Monday, February 5, 2024

“CON CHÁU” CHỢ TỰ PHÁT

Có hai cái khi mất đi người ta mới để ý: sức khỏe và hạnh phúc. Nay, có cái mất đi người ta mới sực nhớ: nó quan trọng quá – chợ, tôi muốn nói chợ tự phát. Chợ tự phát thường nhóm họp dọc theo một con hẻm, một con đường không rộng, ở nơi đó, người mua đa phần là giới lao động nghèo. Với giới khá giả hay kha khá, supermarket - siêu thị - là chỗ của họ; chợ tự phát: NO.

Chợ tự phát ban đầu cũng khốn khổ lắm. Năm lần, bảy lượt, ngày này qua tuần khác, thậm chí tháng khác, chính quyền sở tại ra quân nhiều đợt “ổn định trật tự xã hội” nhưng đều bó tay chấm com,  không dẹp nổi. Không phải họ bất lực. Họ hiểu ra có cầu thì có cung. Có người mua thì phải có chợ. Ở cái thành phố tấc đất tấc vàng kiếm chỗ làm chợ đâu phải dễ.

Lượng người đi chợ đa phần là  lao động nghèo, công nhân các khu công nghiệp, mức sống chưa đầy đủ. Chính quyền sở tại dẹp chợ này thì họ mua ở đâu? Siêu thị dành cho người có thu nhập khá. Chợ truyền thống thì không đủ chỗ cho họ chen chân và thuận tiện cho việc đi chợ chớp nhoáng sau một ngày chúi mũi lao động hay làm việc trong công xưởng, nhà máy.

Người đi chợ vừa dắt xe đạp hay dừng xe máy để mua con cá, bó rau, trái mướp ở chợ tự phát, rất vội vã cho bữa ăn mỗi ngày. Họ không có nhiều tiền để mua tủ lạnh, và nếu mua được họ cũng ngại số tiền điện mỗi ngày cho nó, cái thứ ngày nào cũng “ăn” điện. Nhà chức trách (ở đây thường là phường) cũng “ngó lơ” để chợ “chồm hổm” nó…tự phát. Công nhân và những người lao động nghèo gắn bó với những chợ tự phát này. Họ thấy ra nỗi vất vả của đồng bào mình.

Thế là những đồng bào này đến các chợ “chồm hổm” để mua những thức ăn cho mỗi ngày lao động. Dân Nam hay người đến sống với dân Nam cũng cùng thói quen không thích tích trữ thức ăn. Mua ăn mỗi ngày “cho nó tươi”. Lề đường chợ tự phát sẽ là chỗ cung cấp những thứ rẻ, tươi mà “ngon”, như rau củ quả, cá, thịt, trứng...

Ông thần dịch bệnh từ Vũ Hán của Trung Quốc anh em bất ngờ lại ập đến lần thứ 4. Công ty xí nghiệp sản xuất nào có các ca dương tính thường phải đóng cửa. Công ty nào bảo đảm các quy định giãn cách thì tiếp tục hoạt động.

Chợ tự phát là chỗ tụ tập đông người mua từ Trung Nam Bắc, và là nơi dễ lây truyền dịch bịnh. Chúng là đối tượng nhắm đến đầu tiên: phải chấm dứt. Dân chúng chấp hành nghiêm: người bán có nhà tại chỗ thì đóng cửa, người buôn thúng bán bưng “vãng lai” không dám bén mảng và người mua lao động nghèo, tất cả đều không dám đến. Cái ông có tên chợ “truyền thống” cũng chẳng khá hơn, ổng cùng chung số phận: đóng cửa chống dịch. Chợ đầu mối có ai dương tính cũng hết là đầu mối.

Chợ thời cách ly tại Myanmar.

Bây giờ vào thời dịch bịnh, rất căng thẳng, nhưng cũng rất bình đẳng, tất cả mọi người - giàu, khá, nghèo - được mua thức ăn, hàng tiêu dùng ở một nơi duy nhất: siêu thị. Một thành phố vừa có chợ truyền thống, chợ tự phát, vừa có các siêu thị còn không cung cấp đủ nhu cầu người dân mua nhu yếu phẩm - chợ tự phát ở thành phố có xu hướng “ngày càng phát triển” vì dân ngày càng đông -  nay có mỗi ông superman, ý lộn, ông supermarket (siêu thị), thử hỏi làm sao không mà… “kẹt”?

Coi mấy clip thấy có một số “con cháu” chợ tự phát “ngoan cố”, lén bán thức ăn cho người có “nhu cầu chính đáng” (được ra khỏi nhà). Họ bị xử phạt và tang vật bị tịch thu vì vi phạm chỉ thị 16. Nào cà pháo, cà chua, đậu bắp, rau muống, bí đao, bí đỏ, mướp, khổ qua, cả trứng vịt... là chứng cứ vi phạm "không thể chối cãi".

Cung không đủ cầu nên các “con cháu” này muốn “phá rào” như những năm đầu đổi mới, họ cả gan bắt chước cụ Võ Văn Kiệt “phá rào” để dẫn đến xóa bỏ bao cấp. Ông Kiệt được vinh danh chứ mấy vị “con cháu chợ tự phát” này phải bị kỷ luật.

Không có "chi nhánh" chợ tự phát thì thôi.  Khổ thì cũng khổ chung vì dịch giã. Bà con kẻ bán người mua hãy ráng cho hết 15 ngày giãn cách; người ta nói sẽ không còn F0 nào nữa. Còn bí quá thì mọi người tạm thời tập trung ra siêu thị. Corona có thương ai vì tụ tập đông người, thì hãy buông cho số phận “trời kêu ai nấy dạ”