Monday, February 5, 2024

TRUNG QUỐC KHÔNG MẠNH NHƯ NGƯỜI TA TƯỞNG

(China is not as strong as it appears)

Giả thuyết đại dịch do rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán nhanh chóng lan rộng. Theo bài báo của Ridley trên The Spectator tuần trước, Joe Biden ra lịnh các cơ quan tình báo Mỹ “gấp rút” điều tra và báo cáo cho ông trong vòng 90 ngày nguồn gốc của Covid-19.Rõ ràng chính quyền Mỹ cho thấy các cơ quan tình báo không thống nhất: vi rút từ thiên nhiên hay con người tạo ra.

Người ta hồ nghi liệu các cơ quan này có đi đến cùng một kết luận thuyết phục hay không. Bằng chứng rõ rệt hẳn sẽ không xảy ra. Nhưng như Ridley chỉ rõ, thời gian càng lâu không tìm ra bằng chứng vi rút lây từ vật sang người thì cán cân khả năng sẽ nghiêng về thuyết, vi rút do người tạo ra và vô tình rò rỉ. Nếu đây là điều có xảy ra thì nó sẽ lý giải lý do Bắc Kinh phản ứng giận dữ, không đúng mực, đối với lời kêu gọi của Úc yêu cầu cần có một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc vi rút hồi tháng 4 năm ngoái.

Về phần mình, chính quyền Anh vẫn cam kết cùng WHO tiếp tục nghiên cứu dịch có lây từ vật hay không. Mấy ngày gần đây, họ gây kinh ngạc cho nhiều người ở điện hoàng gia và dinh thủ tướng bây giờ tin rằng thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm là lối giải thích đáng tin nhất. Nhưng dù có bằng chứng tìm thấy không nghi ngờ vi rút rò rỉ thật sự thì người ta cũng không rõ thế giới tự do sẽ hành động thế nào.

Donald Trump từng tuyên bố TQ phải bồi thường thiệt hại do Covid gây ra cho kinh tế thế giới. Điều này sẽ không xảy ra. Chẳng có cường quốc phương tây nào quan tâm tới chuyện bàn cãi bồi thường. Mượn lời của Ernest Bevin (một vị cựu bộ trưởng công nghiệp Anh – ND) ví von: “Lợi bất cập hại” (Tôi dịch thoát câu: Nếu mở hộp thần Pandora, bạn sẽ không bao giờ biết có con ngựa thành Troa nào nhảy ra: If you open that Pandora’s box, you never know what Trojan horses will jump out.’).

Áp dụng trừng phạt cũng không xong – TQ nắm quyền phủ quyết ở Hội đồng bảo an LHQ. Có chăng, cách khả dĩ nhất, đáp trả của phương Tây là khắt khe hơn về các tiêu chí an toàn trong thí nghiệm và nghiên cứu sinh học. Nếu TQ không chịu ký kết và từ chối giám sát quốc tế thì nước họ phải chịu cái như là phóng bế nghiên cứu, nghĩa là công trình khoa học công bố từ các phòng thí nghiệm của họ phải bị hạ bậc xếp hạng.

Có điều oái oăm là, tiền của chính phủ Mỹ lại tài trợ cho viện Vi trùng học Vũ Hán. Chính phủ và công ty phương Tây lại khoái sử dụng TQ để nghiên cứu mà ở nước mình, họ thấy là quá nguy hiểm. Nếu đúng Covid rò rỉ từ phòng thí nghiệm thì đây là điều nhắc nhở, thật  thiển cận khi đưa nghiên cứu ra nước ngoài, ở những nơi mà sai lầm thường bị lấp liếm. Thật sự, một trong những vấn nạn chính của các chế độ toàn trị là không bao giờ họ chấp nhận sai lầm để khắc phục chúng.

Đây là lý do lớn nhất để thế giới dân chủ cần phải “kính nhi viễn chi” cái thế giới toàn trị, càng xa càng tốt. Cái này có vẻ dễ dàng với các nước như Belarus, chỉ cần cấm máy bay đến nước họ hay vài chuyện tương tự, nhưng TQ hoàn toàn là vấn đề khác. Nước họ gắn chặt kinh tế thế giới. Hai thập kỷ toàn cầu hóa chỉ có thể hiểu được nếu quý vị biết ra vai trò của TQ trong tiến trình ấy và sự chấn động giảm phát xảy ra khi kinh tế thế giới có sự xuất hiện của họ.

Sự chấp nhận TQ vào WTO năm 2001 rất dễ hiểu trong bối cảnh phương Tây tin tưởng lịch sử (đối chọi) chấm hết sau sụp đổ của bức tường Bá Linh. Suy nghĩ đem TQ vào nền kinh tế thế giới sẽ dẫn đến tự do chính trị, ngăn ngừa thêm Một Chiến Tranh Lạnh. Nhưng dưới thời Tập Cận Bình, TQ càng chuyên chế hơn, chủ nghĩa dân tộc cực đoan hơn, và ngoại giao hung hãn hơn.  Sự thật là TQ gắn chặt kinh tế thế giới đến mức khiến nhiều nước e ngại xét đến bản chất chế độ của họ.

Thật khó mà tưởng tượng Leonid Brezhnev nhận được phản ứng cả tin mà các lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây dành cho chủ tịch Tập Cận Bình sau bài diễn văn đọc ở Davos năm 2017, khi nhiều người chấp nhận ra mặt tuyên bố của ông ta là người bênh vực cho toàn cầu hóa và đa phương hóa.

Thành công thấy được của TQ về dập dịch trong nước hồi năm ngoái – bằng khả năng công nghệ và biện pháp khốc liệt, trong khi dịch vọt lên đỉnh ở phương Tây tăng thêm cảm tưởng tương lai sẽ thuộc về Bắc Kinh. Cùng lúc đó, tai hại hơn với những sai lầm to lớn mà các chính quyền phương Tây phạm phải, từ chuyện vật vã với truy tìm nguồn lây ở Anh đến chuyện gợi ý kỳ cục của Donald Trump về chuyện chích thuốc tẩy rửa (diệt vi rút).

Nhưng niềm tin ngày càng mạnh rằng vi rút sổng chuồng từ phòng thí nghiệm lại tô đậm thêm gót chân Achilles về cái chế độ của TQ – thiếu một cơ chế tự sửa sai. Chẳng phải việc rò rỉ từ phòng thí nghiệm không xảy ra ở thế giới dân chủ nhưng chẳng tưởng tượng được việc phải lấp liếm nó.

Thành tích kém cỏi của vắc xin TQ, Sino-pharm và Sinovac, bán cho các nước như Chi -lê và Brazil, là bằng chứng cho thấy báo cáo ưu thế công nghệ vượt trội phương Tây đã bị thổi phồng. Bắc Kinh kỳ vọng quyết tâm gởi vắc-xin của mình ra ngoại quốc trong lúc Hoa Kỳ nghiêm ngặt cấm xuất khẩu sẽ thu về nhiều lợi ích ngoại giao. Nhưng hiệu quả tỷ lệ chích vắc xin của họ - kém hơn Pfizer, Moderna, AstraZeneca – cho thấy “ngoại giao vắc xin” khó mà đạt như ý muốn.

Sự thật là TQ không mạnh như người ta tưởng. Như học giả Elizabeth Economy của đại học Stanford chỉ ra, TQ tiêu tốn 216 tỷ đô la cho an ninh trong nước năm 2019 – gấp ba lần chi phí của 10 năm cộng lại, tiền còn nhiều hơn chi cho Giải phóng quân TQ. Tuy nhiên, nếu các vấn đề nội bộ Bắc Kinh tiếp tục xấu đi thì họ sẽ quay qua chủ nghĩa dân tộc để tạo nguồn lực cho tính chính danh cho mình. Cái này sẽ là trải nghiệm bất an cho phương Tây. Một nghị sĩ có tầm ảnh hưởng nhận xét: “Một TQ cộng sản đã nguy hiểm, một TQ Đại Hán càng nguy hiểm hơn”.

Làm cách nào để ngăn TQ sẽ là thách thức số một đối với thế hệ các chính trị gia hiện nay. Nhưng bất kỳ chiến lược gì đối phó với TQ đều phải khởi đầu bằng việc tìm hiểu thực tế thế mạnh và điểm yếu của họ.

Bài của James Forsyth đăng trên THE SPECTATOR, ngày 5.5. 2021. Nguyễn Long Chiến dịch.