“Lại điểm 2” (Опять двойка) là một bức tranh nổi tiếng của họa sĩ kiêm nhà giáo dục người Nga Soviet, Fyodor Reshetnikov, vẽ năm 1952 trong thời đại Stalin. Rất nhiều người VN biết đến bức tranh và ý nghĩa của nó.
Trên tay còn xách chiếc cặp cũ mèm, gương mặt rầu rĩ, cậu bé không dám nhìn mọi người trong nhà. Người chị nhìn em với nét mặt khinh bỉ thấy rõ. Không khinh bỉ sao được; em làm xấu hổ một gia đình mà cô chị đại diện cho thiếu nhi thế hệ Stalin (qua chiếc khăn quàng đỏ), tương tự ở ta, thiếu nhi thế hệ HCM. Gương mặt của người mẹ buồn rầu thất vọng, nghẹn ngào như xấu hổ. Cậu em thì khinh khỉnh. Cặp mắt và nụ cười như nói lên: Bèo thế hả anh trai. Chỉ có con chó vẫn mừng rỡ đón chào em. Người bạn trung thành nhất: cậu chủ nhỏ vẫn đem lại niềm vui cho nó. Nó không cần biết cậu điểm 10 hay điểm 2. Nó không như con người thời đại Stalin: thành tích rất quan trọng.
Bức tranh ra đời cho đến nay gần 70 năm, tương đương với số tuổi của Liên Bang Xô Viết với thời gian xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự nặng nề của một lối giáo dục coi trọng thành tích không những không mất đi mà vẫn còn sống mãi trong sự nghiệp của giáo dục Việt Nam. Thành tích học tập của học sinh, theo báo đăng năm ngoái, có lớp gần như tất cả là học sinh giỏi.
Có thể sau 12 năm ở trường học, thi đua thành tích đè nặng lên học sinh sẽ phai mờ đi. Công dân tương lai đất nước sẽ nhẹ nhàng bước thêm con đường học vấn hay hăng hái đi vào đời. Không. Không phải như thế. Thành tích như là một lẽ sống. Không có thành tích cuộc đời này thật vô nghĩa. Và, ở một tòa án, thành tích là lẽ sống còn. Họ phải tưởng tượng ra 59 vụ án để đơn vị có thành tích xét xử mà báo cáo với cấp trên.
Có chỉ tiêu thi đua ở đây hay sao? Ai là người đặt ra chỉ tiêu? Một địa phương không có vụ án nào mới là địa phương có trật tự an ninh xã hội lý tưởng nhất. Có tội phạm thì sẽ có xét xử. Có xét xử thì sẽ có án, có người phải đi tù. Một xã hội có nhiều người đi tù thì xã hội công bình, tốt đẹp hay sao?
Không có án thì tạo ra án “ảo”? Câu chuyện không thể tưởng tượng đối với người nắm cán cân công lý. Trước đó, họ là những học sinh có thành quả học tập xuất sắc. Không học xuất sắc, họ sẽ có thể xử sai, xử oan.
Nếu không có thành tích xử 59 vụ án, người của tòa này sẽ bị cấp trên đánh giá thấp, thiếu khả năng, sẽ không nằm trong “diện quy hoạch” thăng tiến ? Mấy vị làm việc ở tòa này sẽ không khác chi cậu bé điểm hai (điểm kém), bị chị, em, mẹ, mọi người trong gia đình nhìn với cặp mắt khinh bỉ.
Bịnh thành tích không những nan y mà còn có tuổi thọ rất lâu, sống rất dai trong hơn 70 năm giáo dục xã hội chủ nghĩa Liên Xô. Cái đáng nói, ở Việt Nam, một thời gian dài ảnh hưởng giáo dục Soviet, bịnh thành tích vẫn còn sống khỏe, sống thách thức, sống ngạo nghễ, coi thường cả những nhà giáo dục chân chính. Bịnh không những tràn lan trong trường học mà còn lây lan qua tòa án, một nơi tôn nghiêm, sự công bình chính trực quan trọng gấp ngàn lần thành tích.
Họa sĩ vẽ bức tranh Lại Điểm Hai lại là nhà giáo dục Nga lỗi lạc. Chỉ mỗi bức tranh, ông lột tả nỗi đau đớn của con người trước một sự giả dối: ai cũng nặng thành tích. Chỉ con chó là không. Điểm 10 hay điểm 2, cậu bé vẫn là cậu bé, đối với nó. Cậu bé sẽ là con người ngày mai đầy hy vọng, không phụ thuộc nhất thời vào điểm kém ngày hôm nay.
Nay thất bại mai thành công hay nay thành công mai thất bại là lẽ thường tình; ai trên đời này chắc chắn sẽ mãi mãi thành công? Tại sao phải hổ thẹn vì điểm hai? Nếu có hổ thẹn thì chỉ hổ thẹn khi điểm 2 lại đội lốt điểm 10. Vì điểm hai mà những người thân yêu hủy hoại tâm hồn của một trẻ thơ bằng ánh mắt khinh bỉ ở những bước chập chững đầu đời.