Monday, February 5, 2024

MỸ CHẲNG CHUẨN BỊ CHIẾN TRANH VỚI TRUNG QUỐC

Lời người dịch: Bài khá dài  nhưng hữu ích cho ai quan tâm tình hình Biển Đông và thái độ người Mỹ với chính chính quyền của họ. Nói thẳng, nói thật, tiết lộ chi phí quốc phòng, bằng những con số, nếu ở một nước toàn trị, tác giả sẽ vướng lao lý vì làm "lộ bí mật quốc gia" và "tuyên truyền chống phá nhà nước", dám gọi Bộ Quốc Phòng là Bộ Đủ Thứ. Có thể không ưa Donald Trump nhưng chúng ta thấy việc tuyên bố (có phần cao ngạo) của ông ta "quét sạch đầm lầy nước Mỹ" là đúng nếu Mỹ muốn trở lại với thế giới như mong ước của Joe Biden (America Back).

(America Is Not Ready for a War With China)

"Làm sao để Lầu Năm Góc chú trọng những mối nguy thật sự"

Hoa Kỳ chi 19 ngàn tỷ đô la cho quân sự kể từ sau chiến tranh lạnh. Số tiền đó cao hơn mức chi quân sự của TQ là 16 ngàn, và gần bằng tất cả thế giới còn lại chi phí cùng thời gian. Vậy mà nhiều chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ sắp thua một cuộc chiến khốc liệt sắp tới. Hồi tháng 3, tư lịnh lực lượng quân sự Mỹ ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, đô đốc Philip Davidson cảnh báo chỉ 6 năm nữa, quân đội TQ sẽ đuổi kịp quân đội Hoa Kỳ; họ sẽ “buộc thay đổi cục diện vùng Đông Á”. Trở lại năm 2019, một cựu quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố quân đội Mỹ thường “thua thảm hại” trong trò games chiến tranh mô phỏng đánh nhau với TQ. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích, nhà nghiên cứu kết luận nếu TQ chọn cách đánh chiếm Đài Loan, Giải Phóng Quân TQ sẽ làm tê liệt sức mạnh Hoa Kỳ nhảy vào cản bước.

Theo suy diễn phổ quát, cơn bão đang tích tụ này cho thấy một kết cuộc không tránh khỏi: Bắc Kinh thì trỗi dậy, Washington sẽ suy tàn. Thực sự, chẳng phải như thế đâu. Hoa Kỳ thừa tiềm lực và chiến lược khả thi, đánh trả sự bành trướng quân sự của TQ. Tuy thế, cấu trúc phòng thủ của Mỹ tỏ ra chậm trễ khi áp dụng chiến lược này, và thay vì thế, lại lãng phí tiềm lực vào các lực lượng cũ kỹ và các nhiệm vụ chẳng thiết thân. Vị thế quốc phòng của Washington hiện nay không coi trọng quân sự mà lại coi trọng chính trị - họ tỏ ra rất kiên nhẫn. Trong quá khứ, Hoa Kỳ chỉ củng cố quân sự sau lúc đối thủ chứng tỏ họ yếu thế trên chiến trường. Đất nước (chúng ta) một lần nữa lại hướng đến một thảm trạng như thế.

Để thay đổi hướng đi, chính quyền Biden phải công khai và liên tục ra lịnh quân đội tập trung vào việc ngăn chặn TQ và giảm thiểu các mục tiêu khác. Các mệnh lệnh này phải được bổ sung, thể chế hóa, trong đề xuất ngân sách quốc phòng của chính phủ, cả trong chiến lược phòng thủ quốc gia. Ngoài ra, chính quyền nên đẩy mạnh Sáng Kiến Răn Đe ở Thái Bình Dương, một chương trình khắc phục các sơ hở trong phạm vi phòng thủ của Hoa Kỳ ở châu Á. Nếu Mỹ không chớp lấy cơ hội này để khẳng định ưu thế quân sự với TQ thì chẳng còn cơ hội nào nữa.

TƯ DUY HẠN HẸP (Think small).

Trái với tin tưởng thông thường, Hoa Kỳ có phương tiện để kiểm soát TQ bành trướng hải quân. Chi phí quốc phòng TQ tăng đều mấy chục năm nay, nhưng Hoa Kỳ chi phí cho hải quân và thủy quân lục chiến của họ còn ngang bằng TQ dành cho quân đội trừ an ninh nội địa. Các đơn vị tác chiến Mỹ mang nhiều trọng trách bên cạnh việc chuẩn bị cho chiến tranh Trung-Mỹ, không khác gì TQ.

TQ có bờ biển tiếp giáp với 19 nước, thì 10 nước có tranh chấp lãnh thổ. Tuần tra các biên giới này cần tới hàng trăm ngàn quân TQ và rút hết một phần tư ngân sách quốc phòng. Dù TQ có lợi thế sân nhà (home-field) trong chiến tranh Đông Á, họ cũng đối mặt với hàng tá nhiệm vụ nặng nề hơn. Thử xem một cuộc đụng độ với Đài Loan, TQ cần chiếm đóng và kiểm soát lãnh thổ thì mới coi là chiến thắng thì Hoa Kỳ chỉ cần phủ nhận sự kiểm soát đó – một sứ mạng khá dễ dàng.

Với lợi thế có được của Mỹ, các chuyên gia quân sự cùng quan điểm về việc làm thế nào để răn đe TQ. Thay vì chờ một cuộc chiến khai mào rồi đưa các tàu sân bay dễ bị tấn công vào biển Đông Á thì Hoa Kỳ có thể thiết lập một “bãi mìn công nghệ” ngay trong khu vực, băng cách bố trí trước các giàn phóng tên lửa, máy bay quân sự không người lái, các trạm ra-đa trên biển, trên đất của đồng minh nằm cạnh bờ biển TQ. Các hệ thống khí tài dày đặc này rất căng nếu TQ muốn hóa giải; chúng không cần các căn cứ rộng lớn hay các hậu cần đặc biệt. Thế là, chúng được đặt lên bất cứ cái gì có thể nổi, có thể bay, như tàu buôn cải trang, xà-lan, máy bay.

Các nhà phân tích quốc phòng từng ưa chuộng biện pháp này hơn chục  năm trước. Tuy nhiên, quân đội Mỹ vẫn quá dựa vào một số lượng nhỏ các tàu chiến lớn và các chiến đấu cơ bay gần, hoạt động từ những căn cứ trống trải – các lực lượng đúng là thứ mà TQ có thể phá hủy bằng tên lửa phòng không đánh phủ đầu.

Khiến vấn đề trầm trọng hơn, Washington lại xuất khẩu cái hệ thống khiếm khuyết này đến các nước đồng minh. Chẳng hạn, việc Đài Loan mua máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất và xe tăng Abrams đã làm cạn kiệt nguồn tiền từ quân đội của hòn đảo và lực lượng tên lửa trên đất liền, cách phòng thủ chính của nước này trước cuộc tấn công thủy bộ của Trung Quốc.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia quân sự, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đang có một chọn lựa dễ dàng. Họ có thể nhanh chóng giữ vững cân bằng quân sự ở Đông Á bằng cách trang bị tràn ngập trong vùng những vũ khí, giàn ra-đa chi phí thấp hoặc là, họ có thể cắt giảm chi phí các tác vụ chẳng liên quan, các hệ thống khí tài đắt tiền vốn là bia ngắm cho hỏa tiễn TQ. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao các cơ sở quốc phòng Hoa Kỳ không nhìn nhận mọi thứ cùng một cách?

CHUYỆN BAO ĐỒNG (Mission creep)

Vấn đề bắt đầu từ cấp chóp bu kéo dài xuống các cấp khác. Từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, các tổng thống Mỹ cho phép (thường là khuyến khích) bộ Quốc Phòng biến dạng thành Bộ Đủ Thứ (Department of Everything). Quân đội Mỹ bây giờ thực thi nhiều sứ mạng bên cạnh dự phòng chiến tranh bá quyền nước lớn, nào là hỗ trợ phát triển, cứu hộ cứu nạn, hoạt động chống ma túy, nào là kết nối bang giao, bảo vệ môi trường, và an ninh bầu cử. Nhân lực quốc phòng Mỹ hoạt động hầu như khắp thế giới và thực hiện hầu như mọi thức việc.

Nhiệm vụ to lớn này biến các vị chỉ huy chiến đấu Mỹ trở thành những thủ hiến của đế chế La Mã thời nay như mô tả của báo Bưu điện Washington – những trung tâm đầu não chính sách đối ngoại của Mỹ, phủ phê tiền bạc, gần như tự quyết, và không theo quy chế nào cả.

Họ giám sát sự kéo dài của các "tiểu Lầu Năm Góc" (mini-Pentagons) kinh lý các nước như một nguyên thủ quốc gia, xử lý hàng tá vấn đề trọng đại. Thay vì ủng hộ triển khai tên lửa đạn đạo rẻ tiền dễ sử dụng, rất quan trọng trong cuộc chiến tranh với TQ thì họ lại đẩy mạnh việc việc sử dụng các đơn vị quân sự quy mô, các căn cứ  quân sự khổng lồ (như hàng không mẫu hạm và khu trục hạm) thường xử lý những sứ mạng thời bình.

Như chuyên gia quốc phòng Mackenzie Eaglen đã chỉ ra, các chỉ huy tác chiến liên tục yêu cầu sử dụng các nền tảng như vậy, và các dịch vụ điều hành lực lượng của họ cố gắng đáp ứng những yêu cầu đó. Do vậy, quân đội Mỹ đã duy trì nhịp độ hoạt động như thời chiến trong suốt hai thập kỷ qua, ngay cả sau khi rút lui khỏi các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, với một số đơn vị hiện đang được triển khai với tốc độ gần gấp ba lần tốc độ khuyến nghị của Lầu Năm Góc.

Chẳng lấy làm ngạc nhiên, tai nạn và sự cố kỹ thuật tăng vọt. Từ 2006 đến đầu năm 2021, số nhân viên phục vụ Hoa Kỳ bị chết vì tai nạn là 5.913 người, gấp đôi binh sĩ thiệt mạng trong chiến đấu. Năm 1986, chi tiêu hoạt động và bảo trì ngốn 28% ngân sách quốc phòng; bây giờ số đó rút cạn tiền quá hớp 41%, gấp đôi kinh phí mua mới các hệ thống khí tài quân sự. Xu hướng này cho thấy cái vòng kim cô (vicious cycle) vì nó mà Lầu Năm Góc chi tiêu ngày càng nhiều để duy trì lực lượng ít hơn, cũ kỹ hơn, và càng lạc hậu hơn.

BIỆN PHÁP TỐT NHẤT

Vấn đề bắt đầu cấp chóp bu và do đó, giải pháp cũng phải như vậy. Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phải chỉ thị cho Lầu Năm Góc cảnh giác chiến đấu cao với Trung Quốc, đặc biệt là ở eo biển Đài Loan, nơi có nguy cơ chiến tranh lớn nhất, đồng thời cắt giảm hoặc loại bỏ các sứ mạng khác.

Những chỉ thị đó phải nằm trong các đề xuất ngân sách quốc phòng và Chiến lược quốc phòng sửa đổi. Chiến lược quốc phòng 2018 ưu tiên cho việc cạnh tranh với các cường quốc nhưng lại thay đổi không đáng kể cơ cấu sức mạnh quân sự Mỹ ở châu Á bởi vì nó chất chồng nhiều nhiệm vụ mới mà không loại bỏ những nhiệm vụ ít thiết yếu hơn.

Chính quyền Biden bây giờ cần làm những việc khó nhọc là xác định và cắt bỏ những tác vụ không quan trọng, để giải phóng nguồn lực quân sự và tập trung vào việc ngăn chặn TQ.

Bước đầu trong lộ trình đó bao gồm việc cắt giảm số lượng, quy mô của các “sứ mạng hiện diện” (“presence missions”) hiện có hàng trăm ngàn nhân viên quân sự, đang đi trên biển, đang bay trên trời, rồi tập trận, huấn luyện trên thế giới mỗi ngày.  Tốc độ chóng mặt của các hoạt động này buộc chặt và làm hao tổn các đơn vị chiến đấu của quân đội, khuyến khích việc mua sắm các thiết bị quy mô không phù hợp cho một cuộc chiến với Trung Quốc.

Trấn an các đồng minh và “giương cao ngọn cờ” là những nhiệm vụ quan trọng, nhưng chúng có thể được thực hiện bởi các đơn vị cơ động hơn, chẳng hạn như Lữ đoàn Hỗ trợ Lực lượng An ninh, hoặc Bộ Ngoại giao chứ không phải bởi các nhóm tác chiến tàu sân bay.

Thứ hai, đội ngũ Biden nên tái triển khai, càng nhiều càng tốt, lực lượng không quân và hải quân tới châu Á. Hoa Kỳ đã tuyên bố “xoay trục” sang khu vực gần một thập kỷ trước, nhưng nhiều pháo hạm của họ vẫn còn ở nơi khác. Ví dụ như ở Trung Đông, Mỹ thường sử dụng các máy bay chiến đấu tiên tiến để tấn công những kẻ khủng bố vũ trang hạng nhẹ và triển khai hàng không mẫu hạm, máy bay ném bom hạng nặng, để gửi tín hiệu răn đe tới Iran.

Mức độ quá mức cần thiết như vậy làm mất đi tính sẵn sàng chiến đấu, tước mất lực lượng cần thiết của Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình dương nhằm cạnh tranh với Trung Quốc. Một cách tiếp cận bền vững hơn sẽ xử lý các mối đe dọa nhỏ hơn với các lực lượng nhỏ hơn, săn lùng những kẻ khủng bố bằng máy bay không người lái và các đơn vị hoạt động đặc biệt, hỗ trợ tầm gần bằng máy bay tấn công hạng nhẹ, chống lại sự xâm lược của Iran bằng cách duy trì một cấu trúc căn cứ xương sống trong khu vực, sẵn sàng hỗ trợ tăng cường lực lượng nếu xung đột lớn nổ ra.

Cuối cùng, chính quyền Biden nên chuyển các nhiệm vụ phi quân sự cho các cơ quan dân sự. Ví dụ: việc ngăn chặn ma túy nên giao cho cục Quản lý ma túy; an ninh biên giới cho Hải quan và bộ đội Biên phòng; an ninh bầu cử cho bộ An ninh nội địa; hỗ trợ phát triển cho cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, v.v. Việc giao lại các sứ mệnh và tăng cường sự xử lý của các cơ quan dân sự sẽ tăng cường sức mạnh quân sự, đồng thời, phi quân sự hóa chính sách đối ngoại của Mỹ.

SÓI Ở TRƯỚC CỬA

Cải cách guồng máy đồ sộ nhất của quốc gia là rất khó nhưng không phải không làm được. Quân đội là một tổ chức theo hệ thống quân giai với các trách vụ rõ ràng. Tổng thống và bộ trưởng quốc phòng có quyền ra lịnh cho các chỉ huy tác chiến, ràng buộc họ qua ngân sách và công tác nhân sự.

Các tư lệnh tác chiến, các chỉ huy trưởng hậu cần, đến phiên họ, có ảnh hưởng to lớn lên việc mua sắm. Họ đang ở tuyến đầu, vì vậy, khi họ yêu cầu trang bị, các dân biểu chỉ làm cái việc cản trở càng nhiều càng tốt – cả các nhà thầu quân sự cũng phải sắp hàng chờ.Tổng thống và bộ trưởng quốc phòng cũng có thể dùng diễn đàn hù dọa để lay chuyển các động lực chính trị đang đối diện với những nhân vật quan trọng. Chẳng hạn, tổng thống và bộ trưởng quốc phòng rõ ràng coi TQ là quan tâm hàng đầu thì họ đưa ra cho quốc hội cái vỏ bọc chính trị, mục đích để cắt giảm hay thu hẹp các nhiệm vụ khác (của chính phủ).

Về lý thuyết thì có thể cải cách, nhưng để thực hiện, đòi hỏi sự lãnh đạo rõ ràng và bền vững từ cấp cao nhất. Biden và Austin đã nói rằng, ngăn chặn Trung Quốc là ưu tiên quân sự hàng đầu, nhưng Biden cũng muốn Lầu Năm Góc xử lý một loạt các mối đe dọa an ninh phi chính thống, và Austin dường như khó có thể là người ủng hộ "Châu Á trên hết", vì ông là cựu chỉ huy bộ Tư lệnh trung tâm Hoa Kỳ, cơ quan giám sát các lực lượng Mỹ ở Trung Đông.

Tuy nhiên, có những lý do để lạc quan một cách thận trọng về triển vọng cải cách. Một là, ngày càng có nhiều người tham gia chính trị quyền lực, ủng hộ sự tập trung vào Trung Quốc. Năm ngoái, quốc hội đã thông qua sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương. Nếu được tài trợ đầy đủ, chương trình này sẽ phân bổ 27 tỷ đô la trong vòng 5 năm để phân chia và củng cố cấu trúc căn cứ của Mỹ ở châu Á, đồng thời, trang bị cho bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình dương nhiều đầu đạn và cảm biến tầm xa. Vào tháng 4, các nhà lập pháp trong ủy ban quân bị Hạ viện đã viết một lá thư cho Lầu Năm Góc, kêu gọi cắt giảm các hoạt động không cần thiết trong thời bình, để giải phóng nguồn lực chuẩn bị cho cuộc chiến tranh bá quyền nước lớn.

Thủy quân lục chiến và lục quân, hai quân chủng của quân đội có khuynh hướng chống lại việc tập trung vào chiến tranh hải quân ở châu Á, đã soạn thảo kế hoạch xoay trục từ giao tranh với quân nổi dậy ở Trung Đông sang đánh chìm tàu ở Tây Thái Bình Dương. Và các chuyên gia quốc phòng thuộc mọi lãnh vực hiện nay nhất trí cao về cách Hoa Kỳ nên làm, trong việc ngăn chặn sự bành trướng của hải quân Trung Quốc.

Trong khi đó, tình cảm bài TQ, ở Mỹ và thế giới, đạt đỉnh điểm từ cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Cứng rắn với TQ là một trong sáng kiến hiếm hoi ở lưỡng viện Hoa Kỳ, và TQ dường như làm mọi cách để thổi bùng ngọn lửa này với chính sách ngoại giao “Chiến binh lang sói” (Wolf Warrior).

Hiện đang có sự ủng hộ chính trị của lưỡng đảng ở Washington cho sự tái cân bằng thực sự ở châu Á và sự đồng thuận chiến lược giữa các nhà hoạch định quốc phòng về cách thức tiến hành. Cái chính còn thiếu, đó là sự phối hợp của lãnh đạo cấp cao nhằm tranh thủ sự hỗ trợ (của hai đảng) và biến các chiến lược đó thành hành động.

Ảnh: Hàng không mẫu hạm Mỹ ở Trung Đông 2014.

Bài của Michael Beckley đăng trên Foreign Affairs ngày 10 tháng 6 năm 2021.