ngăn được chuyện này, nhưng đây lại là cái thường thấy thiếu vắng. Khi Bắc Kinh “trừng mắt” về Úc vì nước này cho rằng cần điều tra độc lập về nguồn gốc corona vi rút thì lại thiếu một cách kinh ngạc sự đoàn kết của New Zealand.
Bộ trưởng thương mại của Wellington, đang thương thảo nâng cấp thỏa thuận thương mại với TQ, lại gợi ý Úc nên tỏ ra “tôn trọng” TQ. New Zealand hiện nay xuât khẩu phân nửa thịt và len của mình cho TQ. Rõ ràng hơn, nước này gạt tên họ khỏi thông cáo chỉ trích hành động TQ ở Hong Kong của Five Eyes – năm nước hợp tác tình báo, gồm Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc và New Zealand. Rõ ràng nước này cũng vắng tên trong một thông cáo chung của 14 nước – có cả Úc, Hoa Kỳ, Anh, Canada, Nhật và Nam Hàn – sau chuyến làm việc của y tế thế giới WHO ở TQ tuần qua. Cái thông cáo có nội dung bày tỏ “quan ngại nghiên cứu của chuyên gia quốc tế về nguồn gốc Covid bị cản trở đáng kể, không phép tiếp cận đầy đủ dữ liệu, mẫu vật ban đầu”.
Cần phải có cơ chế để bảo đảm việc đối phó chung trước sự dọa nạt của TQ. Trong một tài liệu sắp công bố của nhóm Nghiên cứu TQ, từng bị Bắc Kinh trừng phạt, nhà kinh tế Mỹ Atkinson lập luận, hiện nay cần một NATO thương mại. Điều này bảo đảm đáp trả tập thể ý đồ TQ dọa nạt các thành viên. TQ có dám đánh thuế quan lên rượu nho Úc không nếu họ hiểu rằng sẽ có phản ứng của hàng chục nước thành viên?
Nếu các nước châu Âu muốn giảm phụ thuộc vào TQ, họ cần phải hợp tác, khi 6G xuất hiện họ có thể cạnh tranh với Huawei. Tại Vương quốc Anh, chính phủ cần chắc chắn, chính sách mới phải ngăn cho được các công ty liên quan đến nhà nước TQ mua đứt các công ty khoa học, kỹ thuật, và sở hữu công nghệ. Anh phải cần một cơ quan mạnh như Ủy ban phụ trách đầu tư ngoại quốc của Mỹ. Đồng thời, các nước phương Tây cũng nên thực tế hơn trước mưu toan của TQ trong hợp tác giáo dục, như các viện Khổng Tử. Thụy Điển vừa mới quyết định đóng cửa chúng, và đó là cách duy nhất để giải quyết vấn nạn.
Có lẽ, vấn đề lý thú nhất là tại sao TQ hành xử ngày càng công khai thách thức? Nguồn tin ngoại giao Anh vạch ra các nhà ngoại giao TQ có vẻ quan tâm tới việc làm vừa lòng quần chúng trong nước hơn là lay động quan điểm quốc tế. Tương tự như thế, TQ đang dọa nạt Đài Loan trực diện hơn bao giờ hết kể từ thời Mao: 20 chiến đấu cơ, gồm bốn khu trục cơ có thể chở bom nguyên tử, bay vào không phận phòng thủ của Đài Loan tuần qua. Một quan điểm ngày càng rõ ở các nhà phân tích phương Tây là, sự kiện đảng CSTQ ngày nay thường chơi “con cờ dân tộc chủ nghĩa” cho thấy Bắc Kinh đang lo lắng về tính bền vững của chế độ toàn trị.
Khi TQ được nhận vào WTO năm 2001, thế giới kỳ vọng hội nhập kinh tế lớn hơn của đất nước này cuối cùng sẽ dẫn tới tự do chính trị. Kỳ vọng thành thất vọng. Thay vào đó, sự hung hăng của Bắc Kinh làm thế giới không thể nào bỏ qua đe dọa giá trị mà thế giới đại diện. Lời nhắc mọi cái thay đổi nhanh chóng thế nào, như vừa mới đây, đầu năm ngoái, chính phủ Anh cho là hợp lý khi giao cho Huawei – một công ty gắn với quân đội TQ, có vai trò thường xuyên trong hạ tầng cơ sở thông tin của nước Anh.
Các trừng phạt chung, nhắm vào các quan chức TQ về sự đối xử của họ với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là bước đi tiên khởi, quan trọng, trong việc đánh trả Bắc Kinh. Cần có nhiều yêu cầu phối hợp hành động để ngăn không cho các nước tự do bị TQ bắt nạt về kinh tế. Thủ tướng Anh nên sử dụng thượng đỉnh G7 ở Cornwall tháng sáu này để đưa ra bàn hội nghị một kế hoạch bảo vệ chung nền kinh tế các nước.
Bài của James Forsyth trên SPECTATOR, Anh.