Lời người dịch: Khó ai biết trước điều gì sẽ xảy trong cuộc chiến. Đây là vài kết cuộc có thể, nhưng rất là ảm đạm. Đảo chính, một trong 5 kịch bản, có thể Putin đã dự phòng. Hình ảnh ông ngồi trước Hội đồng An ninh Quốc gia cho thấy điều đó. Vài giờ trước, một đám cháy lớn do đạn pháo của quân Nga bắn vào khu nhà máy nguyên tử lớn nhất châu Âu được dập tắt. Hành động tấn công điên cuồng này có thể gây thảm họa hạt nhân khủng khiếp cho nhân loại; nhận định trong bài này về hành vi táo bạo của tổng thống Putin là có căn cứ.
(Ukraine: How might the war end? Five scenarios).
Bài của James Landale đăng trên BBC News (12 giờ trước)
1- Cuộc chiến chớp nhoáng:
Nga tấn công quân sự ngày càng ác liệt, bằng tên lửa, rocket, bằng sức mạnh không quân, vốn là chủ đạo cho đến nay. Hạ tầng cơ sở Ukraine bị phá hủy, nguồn năng lượng, mạng lưới thông tin hoàn toàn bị cắt đứt. Hàng ngàn thường dân thiệt mạng. Dù kháng cự dũng cảm, thủ đô Ki-ep thất thủ trong đôi ba ngày. Một chính phủ bù nhìn dựng lên. Zelensky hoặc bị ám sát, chạy trốn, đến phía tây Ukraine, hoặc ra nước ngoài, thành lập chính phủ lưu vong. Putin tuyên bố chiến thắng, rút bớt quân về, để lại một số đủ để duy trì quyền kiểm soát. Hàng trăm ngàn người tiếp tục chạy nạn. Ukraine cùng với Belarus “trở về mái nhà xưa”.
Kết cuộc này không hẳn không thể, nhưng nó phụ thuộc vào vài yếu tố: Quân đội Nga chiến đấu hiệu quả hơn, quân tăng viện nhiều hơn, tinh thần chiến đấu của dân quân Ukraine giảm sút hơn. Ki-ep có thể thay đổi chính quyền, không còn thân phương Tây. Chính quyền thân Nga không có tính chính danh, dễ gặp chống đối. Khả năng nổ ra chiến sự lai rai sau đó.
2- Chiến tranh kéo dài:
Có thể lực lượng Nga sa lầy, tinh thần binh sĩ xuống thấp, hậu cần thiếu thốn, chỉ huy kém cỏi. Cuộc chiến sẽ kéo dài, thủ đô địch bị bao vây không chịu đầu hàng; đối phương chiến đấu từ đường này chuyển qua đường khác trong thành phố. Cuộc chiến trở nên dai dẳng và bạo tàn khi Nga đánh chiếm bằng cách hủy diệt như ở thủ đô Chesnia. Dù làm chủ trận chiến, quân Nga cũng phải vật vã duy trì quyền kiểm soát. Một đất nước rộng lớn, liệu Nga có đủ quân dàn trải? Ukraine tiến hành chiến tranh dựa vào quần chúng nhân dân. Phương Tây tiếp tục tuồn vào vũ khí tối tân. Và sau nhiều năm chiến đấu, chiếm giữ, rốt cuộc Nga cũng lặp lại điều Liên Xô gặp phải ở Afghanistan, cuốn cờ, "mang đầu máu" về nước.
3- Lôi kéo châu Âu vào cuộc chiến:
Cuộc chiến có thể lan ra khỏi Ukraine? Putin, biết đâu, tìm cách phục hồi đế chế Nga bằng cách đưa quân đến Moldova và Georgia "đàn em cũ, không thuộc NATO. Hoặc do tính toán sai lầm, sẵn đang hăng máu, Putin lên án việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Urkraine là hành động xâm lược cần bị giáng trả đích đáng. Ông có thể đưa quân đến các nước Baltic nằm trong khối NATO, như Lithuania, thiết lập vành đai lãnh thổ vùng ven biển tiếp giáp Nga.
Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Điều 5 của hiệp ước NATO nói rõ, một nước trong khối bị tấn công, cả khối coi như bị tấn công. Putin có thể bất cần, nếu ông nghĩ, chỉ có làm như vậy uy quyền lãnh đạo của ông mới được cứu vãn. Và khi thấy có thể thất bại ở Ukraine, ông ta nổi điên đẩy mạnh chiến tranh. Lãnh tụ Nga luôn muốn phá vỡ quy tắc quốc tế có từ lâu đời. Mới đây, ông ra lịnh kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới chuẩn bị sẵn sàng. Các nhà phân tích hồ nghi chúng có thể được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng. Cũng nên nhớ, học thuyết quân sự Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường.
4- Giải pháp ngoại giao: Bất chấp mọi thứ, đây có thể là biện pháp khả thi. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc: Súng đang nổ nhưng cửa đối thoại vẫn mở. Tổng thống Pháp vẫn còn duy trì đối thoại với tổng thống Putin. Ngoại giao đang rộng mở. Rõ ràng là đánh nhau nhưng hai bên vẫn duy trì gặp nhau. Tuy không có nhiều tiến bộ, chấp nhận đàm phán, hàm ý là Putin có thể chấp nhận thương lượng ngừng bắn. Điều quan trọng là phương Tây có bước đột phá nào không và Putin biết điều gì sẽ xảy ra để các biện pháp trừng phạt bị dỡ bỏ; ít ra, một thỏa thuận không làm mất mặt cho hai bên. Kịch bản này cho thấy chiến tranh thật tồi tệ đối với phía Nga. Cấm vận làm chao đảo Moscow. Dân chúng nổi dậy khi thấy xác lính chở về từng túi. Putin tự hỏi, liệu ông có “lực bất tòng tâm”, và cân nhắc, tiếp tục chiến tranh đe dọa quyền uy lãnh đạo lớn hơn sự mất mặt khi chấm dứt chiến tranh. TQ có thể can thiệp, gây áp lực buộc Moscow phải thỏa hiệp, nếu muốn họ mua dầu và khí đốt của Nga để cứu vãn kinh tế. Putin sẽ tìm một lối thoát. Phần Ukraine, họ thấy chiến tranh thảm khốc tàn phá đất nước, cướp đi nhiều sinh mạng nhân dân. Ukraine chấp nhận chủ quyền Nga về Crimea và một phần của Donbas. Đổi lại, Nga chấp nhận Ukraine độc lập, có quyền thân thiết với châu Âu. Kịch bản này cũng khó có khả năng xảy ra. Nhưng biết đâu, một kịch bản sẽ có trước sự đổ nát quá lớn của chiến tranh cho hai phía.
5- Putin bị hạ bệ:
Làm sao với ông đây? Trước khi đưa quân xâm lược, ông tuyên bố: “Chúng ta sẵn sàng cho mọi hậu quả”. Nhưng nếu hậu quả là mất chức thì sao? Có thể nào ai nghĩ tới. Tuy nhiên, thế giới rung chuyển những ngày gần đây, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Giáo sư lừng danh Lawrence Freedman, chuyên nghiên cứu chiến tranh ở đại học Kings, Luân Đôn, viết trong tuần này: “Bây giờ chỉ có hai khả năng: thay đổi kẻ cầm quyền hoặc ở Moscow hoặc ở Ki-ép”. Tại sao ông nói thế? Có thể, Putin đã lỡ phát động một cuộc chiến thảm khốc. Lệnh trừng phạt kinh tế tác động khủng khiếp. Putin mất đi lòng dân. Có thể sẽ có cuộc nổi dậy làm cách mạng của dân chúng. Putin sẽ đem lực lượng an ninh nội chính ra đàn áp sự chống đối. Điều này sẽ cay đắng hơn, tướng lĩnh, lãnh đạo chính trị, tài phiệt kinh tế đều quay lưng với ông. Lúc đó, phương Tây nói rõ, nếu Putin ra đi, một lãnh đạo ôn hòa lên thay, Nga sẽ được dỡ bỏ cấm vận và sẽ có quan hệ bình thường. Một cuộc đảo chánh cung đình đẫm máu xảy ra, Putin bị hạ bệ. Lại một lần nữa, điều này khó có thể xảy ra ngay vào lúc này. Không phải là viển vông khi người ta thấy ra Putin chẳng còn khả năng bảo vệ lợi ích của những con người ấy nữa.
KẾT LUẬN: Các kịch bản này có đan xen với nhau- trừ một số kịch bản phối hợp cho ra kết quả khác nhau. Nhưng, chiến tranh đang diễn tiến, thế giới đã thay đổi. Thế giới không còn như trước. Quan hệ của Nga với bên ngoài đang khác đi. Thái độ của các nước châu Âu về vấn đề an ninh sẽ phải chuyển hóa. Trật tự về tự do dựa trên luật lệ quốc tế vừa được khám phá lại, ý nghĩa của nó phải nằm ở vị trí đầu tiên.
Nguyễn Long Chiến lược dịch từ https://www.bbc.com/news/world-europe-60602936