Dưới con mắt hậu sinh, hình ảnh Phan Châu Trinh chìm hẳn trong nhiều ngôi sao “cách mạng” khác. Một vài nhận xét về chí sĩ người Quảng Nam này như sau:
- Nguyễn Ái Quốc cho rằng: "Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương".
- Tố Hữu: “Muôn dặm đường xa biết đến đâu?
Phan Châu Trinh lạc lối trời Âu".
- Sử gia Trần Văn Giàu: Qua những vấn đề tư tưởng yêu nước của Phan Châu Trinh được sơ bộ phân tích, có thể thấy rằng đường lối khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, đường lối chống chủ nghĩa thực dân Pháp nhằm giành lại độc lập tự chủ, lập chế độ quân chủ lập hiến hay chế độ cộng hòa dân chủ, và nhằm đưa nước nhà phát triển theo Tây phương, thực chất là tư tưởng tư sản chứ không phải cái gì khác. Tư tưởng dân chủ tư sản ở Tây phương đầu thế kỷ XX rõ ràng là đã lạc hậu quá rồi bởi vì bấy giờ Tây phương đứng trước ngưỡng cửa của cách mạng vô sản, xã hội chủ nghĩa
Các ý kiến ấy về Phan Châu Trinh có thỏa đáng? Tôi thì thấy chưa thỏa đáng mấy. Yêu cầu người Pháp thực hiện “cải lương” thì không khác gì xin thực dân rủ lòng thương. Mahatma Gandhi với chủ trương bất bạo động (không khác Phan Châu Trinh) chỉ cần tuyệt thực một tháng, yêu sách thay đổi sự cai trị (đâu khác chủ trương “cải lương” cửa PCT) ông đưa ra, thực dân Anh có dám không chấp nhận? Và Ấn Độ giành được độc lập năm 1949 không cần phát động chiến tranh.
Tố Hữu bảo Phan Châu Trinh “lạc lối trời Âu” ư? Mười lăm năm “bị quản thúc”trên đất Pháp, khi về nước Phan Châu Trinh đăng đàn diễn thuyết, hàng vạn người nghe, hàng vạn người cổ vũ. Vận ông gắn liền vận nước, Phan Châu Trinh chẳng may không còn sống để tiếp tục sứ mạng khai trí giống nòi. Hàng chục ngàn người đưa tiễn ông trong đám tang lớn chưa từng có trong lịch sử: bọn thực dân phải lo sợ ảnh hưởng của ông, và nhất là cái chết của nhà chí sĩ.
Hồ Chí Minh sau này cũng công nhận: “Năm 1926, có một sự thức tỉnh trong toàn quốc tiếp theo sau cái chết của một nhà quốc gia chủ nghĩa già – Phan Châu Trinh. Khắp trong nước đều có lễ truy điệu... Chữ "Chủ nghĩa Quốc gia" từ đó được nói và viết công khai. Những giáo viên người Pháp tìm cách ngăn cấm học sinh tham gia các cuộc meeting đó. Nam nữ học sinh ở nhiều trường, đặc biệt là Sài Gòn là nơi tổ chức đám tang, đã tuyên bố bãi khóa. Hai mươi ngàn người đi theo linh cữu mang biểu ngữ viết những khẩu hiệu có tính chất quốc gia chủ nghĩa. Người An Nam chưa hề được chứng kiến một việc to lớn như vậy bao giờ trong lịch sử.” (1)
Trần Văn Giàu phê phán tư tưởng Phan Châu Trinh (trong đoạn trích): “…thực chất là tư tưởng tư sản chứ không phải cái gì khác”. Ông tổ lý thuyết cộng sản không còn sống để vận dụng “vật chất” quyết định “tinh thần”, “hạ tầng” quyết định “thượng tầng: nền kinh tế Việt Nam hiện nay ra sao? Tư bản hay cộng sản? Chủ nghĩa tư bản hiện nay lạc hậu hơn chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội? Đường hướng Phan Châu Trinh (theo ý sử gia) là không tiến bộ ?
Cụ Phan Châu Trinh.
Bên cạnh những nhận xét ấy, tôi xin trích dẫn một số nhận xét của các nhà trí thức khác về Phan Châu Trinh:
- Giáo sư Trần Ngọc Vương: Khác với chủ trương cầu viện ở nước ngoài của Phan Bội Châu và nhiều người, Phan Châu Trinh lại chủ trương "Ỷ Pháp cầu tiến bộ" (Dựa vào người Pháp để cải tạo xã hội). Ở đây, Phan Châu Trinh đã nhận ra mặt thứ hai của Chủ nghĩa thực dân, ấy là mặt xây dựng chứ không chỉ là mặt phá hoại. Tôi cho đó là cái nhìn tiến bộ và xa hơn rất nhiều so với Phan Bội Châu.
Từ góc độ của mình Phan Châu Trinh nhìn ra đường hướng "Ỷ Pháp cầu tiến bộ" không phải là đường hướng không sáng suốt. Chúng ta chứng kiến một thực tế về sau này là chính hệ thống giáo dục của nước Pháp đã đào tạo ra một đội ngũ trí thức mà chúng ta vẫn gọi là "thế hệ vàng của trí thức Việt Nam". Và chính những trí thức này sau đó đã góp một phần rất lớn trong việc loại bỏ Chủ nghĩa thực dân và tạo nền móng cho một xã hội hiện đại tại Việt Nam. Có nhìn như thế thì mới thấy hết cái viễn kiến, tầm nhìn của Phan Châu Trinh lúc bấy giờ. (2)
- Học giả Nguyễn Hiến Lê: “Cụ Tây Hồ là người mở đường cho phong trào Duy Tân ở nước ta. Lập Nghĩa Thục, một phần công lớn là của Cụ, gây tư tưởng mới ở Quảng Nam là Cụ, đi khắp nơi diễn thuyết là Cụ, khuyên quốc dân cắt tóc là Cụ, liệng cái Phó bảng mà lập ra hiệu buôn cũng là Cụ, bỏ tục nhuộm răng, vận âu phục bằng nội hóa thì người đầu tiên cũng lại là Cụ”(3)
- Nhà sử học Phạm Văn Sơn:
Dù có những nhận định khác nhau về lập trường chính trị Phan Châu Trinh, nhưng không ai không công nhận ông là một người có tư tưởng dân chủ sớm hơn hết ở Việt Nam.
Tôi là kẻ hậu sinh, học lịch sử từ nhỏ, may mắn còn sống qua hai chế độ. Nhưng tôi muốn có cái nhìn công tâm hơn về một nhân vật lịch sử, đến nay vẫn còn vĩ đại ở tầm nhìn vượt thời gian.
Hơn 100 năm trước ông cỗ vũ cho: KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH. Việt Nam có cần giáo dục (khai dân trí) không? Bao nhiêu cải cách giáo dục mấy chục năm nay chứng tỏ quốc gia này vẫn ao ước “giáo dục là quốc sách”.
Ngày xưa Phan Châu Trinh nói gì nữa? Xin trích dẫn vài đoạn:
“… Xin có lời khuyên với đồng bào chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng ngoại ắt là chết. Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không muốn mua lấy cái chết. Những sự giải thoát của chúng ta là nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ” (4)
-"… Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau: một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó sẵn ở quốc dân, trong não mọi ngườì”(5).
“…Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức, trong cùng một làng một ấp cũng xâu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống, vẫn coi nhau như thù hằn” (5)
Quí vị thấy tầm nhìn của Phan Châu Trinh thế nào, trong con mắt của chúng ta ngày nay? Tuy nhiên, cá nhân tôi kính phục ông nhất, về cái tôi gọi NHÂN CÁCH VĨ ĐẠI PHAN CHÂU TRINH.
Khi phong trào Cần Vương nổ ra, Nghĩa hội trưởng Quảng Nam sai người hạ sát cha Phan Châu Trinh vì nghi ngờ ông mưu phản. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trong nước, nước ngoài, không bao giờ ai nghe ông nhắc đến cái chết oan khuất của người cha, và điều lớn hơn: ông không lấy đó để thù hận nhà yêu nước Nguyễn Duy Hiệu, người ra lệnh sát hại cha mình.
Cái chết của thân phụ Phan Văn Bình là nỗi đau cho gia đình. Chính cái chết oan ức - không phải mỗi một cha ông - khiến Phan Châu Trinh sau này chọn con đường “bất bạo động” trong đấu tranh giành độc lập cho nước nhà? Ông sợ đồng bào mình sẽ đổ máu vì tay không tấc sắt trong lúc thực dân vũ khí đầy người, vũ khí tối tân? Dựa vào người Nhật để đánh người Pháp (như Phan Bội Châu) bị ông kịch liệt lên án: “Đánh beo cổng trước, rước cọp ngõ sau”. Sau này, lịch sử chiến tranh VN chứng minh nhận định sáng suốt của ông: người Việt không dựa vào người nước ngoài để có vũ khí giết hại nhau, cả mấy triệu nhân mạng?
Viết đến đây, tôi nghĩ đến Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Thiên tài quân sự này, gạt bỏ thù nhà, cùng vua quan nhà Trần chung tay đánh đuổi giặc cướp nước từ phương Bắc. Vợ của Trần Liễu, thân phụ ông, có thai ba tháng, buộc phải lấy Trần Thái Tông, em ruột chồng. Trần Hưng Đạo không nghĩ đến “thù nhà”. Khi gần chết, cha ông trăng trối với con phải “rửa mối hận này”. Nghĩ đến cha mà quên nghĩ đến nước, thử hỏi đất nước ta bây giờ còn có tên trên bản đồ thế giới nếu Trần Hưng Đạo không hết lòng trung tín? Đối với tình máu mủ, tôi thấy nhân cách của Trần Hưng Đạo và Phan Châu Trinh rất gần gũi nhau: hai người đều vì nước quên thân.
GHI CHÚ:
(1) Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, trang 35, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
(2) Vì sao Obama nhắc tới Phan Châu Trinh trong bài phát biểu "chạm trái tim"?, Vietnamnet, 28/05/2016
(3) Đông Kinh Nghĩa Thục, trang 91, Nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn, 1974.
(4) Hiện trạng vấn đề, Đại Việt Tân báo, 1907
(5) Pháp Việt Liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh toàn tập, tập 3, trang 57-58, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005.
(6) Đầu Pháp Chính phủ thư, Phan Châu Trinh, báo Tân dân, 24/3/1949.