Wednesday, February 7, 2024

VẤN ĐỀ LÃNH ĐẠO VẪN CHƯA NGÃ NGŨ Ở VIỆT NAM

(Vietnam’s unresolved leadership question)

Đại hội đảng CSVN kết thúc vào ngày 1 tháng hai tại Hà Nội. Bốn diễn biến đáng chú ý xuất hiện, đóng vai trò định hình tương lai chính trị nội tình Việt Nam.

Thứ nhất, đảng CSVN kết thúc đại hội kín đáo nhất, yên ổn nhất kể từ năm 1991. Không giống các đại hội trước, lần này ít bị rò rỉ, không có kiến nghị, không thư ngỏ gởi lãnh đạo, chẳng nhiều tin đồn, bóng gió, hay đốp chát nóng bỏng trên mạng xã hội. Đảng chứng tỏ họ kiểm soát chặt tình hình.

Thứ hai, nỗ lực gộp chung chức vụ tổng bí thư với chủ tịch nước chẳng ai nhắc tới. Đổi lại, đại hội muốn quay lại công thức tứ trụ, lãnh đạo cấp cao chia sẻ giữa tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch quốc hội.

Cơ chế này đem lại sự kiểm soát và cân bằng, bảo đảm sự thỏa thuận, bàn bạc trong tiến trình ra quyết định – nhưng nó lại không cho phép có các hành động quyết đoán, cấp thời. Ngoài sự cứng nhắc vì ý thức hệ dưới một thể chế toàn trị, thiếu vắng lãnh tụ táo bạo có thể là một trở ngại cho những cải cách chính trị mang tính đột phá. Có lẽ, sự chi phối của số ủy viên bộ chính trị mới đắc cử chuyên về an ninh và ý thức hệ cộng sản không báo trước điều gì tốt lành cho cởi mở chính trị.

Thứ ba, Nguyễn Phú Trọng vẫn là tổng bí thư, Phạm Minh Chính thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc chủ tịch nước, và Vương Đình Huệ chủ tịch quốc hội như dự trù, chẳng có vị trí lãnh đạo chủ chốt nào là người miền Nam. Điều này có nghĩa là, tập quán truyền thống cử một người miền Nam vào tứ trụ đã bị bỏ kể từ năm 1991.

Thứ tư, diễn biến quan trọng nhất, ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba - chưa có tiền lệ - làm tổng bí thư đảng, chức vụ nắm giữ lâu dài nhất kể từ ông Lê Duẩn. Sự kiện ông Trọng được hai lần hưởng “trường hợp đặc biệt” – năm 2006 không giới hạn tuổi, năm 2021 không giới hạn nhiệm kỳ - chứng tỏ ông là người quyền lực nhất nước, không thể thay thế, cho tới giờ phút này.

Ông Nguyễn Phú Trọng thất bại với việc đề cử người kế nhiệm sau ông. Người tín cẩn nhất, ông Trần Quốc Vượng, lựa chọn kế thừa ông Trọng, lại không được xem xét trường hợp đặc biệt về độ tuổi như ông Trọng và ông Phúc, bị loại khỏi cả bộ Chính trị lẫn Trung ương đảng trong đại hội thứ 13.  Sau sự thất bại trong việc đề cử Đinh Thế Huynh và Trần Quốc Vượng, câu hỏi là, liệu ông Trọng có còn đủ thời gian để xây dựng và chuyển giao quyền lãnh đạo cho người ông muốn chọn hay không.

Ông Trọng có thể đặt để một số cộng sự thân cận vào bộ chính trị mới, gồm nhiều người làm việc trực tiếp dưới sự lãnh đạo của mình trong Ủy ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng. Cái này sẽ củng cố vị trí quyền lực của ông. Cộng vào đó, có những ủy viên bộ chính trị am tường ý thức hệ cộng sản và an ninh nội chính, cũng như những người được đào tạo, có kinh nghiệm về kinh tế.

Với đội ngũ ấy, có vẻ tân bộ chính trị có thể sẽ thực hiện nhiệm vụ do đảng đề ra trong những năm tới, chẳng hạn, bài trừ tham nhũng, duy trì sự gắn bó ý thức hệ, loại khỏi đảng những thành phần “tự chuyển hóa”, ngăn chận “diễn biến hòa bình”, ổn định chính trị, và phát triển kinh tế.

Bộ Chính trị có một “hạt giống đỏ” (con cái các lãnh đạo chóp bu nuôi cấy vào vị trí cao): Trần Tuấn Anh. Ông ta là bộ trưởng bộ công thương, con trai cựu chủ tịch nước Trần Đức Lương. Vừa được cử giữ chức Ủy ban kinh tế trung ương, ông Anh là ủy viên bộ chính trị duy nhất, ngoại trừ đương kim bộ trưởng ngoại giao, được đào tạo và từng công tác ở ngành ngoại giao. Ông Anh có thể là ứng viên tiềm năng cho chức bộ trưởng ngoại giao sau khi Phạm Bình Binh kết thúc nhiệm kỳ hai, trừ phi các lãnh đạo đảng muốn hạ bớt nguồn nhân lực bộ ngoại giao vốn có khuynh hướng tự do hơn,ít giáo điều ở bộ chính trị.

Ủy viên bộ chính trị Võ Văn Thưởng - người vất vã nhiều năm trong công tác tuyên truyền ý thức hệ - là một trường hợp thú vị. Ông là ủy viên bộ chính trị trẻ nhất khóa trước, được giao trưởng ban Tuyên Giáo trung ương đảng. Tái đắc cử vào bộ chính trị năm 2021, ông Thưởng vẫn là người nhỏ tuổi nhất, vừa được giao giữ chức thường vụ bộ chính trị, một vị trí chỉ xếp sau tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông đảm nhiệm vị trí của Đinh Thế Huynh và Trần Quốc Vượng, hai người ông Trọng không thành công trong việc vận động cho họ khả dĩ kế nhiệm ông.

Phạm Minh Chính nổi lên như một ngôi sao mới. Là trưởng ban tổ chức trung ương đảng, ông Chính phụ trách công tác nhân sự đảng, được các ủy viên trung ương đảng ủng hộ. Vị trí của ông từ thứ 9 nhảy lên thứ 3 ở bộ chính trị, chỉ sau tổng bí Nguyễn Phú Trọng và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Chính dự trù thay ông Phúc, người sẽ giữ chức chủ tịch nước.

Ông Chính cũng có thể là ứng viên tiềm năng thay thế tổng bí thư Trọng khi ông này từ bỏ chức vụ. Trong trường hợp đó, ông Chính sẽ chiếm vị trí mà hai người tiền nhiệm - Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc - đều muốn nhưng không đạt được.

Vấn đề là, liệu ông Trọng có muốn và có thời gian để dìu dắt ông Chính xử lý hai vai trò tổng bí thư và chủ tịch nước hay không.

Đại hội của đảng cộng sản VN.

Bài của Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư danh dự, viện đại học George Mason, Hoa Kỳ trên East Asia Forum. Ngày 25 tháng 2 năm 2021. Nguyễn Long Chiến dịch.