(Tản mạn sau ngày không được ra ngoài lúc 5 giờ sáng để đi bộ - thói quen tập thể dục hơn 30 năm nay).
Nỗi sợ thường xảy ra tự nhiên, để cảnh báo con người đối phó một sự việc sắp xảy ra mà con người chẳng thể lường trước nó có nguy hiểm không. Không biết con rắn, độc hay không độc, trẻ em ở tuổi mới nhận biết đều sợ hãi khi thấy nó. Người trưởng thành nhìn thấy vật gì như sợi dây giống hình con rắn trong bóng tối cũng sợ thất đởm. Nỗi sợ giúp con người thuở sơ khai tự bảo vệ mình: hãy tránh xa những gì nguy hiểm. Và không chỉ con người thuở sơ khai.
Nỗi sợ của con người được kẻ thống trị sử dụng để khống chế con người. Chứng kiến cảnh dân chúng xuống đường, chủ tịch nước Cuba chỉ tay ngay về Mỹ. Thế lực thù địch. Ông không thấy ra, chính sự điều hành của mình, của những người đi trước, Cuba, một đất nước xinh đẹp văn hào Hemingway sinh thời rất yêu thích, trở nên khốn khổ: dân không đủ thực phẩm, kể cả thuốc men, điều kiện y tế - một thời là niềm hãnh diện của Cuba.
Có người bảo Cuba bị Mỹ cấm vận nên mới nghèo khó. Việt Nam không bị Mỹ cấm vận? Tại sao VN mở được kìm kẹp kinh tế mà Cuba lại không? Bất lực trong quản trị đất nước nhưng muốn đất nước “ổn định”, chính quyền Cuba cậy đến bửu bối: nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi giúp những kẻ độc tài duy trì sức mạnh của họ rất hiệu quả. Bắc Hàn là ví dụ sáng nhất. Nỗi sợ củng cố quyền lực một gia đình ba đời độc quyền cai trị đất nước mỗi năm dân chúng đều đói, có năm chính quyền phải ngửa tay xin gạo. Hình ảnh đối nghịch hoàn toàn với người anh em Nam Hàn, dân chúng tự do, không bao giờ sợ hãi, ví dụ một ngày đẹp trời nào đó, một vài người trong số họ bị thảy vào đám chó dữ bỏ đói để chúng xé xác làm mồi ăn.
Lúc còn nhỏ tôi sống ở một vùng quê, chung quanh là rừng núi trùng điệp, lối đi là con đường mòn, tối tăm không bóng điện đường, điện nhà. Bóng tối là nỗi sợ hãi đeo đẳng, cho đến khi tôi ra sống ở thành phố, đèn điện sáng choang, trong nhà, ngoài lộ. Tôi thường bỏ học đi chơi với lũ bạn mỗi đêm. Cha tôi không còn cách nào cấm cản tôi. Ông không hề dùng roi vọt để dạy bảo con cái. (Tôi biết ơn cha, chính điều ấy hình thành nhân cách của tôi sau này: yêu thương chính là sự dạy dỗ). Có những đêm quá khuya, khi về, tôi vẫn thấy ông còn thức để canh cửa. Còn quá bé, tôi mê chơi hơn để ý tâm trạng người cha mong con về mỗi đêm. Thế là những câu chuyện ma được cha kể ra, trên cây xoài rậm rạp, trong cây mít tối om, dọc con đường về nhà tôi. Có con ma lưỡi đỏ choét, lè ra dài mấy thước, đung đưa trong gió dưới nhánh xoài. Có con ma cụt đầu ngồi bên gốc mít than khóc, mò mẫm chiếc đầu rơi bên cạnh. Từ đó, tôi không hề đi đêm nếu không có người chị cùng đi. Còn nhỏ, tôi luôn nghĩ đó là những câu chuyện thật. Cha đời nào nói dối với con. Khi lớn lên, tôi mới hiểu ra, làm gì có ma và cũng chưa thấy ai bị ma bắt chết bao giờ.
Ý thức giúp tôi tự giác. Nếu khi bé, tôi có suy nghĩ như khi trưởng thành, chắc chắn tôi không bao giờ sợ ma. Cha tôi lấy con ma ra để hù dọa con mình, mục đích tốt cho nó, không đi chơi quá khuya, bỏ học bài và ngủ muộn.
Ngày nay, thời đại tân tiến “không ma”, người cai trị vẫn sử dụng nỗi sợ hãi để khống chế hành vi công dân. Họ muốn “tốt” cho “thần dân” của mình dẫu cho nỗi sợ ấy, họ biết chắc là không có thật. “Ổn định” là trên hết.
Trước đoàn người rầm rập xuống đường, ông chủ tịch nước Cuba nhắc tới thế lực thù địch. Tự nhiên tôi nhớ đến con ma thời còn bé. Con ma bây giờ là bọn “tay sai” (mercenary), “phản cách mạng”, nhận tiền của Mỹ… đang chống phá đất nước Cuba yên bình. Con ma “ám” dân chúng đang xuống đường.
Nỗi sợ khiến con người co cụm vào vỏ bọc bảo vệ như vỏ ốc. Gặp hiểm nguy, ốc thụt vào vỏ, an toàn nhất. Ốc không dám đi xa. Ốc không dám khám phá. Đi xa và khám phá là đặc điểm của tiến hóa. Ốc luôn mang phận ốc vì không dám đi xa và khám phá.
Khi tìm hiểu giáo dục nước Mỹ, tôi thấy học sinh Mỹ rất tự tin. Nhỏ tuổi hay lớn hơn, khi trả lời người khác, các em dường như không hề sợ sệt. Cách phát biểu đầy tự tin của các em chứng tỏ các em không gặp bất kỹ nỗi sợ hãi nào: nói "sai", phật ý thầy cô, hay phơi bày sự kém sút hiểu biết của bản thân. Tôi tự hỏi, tất cả các phát minh thay đổi thế giới đều phát sinh từ Mỹ, có khi nào nhờ từ nhỏ, học sinh không bao giờ phải sợ hãi kể cả thầy cô?
Họ không như học sinh chúng ta, nỗi sợ đè nặng tâm hồn thơ trẻ: nào là phải nỗ lực ngày đêm để làm vừa lòng cha mẹ bằng những thành tích để họ “ngẩng cao đầu” với người khác; nào là phải phấn đấu đạt nhiều danh hiệu, năm này sang năm khác, để thầy cô, nhà trường được tiếng dạy giỏi, phòng, sở thơm lây.
Người Mỹ dường như không sợ hãi ai ngoài pháp luật. Tổng thống cũng có thể hầu tòa nếu bị cho là làm sai luật. Donald Trump, một người kỳ khôi, không một ngày làm quan chức, vẫn đắc cử tổng thống. Một người quyền lực nhất nước Mỹ, có lẽ cả thế giới, vẫn phải bị dân biểu đem ra “đàn hạch” hai lần mà ông ta không có nổi chút quyền lực tối thiểu như Putin hay Tập Cận Bình, bắt nhốt ai nếu muốn. Vì sao? Vì dân Mỹ không sợ tổng thống. Họ chỉ sợ pháp luật. Dân không sợ thì dân biểu, đố mà sợ tổng thống.
Sự sợ hãi khiến con người trở thành con ốc. Thu mình trong vỏ là yên bình nhất. Có nhiều, ít ốc ở VN? Không rõ nhưng nhân tài không thiếu. Rất nhiều nhân tài. Nhưng như Nguyễn Du: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Lịch sử cận đại Việt Nam, có biết bao nhân tài bị hất hủi, bị thủ tiêu, hay bức tử. Chế độ Ngô Đình Diệm không dung nổi nhà cách mạng, nhà văn Nguyễn Tường Tam. Học giả, nhà văn Hồ Hữu Tường là tù nhân của cả hai chế độ đối nghịch nhau. Triết gia Trần Đức Thảo, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, 22 tuổi đỗ hai bằng tiến sĩ ở Pháp, là những trí thức yêu nước, cả cuộc đời phải sống nhẫn nhục, bất đắc chí. Lẽ đáng, những hiền tài này, trong hàng trăm, hàng ngàn hiền tài khác, đã phụng sự quốc gia nếu họ tự do, không gặp bất cứ nỗi sợ hãi nào trong xã hội đương thời.
Nỗi sợ hãi làm con người không những mất đi sự tự do mà còn mất đi sức sáng tạo. Sáng tạo sẽ thay đổi vận mệnh người dân và vận mệnh đất nước. Tôi bỗng liên hệ đến tình trạng của các thầy cô giáo – những người tạo tương lai cho đất nước qua giáo dục. Thầy cô giáo có nỗi sợ nào không? Tôi không rõ. Ông trưởng phòng giáo dục, ông hiệu trưởng, ông trưởng bộ môn, ông tổ trưởng, phụ huynh học sinh, cả học sinh và đồng nghiệp thân yêu của mình…có ai là nỗi sợ hãi cho các thầy cô nếu họ không đạt tiêu chí thi đua dạy tốt theo chuẩn mực, kỳ vọng, từ trên đưa xuống, từ gia đình học sinh đưa ra?
Trong giáo dục không có nỗi sợ nào, ngoài nỗi sợ không làm tròn nhiệm vụ của người thầy đối với học trò. Cái nôi của phát triển của giáo dục là nhà trường. Trong nhà trường thầy và trò phải luôn đối mặt với nỗi sợ thi đua, thành tích cá nhân và tập thể, và sợ cả những thứ “vây quanh” họ như tôi vừa nói ở trên, thử hỏi đất nước sẽ như thế nào nếu những công dân tương lai luôn canh cánh trong lòng nỗi sợ hãi thầy cô họ ít nhiều đã truyền vào tâm hồn trong trắng của họ mười mấy năm ngồi ở ghế nhà trường? Tôi nhận thấy xã hội chúng ta hiện nay có rất nhiều người mang nỗi sợ “truyền kiếp” ấy. Thành viên xã hội mang trong lòng nỗi sợ sẽ dễ dàng răm răp tuân theo trật tự có sẵn, xã hội luôn ổn định, cho đến một ngày... không còn ổn định.
Nhìn cảnh biểu tình hôm chúa nhật ở Cuba, tôi thấy người dân ở đó có lẽ bắt đầu thấy ra nỗi sợ mấy chục năm sống trong môi trường “xã hội chủ nghĩa” là không có thật; nó giống nỗi sợ ma của tôi khi còn bé. Khi thấy ra nỗi sợ không có thật, người ta mới thực sự cảm thấy tự do và thực sự tìm ra sức mạnh.
Ảnh: Nỗi sợ lớn đến nỗi người ta phải lật các chiếc ghế này để ngăn ngừa tụ tập đông người.