Wednesday, February 7, 2024

TƯ LỆNH MỸ Ở THÁI BÌNH DƯƠNG: TRUNG QUỐC XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI KHIÊU KHÍCH, HUNG HĂNG.

Một tư lệnh Mỹ cảnh báo với quốc hội: Trung Quốc đang trang bị một quân đội ngày càng khiêu khích, mở rộng ảnh hưởng khu vực khi Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực thay thế sức mạnh quân đội Hoa Kỳ tại châu Á.

Chỉ huy trưởng phụ trách Ấn Độ - Thái Bình Dương, đô đốc Philip Davidson phát biểu trong buổi điều trần tại quốc hội: “Cả cuộc đời binh nghiệp, tôi không thể hiểu những khả năng họ sắp đặt ở khu vực trừ phi đó là một động thái khiêu khích. Tôi nhận thấy TQ đang phát triển các hệ thống, tiềm lực, và một tư thế cho thấy họ chú trọng đến tấn công.

Trong buổi điều trần, yêu cầu chi phí phòng thủ hàng tỷ đô la vũ khí ở Thái Bình Dương, Philip cho biết, gia tăng đầu tư là cần thiết để ngăn chặn tham vọng quân sự của TQ trong khu vực.

Mô tả TQ là “mối đe dọa chiến lược lâu dài  đối với an ninh trong thế kỷ thứ 21” Davidson phát biểu, Bắc Kinh từ lâu thực hiện những bước đi ngày càng gây đe dọa, khi nêu ra hoạt động quân sự quanh Đài Loan, cộng với biên giới tranh chấp với Ấn Độ, thậm chí quanh các hòn đảo của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.

Ông nói: “Tôi lo lắng họ đang đẩy mạnh cuồng vọng…chiếm chỗ Mỹ, thay thế vai trò dẫn dắt của chúng ta trong một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, điều mà họ nói sẽ muốn như thế vào năm 2050.

Trung Quốc thì bai bải nói quân đội của họ cốt để tự vệ.

Sách trắng của TQ năm 2019: “Phát triển mục tiêu quân sự quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu an ninh chính đáng, đóng góp vào sự lớn mạnh của lực lượng hòa bình thế giới. Trung Quốc không bao giờ đe dọa bất cứ nước nào hoặc tìm cách gây bất cứ ảnh hưởng nào”.

Đề cập Đài Loan, một đảo quốc tự trị dân chủ mà TQ luôn tuyên bố là lãnh thổ của họ, Davidson cho biết Bắc Kinh có thể tính tới chuyện khống chế nước này trong một tương lai không xa. Cho rằng đe dọa ấy gia tăng khi khả năng Mỹ ngăn chặn hành động TQ đang xói mòn, ông nói: “Tôi cho rằng đe dọa ấy hiển hiện trong thập kỷ này, thật sự có thể là 6 năm tới”.

Khi được hỏi, liệu có cần thiết để Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan, Davidson đáp, nếu không hành động, vị thế quốc tế của Hoa Kỳ sẽ bị hủy hoại và uy tín một đồng minh sẽ bị tổn hại.

Lục địa Trung Hoa và Đài Loan thuộc hai chế độ riêng biệt kể từ khi cuộc nội chiến đẫm máu chấm dứt 1949; nhưng Bắc Kinh thề không bao giờ cho phép đảo quốc này chính thức độc lập, họ cũng chối bỏ việc loại trừ sử dụng quân sự khi thấy cần thiết.

Bộ trưởng quốc phòng TQ Thường Vạn Toàn tuyên bố: “Đài Loan là phần không thể tách rời của TQ. Quân đội nhân dân TQ sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết, kiên quyết đánh bại bất cứ âm mưu của những kẻ chủ trương ly khai, đòi Đài Loan độc lập, và bảo vệ vững vàng chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ”.

Đưa ra vấn đề Đài Loan và tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, Thường Vạn Toàn, theo truyền thông nhà nước hôm chúa nhật, binh vực việc TQ gia tăng chi phí quân sự 2021 lên 6,8% khi nói “thế giới không còn an ninh, quốc phòng của chúng ta phải mạnh”.

ĐẢO GUAM, NAY LÀ TẦM NGẮM

Trong lúc quân đội TQ từ lâu đẩy mạnh sự hiện diện của họ gần bờ biển, những chỗ như Đài Loan hay Biển Đông, Davidson tiết lộ, họ đang tăng cường hoạt động chung quanh các lãnh thổ, lãnh hải của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.

Ông nói: “Chúng tôi thấy hải quân TQ bố trí các nhóm đặc vụ và tàu ngầm đi vòng đảo Guam và đảo Commonwealth thuộc bắc Mariana”.

Ông còn đưa ra một video tuyên truyền của TQ vẽ lên cảnh: máy bay ném bom xuống căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, và lực lượng tên lửa đạn đạo hùng mạnh của Bắc Kinh, bắn tới đảo Micronesia (Mỹ) từ đất liền TQ.

Davidson cho biết, hòn đảo cư trú của 170.000 cư dân Mỹ: “Guam, nay là tầm ngắm. Guam cần được bảo vệ. Bảo vệ họ là bảo vệ đất nước”.

Để đạt mục tiêu, viên đô đốc nói quốc hội cần cấp kinh phí lắp giàn tên lửa bảo vệ Aegis Ashore giá 1,6 tỷ đô la cho Guam. Đảo hiện đang trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao THAAD, nhưng Davidson cho rằng, chúng không hoạt động đủ 360 độ, một đòi hỏi phải có, để đáp trả đe dọa từ các chiến hạm trang bị tên lửa, tàu ngầm, và máy bay của TQ.

LIÊN MINH DÂN CHỦ KIM CƯƠNG

Kế hoạch tên lửa Aegis, một phần của Sáng kiến ngăn chặn ở Ấn Độ-Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc, nằm trong kế hoạch 5 năm 27 tỷ đô la để nâng cấp lực lượng Mỹ tại khu vực.

Bên cạnh hệ thống tên lửa Aegis, Ngũ Giác Đài còn yêu cầu nào là giàn ra đa phòng thủ thế hệ mới cho Hawaii; thêm thiết bị tình báo và do thám; thêm đạn dược; thêm quân số hải quân, không quân, thủy quân lục chiến vào khu vực; và tăng cường huấn luyện, tập trận với các nước đồng minh và đối tác.

Các nước đối tác đó bao gồm các thành viên bốn nước Bộ Tứ (Quad), còn gọi Đối thoại an ninh bộ tứ, một diễn đàn chiến lược của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Hôm thứ ba, Davidson nhắc đến sự kết hợp  ấy là “Kim cương của nền dân chủ” ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Thứ sáu tới, bốn vị lãnh đạo bốn nước sẽ gặp nhau trực tuyến, ở cấp cao nhất cho tới nay, khi sự tập họp còn chưa chính thức.

Davidson hi vọng tổ chức này sẽ “xây đắp một cái gì đó to tát hơn. Không chỉ về an ninh, mà về cách thức chúng ta tiếp cận…nền kinh tế toàn cầu, công nghệ, quan trọng như viễn thông và 5 G, hợp tác duy trì trật tự quốc tế, có nhiều việc phải làm, ngoại giao và kinh tế”.

Lời giải trình của một tư lệnh Mỹ xuất hiện ngay lúc lãnh tụ TQ Tập Cập Bình kêu gọi lực lượng vũ trang “tập trung sẵn sàng chiến đấu” khi đề ra mục tiêu quân sự cho 5 năm tới, theo tường thuật của Tân Hoa Xã.

Hãng này đưa tiếp tin: “Vạch rõ ‘nhiều bất ổn’ và nhiều bất định’ trong những tình huống an ninh hiện nay của TQ, lãnh tụ Tập tuyên bố, toàn quân phải luôn luôn sẵn sàng đáp trả mọi tình huống khó khăn, phúc tạp, kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước, an ninh quốc gia, và những thành tựu phát triển, ủng hộ hoàn toàn mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng tổ quốc hiện đại XHCN”.

Brad Lendon, báo CNN, ngày 11 tháng 3 năm 2021. Nguyễn Long Chiến dịch.

Đô đốc tư lệnh Ấn Độ- Thái Bình Dương Davidson.

Ảnh: Sân bay Andersen, trên đảo Guam;