Monday, February 5, 2024

NGƯỜI NHIỄM COVID-19 KHÔNG THỂ BỊ COI NHƯ “TỘI NHÂN”.

Nhớ từ đầu dịch, người nhiễm vi rút bị nêu cả tên lẫn họ luôn nơi cư trú. Nạn nhân trở thành “tội nhân”. Cũng không vắng lời trách móc, chì chiết của dư luận xã hội. Nhà chức trách sau đó điều chỉnh cách đưa tin, không gọi tên, mà gọi số, lấy theo thứ tự người nhiễm trong nước. Người nhiễm dịch bớt đi gánh nặng tinh thần: không còn mặc cảm mang lại “tai ương” cho xóm giềng. Nhưng có thật, thái độ phân biệt của xã hội đối với người bịnh đã chấm hết?

Một ngôi nhà ở Phú Nhuận gắn thông báo trên cửa: “Gia đình có người cách ly y tế”. Có tờ báo đưa tin, tài xế đưa khách khóc nức nở vì “chở nhầm” khách mắc Covid-19 (Tiền Phong).

Không nói ra nhưng ai cũng nghĩ người mắc Covid-19 là nỗi lo lắng và sợ hãi cho mình. Người dân thì thế, “nhà nước” thì sao? Khi Sài Gòn ra lệnh giãn cách toàn thành phố và phong tỏa một quận, Đồng Nai tức tốc lập rào chắn, “cô lập” Hồ Chí Minh. Ảnh hưởng tức thì hoạt động kinh tế. Hai địa phương này là cỗ máy sản xuất của cả nước, cỗ máy của nhiều cỗ máy. Người đứng đầu chính phủ cũng tức tốc không kém: “Ngăn dịch chứ không phải ngăn sông cấm chợ”.

Tôi có biết câu chuyện đối phó dịch bịnh tại Phần Lan - những ngày đầu nước này "sật sừ" với Covid-19. Người có triệu chứng nhiễm vi rút gọi điện đến bộ phận y tế địa phương. Nhân viên y tế đến khám, làm xét nghiệm, và tùy theo mức độ nặng nhẹ: cách ly tại nhà hay đưa đến bịnh viện chữa trị. Đa phần là tự cách ly. Khu phố lập tức lên mạng kêu gọi thành lập các nhóm thiện nguyện, số trẻ khỏe mới tham gia.

Người nhà có thân nhân mắc bịnh sẽ tự nguyện không ra ngoài để tránh tiếp xúc người khác. Mỗi buổi sáng, họ đặt một tờ giấy trước cửa, ghi rõ cần mua thứ gì. Nhóm thiện nguyện nhìn vào đó để ra siêu thị mua giúp. Hàng hóa (đa phần thực phẩm) được bỏ trước cửa và người nhà ra lấy; họ giơ tay chào cảm ơn “từ xa” nếu thấy ai mang hàng đến. Đây là lúc đầu ít người nhiễm. Càng về sau số người nhiễm càng nhiều. Cách giải quyết nhu cầu khác hơn. Siêu thị thông báo giờ bán hàng cho người nhiễm Covid-19, thường là đầu giờ trong ngày. Hết giờ, siêu thị đóng cửa và phun thuốc khử trùng, và mở cửa sau đó cho những người khỏe mạnh đi mua sắm.

Như vậy, so sánh cách đối phó dịch bịnh, tôi thấy có khác nhau giữa ta và họ. Tất nhiên, so sánh như thế là không đúng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điểm: ý thức người nhiễm bịnh và ý thức của cộng đồng đối với họ. Đây là cái, người Việt Nam   có thể làm được mà không đợi đến lúc nào nước mình giàu có và văn minh như Phần Lan.

Quay lại bảng thông báo ở trên. Nếu người mắc Covid-19 trong nhà này ý thức nhà mình có thể là nguồn lây cho người khác thì không cần có bản nhắc nhở đỏ choét gắn trước cửa. Nhưng người đi gắn bản ấy (có lẽ từ nhà chức trách) chắc chắn không tin tưởng người trong nhà có ý thức cộng đồng nên họ mới “gắn” cảnh báo đó. Nhưng nếu người trong nhà có người cách ly có ý thức công dân tốt thì sao? Có cần phải gắn bảng đỏ ấy lên? Có lẽ là lo lắng cũ: trình độ dân trí chưa cao?

Đối với bác tài xế ta xi ta có thể cảm thông hơn. Anh ta khóc lóc vì sợ hãi đã tiếp xúc với người mắc vi rút corona. Đó là lo lắng hiểu được. Nếu anh “dính” dịch thì cuộc sống gia đình anh thế nào nếu bị cách ly tập trung 21 ngày? “Chở nhầm khách”, cách đưa tin của nhà báo có cái gì đó bất nhẫn. Có ai muốn mắc Covid đâu. Nếu biết khách mắc bịnh, tài xế nên bỏ mặc họ hay sao? Chở họ đến bịnh viện là chở nhầm? Khách đi bịnh viện nên báo với tài xế mình nhiễm corona để họ có động thái đề phòng. Chung tay chống dịch là ý muốn của nhà báo này nhưng cách giật tít dễ gây hiểu nhầm phân biệt đối xử với người chẳng may mắc bịnh.

.

Ở VN, số ca nhiễm 8.364, số tử vong là 53 (đa phần có bịnh nền và cao tuổi) người trên hơn 97 triệu dân chưa phải là con số đáng sợ so với nước có nền y tế tiên tiến của Mỹ, với 33,4 triệu người nhiễm và 597.000 người chết. Chúng ta không nên hốt hoảng mà phải luôn bình tĩnh chung tay với nhau, với nhà nước, trong nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh. VN đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn trước. Mọi biện pháp đều có thể áp dụng để dịch bịnh không lây lan, miễn đó là biện pháp hợp tình hợp lý, có đóng có mở, có khắt khe có thấu hiểu. Đó là mong muốn không phải chỉ của chính quyền mà chính của mỗi người dân chúng ta.

Thời điểm này, ngăn ngừa dịch bịnh cho mình luôn luôn đi đôi với ngăn ngừa dịch bịnh cho người khác và không vì sự nguy hiểm vì dịch dễ lây lan mà chúng ta tỏ thái độ kỳ thị với người chẳng may trở thành nạn nhân của nó.

Ngăn dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ là hướng đi linh hoạt khôn ngoan. “Ngăn sông cấm chợ” ảnh hưởng đến đời sống kinh tế có thể đo đếm bằng con số. Nhưng ngăn chặn tình người bằng sự phân biệt đối xử với nạn nhân của giặc Wuhanvirus sẽ ảnh hưởng tinh thần người bịnh và thân nhân của họ, không thể nào đo đếm được.