Wednesday, February 7, 2024

KÍNH THƯA CÁC NGÕ HẺM hay bệnh sĩ nguy hiểm hơn bệnh tim.

Ai mới đến Sài Gòn tìm nhà, các ngõ hẻm là nỗi kinh hoàng nếu nhà cần đến nằm sâu, hàng năm bảy lần “quẹo “, có khi chưa tìm ra. Hẻm chồng hẻm, trước 75, dân chúng có số nhà luôn luôn gọi xuyệt (gạch xéo, sur, tiếng Pháp). Ví dụ: 28/18/8 = 28 xuyệt 18 xuyệt 8 . Có nghĩa nhà này nằm ở con hẻm thứ ba.

Cũng sau 1975, khi dự hội nghị, khán giả nghe gì nhiều nhất: kính thưa.  Kính thưa các vị tai to mặt lớn có mặt trong hội trường. Kính thưa thiếu sẽ gặp phiền toái, nếu có chức sắc nào đó quên nêu tên, nghĩa là không được kính thưa. Có câu chuyện vui. Ở Nam bộ, trong cuộc họp, anh em ở đây khá thân mật, gọi nhau bằng thứ bậc gia đình: kính thưa anh Hai (một anh hai), kính thưa hai anh Ba, kính thưa ba anh Tư, kính thưa bốn anh Năm, và kính thưa năm anh Sáu...nếu có quá nhiều vị cùng thứ tự khi ra đời.

Do đó, thành ngữ “kính thưa các ngõ hẻm”, có nghĩa là quá nhiều, khi có anh dân Nam bộ than phiền cái gì đó...họ thấy “đủ thứ trên đời”.

Hiếu danh, có người còn gọi hơi nặng, háo danh, là đặc tính không phải bây giờ mới có. Ngày xưa, ở nông thôn phong kiến, làm chức hương, chức xã, là vinh dự, cả khi không còn làm. Nếu là lý trưởng (ấp trưởng) người làng sẽ gọi ông Xã, nếu tên Xệ, sẽ là ông Xã Xệ. Các vị đỗ đạt cao: Tú tài, cử nhân, cả đời cái danh ấy theo họ, cho đến chết vẫn còn. Tú Xương (nhà thơ); cử Nhu (trong bài: Giám khảo khoa này bác cử Nhu/ Thật là vừa dốt lại vừa ngu/ Văn chương nào phải là đơn thuốc/ Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu).

Bây giờ, cái danh ấy còn tuyên xưng dữ dội hơn. Bằng thạc sĩ, tiến sĩ chứng nhận trình độ người có nó về môn học, ngành học. Nó không phải là chức tước. Có ông huyện trưởng ghi bảng danh để trên bàn làm việc: thạc sĩ chủ tịch huyện Nguyễn (chi đó).

Có một vị, lúc còn sống, khi chưa lên chủ tịch nước, mới còn là bộ trưởng, trong cuộc tiếp đón ông, người ta trương tấm phông to: “Chào mừng ủy viên bộ chính trị, giáo sư tiến sĩ bộ trưởng bộ...”

Có lẽ người được chào đón không để ý lắm câu ca tụng nhưng người dựng tấm phông ấy rất lấy làm hãnh diện.

Công lao đóng góp cho xã hội là cái cần vinh danh không phải tước vị. Chính vì nặng tước vị, chúng ta thấy nhiều người bị cách “cái chức không còn “ của ai đó bị kỷ luật. Cách cái “nguyên”, cách cái “cựu “ không hợp lý: không khác Trump bị đàn hặc...truất phế, khi ông không còn làm tổng thống, ở Mỹ.

Sĩ diện ăn sâu trong huyết quản người VN. Nhà có hai nơi quan trọng nhất: bếp và cầu tiêu, nếu ở Mỹ. Ở VN, quan trọng nhất, đó là phòng khách. Cái căn phòng ít sử dụng nhất nhưng được trang bị sang trọng nhất, hoành tráng nhất. Một ngày, tiếp khách bao nhiêu người, bao nhiêu lần, trong khi chỗ ăn, chỗ ị ngày nào cũng sử dụng.

Cái bệnh sĩ ấy còn ăn sâu trong lãnh vực giáo dục. Danh hiệu thi đua, xếp hạng giỏi dở, trường đạt chuẩn thấp cao ...là quan tâm hàng đầu, trong khi chất lượng giáo dục: thành quả đào tạo một học sinh, một sinh viên có ra đời tự nuôi sống mình, còn là vấn nạn.

Bệnh sĩ có mặt nhiều nơi, nhưng giáo dục phải là nơi cần loại bỏ nó trước nhất. Khi giáo dục có tính nhân bản, dân tộc và khai phóng, bộ máy cái này sẽ sản sinh ra tất cả thành quả khác cho xã hội, thành quả trồng người có nhân cách, có trí tuệ, có độc lập tư duy.

Nhiều người gặp nhau, không nói chuyện thiết thân, chỉ bô bô...bác tôi, chú tôi, bà con tôi...làm chức nọ chức kia. Thậm chí còn khoe cả người của huyện "tôi", hay tỉnh tôi làm đến ủy viên trung ương.

Họ làm chứ “tôi” có làm đâu mà nổ? Hay bô bô như thế để khẳng định mình...đẳng cấp?

Bệnh sĩ chết trước bệnh tim, không chừng.