Có hai thứ nhân loại sợ hãi nhất là thiên tai, dịch họa. Còn nhiều hồ nghi về giả thuyết xuất phát của Covid, nhưng nhìn chung, thế giới coi nó như một “thiên tai, dịch họa”, từ nước nghèo nhất, ít dân nhất đến nước giàu nhất, đông dân nhất, nó không tha chỗ nào. Hàng triệu người trên thế giới, hàng mấy chục ngàn người ở Việt Nam, mất mạng vì nó, chưa kể tổn thất kinh tế và nhất là thương tổn tinh thần của những ai sống sót, những ai còn đang chống chọi vật vã; bóng ma đại dịch còn đang lảng vảng.
Vậy mà có những quan chức nhẫn tâm trục lợi trong thiên tai, dịch họa: ăn vào mồ hôi nước mắt của đồng bào. Chỉ với cây que chọt mũi, có người được lại quả 30 tỷ đồng ở một địa phương cấp tỉnh. Còn địa phương nào nữa không? Đốn mạt đến nổi một giáo sư tài năng xuất chúng, cũng phải vào tù vì tiền mà quên nhân phẩm, đồng loại.
Có thật sự chỉ những “ai tự trọng thì mới không tham nhũng”? Tham nhũng để có… nhiều tiền, đơn giản. Nhưng “tiền nhiều để làm gì, chết có mang theo không?” Suy nghĩ như thế là suy nghĩ của một tu sĩ giảng đạo. Đó không phải là suy nghĩ của người nắm vận mệnh quốc gia. Suy nghĩ của một chính khách lỗi lạc phải là: Thay đổi cơ chế quản trị đất nước. Cơ chế quản trị thế nào mà “ai cũng có thể tham nhũng được”? Từ quân đội, công an, giáo dục, tòa án, y tế…lĩnh vực nào cũng có bóng dáng tham nhũng.
Tham nhũng thì thời nào cũng có và nơi nào cũng có. Nhưng nước còn nghèo, dân còn đang dịch bịnh, dân tộc nổi tiếng yêu nước, tại sao bọn tham nhũng cũng không tha, cớ làm sao? Do cơ chế quản trị chứ không phải do con người suy thoái hay biến chất. Con người từ thuở khai thiên lập địa cho đến ngày nay đều không thoát khỏi THAM, SÂN, SI. Thích Ca không vô cớ mà đặt Tham lên trước hai thứ kia. Trí tuệ siêu việt của ngài cho thấy: lòng tham chi phối tất cả và trên tất cả ở bản chất con người.
Tham nhũng đi kèm với quyền hành. Quyền tuyệt đối sinh tham nhũng tuyệt đối. Chế độ hiện hành do điều kiện lịch sử không đa nguyên, đa đảng, không đối lập, không có tổ chức xã hội dân sự…Việc chống lạm quyền để tham nhũng từ đó đẻ ra rất là cam go.
Bất cứ đất nước nào rạch ròi trong quản trị đều ít xảy ra tệ nạn (trong đó có tham nhũng) khi quyền lực bị ràng buộc lẫn nhau và kiểm soát lẫn nhau: hành pháp, lập pháp, tư pháp độc lập thật sự.
Ở nước ta, trước đây cũng có khái niệm “nhốt quyền lực” nhưng khái niệm này chưa cho biết quyền lực sẽ được nhốt bằng cái gì và nhốt như thế nào. Điều kiện đặc biệt của VN không như của các nước tiên tiến, nhưng như thế không đồng nghĩa quyền lực không thể thiếu kiểm soát. Một công ty có trụ sở sơ sài, lực lượng lao động giản đơn, máy móc sản xuất bèm nhèm…lại có sức mạnh kinh khủng (thu nhập gần 4000 tỷ) phân phối kít xét nghiệm khắp nước (62 CDC đặt mua) cho thấy một lối vận hành cơ chế bất thường trong tình huống bất thường: dịch bịnh gây điên đảo xã hội, khủng hoảng kinh tế. Dịch bịnh như thế nếu đất nước chiến tranh thì sao?
Nếu vừa qua, bộ y tế chỉ lo chuyên môn, nghĩa là không phát đi thông báo “giới thiệu” các công ty sản xuất kit xét nghiệm với “ưu tiên một” trên danh sách có Việt Á thì các CDC các tỉnh sẽ “tự do” chọn sản phẩm xét nghiệm có giá “rẻ nhất”, “tốt nhất” và ít “lo lắng” nhất. Chỉ cần thông báo bộ kít A,B,C,D được bộ cấp giấy phép lưu hành. Bên dưới bộ, các tỉnh không dại gì mua sản phẩm giá ngất ngưởng, báo chí gọi là “thổi giá” và chất lượng chưa kiểm chứng công khai quốc tế. Không lý gì 62 CDC các tỉnh xúm nhau vô một chỗ bán “cắt cổ” để mua kit trong khi họ có tự do lựa chọn.
Cơ chế quản trị đất nước làm sao để “cấp dưới” chỉ làm theo luật, không làm theo “cấp trên”, mà không sợ “mất lòng” lãnh đạo. Chuyện này nghe đơn giản nhưng không dễ làm. Cấp dưới dù tài năng chưa chắc được cấp trên sử dụng nếu “trên bảo dưới không nghe” (dĩ nhiên bảo đúng thì phải nghe).
Cách đơn giản trong hoàn cảnh chính trị đặc thù VN hiện nay là làm sao tách bộ máy hành chính ra khỏi guồng máy chính trị, nghĩa là, dù ông nào làm chủ tịch nước, chủ tịch tỉnh, chủ tịch quận, chủ tịch xã cũng không có quyền thay đổi bộ phận hành chính trừ trường hợp những ai phạm tội hoặc không làm trôi tròn nhiệm vụ hay không khả năng thực thi nhiệm vụ.
Ở miền Nam trước 1975, ông hiệu trưởng, ông ty trưởng y tế… không sợ ông trưởng phòng giáo dục (hồi đó không có ông này) hay ông tỉnh trưởng: lý do các chức vụ chuyên môn đó, ngành nào ngành nấy bổ nhiệm, không qua “ý kiến chỉ đạo” của chính quyền. Quận trưởng quân đội (khi chiến sự căng thẳng) không có quyền kỷ luật quận phó dân sự trừ trường hợp ông này phạm tội. Đối để lắm, không hòa hợp nhau, quận trưởng có thể đề xuất với cấp trên, quận phó thuyên chuyển qua đơn vị hành chánh khác mà không bị giáng chức. Lý do: quận phó hành chánh đào tạo bài bản (cỡ 24, 25 tuổi) sẽ phục vụ mãn đời trong khi quận trưởng quân sự chỉ phục vụ giai đoạn chiến tranh. Tình trạng này cho thấy, cấp dưới chỉ tuân thủ pháp luật và không tuân thủ thủ cấp trên nếu cấp trên không làm đúng luật (cậy dựa quyền thế, trù úm cấp dưới, chẳng hạn).
Thay đổi người lãnh đạo chính trị không thay đổi người thực thi nhiệm vụ hành chánh sẽ giảm thiểu việc kẻ nào bề trên “chiếu tướng” ai thì người đó “không thể ngóc đầu nổi”. Nếu được như thế, việc mua thiết bị xét nghiệm gây lùm xùm gần đây sẽ không có: các CDC địa phương có quyền mua với giá phải chăng, với chất lượng cao mà không sợ mất lòng “bề trên”. Chỉ mỗi trưởng CDC Hải Dương được lại quả 30 tỷ thôi sao? Hay các nơi khác mua vì nể lời “giới thiệu” của bề trên?
Khi nào cấp dưới chỉ sợ (phạm) luật mà không sợ cấp trên thì nền quản trị chúng ta - tuy không “phổ quát”, không theo “thông lệ” quốc tế - vẫn hạn chế vấn nạn như vừa qua: Có người nhẫn tâm sống trên nỗi đau đồng loại, có khi là trên xác người chết vì Covid.
Có lò đốt củi thì rất tốt nhưng không tạo ra củi để đun “không ngơi nghỉ” sẽ càng tốt hơn.