Monday, February 5, 2024

CẢ ISRAEL LẪN HAMAS ĐỀU TUYÊN BỐ CHIẾN THẮNG SAU NGỪNG BẮN.

Cả hai đều cho là mình chiến thắng sau 11 ngày giao tranh nhưng các nhân viên cứu tế cho hay dải Gaza cần nhiều năm để tái thiết.

Sau nhiều ngày đứng đằng sau dàn xếp ngừng bắn, tòa Bạch Ốc cho rằng họ được hai bên cam kết tuân thủ.

Khi người Palestine và người Do Thái bắt đầu đánh giá mức độ thiệt hại, một người dân ở dải Gaza nói nhà hàng xóm của mình bị tàn phá như sau đại hồng thủy. Abu Ali đứng trước đống đổ nát của một tòa chung cư 14 tầng : “Có thể nào thế giới tự gọi mình là văn minh?”.

Các quan chức Palestine ước tính việc tái thiết nhà cửa tốn hàng chục triệu đô la Mỹ thì các nhà kinh tế nhận xét cuộc chiến ngăn trở Israel phục hồi sau đại dịch Covid.

Có 5 xác chết bới ra từ đống đổ nát ở Gaza, nâng số người chết lên 248, trong đó có 66 trẻ em, người bị thương hơn 1900.

Quân đội Israel có một binh sĩ và 12 người dân thường bị chết, trong đó có 2 trẻ em. Hàng trăm người đang được chữa trị thương tật sau khi rốc kết nã kinh hoàng, đến nỗi ở tận Tel Aviv, người ta phải tìm chỗ lánh nạn.

Thư ký tổ chức Y tế thế giới cho biết các cơ sở y tế ở Gaza có nguy cơ không chỗ điều trị người bị thương.

Bà kêu gọi người và hàng tiếp tế cần gởi ngay đến Gaza. Bà nói trong cuộc họp báo trực tuyến của Liên hiệp quốc: “Khó khăn nhất hiện nay là phong tỏa ”.

Rất nhiều năm, Gaza bị Do Thái phong tỏa, hạn chế người và hàng hóa qua lại; Ai Cập cũng vậy. Cả hai nước này lo sợ vũ khí chuyển tới Hamas, nhóm Hồi giáo kiểm soát Gaza, đưa tới những trận mưa hỏa tiễn (rocket). Những người Palestine thì cho rằng, sự hạn chế không khác chi trừng phạt tập thể 2 triệu người dân sống ở Gaza.

Giám đốc khu vực, hội Chữ thập đỏ quốc tế, phản ảnh lời kêu gọi của WHO viện trợ khẩn cấp hàng hóa và thuốc men: “Tái thiết phải cần nhiều năm nhưng phải nhiều năm hơn để hàn gắn lại những cuộc đời tan nát”.

Hôm thứ 5, tổng thống Joe Biden phát biểu, Gaza sẽ được trợ giúp tức thì nhưng cần hợp tác với chính quyền Palestine, đối trọng với Hamas, có hậu thuẫn của phương Tây ở bờ Tây bị (Do Thái) chiếm đóng, “làm thế nào không để quân Hamas lợi dụng để mở rộng sức mạnh vũ khí của chúng”.

CÁC LÃNH TỤ SO GƯƠM

Thủ tướng Do Thái Netanyahu tuyên bố trên truyền hình cuộc không kích đã hủy diệt khả năng Hamas bắn rocket vào Israel. Ông nói, Israel phá hủy hệ thống đường ngầm, nhà máy sản xuất tên lửa, phòng nghiên cứu vũ khí, các kho bãi tàng trữ, giết chết hơn 200 chiến binh và 25 nhân vật cốt cán.

Ông cho biết: “Hamas không ẩn nấp được nữa. Đó là thắng lợi to lớn của Israel. Chúng ta tiêu diệt một phần quan trọng đội ngũ cầm đầu Hamas và nhóm Hồi giáo Jihad. Những ai chưa bị tiêu diệt, hôm nay, nên hiểu rằng tầm tay của chúng ta đều vươn tới chúng mọi nơi - trên mặt đất hay dưới hầm sâu”.

Israel cho biết, quân Hamas và Jihad nã khoảng 4350 rocket từ dải Gaza, trong đó chừng 640 quả không bay khỏi lãnh địa này. Họ còn cho biết, 90% hỏa tiễn bị bắn chận bằng hệ thống phòng thủ Vòm Thép (Iron Dome).

Nước không công nhận Israel mà ủng hộ Hamas là Iran cho biết họ nâng cấp kho vũ khí chiến binh Palestine và nói đã có một “chiến thắng lịch sử” với Israel. Các Vệ binh Cách mạng Iran cảnh cáo Israel sẽ lãnh những “đòn chí tử” nữa (deathly blows).

Thủ lĩnh Hồi giáo Hamas, Haniyeh, thì coi giao tranh là kháng chiến thành công chống lại một kẻ thù mạnh hơn về kinh tế và quân sự.

Ông ta tuyên bố: “Chúng ta sẽ xây dựng lại những gì bọn chiếm đóng (Israel) hủy hoại và khôi phục lại sức mạnh. Chúng ta không thoái thác nghĩa vụ và trách nhiệm đối với những gia đình các liệt sĩ, những người bị thương, và những người bị nát tan nhà cửa”.

Haniyeh bày tỏ lòng biết ơn đến những người Ai Cập, Qatari, các nhà thương lượng Liên Hiệp Quốc, và Iran “không ngừng cung cấp tiền bạc, vũ khí, và kỹ thuật cho quân kháng chiến”.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Khamenei khuyến khích các quốc gia Hồi giáo trong một thông báo: “Ủng hộ nhân dân Palestine, bằng quân sự, bằng tài chánh, hoặc bằng sự xây dựng lại cơ sở hạ tầng ở dải Gaza”.

Một quan chức cấp cao của Hamas nói với hãng Reuters ở Doha, yêu cầu của phong trào bao gồm việc bảo vệ đền thánh Al-Aqsa, và người Palestine, không bị trục xuất khỏi những ngôi nhà của mình ở Đông Jerusalem.

XUNG ĐỘT LỄ RAMADAN

Hành động thù địch giữa Israel và Palestine khởi nguồn ngày 10 tháng 5 một phần bởi cảnh sát Do Thái bố ráp khu Al-Aqsa, xung đột với người Palestine trong tháng thánh Ramadan của Hồi giáo.

Hàng ngàn người tụ tập lại đây một lần nữa để cầu nguyện ngày ngưng bắn, có nhiều người ủng hộ dân Gaza.

Cảnh sát Israel bắn lựu đạn gây choáng vào đám người biểu tình ném đá và bom xăng vào cảnh sát, y tế Palestine cho biết có chừng 20 người bị thương.

Cuộc chạm trán sớm chấm dứt trong vòng một giờ lúc cảnh sát rút lui về cổng khu đền thánh.

Thường dân hai bên biên giới Gaza tỏ ra hồ nghi về các cơ hội hòa bình.

Một bà mẹ của 11 đứa con ngồi bên đống đổ nát của một dãy nhà phía Tây dải Gaza hỏi: “Ngừng bắn là gì? Nó có ý nghĩa làm sao? Chúng tôi trở về, nhưng không nhà, không nước uống, không điện, không giường chiếu, không mọi thứ”.

Ở quán cà phê thành phố cảng Ashdod, phía bắc dải Gaza, sinh viên Dan Kiri 25 tuổi: Israel nên tiếp tục tấn công Hamas cho đến khi chúng tan tành. Chỉ là vấn đề thời gian thôi, với cuộc không kích mới”.

Tạm ngừng bắn, qua trung gian của Ai Cập, dường như là phần của một thỏa thuận hai giai đoạn, các toán an ninh Ai Cập phái đến Tel Aviv và các lãnh thổ của Palestine để tìm đến thỏa thuận duy trì sự ổn định.

Phát ngôn viên toà Bạch Ốc cho biết: “Tham gia của chúng tôi với tổng thống Ai Cập là một phần quan trọng trong việc mang đến chấm dứt xung đột, nhờ giao hảo quan trọng của họ với Hamas”. Hôm thứ 5, Joe Biden lần đầu tiên đàm đạo qua điện thoại với tổng thống Ai Cập Fattah al-Sisi với tư cách tổng thống.

Hai nguồn tin từ an ninh Ai Cập cho biết, trở ngại lớn nhất bảo đảm một thỏa thuận là mối quan tâm của Israel và Hamas về phản ứng từ hai phía, từ các phái đối lập, nếu hai bên chấp nhận cuộc ngừng bắn.

Một nguồn tin cho biết: “Trong các cuộc hội đàm với hai phe, chúng tôi dựa vào sự cần thiết của mỗi bên, thấy ra mức độ tổn thất cho dân lành, và chúng tôi gắn trách nhiệm hình sự quốc tế lên mỗi bên đối với thường dân”.

Bài của 3 ký giả hãng REUTERS: Nidal al-Mughrabi, Rami Ayyub, và Jonathan Saul. Nguyễn Long Chiến dịch.

Chú thích ảnh:

   

- Dân Palestine hôm ngừng bắn hô vang khẩu hiệu tại khu Al-Aqsa, hai bên đều tranh chấp, Hồi giáo gọi là Đền Thánh, Do Thái gọi là Đồi Nhà Thờ.

- Cảnh sát Do Thái đối diện với người biểu tình Palestine tại cổng đền thờ.

- Cảnh sát Do Thái bắn lựu đạn gây choáng vào người Palestine.

  • Một phụ nữ người Palestine ngồi trong ngôi nhà bị đánh bom nhìn ra.

- Khu dân cư Do Thái đánh bom.