Sunday, February 4, 2024

TỔN THẤT DO THẢM HỌA COVID Ở VIỆT NAM

(Counting the cost of Vietnam’s Covid meltdown)

Thành công ngăn chặn Covid ban đầu ở Việt Nam trở thành thất bại do sự lỏng lẻo, thiếu tầm nhìn, và thiếu trầm trọng vắc-xin. (Vietnam's earlier Covid containment success has turned to failure due to laxity, myopia and a dire lack of vaccines)

Đặng Thanh Hằng, 27 tuổi, chủ cửa hàng nail ở Sài Gòn, thở dài nhắc lại gia tài bất ngờ mất trắng khi Covid-19 bùng phát ở thành phố lớn nhất nước.

Cô than thở: “Em phá sản rồi. Tất cả số tiền mẹ em và em tích cóp bao nhiêu năm bây giờ bay sạch”.

Hằng, quê ở Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long, dùng toàn bộ số tiền dành dụm để mở cửa hàng. Cô và 4 người bạn thuê mặt bằng trên một con đường ở quận 7, thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4 trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, ngày 27/4.

VN thành công ngăn chặn các đợt bùng phát dịch cho tới thời điểm đó, bằng việc phong tỏa ngắn ngày tùy vùng, có ảnh hưởng sinh hoạt bình thường trong năm.

Tuy nhiên, biến chủng Delta xuyên thủng biên giới đóng chặt trước khi bắt đầu lây lan nhanh chóng ở vùng phía Nam VN hồi tháng 5.

Tất cả các dịch vụ không thiết yếu ngừng hoạt động ở Sài Gòn ngày 31 tháng 5, nhưng các biện pháp giãn cách xã hội không ngăn được dịch lây lan.

Bắt đầu ngày 20 tháng 8, chính phủ cấm tất cả ai ra khỏi nhà, quân đội có nhiệm vụ đưa thực phẩm đến từng gia đình.

Mặc cho các biện pháp ngăn chặn vi rút nghiêm ngặt toàn nước, ngày 12 tháng 9, theo bộ Y Tế có gần 11,500 ca nhiễm mới, nâng tổng số nhiễm lên 613.375 người, với số chết 1279 ( ?).

Trong lúc vài hạn chế có nới lỏng mấy ngày gần đây, số chết trung bình trong bảy ngày gần 300 ca. Người chết vì Covid-19 chiếm khoảng 2,5% trên tổng số người nhiễm, cao hơn mức tử vong trung bình của thế giới là 0,4%, vì nghèo khó và quá tải y tế.

Tính đến ngày 11 tháng 9, VN chích một mũi vắc xin cho hơn 27 triệu người, trên tổng số 98 triệu dân. Với gần 4,7% dân số chích đủ hai mũi, VN có tỷ lệ chủng ngừa thấp nhất châu Á, nếu không nói là thấp nhất thế giới.

Ngày nay, những chủ doanh nghiệp như cô Hằng không còn lựa chọn nào khi các viên chức nhà nước thừa nhận vi rút vẫn tồn tại ở Việt Nam.

Ước tính vốn mất của mình chừng 4000 đô la Mỹ (hơn 80 triệu), cô Hằng nói: “Em không đủ tiền thuê nữa, nên mới trả mặt bằng, mướn một căn phòng nhỏ để ở tạm qua ngày”

Theo khảo sát của ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do nhà nước kết hợp với trang tin VnExpress thực hiện, từ ngày 12 đến 22/8, gần 70% trong số hơn 21.000 doanh nghiệp khảo sát đã đóng cửa vĩnh viễn, phần lớn là do chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Số doanh nghiệp còn lại đang vật vã duy trì, nhiều doanh nghiệp không trụ nổi hết năm nếu tình hình (dịch bịnh) không cải thiện.

Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, tiến sĩ y khoa, nguyên cục trưởng cục Quân y Việt Nam cho biết, những sơ suất gần đây của các cơ quan chức năng đã dẫn đến tình trạng “rối ren”. Ông nói thêm, tự tin quá mức nhờ thành công ban đầu ngăn chặn dịch của quốc gia đã tạo ra thói tự mãn.

“Ban đầu, chúng tôi nghĩ nước tôi “số một” trong chống dịch, nhưng rốt cuộc, VN mới hiểu ra, điều đó sai”. Ông ta nói thêm, thật là một sai lầm khi để tụ tập quá đông người trước đợt bùng phát hiện nay.

Ông nói tiếp, chính phủ đã không ưu tiên chích vắc-xin khi số ca lúc còn thấp: “Thời điểm đó, số ca nhiễm ở VN rất nhỏ, thế giới thì rất lớn, dẫn đến tâm lý chủ quan, để tụ tập đông người xảy ra (Ý ông ám chỉ tổ chức bầu cử, làm căn cước công dân?- ND)

Ám chỉ đến các kế hoạch thiếu lượng định trước dịch bùng phát, ông nói; “Thay vì tập trung vào vắc-xin, chúng tôi chủ yếu tập trung vào giãn cách xã hội”, và nhà nước cứ “nghĩ mình kinh nghiệm hơn các nước khác” nhờ các thắng lợi chống dịch năm đầu tiên.

Nhà chức trách VN vừa đảo ngược chiến lược “Sạch covid” (zero-Covid) vài tuần trước đây, khi thủ tướng Phạm Minh Chính thừa nhận hôm 28 tháng 8 rằng “chúng ta không thể khống chế hoàn toàn vi rút; chúng ta phải thích nghi, phải có phương sách phù hợp với tình hình”.

Nêu ra sự tổn hại cho cuộc sống, ba ngày sau, ông kiên định biện pháp mới, Việt Nam “không thể cứ cách ly và phong tỏa mãi mãi”.

Ông Bình cho biết, khi giãn cách xã hội nên tiếp tục theo cách nào đó thì biện pháp đang áp dụng lại quá khắt khe: “Áp dụng giãn cách xã hội cực đoan ở một số địa phương sẽ tác động tai hại lên nền kinh tế”.

Đường phố những ngày phong tỏa.

Tháng rồi, Ngân hàng thế giới hạ GDP dự tính của VN hai phần trăm, chỉ còn 4,8%.

Nền kinh tế VN tăng trưởng tốc độ mạnh mẽ trước đợt bùng phát dịch, đạt tới 5,6%  kể từ sáu tháng đầu năm 2021.

Giáo sư y khoa dự phòng, đại học công nghệ Sydney Úc, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn cho biết, tình hình y tế cộng đồng ở Việt Nam không khác mấy ở nước ông sinh cư, từng dẫn đầu thế giới về ca nhiễm thấp trước khi biến chủng Delta xuất hiện.

Ông nói: “Tôi nghĩ chính quyền (Việt Nam) phải chấp nhận thực tế, cái thực tế là con vi rút sẽ ở với chung ta mãi mãi, như những chủng loại vi rút khác qua năm tháng. Cứ mỗi ca phát hiện qua xét nghiệm thì chừng 6 đến 7 ca chưa phát hiện. Vì thế, số ca ghi nhận mỗi ngày trên báo chí không ý nghĩa gì nhiều”.

Ông Tuấn đồng ý, vắc xin là chìa khóa kiểm soát lây lan Covid. Hệ thống y tế phải được củng cố bằng các loại thuốc diệt vi rút như Remdesivir và Molnupiravir. Số chết tăng vọt một phần vì không đủ phương tiện y tế.

Ông nói: “Khi dịch bùng phát mạnh, các giường chăm sóc đặc biệt (ICU) và dụng cụ cấp oxy thiếu thốn nghiêm trọng trong các bịnh viện công, hạn chế khả năng chữa trị những bịnh nhân nặng. Với những gì xảy ra tức thời sau đợt bùng phát gần nhất, hình như chính phủ không chuẩn bị tốt trước các ca Covid-19 gia tăng đột ngột”.

Ngoài việc đẩy mạnh nguồn cung vắc xin, thiếu tướng Bình cho biết, VN phải tăng cường năng lực xét nghiệm, tiếp tục chiến lược đang có gọi là 5K: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập, Khai báo y tế. Ông nói thêm, người triệu chứng nhẹ không cần nhập viện, sợ nhiễm trùng trong bịnh viện hay lây nhiễm chéo vi rút, nhưng vài biện pháp giãn cách xã hội, như cấp giấy đi đường, chứng tỏ phản tác dụng.

Theo ông, vắc xin là ưu tiên một, còn “người ta kéo nhau đến nơi cấp giấy phép đi đường, rồi khi lưu thông, phải dừng lại để kiểm soát, tất cả sẽ gia tăng nguy cơ lây truyền vi rút”.

“Vắc xin phải coi là giải pháp số một, các biện pháp và hình thức giãn cách xã hội rất cần thiết, nhưng không phải số một, mà phải là số hai”.

Theo phúc trình của ngân hàng Thế giới, hôm 24 tháng 8, GDP dự kiến của VN phát triển chừng 4,8% trong năm 2021, mặc dù đạt thành tựu kinh tế vững chải ở 6 tháng đầu năm.

Dự báo này, sụt 2% so với dự báo tháng 12 năm 2020, cho thấy ảnh hưởng tiêu cực lên kinh tế do đợt bùng phát Covid-19 đang xảy ra.

Cựu cố vấn kinh tế cấp cao cho nhiều đời thủ tướng, ông Lê Đăng Doanh cho biết: “Tăng trưởng kinh tế VN sẽ vấn tốt trong năm nay nhưng có thấp hơn 4%, thay vì 4,7% như dự báo của ngân hàng Thế giới, vì số liệu của tổ chức này thu thập ngày 20 tháng 7, trước đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4”.

Ông nói thêm: “Nhiều hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị tác động xấu vì phong tỏa, hàng loạt hoạt động khác như giao thông và ngay cả mua bán nội địa cũng bị kìm hãm’.

Với cô Hằng, chủ tiệm nail ở thành phố HCM, mọi thay đổi chính sách bây giờ đều quá trễ. Trải qua những tháng ngày phong tỏa trong căn phòng nhỏ sau khi cửa tiệm đóng cửa, cô băn khoăn mình sẽ làm gì khi việc ra đường được cho phép trở lại.

Điều chắc chắn là cô sẽ từ bỏ cuộc sống đô thị và bắt đầu trở lại Cần Thơ.

Cô tâm sự: “Bây giờ chỉ còn đợi thành phố HCM dỡ bỏ rào chắn, em sẽ về quê sinh sống, ở đây em chẳng biết phải làm gì”.

Ông Lê Đăng Doanh kết luận: “Tôi không muốn dùng từ “thất bại” để diễn tả nền kinh tế đang vận hành, nhưng có thể thấy, chúng tôi không thành công vì những hạn chế và yếu kém trong những thời gian gần đây”.

Bài  BAC PHAM và BENNETT MURRAY, SEPTEMBER 14, 2021 trên Asia Times. Nguyễn Long Chiến dịch.

Ảnh: - Đường phố Sài Gòn ngày phong tỏa. - Khẩu hiệu chống dịch- Một cô gái buồn bã trên ban công ở Hà Nội- Chích vắc xin.