Sự vụ sản xuất cà phê "sao tẩm" pin con Ó là một vấn đề cần suy nghĩ thêm của chúng ta về an toàn thực phẩm, đề tài, như đến hẹn lại lên...báo, vì những chấn động sững sờ và độc hại.
Giải quyết được an toàn thực phẩm sẽ giải quyết được lòng tin vào...chế độ.
Không một nhà cầm quyền nào muốn dân mình ăn phải, uống phải những thứ có hại sức khỏe cho dân trên đất nước họ. Nhưng liệu có biện pháp nào giải quyết vấn nạn an toàn thực phẩm này không? Tôi nghĩ là có. Theo suy nghĩ của tôi,
trước mắt phải giao lãnh vực này cho một bộ quản lý. Không thể một miếng thịt ở chợ mà ba bốn bộ quản lý, để cuối cùng, cha chung không ai khóc, chẳng ai trách nhiệm cả khi có sự cố xảy ra về thực phẩm. Bất an từ thực phẩm độc hại vẫn một ngày vênh vênh, không ai đụng tới, và ám ảnh mọi người Việt Nam, hằng giờ, mỗi khi gắp thức ăn cho vào miệng.
Tôi cho rằng, vì an nguy, vì sức khỏe giống nòi, cần giao tạm thời quản lý an toàn thực phẩm nầy cho bộ công an. Quý vị đừng nghĩ tôi đùa.
Nếu đồng bào ta hằng ngày ăn vào người những thứ hóa chất nguy hiểm, gây bệnh tật, ngày mỗi chất chồng, kể cả những thứ, ăn chưa chết liền nên chưa biết là độc (như một bộ trưởng trước dây đã nói) mà di hại hệ thần kinh, có thể gây ung thư, dị dạng cho các thế hệ con cháu, thì việc kiểm soát an toàn thực phẩm giao cho bộ công an là hợp lý nhất.
Hóa chất tẩm ướp vào thực phẩm không một nông dân, hay một người dân thường nào chế được, mà phải được mua, được sản xuất bởi những kẻ, có thể vì tiền, như kền kền chuyên sống trên xác chết đồng loại, bất chấp đạo lý, bất chấp tương lai nòi giống.
Phải có biện pháp mạnh, rất mạnh, đối với những kẻ sản xuất, nhập khẩu, bán, mua những loại hóa chất có trong danh mục cấm của nhà nước. Đóng cửa ngay cửa hàng nào tàng trữ, mua bán những chất cấm trên; không cảnh cáo, không phạt tiền, không tạo tiền đề cho tham nhũng; chỉ cần vài triệu lót tay là sản phẩm được cho qua, không nhắc tới, mặc tình nó có tàn phá sức khỏe người dân hay không.
Hàng hóa chúng ta phân phối không theo một trình tự nào nền nếp, do điều kiện khó khăn kinh tế, sau nhiều năm chiến tranh. Mạnh ai nấy mua, mạnh ai nấy bán, bán mọi chỗ, mọi nơi, mọi lúc, mà không biết thực phẩm mình đang lưu hành có gốc gác từ đâu.
Chính phủ cần lập lại trật tự này dần dần bằng cách, mọi thực phẩm mà người đang bán phải trả lời được nơi mình mua, nếu phát hiện ra có độc hại, người đang bán không biết mua ở đâu thì bản thân họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hình phạt cho ai buôn bán thực phẩm phát hiện có chất độc hại (theo danh mục cấm) sẽ bị xử tù tùy mức độ hậu quả, không ...giáo dục nữa.(Mấy chục năm chúng ta giáo dục rồi, có kết quả gì đâu).
Thời Việt Minh ở quê tôi, người ta triệt một lần, một kẻ bắt trộm gà, lấy trộm gạo, khi Tây càn, mọi người chạy trốn, bằng cách ...xử bắn anh ta. Sau đó, cả chục năm chạy giặc, không một cái gì bị mất, ngay cả không có trông coi. Dĩ nhiên, chuyện ăn cắp mà bị tử hình như vậy là vô nhân đạo , không thể có trong thời buổi văn minh; (ở một số nước theo Hồi giáo, kẻ trộm có thể bị chặt tay). Nhưng điều đó muốn nói, là hãy "mạnh tay" với kẻ xấu, ở đây là kẻ sử dụng hóa chất độc hại vào thực phẩm, một cách giết người vô tình từ từ và gián tiếp.
Quản lý an toàn thực phẩm nếu giao cho công an chắc chắn không có tình trạng sản xuất mấy chục tấn cà phê tẩm pin như đã thấy, trừ trường hợp, công an không làm hết chức năng của mình hay lơ là nhiệm vụ.
Ngoài ra, hãy kêu gọi mọi người tham gia phát hiện thực phẩm độc hại: các cơ sở y tế cấp huyện, hoặc khá hơn, cấp xã nên có thêm bộ phận có trang bị những phương tiện có thể phát hiện được chất cấm (không biết việc này có quá mức không).
Khi có nghi vấn, hay phát hiện người nào sử dụng chất cấm, hãy báo vơi nhà chức trách; có người bảo, kệ họ, hơi đâu mà lo là không đúng. Hoặc báo như vậy là mách lẻo, nhiều chuyện. Ở Phần Lan, vì trời quanh năm lạnh lẽo, u ám, nhưng ai có trẻ, không dắt con ra ngoài mỗi ngày để làm quen với khí hậu, có thể bị hàng xóm gọi điện “méc” cảnh sát. Nếu được thì mang những thứ thực phẩm đó đến để xét nghiệm và ở đây sẽ chuyển lên cấp cao hơn nếu không kiểm tra được. Điều này khó khả thi nhưng nếu làm được vẫn có tác dụng răn đe đáng kể, người bán thực phẩm sẽ có trách nhiệm nhiều hơn.
Chúng ta không so được như Mỹ. Mỹ gộp thực phẩm và dược phẩm làm một. Họ đã thấy sự quan trọng của thực phẩm khi đi vào cơ thể thế nào. Chúng ta không như họ nhưng chúng ta cũng nên quyết tâm như họ, làm sạch thức ăn hằng ngày để không còn ca thán dân mình bị ung thư có tỷ lệ cao nhất nhì thế giới do ăn uống thực phẩm độc hại.
Nếu chính phủ làm được việc này, và làm thật tốt, những người dân thường, tuy không trực tiếp bầu được quý vị vào chức vụ nào dù nhỏ nhoi, chúng tôi cũng trăm lần tri ân quý vị, và mong quý vị sống mãi sự nghiệp của chúng tôi.
Và, chúng ta sẽ không uống cà phê pin, mà là uống cà phê phin, thưởng thức hương vị cuộc sống mỗi buổi sáng, chả phải lăn tăn, nghĩ ngợi chi cho nó đau tim, nhức đầu.