Mấy chục năm sinh sống ở miền Nam, tôi chưa bao giờ thấy mưa phùn gió bấc. Mưa lất phất những hạt bụi nước li ti trong không gian ảm đạm và giá buốt, hàng triệu triệu hạt từ trời rơi xuống như vô tận. Điều ngạc nhiên là, người đi trong mưa những con phố ngắn của Hội An lại không thấy ướt át áo quần. Học sinh chúng tôi ít khi mặc áo mưa đến trường. Nếu gần chỗ học, nam sinh nhét sách vở vào bụng và cắm đầu chạy, một mạch là tới trường. Chỉ các nữ sinh, áo dài trắng tha thướt đi nhẩn nha đến trường, mới phải mặc áo mưa. Cũng có vài cô cầm dù đi học. Hồi ấy, dù đa phần màu đen, ít có dù màu. Các cô thường nghĩ, phía sau họ làm gì cũng có chàng hát bài “Ngày xưa Hoàng thị”. Họ thường đi chậm rãi đến trường.
Những cô học trò Hội An ngày xưa.
Áo đi mưa thời ấy không nhiều không đẹp và đa dạng như ngày nay. Hầu hết các nữ sinh sử dụng áo đi mưa có tay, gài nút phía trước và đội thêm nón lá. Học sinh nam có nhà ở phố cũng sử dụng loại áo mưa như của nữ sinh. Học sinh nghèo, “tản cư” (gọi là tị nạn cộng sản) như tôi thì áo mưa là một tấm ni lông mỏng hình chữ nhật, khi mặc thì lấy hai chéo góc cột lại nơi cổ, phần dưới tỏa ra như hiệp sĩ trong phim Batman (Người dơi) hay chiếu trên truyền hình thuở đó. Lớp học rất đông, sĩ số thường trên 60 người nếu là cấp 2. Áo đi mưa thường vắt lên bục cửa sổ và lúc ra về, chúng tôi tuần tự của ai nấy lấy, xếp lại cầm tay nếu trời ngừng mưa.
Mưa phùn ở Hội An.
Mua một cái áo mưa tươm tất là cả một nỗ lực đối với người Hội An. Người khá giả thì sắm loại đắt tiền, sang cả, gọi là pạc-đề-xuy (par dessus) hay măng-tô (manteau). “Trung lưu” thì áo mưa loại thường bằng ni-lông. “Nghèo” thì tấm ni lông như… tôi.
Thanh niên , khách du lịch, người mới đến sinh cư, ngày nay sẽ không hình dung Hội An trước “ngày giải phóng”. Chúng tôi gọi đó là thành phố “dưỡng già”. Ngoài một số hộ làm ăn, buôn bán ở các con phố như Lê Lợi, Cường Để (Trần Phú), Nguyễn Thái Học, và chung quanh chợ chính, các gia đình khác dựa vào đồng lương của người đi lính hay làm việc trong cơ quan hành chính (gọi là công chức, kể cả thầy cô giáo).
Có thể không biết tất cả tên của người ở phố nhưng quý vị sẽ biết người ấy sống ở khu nào của phố. Thành phố “đi dăm phút đã về chốn cũ” không có nhiều cư dân. Số dân “tản cư” lại sống quanh thành phố, như Cẩm Hà hay Ngọc Thành, nên thành phố lại nhiều học sinh. Lý do người dân các quận “mất an ninh”, nghĩa là xôi đậu, sáng quốc gia tối “pha” cộng sản, đều tản cư về Hội An, tỉnh lỵ của Quảng Nam thời đó.
Thành phố “dưỡng già” ngoài ý nghĩa bình an và tĩnh lặng, có khi còn đồng nghĩa với…nghèo; văn hoa một chút, “an bần” nhưng “lạc đạo”; người tứ xứ các vùng về sống có thể nhiều hơn số người sinh ra ở Hội An. Dân Quảng Nam nghèo nhưng rất hiếu học. Không phải đây là niềm “tự hào” mà là sự thật.
Một thành phố nhỏ, phố cổ, có những con đường hẹp, đi từ đầu tới cuối phố chính không đầy 15 phút. Khi còn là học sinh lớp 10, tôi và một số bạn có thói quen đi dạo tối trước khi học bài. Từ điểm tập họp tại chợ, chúng tôi đi dọc đường Bạch Đằng qua Chùa Cầu đến ngã ba Tin Lành và đi về lại, qua đường Trần Hưng Đạo đến Lê Lợi rồi “tan hàng”, ai về nhà nấy. Gần như tối nào cũng vậy vào thời gian thành phố chưa bị Việt Cộng pháo kích thường xuyên như sau này. Thành phố dưỡng già.
Một trong những thú vui của học sinh “đang tuổi yêu” như chúng tôi là đi bộ dưới mưa. Các bạn có thể cho là lãng mạn? Cũng không sao. Chúng tôi chỉ đi bộ dưới mưa phùn và gió bấc. Hội An có những ngày mưa phùn như thế thời gian giáp Tết. Áo manteau là loại áo không dành để đi…mưa. Mưa to thì loại áo này sẽ ướt nhẹp. Người dạo phố mặc nó chỉ có thể đi dưới mưa phùn lất phất. Trong không khí se sắt lạnh, chàng trai sẽ cho tay vào túi áo, đầu hơi cúi về phía trước, thong dong sải bước, người không hề thấy ướt. Những hạt bụi trắng như sương đính trên mái tóc, trên má, trên mi, và cả trên áo: có gì lãng mạn hơn nếu bạn là một thanh niên đi trên phố với chiếc áo pardessus “sang trọng”? Nếu là cô gái từ các nhà khuê các hay con cái gia đình có hiệu buôn nằm ở các con phố toàn người Hoa giàu có, còn gì hãnh diện hơn?
Chúng tôi không có hai loại áo sang cả ấy nhưng lại có chiếc áo “phong trần” khác: những chiếc áo len cũ, đan dày, và bó sát người. Những hạt bụi của mưa phùn cũng đính lên lớp lông tơ mặt ngoài áo len. Những cô cậu thanh niên mới lớn, thấm đẫm câu thơ Xuân Diệu “Đã nghe rét mướt luồn trong gió. Đã vắng người sang những chuyến đò”, hay mấy câu văn miêu tả cảnh mưa phùn, gió bấc miền Bắc trong Gió Đầu Mùa của Thạch Lam, tập truyện ngắn tôi cho là kinh điển nhất trong thể loại truyện ngắn VN.
Một thành phố “dưỡng già”, “nhỏ như bàn tay” lại có tới bảy nhà sách: Nhất Tiếu, Trùng Dương, Rạng Đông, Khai Trí, Bình Minh, Thống Nhất…chưa kể tiệm sách Phi Anh (của ông chủ hí viện cùng tên, thập niên 1950) và một tiệm cho thuê sách kiếm hiệp. Nhà sách nhiều vì học sinh nhiều, thế thôi.
Do đó, áo mưa được sử dụng nhiều nhất chính là học sinh và “giáo sư” (tên gọi thầy dạy cấp 2 và 3). Quân nhân sử dụng áo mưa lính “poncho”. Công chức đa phần mặc manteau hay áo par dessus.
Những ngày mưa phùn gió bấc không nhiều so với những ngày mưa dầm gió giật. Ai ở miền Trung (hay Bắc?) đều trải nghiệm cái mưa lê thê ngày này qua ngày khác, có khi tuần này sang tuần khác, rỉ rả, ướt át, lầy lội, cuối cùng là những trận lụt có năm không thiếu kinh hoàng, và Hội An là thành phố nhỏ có những ngày nước lụt ngâm lâu nhất và nhiều nhất.
Hội An của ký ức trong tôi những ngày như thế.
Có ai còn nhớ, quanh “chợ lồng” Hội An là các bác hành nghề…dán áo mưa? Nhìn thao tác cẩn thận của họ với từng chỗ rách trên chiếc áo mưa, ta thấy chiếc áo mưa quý giá thế nào với con người ở phố dưỡng già thời đó. Những chỗ rách trên áo mưa đa phần là nơi nách. Và làm thế nào dán lại để không thể rách lần nữa, “bí quyết” này phải hỏi người làm nghề dán áo mưa thuở ấy. Mỗi lần đi qua chợ phố, sau này, vào mỗi mùa mưa, tôi rảo mắt tìm xem, thử còn có ai dán áo mưa rách nữa không. Không còn ai cả. Hội An bây giờ có bộ mặt giàu có hẳn lên. Trên mọi nẻo phố, Tây đi lại nhiều hơn Ta. Tôi lại tiếc nuối cho cái nghèo của nó khi không tìm ra người dán áo mưa thuở còn đi học. Kỷ niệm đi kèm với cái nghèo lại là kỷ niệm đẹp theo đuổi tôi cho đến tận bây giờ.