Lời người dịch: Trung Quốc phát triển thần kỳ nhờ cởi trói (“cải cách và mở cửa”). Thành quả ấy thuộc công đầu của Đặng Tiểu Bình, (“mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột”) sau đó là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình là người chỉ thừa hưởng. Bây giờ, ông coi mình như hoàng đế, có khi hơn Khổng Tử từng thống trị tư tưởng nhân dân Trung Hoa. Trước đây là “Mao nói”, nay “Tập nói”, không khác chi mấy ngàn năm phong kiến, cái gì cũng “Tử viết, Tử viết” (Khổng Tử nói). Một TQ có hoàng đế, một chủ nghĩa dân tộc (cực đoan): một mối lo cho VN.
(Chinese people ordered to think like Xi)
Hong Kong (CNN): Chỉ vài ngày sau kỷ niệm 100 năm thành lập, đảng CSTQ đặt ưu tiên cho thời đại mới – siết chặt tư tưởng hơn 1,4 tỷ dân TQ.
Tuần này, đảng công bố chỉ thị công tác tư tưởng và chính trị, nhắm vào không những đảng viên mà còn toàn xã hội.
Dưới trào chủ tịch Tập Cận Bình, đảng phát động cuộc trấn áp tư tưởng khắc nghiêt nhất trong nhiều thập kỷ. Đảng liên tục cảnh báo “sự tiêm nhiễm” các tư tưởng phương Tây, khích động chủ nghĩa dân tộc, đàn áp tự do học thuật và tự do báo chí.
Cho đến bây giờ, dù bịt miệng hầu như mọi tiếng nói phản biện, đảng có vẻ còn lo lắng chưa nắm chắc sự trung thành về tư tưởng và chính trị - cho nên, họ đang tiến hành nỗ lực rộng khắp tăng cường giáo dục trên hai mặt trận.
Chỉ thị cho biết: “Công tác chính trị và tư tưởng là truyền thống tốt đẹp trong đảng, một ưu thế chính trị nổi bậc, có đặc điểm rõ ràng – đó là mạch máu sống. Công tác tư tưởng bảo đảm số mệnh tương lai của đảng, ổn định lâu dài của đất nước, gắn bó và đoàn kết của toàn dân tộc”.
Trọng tâm chiến dịch tập chú vào phát triển “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, một học thuyết chính trị của Tập ghi trong điều lệ đảng 2017.
Trước ông, chỉ có chủ tịch Mao Trạch Đông (Tư tưởng Mao) và lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình (học thuyết Đặng) có các triết lý chính trị mang tên họ được ghi trọng vọng vào điều lệ đảng.
Kể từ năm 2017, học thuyết của Tập đã được các cán bộ đảng thường xuyên nghiên cứu tại các cuộc họp và ứng dụng di động tuyên truyền được thiết kế đặc biệt để giảng dạy triết lý này.
Và giờ đây, đảng này muốn quần chúng nâng cao “ý thức thống nhất chính trị, tư tưởng, lý thuyết và tình cảm” với hệ tư tưởng của ông Tập, dựa theo chỉ thị.
Theo bộ giáo dục, một chiến dịch phát động sẵn sàng đẩy mạnh hơn bước tiến đưa học thuyết Tập vào “sách giáo khoa, vào trường lớp, và vào đầu óc các em học sinh”.
Trong một thông báo tuần vừa qua, bộ giáo dục cho biết, vào tháng 9 này, cấp tiểu học và trung học toàn nước sẽ sử dụng sách giáo khoa nói về “Tư tưởng Tập Cận Bình mang đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.
Mùa thu năm ngoái, hàng chục trường đại học - bao gồm cả các trường xếp hạng hàng đầu thế giớ như đại học Bắc Kinh và đại học Thanh Hoa - đã khởi động các khóa học giới thiệu học thuyết.
Và vào tháng trước, Ủy ban Trung ương đảng phê duyệt lập bảy trung tâm nghiên cứu mới về hệ tư tưởng của ông Tập, bổ sung vào 11 trung tâm có trước. Các trung tâm này xây dựng bởi các trường đại học và tổ chức tư vấn hàng đầu (think-tank), ở chính quyền cấp tỉnh và các bộ của chính phủ trung ương.
Chương trình gần đây nhất, do bộ Sinh thái và Môi trường đưa ra vào tuần trước, dành riêng cho “Tư tưởng Tập Cận Bình về nền văn minh sinh thái”. Các chương trình khác thì nghiên cứu “Tư tưởng kinh tế Tập Cận Bình”, “Tư tưởng Tập Cận Bình về ngoại giao” và “Tư tưởng Tập Cận Bình về Nhà nước pháp quyền”.
Một nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh, ông Vũ Quang, cho biết chiến dịch này là một phần trong động thái của Tập, nhằm củng cố hơn nữa quyền lực và lôi kéo sự ủng hộ của quần chúng trước đại hội lần thứ 20 của đảng vào năm tới.
Tại đại hội đó, Tập được cho là sẽ ở lại nhiệm kỳ thứ ba, sau khi ông bãi bỏ các giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào năm 2018.
Ông Quang nói thêm: “Có rất nhiều suy đoán về việc liệu học thuyết của ông Tập có chính thức được rút ngắn thành ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ tại đại hội 20 hay không. Tất cả công tác tư tưởng và chính trị đang tạo thuận lợi cho điều đó,”
Trong khi truyền thông quốc tế từ lâu đã gọi triết lý của ông Tập đơn giản là “Tư tưởng Tập Cận Bình”, tên chính thức của nó vẫn không thay đổi. Việc rút ngắn tên gọi sẽ đưa di sản của Tập lên một vị trí oai phong như Mao, người xây dựng tư tưởng sùng bái cá nhân cho mình và cai trị Trung Quốc cho đến chết, năm 1976.
Một chuyên gia về chính trị và luật pháp TQ của đại học Vienna, bà Lương Lệ, cho biết, không như thời Mao, nhân dân Trung Quốc bây giờ tiếp cận hằng hà thông tin, mặc cho nỗ lực kiểm duyệt mạnh nhất của đảng. Bà nói: “Do đó, nếu đảng muốn thắng mặt trận truyền thông, điều cốt lõi là họ phải xây dựng lại các góc nhìn, qua đó dân chúng có thể đọc và giải thích thông tin để mọi người đi đến những kết luận “chính xác” ngay cả khi bắt gặp các thông tin chưa bị kiểm duyệt”.
Theo chỉ thị, để làm được điều đó, đảng đang tìm cách thắt chặt tư tưởng trong mọi mặt cuộc sống xã hội, từ chính quyền, công ty, trường học, làng xã và cộng đồng dân cư thành thị cho đến internet.
Ví dụ, các công ty được yêu cầu kết hợp công tác tư tưởng và chính trị với sản xuất, vận hành, quản lý và phát triển nguồn nhân lực hàng ngày, để nhân viên có thể “đả thông những nghi ngờ về tư tưởng, dập tắt những lo lắng về tinh thần, làm dịu cơn khát văn hóa và giảm bớt căng thẳng tâm lý”.
Ở thành phố, đảng yêu cầu công tác chính trị tư tưởng “phải thấm nhuần sâu sát công việc và đời sống quần chúng nhân dân”.
Ở nông thôn, đảng muốn nuôi dưỡng “nông dân thời đại mới có lý tưởng, có đạo đức liêm chính” đồng thời “được giáo dục tốt và có kỷ luật tốt”.
Ví dụ, một số xã đẩy mạnh việc giáo dục tư tưởng bằng cách phát thanh, tuyên truyền về đảng từ các loa phóng thanh được lắp đặt trên nóc nhà của người dân. Tại làng Tập Bái Ngô ở tỉnh Hà Bắc, kế cận Bắc Kinh, loa phát thanh truyền đạt ra rả Tư tưởng Tập Cận Bình, các lý thuyết của đảng và chính sách cho dân làng ba lần một ngày, theo một bài báo đăng tuần trước bởi một tài khoản mạng xã hội của đảng.
Bài báo viết tiếp. Tại tỉnh An Huy, loại loa tuyên truyền này được đặt ở 10.000 xã. “Nghe loa đài và học theo tinh thần các bài phát biểu quan trọng của Tổng bí thư (Chủ tịch Tập Cận Bình) đã trở thành một xu hướng mới trong nông dân và các tầng lớp dân chúng khác”.
Nguyễn Long Chiến dịch theo https://newsdaylight.com/.../chinese-people-ordered-to.../