(Xi’s Gambit: China Plans for a World Without American Technology)
Các lãnh đạo Bắc Kinh vạch một con đường độc đạo, quyết chi nhiều để lấp khoảng trống sáng chế, tránh phụ thuộc vào Hoa Kỳ và các nước.
TQ tung hàng chục tỷ đô vốn cho các ngành công nghệ vay. Họ liệt kê các ngành mà Hoa Kỳ hay các nước có thể cắt nguồn tiếp cận công nghệ cơ yếu. Khi đề ra kế hoạch kinh tế quan trọng nhất tuần qua, lãnh đạo của họ bày tỏ tham vọng trở thành một siêu cường sáng tạo không ai có được.
Dự đoán chính quyền Biden quyết tâm tiếp tục thách đố sự trỗi dậy công nghệ của TQ, lãnh đạo của họ gia tăng kế sách tự bước một mình, tìm phương giải quyết những nhược điểm của kinh tế đất nước, có thể cản trở tham vọng trong hàng loạt công nghiệp, từ điện thoại thông minh đến động cơ máy bay phản lực.
TQ từng thực hiện nhiều kế hoạch táo bạo, đầy tham vọng vào năm 2015 nhưng chẳng đi tới đâu. Tình hình nhiều nước lo sợ hành động và sức mạnh kinh tế của họ, động lực của Bắc Kinh tìm cách độc lập về công nghệ trở thành khẩn cấp. Kế hoạch năm năm, công bố hôm thứ sáu, gọi phát triển công nghệ là vấn đề an ninh quốc gia, không chỉ là phát triển kinh tế, bỏ kế hoạch năm năm trước đó.
Kế hoạch cam kết tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển lên 7% hàng năm, bao gồm cả khu vực nhà nước và tư nhân. Con số đó cao hơn mức tăng ngân sách dành cho quân đội của Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng 6,8% trong năm tới, đẩy mạnh triển vọng về một kỷ nguyên cạnh tranh như Chiến tranh lạnh với Hoa Kỳ.
Các cam kết chi tiêu theo sau 4 năm bấn loạn, trong đó Tổng thống Donald J. Trump đã gây khó chịu - và tức giận – lãnh đạo CS dưới thời Tập Cận Bình, bằng cách hạn chế quyền tiếp cận công nghệ Mỹ đối với một số công ty khổng lồ trong đó có Huawei.
Sự việc này củng cố quan điểm rằng, Hoa Kỳ - ngay cả dưới thời chính quyền Biden - vẫn quyết tâm cắt giảm đà tiến của đất nước họ; Trung Quốc không còn có thể dựa vào phương Tây để có nguồn cung cấp công nghệ ổn định giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhà kinh tế của học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Zhang Xiaojing, đã viết trước thềm cuộc họp quốc hội đang diễn ra ở Bắc Kinh: “Là nước đã leo tới đỉnh, Mỹ muốn rút chiếc thang”.
Con đường dẫn đến "đỉnh cao công nghệ toàn cầu", như ông Tập đã mô tả về khát vọng của Trung Quốc, quả là rất khó khăn. Chính phủ trước đây đã đặt ra kế hoạch chi 2,5% tổng sản phẩm quốc nội cho nghiên cứu và phát triển trong 5 năm qua, nhưng chi tiêu thực tế không đạt được mục tiêu.
Một lĩnh vực Trung Quốc gặp khó khăn là vi mạch, thứ mà phần lớn sản xuất điện tử của nước này phụ thuộc. Quá trình sản xuất phức tạp vô cùng đã cản trở các doanh nghiệp Trung Quốc, và thay vào đó, họ nhập khẩu phần lớn chất bán dẫn họ cần. Theo IC Insights, một công ty nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ, sản xuất chip nội địa của Trung Quốc chỉ đáp ứng được 15,9 % nhu cầu chip vào năm 2020, cao hơn rất nhiều so với mức 15,1% mà nước này có vào năm 2014.
Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, tuần trước nêu chi tiết những đề xuất nhằm đẩy mạnh phát triển chất bán dẫn cao cấp, hệ điều hành, bộ xử lý máy tính, điện toán đám mây, và trí tuệ nhân tạo.
Nhà phân tích công nghệ của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, Rebecca Arcesati, cho biết: “Tôi nghĩ họ thực sự lo lắng. “Họ biết nếu không có quyền tiếp cận các công nghệ cao, họ sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình”.
Ở một mức độ nào đó, chiến lược mới sẽ đặt lại tên gọi cái chiến dịch cũ Made in China năm 2025 của quốc gia này, muốn dẫn đầu một số công nghệ mũi nhọn. Nhìn chung, họ muốn sản xuất 70 % các bộ phận cốt lõi các nhà sản xuất TQ cần đến vào năm 2025. Kế hoạch làm các đối tác hoảng sợ và đưa tới chiến tranh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Cựu quan chức ngoại giao, hiện là phó chủ tịch tại viện Chính sách xã hội châu Á, ông Daniel Russel: “TQ muốn giảm phụ thuộc vào thế giới – không phải về thương mại và hợp tác, nhưng để bảo đảm họ không dễ bị ở chiếu dưới, một kiểu bắt bí TQ như họ từng bắt bí nước khác trong quá khứ”.
Một cuộc đối đầu đã kéo dài hơn một thập kỷ. Các chính sách lâu nay, muốn sàng lọc sự cậy dựa vào công nghệ nước ngoài, được đẩy mạnh vào năm 2013, sau những tiết lộ của Edward Snowden về các cú tin tặc Cơ quan An ninh quốc gia lấy từ các công ty Mỹ.
Các công ty Mỹ từ lâu ta thán các chính sách bắt buộc chuyển giao công nghệ. Các vụ hack do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn nhằm vào sở hữu trí tuệ của Mỹ làm gia tăng căng thẳng. Trước đây, Trung Quốc sử dụng gián điệp doanh nghiệp để hỗ trợ các lợi ích kinh tế, cả trong các lĩnh vực công nghệ cao mà chính phủ hiện đang ưu tiên.
Vụ xâm nhập mới nhất nhằm vào các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp đã sử dụng hệ thống email của Microsoft và được phát hiện vào cuối tuần trước. Có mối liên hệ mật thiết với tin tặc Trung Quốc; họ có khả năng tạo ra sự chia rẽ trong thế giới công nghệ.
Vài tuần gần đây, các quan chức Trung Quốc liên tục nhấn mạnh sự nguy hiểm của những “điểm nghẽn” nằm ở chỗ Hoa Kỳ kiểm soát các công nghệ nền tảng quan trọng. Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, bộ trưởng bộ công nghiệp và công nghệ thông tin, Xiao Yaqing, công bố xem xét 41 lĩnh vực về “những khoảng trống” có thể khiến chuỗi cung ứng công nghệ bị phá vỡ “trong những thời khắc trọng yếu”. Bắc Kinh đang dùng tiền bạc và chiêu bài tuyên truyền để hỗ trợ nỗ lực này.
Ngân hàng phát triển TQ, nơi cho vay chính của quốc gia, tuần qua cho biết họ chuẩn bị vốn vay hơn 60 tỷ đô la cho các công ty hệ trọng đối với sáng chế chiến lược, huy động 30 tỷ khác cho quĩ đầu tư vi mạch do nhà nước hỗ trợ.
Quan chức học viện Kỹ thuật Trung Quốc, Ni Guangnan, đã viết gần đây rằng, nước này nên tạo ra một “hệ điều hành Trung Quốc”, có thể thay thế các hệ điều hành kết hợp của Intel, Microsoft, Oracle và những công ty từng thống trị lĩnh vực điện toán. Ông nói thêm, Trung Quốc cũng nên tăng cường sự phụ thuộc của thế giới vào công nghệ cơ sở hạ tầng viễn thông của mình để “tạo thành một lực lượng răn đe mạnh mẽ”, chống lại các lệnh cấm vận trong tương lai.
Các chuyên gia cảnh báo, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn cực kỳ phức tạp, có tính toàn cầu, can thiệp sâu vào thị trường có thể gặp hậu quả không lường trước. Vờn nhau từ cao xuống thấp của Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với vi mạch phần nào gây ra tình trạng khan hiếm chip vi mạch, tác động đến ngành ô tô mới đây.
Chẳng quốc gia nào có thể sắp đặt tự lực trong hàng núi công nghệ mũi nhọn cần thiết để vận hành nền kinh tế và quân sự hiện đại. Thay vì có những chính sách toàn diện, cuộc chiến ủy thác đang xảy ra, cả hai nước đều cật lực giành giựt từ nước khác những phần mình không có.
Nhiều đồng minh của Mỹ đã rất vui khi thấy các công ty của họ tận dụng lợi thế của thị trường Trung Quốc ngày càng vắng bóng các công ty Mỹ.
Đầu tháng này, ASML, một công ty Hà Lan sản xuất các công cụ cần thiết để sản xuất hàng loạt vi mạch, cho biết họ đã gia hạn hợp đồng cung cấp thiết bị cho nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, mặc dù Washington đã đưa công ty này, được gọi là SMIC, vào danh sách đen hồi năm ngoái. Việc gia hạn này không vi phạm bất cứ cấm đoán nào, nhưng nó cho thấy, Hoa Kỳ gặp hạn chế thế nào trong quyền cắt đứt nguồn cung.
Những quyết định như vậy có thể tiếp tục khiến Tổng thống Biden thất vọng, người đã coi Trung Quốc là thách thức chính sách đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Trung Quốc hy vọng làm giảm sút nỗ lực của Mỹ muốn cô lập nước họ bằng cách liên kết với các nền kinh tế lớn, bao gồm cả những nước đồng minh chính trị với Mỹ.
Ông Russel, viện Chính sách xã hội châu Á cho biết: “Chắc chắn, TQ nói và làm theo quan điểm không khuyến khích các nước khác tham gia vào đội ngũ mà Hoa Kỳ muốn tổ chức chống lại TQ”, mục đích là “chờ thời cơ thuận lợi, TQ trám kín những lỗ hở trên vỏ bọc của mình”.
Kỳ vọng của lãnh đạo TQ về một dàn xếp ngoại giao sau thời Trump rõ ràng đã tan biến.
Theo tin của Nhà Trắng, cuộc điện đàm của Biden và Tập kéo dài khoảng hai giờ bao gồm những thảo luận về “Hành vi bắt ép và bất công về kinh tế của Bắc Kinh”.
Trong nước, ông Biden cảnh báo, Hoa Kỳ cần theo sát TQ trong vấn đề đầu tư hạ tầng cơ sở, một số hỗ trợ công nghệ số, gồm cả xe hơi chạy điện. Ông nói khi đưa ra kế hoạch kích cầu kinh tế 1.900 tỷ đô la: “Nếu chúng ta không khởi động, họ (TQ) sẽ giật nồi cơm của chúng ta”.
Đây là câu nói lặp lại khi ông ra ứng cử hai năm trước – để đánh bạt thách thức của TQ. Trong một diễn văn tranh cử ở Iowa năm 2019, ông nói: “TQ sắp giật nồi cơm của chúng ta ư? Thôi nào, anh bạn”.
Bài của Paul Mozur and Steven Lee Myers trên The New York Times ngày 10 tháng 3 năm 2021.
Nguyễn Long Chiến dịch.