Phát biểu “dùng học phí làm rào cản kỹ thuật” gây bão dư luận. Không phê phán nữa cái tư duy hạn hẹp đó, tôi muốn đặt câu hỏi mà người phát ngôn này muốn nhắm tới: vì sao có quá nhiều người theo đuổi đại học đến nỗi mỗi năm, hàng trăm ngàn người ôm bằng đại học chạy xe ôm công nghệ nếu không muốn thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành đào tạo. Tôi không nói tới một số rất ít thành công: học gì làm nấy.
Có mấy lý do, theo suy nghĩ hạn hẹp của tôi:
1- Vì thành tích thi đua, học sinh được xếp hạng học tập có thể cao hơn năng lực thật sự. Ví dụ như lớp học sinh giỏi nhiều hơn khá, khá nhiều hơn trung bình, trong khi theo “hình tháp học tập” thông thường thì ngược lại. Thành tích này khiến các em hăng hái “thẳng tiến” đại học.
2- Suy nghĩ “học” để “câu cơm” qua bằng cấp không phải học để biết “cầm” cần câu cơm đang rất phổ biến. Người đi học để trang bị kiến thức vào đời có thể rất hãn hữu.
3- Tư tưởng “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau” hay “Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng” vẫn còn nằm trong dòng máu con người Việt Nam - nhất là ở vùng nông thôn - coi đại học như là con đường “giải thoát” khỏi hoàn cảnh sống hiện tại không mấy vừa lòng mà không để ý đến học nghề, “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.
4- Sự xuất hiện ào ạt các trường đại học đủ loại, đủ hạng chứng tỏ “nghề giáo dục đại học” có vẻ khấm khá. Chưa thấy trường nào “ế ẩm” khi tuyển sinh viên theo học và phải phá sản.
5- Số lượng học sinh tốt nghiệp trung học (gần như 99%) mỗi năm mỗi tăng do dân số tăng, không lên đại học thì…đi đâu?
6- Tiêu chuẩn đầu vào đại học mỗi trường mỗi khác nhưng nói chung “quý hồ đa nhưng không quý hồ tinh”.
7- Không phân luồng dứt khoát từ lớp 9 bằng thi cử để tuyển chọn học sinh có triển vọng lên đại học nhờ khả năng và học sinh học trường hướng nghiệp có thể ra đời làm việc nếu chẳng may không thi đậu vào đại học.
Tôi không phải là "nhà giáo dục" nên không thể đề ra giải pháp “rào cản” như vị giáo sư đại biểu quốc hội. Tôi chỉ biết so sánh. Tất nhiên, so sánh của tôi không dựa vào giáo dục nước ngoài. Giáo dục trong nước của chế độ VNCH. Nhiều người dè bỉu: sao cứ nhắc hoài “cái đã mất, cái đã “chết”. Mất nhưng giá trị nền giáo dục ấy có thể còn tham khảo được: đó là con đường đi cho học sinh sau trung học. Chế độ kéo dài chỉ 20 năm, chưa tới 10 năm yên bình không tiếng súng.
“Rào cản” của nền giáo dục VNCH là “siết chặt” đầu ra: từ cuối lớp 9, lớp 11, lớp 12 bằng thi cử nghiêm ngặt.
Có thời bằng trung học (cuối lớp 9) là nỗ lực rất lớn của học sinh. Người có bằng trung học (nếu không đi lính lúc đánh nhau) có thể xin đi học làm giáo viên tiểu học hay công việc hành chánh, kế toán trong guồng máy quốc gia.
Sau đó là tú tài 1 (cuối lớp 11) và tú tài 2 (cuối lớp 12). Tỷ lệ thông thường học sinh đậu tú tài 1 chừng hơn 50% và tú tài 2 chừng hơn 30% (thi kỳ 1 và “vớt” thêm một ít kỳ hai sau ngày khai giảng đại học. Nghĩa là số này sẽ đi học sĩ quan (chuẩn úy) hoặc ghi tên học vào các đại học tư thục nếu có đủ tiền đóng học phí). Số học sinh còn lại làm gì? Đi lính. Lớp 9 thì có thể vào lính học làm trung sĩ. Tú tài 1 thi rớt tú tài 2 thì đi sĩ quan Thủ Đức (chuẩn úy) nếu không hoãn dịch vì lý do gia cảnh (ví dụ: con trai độc nhất – dù có chị hoặc em gái - trong gia đình có cha mẹ già trên 60 tuổi…)
Ngoài hệ thống trường phổ thông còn có hệ thống trường trung học kỹ thuật và nông lâm súc ở mỗi tỉnh. Học sinh không thi đậu vào trường công lập, không có điều kiện học trường tư thục, hoặc yêu thích nghề thì thi (dễ hơn trường phổ thông) vào các trường hướng nghiệp, và không phải đóng tiền, vì là trường công lập. Học sinh các trường này tham gia thi tú tài 1, tú tài 2 như các trường phổ thông, cả thi vào đại học nếu muốn. Học sinh vừa học nghề vừa học văn hóa. Không đậu đại học thì họ cũng có một cái nghề trong tay. Trong chiến tranh, người ta vẫn nghĩ đến hòa bình: những học sinh có “tay nghề”, vừa có thể xin việc trong các xí nghiệp, công xưởng nếu là nữ hoặc nằm trong diện hoãn dịch vì lý do gia cảnh. Hòa bình họ sẽ là lực lượng đóng góp cho phát triển kinh tế thời hậu chiến.
Riêng học sinh nữ không phải đi lính, họ dường như là lực lượng chiếm đa số trong các lĩnh vực không phải là quân đội như trường học, các bịnh viện, tổ chức tôn giáo.
Tú tài 2 thì ghi danh (không phải thi) vào ba trường Văn Khoa, Khoa Học, và Luật Khoa. Các trường Y, Dược, Sư Phạm, Kỹ sư Phú Thọ, Nông Lâm Súc, các trường đào tạo y tá, điều dưỡng (thành phố lớn mới có) đều tổ chức thi. Về quân đội, có trường Võ bị quốc gia Đà Lạt, đào tạo sĩ quan hiện dịch, trường sĩ quan trừ bị Thu Đức. Về hành chính có trường Quốc gia hành chánh đào tạo công chức, thi vào rất khó, vì có học bổng, ra trường phục vụ guồng máy hành chánh quốc gia (thường là quận phó hành chánh, trưởng phòng cấp tỉnh, có khi là phó ty trưởng).
Theo chỗ tìm hiểu của tôi, số sinh viên ra trường đều dễ dàng có công ăn việc làm, đa phần trong ngành giáo dục, y tế… số ít khác trong guồng máy hành chánh quốc gia. Như vậy, học sinh (từ lớp 9 trở lên) đều có thể đóng góp nguồn lực lao động cho xã hội.
Có lẽ chiến tranh tạo ra nhiều “việc làm” (nam thi hỏng, không làm gì cả thì…đi lính) nhưng rõ ràng, đầu ra của đại học, chính quyền Sài Gòn tổ chức chặt chẽ: “cung” không hề đủ cho “cầu”. Họ chẳng bao giờ “đào tạo đại trà” để đáp ứng đủ nhu cầu xã hội thời chiến tranh. Quý hồ tinh không quý hồ đa. Đây là lý do tại sao cử nhân hay kỹ sư không phải chạy xe ôm công nghệ. Trong chiến tranh, chất lượng giáo dục vẫn được họ coi trọng. Không vì “cầu” mà họ thả lỏng “cung”.
Vì sao như thế? Trừ các trường tư thục, hệ thống trường của nhà nước từ tiểu học đến đại học đều không thu của học sinh một khoản nào và những người làm trong ngành giáo dục đều có cuộc sống tương đối đầy đủ dù trong chiến tranh, vật giá mỗi ngày một leo thang. Giáo viên cấp 3 (chỉ số 470) lương cao hơn lương phó quận trưởng (chỉ số 450).
Đâu nhất thiết học phí cao thì chất lượng giáo dục nâng cao (trừ khi quý vị thi đậu vào Harvard, Mỹ) Trong hệ thống giáo dục VNCH, chỉ những người giỏi, không kể giàu hay nghèo đều học tập không mất tiền. Cơ hội giáo dục luôn luôn bình đẳng. Hai người bạn tôi: một “nghèo rớt mồng tơi”, một “giàu nức nở” ở phố Hội An đều lấy học bổng du học Mỹ, Canada. Chất lượng đào tạo và bằng cấp từ trường công bao giờ cũng cao hơn các trường tư. (Trừ một số ít trường trung học tư thục dạy song ngữ Việt- Pháp ở Sài Gòn và một vài thành phố lớn như Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang).
Người làm giáo dục lấy lý tưởng khai dân trí làm đầu, không bận rộn với “đồng tiền liền khúc ruột”, thì chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ tốt hơn. Lúc đó người ta không còn lo sợ “lạm phát” sinh viên, buộc phải lấy đồng tiền làm rào cản kỹ thuật ngăn học đại học không thành học đại.