(Vietnam Must Be Pleased With the Biden Administration… For the Most Part)
Sau 4 năm củng cố quan hệ an ninh Việt-Mỹ dưới thời Trump, đương nhiên, khi Biden làm tổng thống, ít nhiều khiến cho Hà Nội bất an. Tuy nhiên, những dấu hiệu sớm của chính phủ Biden cực kỳ tích cực đối với VN. Có vẻ như đội ngũ Biden, cơ bản, dự tính duy trì chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương của chính quyền Trump, mục đích giữ cho khu vực “tự do và cởi mở”, không bị TQ cưỡng ép, với giọng hòa hoãn hơn, nhưng lại chú trọng hơn việc đoàn kết đồng minh, các nước đối tác.
Như có lần tôi thảo luận, VN ủng hộ mạnh mẽ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương dù họ không công khai, nhằm tránh chọc giận TQ. Hà Nội đánh giá cao sự chú ý của Washington ở khu vực, đặc biệt về tranh chấp chủ quyền họ phải đối mặt với Bắc Kinh ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ tự do lưu thông hàng hải (FONOP) cũng như các tuyên bố chính thức. Chỉ một thời gian ngắn nắm quyền, Biden thực hiện ba lần cho tàu bè đi vào Biển Đông, sát Trường Sa (2 lần) và Hoàng Sa (1 lần). Hơn nữa, Ngoại trưởng Antony Blinken tái khẳng định sự thay đổi chính sách Biển Đông của người tiền nhiệm, Mike Pompeo, vào tháng 7 năm 2020, công nhận sự tồn tại và tính hợp pháp đối với các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước phản đối yêu sách “Đường lưỡi bò”, Trung Quốc cho là quyền lãnh thổ lịch sử, trái với luật pháp và chuẩn mực hành vi quốc tế.
Hơn nữa, chính quyền Biden rõ ràng quyết tâm tiếp tục cạnh tranh tư thế nước lớn với TQ từ thời chính quyền Trump. Đây là điều tốt cho Hà Nội, bởi Washington đang thể hiện quyết tâm lâu dài, ngăn chặn tham vọng của TQ. Trong diễn văn quan trọng về đối ngoại đọc tại bộ ngoại giao hôm ngày 4 tháng hai, tổng thống Biden cho rằng TQ là “đối thủ thực sự”.
Vài ngày sau, trả lời phỏng vấn đài CBS, chương trình “Thách thức quốc gia”, ông mô tả một tình trạng “cạnh tranh cực lực” (“extreme competition”) với TQ. Toàn thể chính quyền Biden một lòng một dạ (in lockstep) với chính sách về TQ. Một ví dụ, TQ trở thành mối đe dọa “song hành” đối với Ngũ Giác Đài, mọi thành viên trong Hội đồng an ninh quốc gia – phụ trách công nghệ, y tế, khí hậu các thứ - đều chú tâm sát sao dấu hiện trỗi dậy của TQ đối với an ninh quốc gia.
Cuối cùng, Hà Nội hớn hở (hang its hat) về quyết định mới đây của chính quyền Biden, đích thân nêu VN là đối tác quan trọng ở Ấn Độ- Thái Bình Dương. Trong bản hướng dẫn tạm thời chiến lược an ninh quốc gia, công bố hôm ngày 3 tháng 3, ban tham mưu của Biden nêu rõ: “Chúng tôi sẽ…cùng làm việc với New Zealand, Singapore và Việt Nam, cùng với các nước ASEAN khác, để thúc đẩy những mục tiêu chung”
Cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên việc VN đón nhận sự gợi ý rõ ràng và tích cực ấy. Trong một sự kiện mới đây ở đại học Virginia, đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink tuyên bố: “Tôi cho rằng, quan tâm và tầm nhìn của chúng ta tương hợp nhau về một khu vực và thế giới chúng ta muốn sinh tồn”.
Nhưng rõ ràng, có nhiều lo âu khi VN chứng kiến việc chuyển giao quyền hành qua Biden. Thứ nhăt, như có lần tôi thảo luận, chính quyền Biden có dấu hiệu đặt trọng tâm chia sẻ không những các lợi ích quốc gia mà còn chia sẻ các giá trị như dân chủ, tự do, và nhân quyền. Đối với Hà Nội, đây là mối lo hệ lụy các hậu quả tiềm tàng, là Washington can thiệp lớn tiếng hơn về ba vấn đề này - vấn đề hết sức nhạy cảm đối với các lãnh đạo CSVN.
Hơn nữa, có thể Hà Nội còn lo âu về việc, liệu chính quyền Biden có thực sự hành động chống lại VN do cáo buộc lũng đoạn tiền tệ thời Trump, cũng như trừng phạt VN vì mua vũ khí quân sự Nga, chiếu theo đạo luật trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các nước thù nghịch.
Lần khác, trong lần nói chuyện với một người VN mới đây, tôi thấy còn có nhiều mối quan tâm nữa.
Một là, Hà Nội cố thu xếp thời gian thuận tiện để tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng thăm viếng Nhà Trắng, hội kiến với tổng thống Biden. Lần cuối cùng, lần duy nhất, xảy ra vào tháng giêng năm 2015, cũng có một cuộc gặp thượng đỉnh dự trù nhưng bị trôi qua, một bước lùi của Hà Nội.
Hai là, sau cuộc gặp Bốn Nước (quad) cấp bộ trưởng, thông báo của Washington không nhắc đến vấn đề Biển Đông, đây là dấu hiệu gây quan ngại cho Hà Nội. Tuy nhiên, quan ngại này cũng vơi đi qua thông cáo của chính quyền Biden sau cuộc gặp Bốn Nước hôm 12 tháng 3: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đặt lên hàng ưu tiên vai trò thực thi trật tự luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, phản ánh đặc biệt qua UNCLOS (Luật của LHQ về công ước luật biển), đẩy mạnh hợp tác, kể cả an ninh biển , để đối phó với những thách thức quy tắc hàng hải dựa trên luật pháp ở biển Hoa Đông, biển Đông.
Sau hết, người bạn VN của tôi nêu lên quan ngại về cuộc gặp các quan chức Mỹ-Trung sắp diễn ra ở Anchorage, Alaska, ngày 18 tháng 3, có khả năng “định hình” lại quan hệ Mỹ-Trung, chừng mực nào đó, có thể ảnh hưởng quan hệ Mỹ-Việt.
Tuy nhiên, tất cả những thách thức ấy, có thể giải quyết, trong điều kiện khi gắn kết song phương trở nên động lực. Tiến về phía trước, chính quyền Biden tìm cách giảm nhẹ các quan ngại vừa nêu ở phia VN, nhằm củng cố hơn nữa sự ủng hộ của Hà Nội đối với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Chính quyền Biden sẵn sàng với một khởi đầu mạnh mẽ nhưng còn phải làm nhiều hơn, chẳng hạn như mời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm tòa Bạch Ốc. Về phần mình, VN cần có thái độ cởi mở hơn về chính quyền mới, sẵn sàng đón nhận những thay đổi có thể được về cách tiếp cận của Washington trong bốn năm sắp tới.
Bài của Derek Grossman, giáo sư trợ giảng tại đại học Nam California đăng trên THE DIPLOMAT ngày 13 tháng 3 năm 2021. Nguyễn Long Chiến dịch.
Ảnh: Tổng thống Donald Trump và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được các cháu thiếu nhi đón chào tại tòa nhà chính phủ ngày 27 tháng hai năm 2019.