Sunday, February 4, 2024

CÁCH LY TẠI NHÀ VÀ CÁCH LY TẬP TRUNG: Cái nào nhân văn hơn?

Năm ngoái, VN nổi tiếng thế giới nhờ chống dịch. Vị trí xếp hạng thuộc top ten các nước. Nay, Nikkei xếp VN chống dịch chót bảng. Vì sao?

Đặc điểm ban đầu COVID ít lây lan. Phong tỏa, khoanh vùng, cách ly, truy xét nguồn lây: rất thành công. Ngày nay, biến chủng Delta còn hơn ma quỷ. Chỗ nào cũng có mặt nó. Nước có tốc độ chặn dịch khá hiệu quả như Mỹ cũng ngắc ngư vì biến thể mới, huống hồ Việt Nam.

Biện pháp chống dịch cũ có hiệu quả cho tình huống mới, không ai có câu trả lời chắc chắn. Mọi thứ ngổn ngang phía trước. Sài Gòn áp dụng biện pháp chống dịch phải nói là quyết liệt nhất nước, nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay. Số F0 có giảm đi theo sự nghiêm ngặt, quyết liệt hay không?

Một trong các biện pháp ngăn chặn dịch là cách ly. Liệu nhà nước có đủ sức, đủ chỗ, để cách ly tập trung số F0 không dừng mỗi ngày? Cách ly 10 F0 cần bao nhiêu người đứng ra tổ chức? 1000 rồi 10.000 người sẽ cần bao nhiêu? Nào chỗ ở, chỗ ăn, chỗ sinh hoạt, nào phải theo dõi sức khỏe của mỗi F0. Một gánh nặng nhà nước phải è vai ra vác. Và nhà nước sẽ vác đến bao giờ khi phải “sống chung với dịch”?

Cách ly để dịch không lây. Phong tỏa để xét nghiệm đại trà. Tại sao lại phải nhốt chung những người “nghi F0” vào một chỗ để sàng lọc lại bằng CT-PCR? Tôi từng chứng kiến mỗi ngày, nơi cách ly trung chuyển, những người dương tính qua test nhanh ở phường (khu đỏ) lại âm tính, hàng chục người trả về nhà do kết quả xét nghiệm PCR>30. Vậy, có bao nhiêu người “dương tính giả” trở thành dương tính thiệt vì chung đụng mấy ngày với “F0 thứ thiệt” để chờ xét nghiệm chính thức? Tôi chưa nói tới điều kiện sinh hoạt cách ly tập trung. Tất cả địa phương tổ chức cách ly đều có đủ cơ sở cho sinh hoạt của hằng mấy trăm người, già có, trẻ có, người khỏe mạnh , người thể trạng gầy yếu? Có tuân thủ đúng giãn cách theo quy định cho số người lên đến mấy trăm, có nơi cả ngàn? Ở Bình Dương các F0 tập trung giành giật thức ăn, hình ảnh khá đau lòng.

Khi người lập ra chính sách (ở đây là cách ly tập trung) không nằm trong nhóm F0, họ khó hình dung ra đủ nỗi nhọc nhằn và phức tạp của cuộc sống “cách ly tập trung”.

Trong một gia đình, thành viên tuần tự vào khu cách ly theo thời gian phát hiện dương tính ở phường. Cha có thể ở một nơi. Mẹ ở một chỗ. Có gia đình cách ly gần hết chỉ còn một hai con nhỏ không dương tính cũng phải đi theo. Ở nhà ai chăm? Tôi từng gặp một người mẹ không nhiễm COVID phải đi theo “nuôi” người con 5 tuổi dương tính. Liệu sau một thời gian, người mẹ có thoát khỏi COVID khi phải ở chung với những người đã nhiễm? Cũng có người mẹ trẻ phải để con còn đang bú ở nhà cho bà ngoại vì gia đình chỉ một mình chị dương tính đi cách ly. Mỗi ngày chị phải nặn bỏ sữa trong khi đứa con ở nhà khát sữa! Sau một ngày nhớ con, chị quyết định gọi chồng ôm con vào cho chị. Đứa bé sống với mẹ dương tính, không rõ sẽ thế nào.

COVID khủng khiếp không phải ở chỗ gây chết người (ung thư, tim mạch, tai nạn giao thông…không gây chết người nhiều hơn ư?). Nó khủng khiếp ở chỗ huỷ hoại tinh thần con người khi phải xa cách nhau, phải ly tán nhau trong cơn hoạn nạn, và người thân yêu ruột thịt xem nhau như…địch. Bất cứ ai cũng có thể mang đến nguồn lây cho người khác.

Cách ly tập trung vừa là gánh nặng cho nhà nước vừa là gánh nặng cho gia đình người bị cách ly. Sinh hoạt hằng ngày trong gia đình dù trong mùa dịch vẫn tạm ổn: liệu cơm gắp mắm cho quá cơn bĩ cực. Cả một gia đình F0 ly tán trong các khu cách ly, sinh hoạt thiếu thốn, lạ chỗ ngủ nghỉ, thể xác, tinh thần của họ có còn đủ sức để đối phó con vi rút mỗi ngày tấn công cơ thể? Khi đi cách ly, họ có dụng cụ để nấu nước xông mỗi ngày? Cúm trong người của họ tự do phát tán qua các cơn ho cho người khác, kẻ có tải lượng vi rút nhiều không nhiễm thêm cho người có tải lượng vi rút ít? Không ai chắc chắn sống chín mười người trong một căn nhà tập trung mà không lây bịnh cho nhau, ngoài COVID.

Ở nhà và ở cách ly, nơi nào có thể hỗ trợ người nhiễm chống lại dịch bịnh tốt hơn?

Ăn uống không đúng giờ thường lệ như ở nhà. Ăn những món ăn “tập thể” ( hàng ngàn suất cơm như nhau). Không có điều kiện ăn những thứ có ích để nâng đỡ cơ thể. Tôi chứng kiến gần phân nửa số người trong phòng lúc tôi cách ly, cả ở bịnh viện dã chiến, không ăn hết nửa phần cơm được cấp. Không phải cơm thiếu dinh dưỡng nhưng họ nói không hợp khẩu vị, không ăn nổi. Không ăn nổi lấy sức đâu mà đương đầu với vi rút, chưa kể lúc đói thì chưa thấy cơm (hàng ngàn người, phục vụ đúng giờ không xuể) và lúc no thì cơm đã tới. Bạn có muốn ăn canh cũng không có. Bạn muốn xin thêm một nửa trái ớt cũng không được. Tôi thích ăn ớt. Có bữa phần ớt của tôi chưa tới 1/4 quả. Tôi phải liếm nó mỗi lần đưa cơm vào miệng. Nhai “mụn” ớt kia thì cả bữa cơm vứt đi hay sao? Tôi có sữa Ensure mang theo. Những người khó khăn hơn thì sao?

Cách ly tập trung còn làm người ta dễ mất nguồn sống: việc làm. Thời dịch bịnh, còn làm việc qua mạng là còn may mắn và là cứu cánh cuộc sống. Hàng chục ngày cách ly, công ty, nhất là làm cho công ty nước ngoài, có ai cho bạn làm gián đoạn công việc của họ không? Thiếu người là thay ngay. COVID chưa làm khốn đốn nhưng mất việc là khốn đốn ngay.

Cách ly tập trung có lợi thế 2 thứ: “Bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng và xử lý bịnh nhân chuyển nặng.

Liệu cách ly F0 tại nhà, hai việc đó không giải quyết được?

Ở bịnh viện dã chiến, F0 không phải là bịnh nhân. Họ không được thăm khám từng người và nhận thuốc như trong bịnh viện. Như trong đạo công giáo, lúc rao hôn phối, vị linh mục thường dõng dạc: “Ai thấy đôi này có gì ngăn trở thì hãy tỏ ra”. Ở đây, F0 thấy có gì  trong cơ thể “thì hãy tỏ ra” bằng cách gọi điện cho bác sĩ. Sau khi ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn, tôi thấy F0 mừng rỡ khi có danh sách “xuất viện”. Bịnh viện “tầng 1” (dã chiến) này cũng chẳng có thuốc chữa đặc trị COVID, ngoài vitamin C hay hạ sốt, những loại thuốc ở nhà ai cũng sẵn, kể cả máy đo oxy.

Tại sao ở nhà, có trạm y tế lưu động, các F0 lại không tiếp cận tham vấn của bác sĩ mỗi khi cần? Tôi thấy điều này khả thi. Mỗi ngày cách ly ở nhà, có người qua số điện thoại này (ảnh) đều gọi hỏi thăm tôi và bảo có cần hỗ trợ gì không về súc khỏe.

Khi thấy nhà nào có điều kiện cách ly hãy tạo điều kiện cho họ cách ly. Đây là cách làm ở các nước tiến bộ. Hay là, cách ly tại nhà, không “làm đẹp “con số thi đua: Khu vực tôi không để lây nhiễm, dễ tạo thành tích, vì số F0 được “tống tiễn” tất cả vào khu cách ly?

Vấn đề nữa: cách ly tại nhà dễ lây dịch ra cộng đồng? Vì sợ như vậy, có địa phương dùng khoá khoá cổng dù người trong nhà chỉ là F1, F2. Cũng vì bảo vệ thành tích, trước đây có tỉnh từ chối nhận đồng hương về quê tránh dịch. Nếu tiếp xúc gần đều lây, tại sao trong gia đình người nhiễm dịch, người không? Nhiều người không ra khỏi nhà hàng tháng nhưng vẫn dính COVID?

Theo tôi, không nên cách ly tất cả F0. Cần phân loại. Những người già trên 65 tuổi, người bịnh nền, có thể tự nguyện đi cách ly. Không nên “hốt “ cách ly. Làm như vậy sẽ khiến người dân trốn xét nghiệm đại trà, ảnh hưởng sức khỏe chung. Hãy phát que thử cho dân,hướng dẫn họ tự xét nghiệm. Nếu dương tính, hãy hướng dẫn họ cách thức săn sóc mình, cấp thuốc cần thiết, và thường xuyên liên lạc y tế nếu có bất thường xảy ra.

Việc cách ly tập trung, nếu muốn duy trì,  cần để dân tự nguyện. Những người ở khu “ổ chuột”, kinh tế khó khăn, có thể chọn vào chỗ cách ly nếu họ muốn.

Khi nhà nước bớt “bao cấp “ cách ly tập trung, họ sẽ có nguồn lực tập trung cho việc chữa trị F0 dễ trở nặng. Việc “sống chung” với dịch bằng 5K sẽ khiến cuộc sống thời dịch bịnh “dễ thở hơn”. Khi không còn quá sợ hãi dịch lây lan, người dân, nhà nước, sẽ bình tĩnh giải quyết mọi vấn đề một cách sáng suốt hơn, thông thái hơn. Thành phố sẽ không còn là pháo đài đầy kẽm gai, đêm xuống không một bóng người, hàng chục triệu dân không ai hồi hộp, lo lắng, lo sợ “khi nào tới số mình” bị cách ly.

Sống chung với dịch giống như sống chung với lũ. Có ai dẹp lũ, có ai dẹp dịch? Có dẹp nổi không?

Khi tinh thần người dân ổn định, vững vàng, không “giặc “ nào họ phải sợ. Và khi người dân có quyền tự do trong đối phó dịch bịnh (cách ly tại nhà, tự giác hạn chế lây lan) với sự hỗ trợ y tế đầy đủ, chắc chắn Sài Gòn sẽ trở lại năng động, lấy lại sức sống như xưa. Sài Gòn khỏe, cả nước khỏe. Sài Gòn vẫn có sức sống riêng. Đừng làm “bầm dập “ Sài Gòn với quá nhiều thử nghiệm, không phải vì khoa học mà vì duy ý chí và kiêu ngạo cộng sản.

Ảnh: Cảnh giành phần ăn khu cách ly tập trung F0 Bình Dương.