Monday, February 5, 2024

Ở VIỆT NAM, TÀU VÀ MỸ, AI ẢNH HƯỞNG HƠN?

Đôi lời: Nhớ có ông nghị nào đó “vui miệng”, ví VN như cô gái đẹp nên hai ông anh đang tranh giành ảnh hưởng. Nhớ thơ Nguyễn Nhược Pháp: “Nhưng có một nàng mà hai rể / Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều!”. Coi chừng: “Lắm mối, tối nằm không”.

(China and the US: Who Has More Influence in Vietnam?)

“Theo khảo sát mới nhất của Asian Barometer (ABS), tại VN, TQ có ảnh hưởng nhiều – nhưng với hình ảnh ít đẹp hơn - so với Hoa Kỳ”.

Khi cạnh tranh giữa TQ và Mỹ nóng lên dữ dội, nhiều nước châu Á cảm thấy áp lực phải chọn phe. Nhưng những nước như Việt Nam muốn giữ vị thế trung lập giữa hai cường quốc, cố tạo động thái cân bằng khéo léo nhằm tranh thủ cả hai.

Ngay khi chính phủ Biden nắm quyền, Washington quyết định tăng cường chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, đề cao sự hiện diện của họ ở châu Á nhằm ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc. VN, sau một năm nắm vai chủ tịch ASEAN, hiện là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc trở thành ngày càng quan trọng trong nỗ lực này (của Mỹ). Washington đang nâng tầm quan hệ Việt-Mỹ, làm sâu sắc thêm “đối tác toàn diện” với ý định cân bằng và hạn chế TQ.  Cả TQ lẫn Hoa Kỳ đang đua nhau khẳng định ảnh hưởng tích cực – và lớn hơn- lên Việt Nam thông qua các chính sách kinh tế, chính trị đa dạng, như sáng kiến “Một vành đai - một con đường” và hợp tác an ninh hàng hải với Hoa Kỳ.

Nhưng người VN nhìn hai siêu cường ấy thế nào? Nước nào tạo ảnh hưởng lớn hơn? Và cuộc cạnh tranh ảnh hưởng có thực sự phải chọn một trong hai (a zero game) giữa TQ và Hoa Kỳ?

Khảo sát Barometer Asia ở VN, công bố hôm ngày hai tháng ba, cho thấy hơn 50 phần trăm người Việt Nam tin rằng TQ có ảnh hưởng nhất ở châu Á, trong khi đó, chỉ có 14, 67 phần trăm chọn Hoa Kỳ.

Nhìn lại năm 2010, có 43,32 phần trăm người được hỏi coi TQ là nước có ảnh hưởng nhất châu Á, tuy nhiên, chỉ có 10 phần trăm chọn Hoa Kỳ. Điều đáng nói là, trong khi hai nước có vẻ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình từ năm 2010, khoảng cách giữa TQ và Hoa Kỳ ngày càng giãn ra và TQ lại dẫn đầu.

Có một số lý do. Thứ nhất, TQ và VN có lịch sử lâu đời về quan hệ và giao hảo với nhau, ảnh hưởng hỗ tương văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, âm nhạc, thơ văn, và các thứ. Ảnh hưởng lớn của TQ lên VN có nền tảng mấy ngàn năm lịch sử. Yếu tố thứ hai của sự ảnh hưởng TQ là, nước này hơn 15 năm nay trở thành đối tác thương mại lớn nhất, nhờ đó mà VN hưởng lợi. Cuối cùng, TQ và VN có chung lý tưởng ý thức hệ, mô hình phát triển kinh tế và chính trị của TQ đều ảnh hưởng sâu rộng lên VN.  

Nói chung, mặc dù TQ có ảnh hưởng tương đối lớn ở VN, tầm ảnh hưởng đó thực ra không tích cực lắm. Dựa vào số liệu khảo sát mới nhất của ABS, chỉ có 25 phần trăm người được hỏi tin tưởng TQ ảnh hưởng tích cực đến VN, nhưng với Hoa Kỳ, con số đó vọt lên 85 phần trăm. Nói cách khác, đa số áp đảo người được khảo sát ngả về Hoa Kỳ và hoan nghênh Washington mở rộng tầm ảnh hưởng ở VN.  

Một trong lý do lớn nhất giải thích sự bất thường này là các căng thẳng ngày càng tăng trong các tranh chấp ở Biển Đông giữa TQ và VN. Mấy năm gần đây, hành động, thái độ hung hăng ngày càng nhiều của TQ trong những vùng biển tranh chấp làm dấy lên tình cảm bài TQ và các cuộc xuống đường phản đối ở VN. Ví dụ, cuộc phản kháng nổ ra năm 2014 phản đối việc hạ đặt giàn khoan ở một biển tranh chấp (chỗ này nhà báo viết sai – vùng biển đặc quyền kinh tế VN làm gì có tranh chấp – NLC). Và như thế, VN muốn xây dựng một đối tác mạnh hơn với Hoa Kỳ, nhằm giúp họ thực hiện các lợi ích quốc gia ở vùng biển hai bên đều tuyên bố chủ quyền.

Nói rộng hơn, nhiều người VN coi TQ như nước xâm lăng, tiến hành không biết bao cuộc chiến để thôn tính VN. Các sách giáo khoa tiếng Việt đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành suy nghĩ và gây ấn tượng về nước TQ; rất nhiều anh hùng dân tộc nổi bật trong sách chiến đấu chống các cuộc xâm lăng của Trung Hoa. Vì thế, cả các yếu tố lịch sử lẫn các tranh chấp biển Đông gần đây gây ấn tượng xấu trong đầu óc của người VN về TQ.

Điều lý thú là, dữ liệu khảo sát ABS, đặc biệt theo xu thế thời gian, cho thấy cạnh tranh ảnh hưởng của TQ và Hoa Kỳ ở VN không phải “buộc chọn một trong hai”. Nói cách khác, gia tăng ảnh hưởng tích cực của TQ không nhất thiết dẫn đến hậu quả là hạ thấp ảnh hưởng của Hoa Kỳ, hay ngược lại. Việc hai bên có thể đồng thời tăng cường ảnh hưởng tích cực của họ đối với Việt Nam, dẫn đến khả năng Trung Quốc và Hoa Kỳ thực sự có thể hợp tác với nhau và đạt được chiến lược hai bên cùng có lợi, nhằm tăng cường ảnh hưởng tích cực của họ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mặc dù dữ liệu cho chúng ta thấy, thực tế là cả TQ lẫn Hoa Kỳ xem nhau nhưng những người tham gia trò chơi “một: ta, hai: mầy”, họ tiếp tục gia tăng căng thẳng trong nhiều lĩnh vực. Hy vọng, phát hiện mới từ khảo sát ABS có thể giúp hai ông lớn cần hợp tác mà bớt đối đầu ở trong khu vực.

Cả TQ lẫn Hoa Kỳ đều quan tâm rất nhiều đến VN dạo gần đây; cả hai nước đều cố gây ảnh hưởng tích cực hơn đối với VN. Đường lối hiệu quả nhất để gây ảnh hưởng qua chính sách kinh tế, hơn phân nửa số người trả lời trong khảo sát ABS, kinh tế được coi là ưu tiên một.

TQ và Việt Nam đều tham gia Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), người VN, đặc biệt là các nông dân, được hưởng các chính sách xuất khẩu thuận lợi hơn, như thuế quan thấp, rào cản ít, khiến người TQ đầu tư nhiều hơn vào VN.

TQ nên tận dụng cơ hội tạo ảnh hưởng tích cực ở VN và nâng cao hình ảnh, quyền lực mềm của mình trong khu vực. Hoa Kỳ cũng nên gia tăng đầu tư vào VN và theo đuổi đường lối hòa bình hơn đối với an ninh trong vùng.

Bài đăng trên The Diplomat của Meng Zhen Xia và Dingding Chen, ngày 21 tháng 5 năm 2021. Nguyễn Long Chiến dịch.