Nhiều người lẫn lộn phong tỏa (lockdown) với giãn cách. Chính phủ rất khéo léo sử dụng cái tên chỉ thị 15 và chỉ thị 16 để phân biệt cấp độ “nghiêm ngặt” áp dụng với xã hội trong thời gian đối phó dịch bệnh.
Có hai luồng suy nghĩ hiện nay: phong tỏa xã hội và sống chung với lũ (vì corona sẽ không biến mất khỏi mặt đất như đậu mùa). Cái nào cũng có cái hay riêng. Với điều kiện y tế hiện nay, cơ sở chữa trị và vắc xin thiếu, phong tỏa là lựa chọn bất đắc dĩ và phải làm.
Sống chung với lũ sẽ chẳng áp dụng được: lý do, chả có lãnh đạo nào dám “đánh cược” sự nghiệp chính trị của mình với quyết định táo bạo ấy như thủ tướng nước Anh mới đây khi chủng biến thể delta đang ghé thăm Vương quốc.
Phong tỏa sẽ làm cho hoạt động xã hội ngưng trệ. Xã hội tiến bộ là xã hội có hoạt động nhộn nhịp, cả ngày lẫn đêm. Nơi nào mang lại của cải xã hội nhiều nhất là nơi đó hoạt động ồn ào liên tục nhất. Sài Gòn là một ví dụ. Phong tỏa gây thiệt hại có đo đếm được ở thành phố năng động nhất nước này? Không thể đo đếm được. Sau 14 ngày nữa, nếu dịch không giảm, liệu có vài đợt 14 ngày nữa không? Chẳng thánh nào nói trước. “Thi đua 15 ngày nữa hết F0” là lời nói biểu hiện quyết tâm, không phải lời nói chín chắn và khiêm cung.
Tôi trải qua 90 ngày sống trong tình trạng vừa giãn cách vừa phong tỏa ở miền Trung. Dân Sài Gòn sẽ trải qua những trải nghiệm mà tôi đã trải qua.
Dịch bệnh làm con người xa cách nhau. Cha mẹ sẽ không đến thăm con, thăm cháu và con cháu cũng không dám đến an ủi hỏi han ông bà cha mẹ. Tất cả phải tuân thủ “gia đình cách ly gia đình, xã phường cách ly xã phường”. Lẽ đáng, những lúc “hoạn nạn” gia đình phải là chỗ dựa cho nhau. Đằng này không. Phần ai nấy lo lấy thân. Ai cũng có thể là F0, nghĩa là, ai cũng có thể gieo mối “hiểm họa” cho nhau. Vậy nên, mọi người đều phải “ ái nhi viễn chi”.
Con người không còn giữ mối thân tình như trước. Cha mẹ có thể là “kẻ địch” của con nếu họ mang mầm bệnh đến cho ngườihọ rứt ruột sinh ra. Chưa kể nếu cha chết vì covid chưa chắc con tận mặt cầm tay người thân giờ phút cuối. “Ra xe tiễn cha đi. Chưa bao giờ buồn thế. Trời mùa đông cô-vi, suốt đời làm chia ly. (*)
Thời gian dịch bịnh, với tốc độ lây lan khôn lường của vi rút, cả xã hội nhớn nhác lo âu. Phố kia có một người bị “hốt” đi cách ly. Phường nọ có cả nhà nhiễm cô vít vừa bị mời lên xe. Lời đồn như giặc sắp bỏ bom. Chống dịch như chống giặc, người vướng corona trở thành nạn nhân. Tin tức về covid qua báo chí, lề phải cũng như lề trái, khiến người ta sợ hãi còn hơn chính covid. Nhiều người mắc covid không có triệu chứng (80%), nghĩa là như người bình thường. Ở Mỹ, một ông già chữa 8 tháng mới hết bịnh sau 43 lần xét nghiệm, lần chót mới âm tính. Ổng sống nhăn răng. Số người chết ở Mỹ vì covid không cao hơn số người chết vì ung thư và tim mạch mỗi năm. Nước Mỹ có y tế tiên tiến, bước đầu họ cũng cuống cuồng. Nhưng chỉ một thời gian, họ khắc phục ngay nhờ chiến dịch vắc xin.
Tâm lý con người trong thời gian “phong tỏa” là hết sức căng thẳng. Tôi chứng kiến như thế và bản thân tôi như thế. Lẩn quẩn trong nhà bốn bức tường, sáng, trưa , chiều, tối và ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác, tháng này qua tháng khác. Những người thân trong gia đình không mặn mà chuyện vãn với nhau như ngày không dịch bệnh. Im lặng tràn ngập. Im lặng vây quanh. Im lặng nặng nề.
Có nghiên cứu nào ở Việt Nam về sức khỏe tâm thần của người dân trong thời phong tỏa vì đại dịch? Có lẽ là không. Hay có mà chưa công bố?
Khi người dân sống với tâm trạng gò bó do tuân thủ biện pháp phong tỏa của chính quyền thì chính quyền cũng nên nghĩ đến tâm trạng người dân. Mục đích của biện pháp mạnh, tác động lớn về kinh tế, cũng vì sức khỏe của người dân. Vậy, cách ứng xử chính phủ với người dân cũng vì mục đích cao cả ấy: sức khỏe thể xác và tinh thần.
Ở Bắc Giang, nhà có một phụ nữ nhiễm corona; chủ nhà nói “tự nguyện” để xã mua khóa về khóa cửa nhà chị. (Sao giống “tự nguyện” làm đơn vào hợp tác xã nông nghiệp ngày xưa ghê). Xem clip của VNExpress, tôi thấy một người trong tổ covid, đứng trước nhà tầm 20 mét, cầm loa trên tay, gọi to tên chủ nhà ra nhận thức ăn họ mang đến. Tại sao không hẹn một giờ nhất định, chủ nhà ra trước cửa nhận thức ăn mà phải dung loa? Nhà chị không có điện thoại nhắn tin sao? Một người đàn ông khác buồn bã nói, ông cũng tự nguyện để xã khóa nhà mình, ngăn không cho chủ nhà ra ngoài, có thể lây mầm bịnh cho người khác. Xem xong, tôi cũng buồn bã nghĩ, dân tôi chưa có ý thức bảo vệ cộng đồng? Nếu không bị khóa cửa, hai người này sẽ tự do đi gieo mầm bệnh ư? Huế vừa nhận lại 26 người dân của mình mong về quê lánh dịch. Trước đó phải ra ga Quảng Trị chịu cách ly vì bị chính quê hương mình từ chối chốn dung thân, tránh covid từ Sài Gòn. Hình ảnh của một vài cháu bé 5,7 tuổi, mặc áo ny lông bảo hộ màu xanh nhạt, lẽo đẽo bước theo cha mẹ mình vào chỗ cách ly, lay động biết bao trái tim người cả nước.
Đây chỉ là một vài hình ảnh không nói lên sự thật đầy đủ và toàn diện bối cảnh đối phó dịch toàn nước. Nhưng chúng đánh động lương tâm con người trong thời gian khó khăn này của người dân sống thời dịch bệnh.
Chúng ta xa lánh Covid chứ không xa lánh những người nhiễm Covid. Họ là đồng bào. Họ là nạn nhân của con vi rút phát sinh từ Trung Quốc. Nếu muốn xa lánh thì hãy xa lánh con vi rút có tên là Vũ Hán (Wuhanvirus).
Và, vài lời nữa của bài viết: Chống dịch là nhiệm vụ của toàn dân và của chính phủ. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng. Không nhất thiết phải chiêng trống “phát động” hay “ra quân” (hai sự kiện phải tập trung đông người, không lợi cho chống dịch). Phục vụ đồng bào đâu cần phải cho biết “chúng tôi đang cứu giúp đồng bào đây”. Cũng tránh những từ ngữ rổn rảng như “chưa từng có trong lịch sử”. Dân chúng sẽ ghi lòng tạc dạ những hy sinh thầm lặng của các vị y bác sĩ và những người ở tuyến đầu chống dịch. Biết ơn phải tự đáy lòng, không đợi ai nhắc nhở.
(*) Nhại theo mấy câu thơ phổ nhạc của Cung Trầm Tưởng
Lên xe tiễn em đi/ chưa bao giờ buồn thế/ trời mùa đông Paris/ suốt đời làm chia ly