- 1921: NĂM ĐẢNG RA ĐỜI
Trung Hoa hỗn loạn những năm đầu thập niên 1920. Chính phủ cộng hòa đầu tiên tan rã sau 10 năm lật đổ triều đình nhà Thanh.
Các sứ quân xâu xé nhau, cát cứ lãnh địa riêng, có quân đội riêng. Trận đói khủng khiếp xảy ra phía bắc Trung Hoa cướp đi hàng trăm ngàn mạng người. Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch thất bại trong việc đoàn kết quốc gia dưới một chính phủ trung ương.
Bối cảnh đó dẫn tới các cuộc nổi dậy khắp lãnh thổ của nhiều nhóm nhỏ theo cộng sản. Lần đầu tiên, các nhóm này gặp nhau tại Thượng Hải ngày 23 tháng 7 năm 1921, vẻn vẹn chỉ có 50 người.
Nhiệm vụ của họ là gì? “Đánh đổ giai cấp phong kiến bằng cách lãnh đạo đội quân cách mạng vô sản”.
Chỉ còn hai người có mặt trong ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949: Mao Trạch Đông và Lâm Bưu. Số còn lại người chết, người bỏ đảng, người thất sủng. Vào thời điểm đó, ý nghĩa của đại hội chưa rõ hẳn mục đích: Ngày nay, đảng CSTQ lấy 1 tháng 7 là ngày kỷ niệm thành lập đảng, bởi vì rất nhiều năm, người ta vẫn còn tranh cãi ngày chính thức tổ chức đại hội đảng đầu tiên.
- 1934: VẠN LÝ TRƯỜNG CHINH
Cuộc lui binh dài chưa từng: 10.000 cây số. Cuộc trường chinh này không những là thời khắc quan trọng của đảng CSTQ mà nó còn là thời khắc Mao Trạch Đông nghiễm nhiên làm lãnh tụ. Theo lịch sử, đây là giai đoạn oanh liệt nhất của đảng, vượt mọi gian khó, để trở thành đảng vô địch. Nhưng đây cũng là thảm họa quân sự: hàng chục ngàn người chết sau một năm “trường chinh”.
Thời gian này, Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch chiếm hầu hết lãnh thổ Trung Hoa. Họ cũng đánh nhau với lực lượng du kích của đảng CS đang rút chạy.
Cuối cùng, lực lượng không cân sức của đảng buộc rút lui vào cứ địa phía Bắc. Trên con đường trường chinh, các lãnh đạo cũ lần lượt bị loại trừ. Mao chỉ huy số quân còn lại, lẩn trốn vào 18 rặng núi và 24 con sông, liên tục bị quân Tưởng truy sát. Tham gia cuộc trường chinh có 100.000 người gồm 75 ngàn quân và hơn 20 ngàn không trực tiếp cầm súng. Chỉ còn có 7 ngàn người đến đích ở thành phố Diên An (Yan’an?).
Nhưng đảng vẫn sống sót. Đảng được củng cố lại ở Diên An và khởi đầu chủ nghĩa sùng bái cá nhân trong đảng, bây giờ hồi sinh với Tập Cận Bình.
- 1949: THÀNH LẬP CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
Cuộc xâm lăng vào TQ của người Nhật ngăn trở kế hoạch quét sạch phe cộng sản nổi dậy của chính quyền Quốc Dân đảng. Năm 1937, quân đội Mao và Tưởng ngừng đánh nhau, cam kết hợp tác chống Nhật. Nhưng sự hợp tác chấm hết khi Nhật đầu hàng năm 1945.
Khai thác quân đội Tưởng yếu kém vì sâu mọt, tham nhũng trong quan chức (Mao còn nhiều lần “bỏ mặc” quân Nhật đánh tan tác “đối thủ sau này" cho yếu đi-ND), dần dần Mao đánh thắng đối phương, nhờ sự ủng hộ rộng khắp của tầng lớp nông dân được ông hứa hẹn cấp cho ruộng đất sau này.
Sau khi thua cuộc chiến đẫm máu, Tưởng và đội quân còn lại chạy ra Đài Loan; cuộc đối đầu vẫn còn đến ngày nay giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Đảng CSTQ tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của ho.
Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Mao Trạch Đông đứng trên lễ đài ở Thiên An Môn tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
- 1958: ĐẠI NHẢY VỌT
Thây nhiều nước bùng nổ kinh tế sau đệ nhị thế chiến, Mao ưu tiên gấp rút phát triển kinh tế. Trong bài diễn văn đọc trước các nhà lãnh đạo Liên Xô, Mao tuyên bố trong vòng 15 năm nữa: “Chúng tôi sẽ đuổi kịp hoặc vượt mặt Anh quốc”.
Nhưng, kế hoạch Đại Nhảy Vọt của Mao biến Trung Quốc từ một nước nông nghiệp thành một cường quốc công nghiệp thất bại thảm hại.
Nông dân buộc phải rời thửa đất của mình để tham gia sản xuất sắt thép, nguyên liệu chính chế tạo máy móc cần cho công nghiệp hóa. Số người còn lại buộc phải vô hợp tác xã, theo đúng lý tưởng cộng sản, nhưng sản lượng tụt dốc thảm thiết.
Một nạn đói chưa từng thấy quét qua Trung Quốc, tàn phá đất nước. Người ta ước lượng 30.000.000 người chết đói.
Lịch sử của đảng quy nạn đói là do thiên tai, không phải vì Đại Nhảy Vọt.
- 1966: CÁCH MẠNG VĂN HÓA
Đại Nhảy Vọt làm suy yếu quyền uy của Mao. Vì thế, ông ta phát động chiến dịch tiêu diệt đối thủ chính trị và muốn tất cả phải trung thành tuyệt đối trong đảng.
Bất ngờ Mao tuyên bố có nhiều nhóm chống lại chủ nghĩa cộng sản len lỏi vào đảng, chúng cần bị quét sạch.
Ông ta kêu gọi phải loại trừ “phần tử phản cách mạng”, “phần tử hữu khuynh” đang ngày càng không thể kiểm soát. Đám sinh viên học sinh, gọi là “Hồng vệ binh”, tấn công kẻ nào bị coi là tiểu tư sản hay có lối sống đế quốc.
Học sinh, sinh viên khắp nước đấu tố cả thầy cô và những ai bị chúng quy là tư sản hay phản động. Trong cách mạng văn hóa, hễ người nào bị ghét bỏ, chúng sẽ tra tấn, nhục mạ, buộc thú tội trước công chúng. Số người khác thì bị chúng bắt nhốt trong những lều dựng tạm.
Có người bị đấu tố đến chết. Có người phải tự tử. Khi cách mạng lên cao trào, Hồng vệ binh quay ra đánh nhau, sử dụng vũ khí của Giải phóng quân nhân dân.
Sự hỗn loạn cuối cùng chấm hết nhờ cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976. Người ta coi Cách mạng văn hóa là cuộc thảm sát hàng triệu nhân mạng.
Năm 1981, nghị quyết của đảng CSTQ nói rằng: “Cách mạng văn hóa phải chịu trách nhiệm về sự thụt lùi nghiêm trọng nhất, mất mát nặng nề nhất mà đảng, nhà nước, và nhân dân phải gánh chịu kể từ ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
- 1979: CẢI CÁCH MỞ CỬA
Một Trung Hoa nghèo đói nhất thế giới trở thành nước có nền kinh tế thứ nhì thế giới là nhờ con đường Cải cách và Mở cửa bắt đầu từ 1979.
Sau cái chết của Mao, Hoa Quốc Phong lên nắm quyền chủ tịch đảng. Ông ta sớm bị đồng chí đảng lão thành Đặng Tiểu Bình loại khỏi chức vụ. Hoa Quốc Phong có công phục hồi chức vụ cho Đặng Tiểu Bình bị thất sủng trong cuộc Cách mạng văn hóa. Nhưng Đặng, ủ mưu gầy dựng lực lượng riêng của mình trong đảng và năm 1980, hất cẳng Hoa.
Một trong chủ trương của Đặng là cải cách và mở cửa – biện pháp thử nghiệm: duy trì thể chế độc đảng đồng thời với nới lỏng kiểm soát của chính quyền về kinh tế và cho công dân một số quyền tự do. Chủ trương này đưa Trung Quốc từ nền kinh tế kế hoạch hóa đi đến nền kinh tế gần với tư bản.
Đầu tiên, nông dân được quyền bán sản phẩm thừa của mình, sau đó là doanh nhân có thể lập doanh nghiệp. Các đặc khu kinh tế thiết lập cho phép buôn bán tự do.
Nhưng chủ trương của Đặng dấy lên một vấn nạn đối với đảng: Có thể nào một nước cộng sản thừa hưởng lợi ích của tự do buôn bán và chủ nghĩa tư bản lại vẫn giữ vững quyền cai trị?
- 1989: THẢM SÁT THIÊN AN MÔN
Khi nền kinh tế TQ càng mở cửa, tham nhũng càng tràn lan, người dân bắt đầu đòi hỏi tự do hơn.
Kinh tế nới lỏng dần dần làm TQ giàu lên nhưng đảng vẫn kiểm soát nhiều mặt đời sống quần chúng như hạn chế ngôn luận tự do, du lịch quốc tế.
Năm 1989, cái chết của một lãnh đạo có đầu óc tự do khơi dậy nhiều cuộc biểu tình khắp nước, cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy xảy ra tại Thiên An Môn.
Tranh luận cách đối phó biểu tình trong giới chóp bu chấm dứt ngày 20 tháng 5 khi lãnh đạo tuyên bố thiết quân lực. Hai tuần sau, ngày 4 tháng 6, quân đội nhân dân lại nổ súng vào nhân dân.
Chính quyền công bố 241 người bị chết, có cả binh sĩ; các nhà đấu tranh ước lượng có đến mấy ngàn người chết chỉ nội ở Bắc Kinh.
Cuộc đàn áp trở thành một bước ngoặt trong con đường đi của đảng CSTQ; ban đầu là quốc tế cấm vận rồi lên án, sau đó là cân nhắc kinh tế và TQ lại bắt đầu hội nhập kinh tế toàn cầu.
Sau cuộc thảm sát, tự do hóa kinh tế tăng tốc trong nước. Nhưng đảng vẫn câm lặng trước những kêu gọi dân chủ và tự do cho nhân dân.
- 2001: TRUNG QUỐC GIA NHẬP WTO.
TQ bắt đầu tăng trưởng nhanh nhưng tiềm năng bị hạn chế bởi một lẽ: Họ không là thành viên trong Tổ chức thương mại thế giới WTO.
WTO quy định, các nước thành viên được phép giao dịch sòng phẳng với nhau trong tổ chức. Nhưng vào thập niên 1990, mặc cho chủ trương mới, TQ vẫn chưa phải là một nền kinh tế thị trường. Họ bỏ ra 15 năm để thương lượng trước khi gia nhập WTO nhờ ưu ái của Mỹ. Đổi lại, họ phải đồng ý mở cửa kinh tế, gỡ bỏ một số thuế quan, cam kết bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Sau khi chính thức gia nhập tháng 12 năm 2001, kinh tế TQ bắt đầu bùng nổ. Năm 2000, GDP của họ là 8,5% và năm 2007 vọt lên 15%.
- 2008: OLYMPIC BẮC KINH
Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2008, TQ bước lên vũ đài thế giới với tư cách một cường quốc.
Một số nhà ngoại giao và hoạt động nhân quyền ra sức tẩy chay vì thành tích nhân quyền của TQ, nhất là cuộc đàn áp ở Tây Tạng và cưỡng bách trục xuất.
Số người khác lại hy vọng rằng, để TQ tổ chức Olympics sẽ lôi kéo họ vào trật tự dựa vào luật pháp quốc tế, khuyến khích họ mở rộng hơn chính trị và kinh tế.
Thế vận Olympics tiến hành như kế hoạch – và thành công ngoạn mục. Nhưng nó không như hy vọng của phương Tây. Trái lại, khả năng tổ chức một thế vận hội hoành tráng chưa từng thấy ở Bắc Kinh, trong khi phương Tây ngất ngư với khủng hoảng tài chánh toàn cầu, cho thấy họ có uy lực kinh tế vượt bậc, và có thể tự mình tiến bước.
Sự kiện trên là một thắng lợi cho đảng cộng sản; nó trả lời câu hỏi gây lo âu cho các nhà cai trị độc tài trên thế giới hàng mấy thập kỷ nay- có thể một chế độ chính trị phi dân chủ vẫn đạt được thành quả từ nền kinh tế tự do mà vẫn không mất quyền lãnh đạo?
Thế giới ngắm pháo hoa nổ trên bầu trời Bắc Kinh trong lễ khai mạc thế vận hội 2008, đáp án cho câu hỏi trên có vẻ hùng hồn: đúng.
- 2012: TẬP CẬN BÌNH NẮM QUYỀN
Khi Tập trở thành tổng bí thư đảng, nhiệm kỳ của ông được đón chào với niềm lạc quan rộng khắp, nếu không nói là dè dặt.
Có người, ngay cả cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ bà Hillary Clinton, vẫn nghĩ Tập sẽ là nhà cải cách cởi mở. Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore nhận xét về người con của một cựu thủ tướng TQ (Tập Trọng Huân -ND): “Tôi coi ông (Tập) là hạng người cỡ Nelson Mandela”.
Trong thực tế, Tập là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ ngày có Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đưa đảng vào bàn tay của mình.
Tập giữ nhiều trọng trách hơn bất kỳ ai ngoại trừ Mao – không những đứng đầu đảng, nhà nước, quân đội ông ta còn ngồi trên đầu nhiều siêu ủy ban phụ trách mọi thứ, từ an ninh quốc gia đến cải tổ kinh tế. “Tư tưởng Tập Cận Bình” được đưa vào hiến pháp Trung Quốc.
- 100 NĂM TỚI
Dưới thời Tập, đảng CSTQ có quyền lực địa chính trị và kinh tế nhiều hơn bao giờ hết, nhưng đối nội, sự thống trị đã phải trả giá.
Tập đàn áp tất cả tư tưởng tự do. Các luật sư và người cỗ vũ nhân quyền bị nhốt tù. Các tổ chức Think Tank (bộ óc lớn) không đồng ý với đảng bị đóng cửa.
Đảng trở lại trung tâm trong mọi mặt cuộc sống – trong doanh nghiệp tư nhân, trong nền chính trị, trong quân đội, ngay cả trong các máy điện thoại của người dân qua các ứng dụng (app) xiển dương ý thức hệ cộng sản.
Đảng CSTQ ngày nay đang ra rả về “thời đại mới” Tập Cận Bình, “lãnh tụ nhân dân”, một nhân vật có quyền lực “vạn vạn tuế”, sau khi nhiệm kỳ chủ tịch nước bị bãi bỏ.
Đối với Tập, không nghi ngờ gì nữa, ưu tiên số một của ông là làm cho đảng CSTQ mạnh đến nổi có thể cai trị thêm 100 năm nữa. Bao lâu thì cá nhân ông thực hiện sứ mạng đó, còn phải chờ phía trước.
Nguyễn Long Chiến dịch theo CNN: "100 years of the Chinese Communist Party: 10 moments which shaped it".