Wednesday, February 7, 2024

MỘT CHỮ, BẺ ĐÔI CŨNG KHÔNG BIẾT

Đây là câu quê Quảng Nam tôi hay gọi những người không biết chữ, nói trắng ra, là mù chữ . Có sự thật, tôi biết rất rõ, một trẻ 12 tuổi, không biết đọc biết viết, đều đều lên lớp, cho đến lớp sáu. Lúc lên lớp hai, bố mẹ hết sức ngạc nhiên, phát hiện con mình không biết chữ.

Vì không muốn con mình “đập dập, kéo lết “ (cố gắng vô ích), phụ huynh khẩn thiết xin thầy chủ nhiệm cho ở lại lớp vì không muốn con mình...không biết chữ. Thầy và trường  cũng khẩn thiết xin phụ huynh rút lại yêu cầu: trường sẽ mất điểm thi đua nếu có một em không lên lớp. Hiệu trưởng hứa sẽ giúp em học tốt lớp hai, nghĩa là sẽ biết đọc biết viết. Một giáo viên kinh nghiệm phụ trách dạy thêm ngoài giờ cho học sinh này.

Bố mẹ là lao động chân tay, túi bụi với công việc sinh nhai và yên tâm con mình sẽ lên lớp nhờ sự quan tâm của nhà trường. Và thật sự, đứa con trai đặc biệt, mặt mũi sáng láng, khôi ngô, tuần tự lên từng lớp, đến hết cấp một.

Khi chuyển cấp, bé trai lại khẩn thiết xin cha mẹ...được ở nhà, không tiếp tục cấp 2. Em 12 tuổi nhưng có vóc dáng của học sinh 15 tuổi. “Con xấu hổ lắm. Con không thể học tiếp”. Cha mẹ bực tức tra vấn, em khóc nức nở cho biết không biết chữ. Họ bèn nhờ một người am hiểu sự việc đem sự vụ đến gặp thầy hiệu trưởng. Cả hiệu trưởng lẫn thầy chủ nhiệm đều thú thật: họ không thể để em ở lại lớp và lên lớp chỉ là chuyện thủ tục.

Người được phụ huynh nhờ vả không chịu lùi bước: tại sao đứa bé không học được mà nhà trường không báo thẳng phụ huynh để tìm hướng giải quyết. Nhà trường cho biết đã nỗ lực kèm cặp rất nhiều nhưng em vẫn không biết đọc biết viết và nếu học sinh ở lại lớp, trường sẽ mất thành tích, và khẩn thiết xin phụ huynh thông cảm. Và phụ huynh cũng hiểu thấu nỗi niềm chung của giáo dục.

Cha mẹ e sợ con mình sẽ bị bạn bè chế giễu, đành cho con thôi học. Ở cấp một, em không cảm thấy xấu hổ vì còn nhỏ, và bạn học chẳng ai để ý. Hiệu trưởng gợi ý cho em đi khám tâm thần. Có thể em thuộc dạng thiểu năng trí tuệ dù nhìn bề ngoài không ai nghĩ em như thế.

Chẳng ai nghĩ cháu thiểu năng không phải vì vẻ mặt bên ngoài. Thằng bé phụ giúp lễ nhà thờ, thuộc rất nhiều kinh, hầu như mọi kinh khi nghe người khác đọc nhiều lần. Cháu được dạy đàn, hát trong ca đoàn. Không ai ngờ cháu không biết chữ.

Khi trắc nghiệm chỉ số thông minh IQ ở bịnh viện tâm thần, em ở mức 80, người ta bảo đây là chỉ số có thể học thành kỹ sư. Không rõ ở VN, có cơ sở nghiên cứu nào giải thích hiện tượng này của cháu: không biết chữ nhưng chỉ số IQ tương đối, thuộc bài, thuộc kinh, đánh được đàn, không nhờ học bằng hai mắt mà nhờ nghe bằng hai tai?

Nếu em được chẩn đoán sớm để giáo dục đặc biệt thì cái trường tiểu học kia không phải gặp khó khăn, bối rối và cha mẹ không phải oán trách nhà trường.

Một người thất học, một gia đình thất vọng, vì con không biết đọc chữ sau 5 năm học chỉ là “lông hồng “cho xã hội. Nhưng một học sinh không biết chữ vẫn lên lớp, rất nhiều lớp, để nhà trường có điểm thi đua sẽ là gánh nặng như núi Thái Sơn đối với những ai còn lương tâm mang trọng trách với giáo dục nước nhà.

Thực học và thi đua: cái nào quan trọng hơn?