Wednesday, February 7, 2024

KẸT XE

Có nghịch lý, đô thị càng phát triển, nạn kẹt xe hay tắc đường càng dễ xảy ra. Từng biết Đà Lạt từ 1972, nay tôi mới thấy thành phố du lịch này kẹt xe. Con đường quanh hồ Xuân Hương lúc nào cũng “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”.

Nhiều lý do kẹt xe nhưng tôi thấy 2 cái nổi bật: sự đi lại của người làm công sở và phụ huynh đưa đón con em ở trường học. Ngày nghỉ như chúa nhật, đường ít xe cộ trừ giờ gần tối, nhiều người đi ăn ngoài.

Sự đi lại của nhân viên công sở cần loại bỏ xe máy, xe con, trừ vài trường hợp đặc biệt. Tất cả công nhân viên chức phải đi xe bus đưa đón của cơ quan hoặc xe buýt công cộng.

Các trường học đa phần nhận học sinh dựa vào cư trú của học sinh gần trường. Cần tổ chức đưa đón học sinh bằng xe buýt của nhà trường. Khuyến khích học sinh đến trường bằng xe buýt công cộng nếu thuận tiện hơn xe của trường. Chính quyền thành phố hỗ trợ cho nhà trường mua xe giá không thuế, hoặc trợ cấp một phần; phụ huynh đóng tiền một phần, như là trừ vào phí đi lại xe buýt.

Một học sinh cần một lao động đưa, đón, vừa tốn phí cho xã hội vừa tạo ra nạn kẹt xe, và ô nhiễm môi trường. Một thành phố có mấy trăm ngàn học sinh như Sài Gòn? Và mấy trăm ngàn xe máy, chưa kể có phụ huynh đón con bằng xe hơi. Học sinh sẽ có thói quen đi bộ từ nhà ra trạm đón, vừa tập quen văn hoá đi xe buýt: lên trước đi vào sâu, chừa chỗ cho người lên sau. Không nói chuyện ồn trên xe sẽ hình thành khi từ tiểu học nhờ các em hằng ngày đi xe buýt. Tôn  trọng sinh hoạt tập thể nâng cao, khởi đầu trong xe buýt. Dần dần, sinh viên đại học cũng sẽ đi xe buýt như học sinh khi lưu lượng xe ít xuống.

Tôi thấy dân Sing ai cũng đi bộ rất nhanh, bắp chân họ rất to. Xứ họ xe buýt là phương tiện đi lại chính thức và rất nhiều.

Nếu công sở, trường học buộc nhân viên, học sinh, đi xe công cộng nạn kẹt xe một phần được giải quyết, nhưng cái lớn hơn: dân Việt sẽ tập thói quen đi bộ từ nhỏ. Có sức khỏe sẽ có tất cả. Đi bộ nhiều, sức khỏe nhiều, tính kiên nhẫn hình thành càng nhanh.