Monday, February 5, 2024

VIỆT NAM HẠ BỚT CHỈ TIÊU CHÍCH NGỪA COVID

(Vietnam backpedals on COVID-19 vaccination targets)

HÀ NỘI – VN hạ bớt chỉ tiêu trong nỗ lực chích ngừa Covid khi chính phủ xoay xở tìm kiếm vắc-xin đang khan hiếm trên thế giới.

Bộ trưởng y tế Nguyễn Thành Long được trích dẫn tuyên bố trên website của bộ Quốc phòng tuần trước, VN dự trù “cuối năm hay đầu năm 2022 sẽ chích ngừa đủ hai liều vắc xin cho ít nhất 70 % dân số tuổi 18 trở lên, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, đem lại sinh hoạt cuộc sống bình thường”.

70% số người này cho thấy con số thấp hơn mục tiêu ban đầu đặt ra hai tuần trước đó. Hà Nội khởi động lập quỹ vắc xin hôm ngày 5 tháng 6, tìm mua 150 triệu liều, ước tính chừng 1,1 tỷ đô la Mỹ,  mục tiêu chính ngừa cho 75% dân số của mình, chừng 100 triệu người. Ban đầu, Hà Nội đặt mục tiêu cuối năm nhưng mục tiêu ấy đã nới lỏng rồi.

Sau khi phát động gây quỹ, thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi đóng góp của các cá nhân và công ty. Quỹ thu được 7.400 tỷ (322 triệu đô la) của các công ty đa quốc gia đang hoạt động trong nước, dẫn đầu là Samsung, Toyota và Foxconn.

Ông Chính nhậm chức hôm tháng tư, một trong hàng ngũ lãnh đạo mới, và những chỉ tiêu đưa ra trong thời điểm chính trị tế nhị khi Hà Nội đang chuẩn bị cho kỳ họp quốc hội khai mạc ngày 20 tháng 7. Khóa họp lập pháp này, kéo dài 11 ngày rưỡi, là kỳ họp đầu tiên tổ chức sau cuộc tổng tuyển cử hồi cuối tháng 5.

Một nhà phân tích chính trị ở Hà Nội nói rằng, VN đi sau các nước Asean khác trong các cuộc thương lượng tìm mua vắc-xin. Quốc gia này cũng chậm trễ trong trong việc chấp thuận vắc-xin ngoại và lúc đầu dựa quá nhiều vào cơ sở COVAX, một chương trình chia sẻ vắc-xin của WHO, ít để ý cảnh báo có thể thiếu nguồn cung.

Ông Phạm Duy Nghĩa, giám đốc chương trình (đào tạo) thạc sĩ công của đại học Fulbright Viet Nam phát biểu trong một cuộc hội thảo trực tuyến, người Việt đang quan sát Hà Nội mua sắm vắc-xin; nỗ lực này sẽ đo lường sự thành công của chính phủ trong việc tìm kiếm nguồn quỹ và thực hiện chích ngừa diện rộng.

Các chuyên gia dự đoán, ngay cả chỉ tiêu thấp 70% cũng sẽ là một thách thức.

Trong cùng buổi hội thảo, bà Nguyễn Thu Ánh, giám đốc viện Nghiên cứu y khoa Woolcock ở Việt Nam, phát biểu: “Chích ngừa cho đủ 70% dân số vào cuối năm sẽ là một nhiệm vụ cam go dẫu cho có đủ thuốc. Năng lực chích của VN không tới 500.000 mũi/ngày”.

Theo bộ Y tế, chỉ có 2,9 triệu người được chích cho đến hôm thứ sáu. Ông Phạm Minh Chính phát biểu trong cuộc họp đánh giá đại dịch tháng trước: “Chúng ta đang tận dụng tất cả các nguồn lực tìm cho đủ vắc-xin để tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay”.

Trong cuộc gặp với các hãng sản xuất vắc-xin và các nhà khoa học VN  hôm ngày 7 tháng 6, ông thủ tướng hối thúc các bên làm việc cật lực hơn nữa để sản xuất vắc-xin trong nước, hầu giúp VN đạt được mục tiêu chích ngừa 75 triệu dân.

Hôm chủ nhật, VN tiếp nhận quà tặng 500.000 liều vắc-xin Sinopharm của TQ. Vì  dân chúng phản ứng  tranh chấp với Bắc Kinh về chủ quyền Biển Đông, VN là nước sau chót trong Asean chấp nhận vắc-xin ngừa vi rút corona do TQ sản xuất.

Các liều vắc-xin trên sẽ ưu tiên cho người VN làm việc hay học tập ở TQ, những cư dân cần sử dụng vắc-xin Tàu, đặc biệt những người sống sát biên giới TQ. Bộ y tế VN giải thích như thế.

Sau đó, ông Chính phân 11,58 tỷ đồng từ ngân sách dự trữ trung ương năm 2021 cho cơ sở sản xuất COVAX, trong khi nhiều người Việt lại trông đợi vắc-xin Pfizer và Moderna.

Hà Nội chấp thuận vắc-xin ngừa vi rút corona của Pfizer và AstraZeneca cũng như của Sputnik V (Nga). Quốc gia này trông cậy chủ yếu vào AstraZeneca. Hà Nội có được 2,4 triệu liều của COVAX, 405.600 liều của  AstraZeneca thông qua công ty trong nước Vắc-xin Việt Nam, và 1 triệu liều chính phủ Nhật vừa gởi tặng.

Nguồn vắc-xin tiềm năng khác là trong nước. Nhà sản xuất Kỹ thuật sinh học dược Nanogen cho phóng viên biết hôm thứ ba, họ muốn chính phủ chấp nhận khẩn cấp Nanocovax, một vắc-xin ứng viên, đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn chót.

Nanogen cho biết, vắc-xin của họ có phản ứng sinh miễn dịch 99,4% trong giai đoạn thử nghiệm lần thứ ba. Nhưng hôm thứ tư, bộ Y tế bác bỏ yêu cầu ấy, họ nói chưa đủ cứ liệu cho việc chuẩn thuận lúc này.

Một chuyên gia phân tích chính trị, ông Dương Quốc Chính ở Hà Nội, cho NIKKEI ASIA biết, cấp lãnh đạo đương nhiệm không hẳn là người chịu trách nhiệm cho việc điều chỉnh các chỉ tiêu chích ngừa.

Ông nói: “Chính phủ tiền nhiệm đã không ở tư thế sẵn sàng hợp tác với các hãng sản xuất văc-xin nước ngoài. Có thể họ tin quá nhiều vào các nhà sản xuất vắc-xin trong nước, cứ tưởng rằng các hãng này sẽ cung cấp thuốc ngừa đầy đủ và cấp kỳ”.

Bài của TOMOYA ONISHI đăng trên NIKKEI ngày 25 tháng 6 năm 2021. Nguyễn Long Chiến dịch.

.