Sunday, February 4, 2024

FO CÁCH LY TẠI NHÀ

Truyền thông Sài Gòn có hướng dẫn FO cách ly tại nhà. Thực hiện hay không còn tuỳ vào…chính quyền địa phương, “sát sườn” là phường, xã. Chống dịch như chống giặc, ông phường, ông xã, trong thời gian này, còn lớn hơn ông tổng bí thư (như tổng thống, như vua). Phép vua thua lệ làng. Quá hay. Quá đúng. Bây giờ, người dân không sợ công an, nhà tù . Họ chỉ sợ ông phường, ông xã. Có chủ tịch nước nào dám khoá cửa nhà người F1, F2 như báo đăng? Tổng bí thư chắc là không dám rồi. Xã trưởng mới có quyền.

Có nhà tuyên giáo nói, cần áp dụng chủ nghĩa Mác- Lê trong phòng chống COVID. Tôi không nghĩ thế. Tôi lại nghĩ đến nhà cách mạng đồng hương Quảng Nam, chí sĩ Phan Châu Trinh. Cái câu nghe rất cũ “ Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” lại hữu ích trong lúc này.

Khai dân trí thời COVID là gì?

Có bao nhiêu người nhiễm corona sẽ chết? Có bao nhiêu người chỉ “thấy thoáng qua” khi nó ghé thăm? Có bao nhiêu người trở nặng khi nó xâm chiếm cơ thể? Có những ai là “mồi ngon” của Virus Vũ Hán? Phong tỏa nghiêm ngặt có làm cho dịch không lây lan hay khi đến đỉnh dịch mới đi xuống? Số người nhiễm F0 “khỏe mạnh” có là nguồn cung cấp số lượng cho chiều hướng miễn dịch cộng đồng? Các nước như Mỹ, có nền y tế tiên tiến, xem thường COVID, thậm chí hàng triệu dân không chịu chích vắc xin, một số trường cho học sinh có quyền không đeo khẩu trang, số người nhiễm bao nhiêu, người chết bao nhiêu? Hơn 650 ngàn người chết trong gần 2 năm có hơn số người chết vì ung thư, tim mạch mỗi năm ở nước Mỹ? Thái Lan có số người nhiễm cao hơn VN nhưng số bị chết có tỷ lệ thấp hơn VN. Vì sao?

Cụ Phan nói rồi. Hàng trăm năm trước: khai dân trí. Không coi trọng dân trí, vị thủ tướng đã không mời các nhà trí thức đến để tham vấn cho chính phủ chống dịch.

Chấn dân khí, chỗ nào? Hiện nay, dân khí người Việt cao tới đâu ?

Dân khí người Việt thời COVID như loài thỏ đế. Nhát như thỏ đế. Nghĩa là, nghe đến COVID, người dân bủn rủn tay chân. Tôi gần 70, sống sót qua chiến tranh, qua bạo bịnh (ung thư), tự xét nghiệm biết mình dính COVID, hồn phi, phách tán. Huống hồ chi người khác.

Vì sao?

Truyền thông hốt hoảng: Hình ảnh người bịnh COVID trở về trong chiếc hũ sành lạnh lẽo. Cha mẹ, ông bà, chết vì vi rút không gặp mặt con, cháu giờ phút lìa đời. Và ai ở đâu ở đó. Không được ra khỏi nhà. Cả thành phố to nhất nước như sống trong chiến tranh. Tôi có dịp đi vào khu cách ly nên thấy thành phố đúng là pháo đài chống giặc. Hàng rào kẽm gai, người gác đại lộ. Nhìn các chiến sĩ mặc sắc phục rằn ri, khẩu súng trên vai. Ai mà không khiếp sợ.

Thay vì phát những bài nói về cách thức đối phó, tự chăm sóc khi vướng COVID, các loa phường ông ổng: phạt, phạt, phạt… triệu này triệu kia những ai ra đường không mục đích chính đáng. Không vì cái đói, ai điên đến nổi ra đường để bị phạt? Người nghèo, người yếu thế mới là người dễ bị phạt. Phạt người nghèo, đành đoạn vậy sao? Chính quyền và người dân cần gần gũi nhau trong cơn hoạn nạn. Đó là đạo lý. Loa phường lại làm ngược: răn đe người dân. Bị phong tỏa, tinh thần người dân hoảng loạn. Xoa dịu thì không. Hù dọa phạt tiền lặp đi lặp lại nhiều nhất. Tại sao không phát những nội dung giúp người dân đồng cảm với chính quyền, vui lòng khi sống cách ly? Người dân cần yên tĩnh trong không khí căng thẳng, loa phường thì inh ỏi, không giờ không giấc. Hứng lên là phát. Tội cho dân quá đi chứ. Cả tinh thần lẫn thể xác.

Tôi dính COVID dù hai tháng không ra khỏi nhà. Người dân đâu ai muốn dây dưa với nó. Nhưng khi xét nghiệm, người dính dịch có cảm giác như một tội đồ: phải đi cách ly. Khi có kết quả dương tính, người dân như mất hết quyền làm người. Giờ nào, ngày nào lên đường cách ly, cách ly ở đâu, điều kiện cách ly thế nào, tất cả do quyết định của chính quyền cơ sở: phường, xã.

“Số mạng” kẻ FO quyết định không phải do ông tổng bí thư, mà do ông phường, ông xã. Ông chính quyền sở tại , người dân không có quyền bầu ra, lại quyết định số phận người dân sống trong khu vực họ “quản lý”.

“Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. ( Nguyễn Du).

Gặp ông phường hiểu biết, dân nhờ. Gặp ông phường yêu“thành tích “, dân phải chịu.

Oái ăm như thế.

“Cách ly tại nhà “ nghe đơn giản nhưng là bước tiến vô cùng tiến bộ, người dân vô cùng phấn khởi. Chính quyền đã tin tưởng vào người dân. Họ không vật vã cáng đáng khi phải bao biện “cách ly”, “bóc tách “ FO ra khỏi cộng đồng. Gánh nặng được người dân chia sẻ.

Không rõ cách ly tại nhà vì cơ sở vật chất công cộng phục vụ người cách ly không kham nổi hay nhà nước hiểu ra: chỉ có người dân mới tự cứu lấy mình, nhờ vậy, họ cũng sẽ “cứu”nhà nước?

Các vị khoá nhà dân hãy trả lại chìa khoá cho dân.

Ông xã trưởng bảo người dân tự nguyện khoá nhà mình. Tôi nhớ thời trước, nông dân ai cũng tự nguyện làm đơn gia nhập hợp tác xã và ai cũng tự nguyện đói meo râu.