Sunday, February 4, 2024

TINH THẦN XUỐNG, COVID SẼ LÊN

Tôi là người có duyên với bịnh viện nhiều lần, lần đậm duyên nhất là mắc ung thư. Tôi vượt qua nhờ bác sĩ nhưng có người nhờ bác sĩ như tôi, họ lại ra đi vĩnh viễn. Không phải tôi có tinh thần thép nhưng tôi mau thích nghi hoàn cảnh: ở đây là bịnh nan y. Ban đầu tôi rất sợ hãi. Về sau, tôi can đảm hơn nhờ “sống chung với lũ”. Sợ cũng chết, không sợ cũng chết, tôi nghĩ như thế về căn bịnh của mình. Từ đó tôi có thái độ khác hơn, nghĩa là “chấp nhận” hơn. Tôi nghĩ, sống chung với lũ không đồng nghĩa bó tay trước lũ.

Chủng Delta (COVID) hiện nay đe dọa an nguy con người khắp thế giới. Ai cũng gặp kiếp nạn không cứ người Việt Nam.

Chúng ta sợ COVID nhưng chúng ta có tránh nó được không? Chắc chắn phải sống chung với nó. Điều đó không có nghĩa bó tay với nó. Sống chung như thế nào? Chắc chắn không thể như khi nó chưa xuất hiện. 5 K và vắc xin: chính là cách sống chung buộc phải thực hiện. Thấy phong tỏa cứng “chỉ thị 16+”, nhiều người đồng tình. Thà “đau đớn” một thời gian mà vượt qua dịch bịnh. Nhưng phải “đau đớn” bao lâu? 1 tháng, 3 tháng, 9 tháng, hay một năm? Không ai có câu trả lời chính xác, kể cả chính phủ, người quyền lực nhất nước.

Nhiều người nói, không chống được dịch, ngồi yên trong nhà, và ngậm miệng lại, để nhà nước chống dịch”. Có người còn quả quyết: hãy tránh ra một bên, cho người khác chống dịch.

Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội chống dịch thế nào? Dân có ai không tuân thủ, có ai dám cản đường? Dịch đã bó tay chưa?

Có người bảo nước nào cũng phải phong tỏa kể cả các nước tiến bộ như Úc, Anh. Họ không hiểu phong tỏa ở các nước này khác phong tỏa như Trung Quốc, Việt Nam. Chúng ta “ai ở đâu ở đó”. Họ: không được ra khỏi nơi cư trú 5 km. Ai vi phạm phạt 1500 đô la. Không được tụ họp quá 10 người. Quán bar, nơi khiêu vũ, tiệm làm móng, quán nhậu…cấm hoạt động. Nhà thờ nhóm họp không được quá 30 người. Xe buýt chở không quá số lượng quy định: chỉ được 1/3 như thường lệ. Các siêu thị bán hàng buộc người mua phải đứng cách nhau 2 mét, mọi người buộc phải mang khẩu trang…

Lockdown của họ “dễ thương quá”. Vì sao? Họ không muốn người dân bí bách vì giãn cách chống dịch. Họ nuôi dưỡng sức dân, nói nôm na, họ muốn dân cảm thấy thoải mái khi cùng chính phủ chống dịch. Tôi không nói nước Mỹ. Nước này rất “phản động”. Có một vị giám mục (không phải linh mục đâu nha) nói trong các bài giảng, tín đồ đừng có chích vắc xin. Vắc xin có thứ làm từ nhau thai, “vô nhân đạo” lắm. Dân Mỹ còn “phản động” hơn: Có người biểu tình chống nhà trường bắt con họ mang khẩu trang. Chích vắc xin thưởng tiền họ cũng mặc.

COVID đối với họ không là “cái đinh” gì. Ngăn chặn dịch phải theo ý dân. Mỹ thành công trong chống dịch nhờ nhiều…người “phản động”. Nghĩa là, dân vi bản. Quan dĩ dân vi bản.

Các nước như VN hay TQ, chính phủ muốn dân phải tuân thủ theo họ để dân nhận được những điều tốt đẹp hơn. TQ phong tỏa Vũ Hán bao lâu? Hơn 2 tháng rưỡi, họ khống chế được dịch bịnh. Chúng ta thấy cảnh họ bắt người trốn dịch thảy lên xe như súc vật nhưng chúng ta không thấy họ lo cho những gia đình bị cách ly các hàng hoá thiết yếu trong thời gian “ai ở đâu, ở đó”. Cách đây 1 tháng, tôi đọc trên báo Mỹ, họ chích vắc xin cho dân: 100 người là 135 mũi. Nghĩa là có 100 người chích 1 mũi và 35 người chích 2 mũi. Công nghệ chế vắc xin của họ theo truyền thống, làm vi rút yếu đi, chích vào cơ thể tạo sự đề kháng chống lại vi rút. Nó không hiệu quả bằng vắc xin phương Tây nhưng có tác dụng: họ không phải vật vã như nhiều nước trên thế giới kể cả phương Tây nhờ kết hợp phong tỏa với vắc xin.

VN có lẽ học cách chống dịch của TQ. Tôi cho, nếu có học, chỉ một phân nửa: Phong tỏa nghiêm ngặt. Vắc Xin thì chưa. Phong tỏa để đẩy mạnh vắc xin. VN rất khó khăn trong tiếp cận vắc xin. Chỉ còn dựa vào phong tỏa.

Câu hỏi lớn: Phong tỏa đến bao giờ?

Chi cho bằng: “Sống chung” với dịch. Hãy mở ra kinh tế. Chắc chắn số nhiễm sẽ tăng, số chết sẽ nhiều. Nhưng khi nhà nước tập trung nguồn lực chữa trị, số tử vong sẽ giảm. Thay vì dồn sức cho: xét nghiệm đại trà, quyết liệt cách ly, đưa F0 vào các bịnh viện dã chiến…chúng ta cho các FO “khỏe” cách ly tại nhà (có đến 80%), chú ý 15 % có triệu chứng nhẹ đến trung bình, đưa số 5% có thể chuyển nặng vào bịnh viện. Cho những người có điều kiện được ra đường, được tham gia vào phục vụ lợi ích công cộng, để họ duy trì dòng chảy cuộc sống: người chích đủ 2 mũi, người từng là F0 chữa khỏi.

Quan trọng nhất: Hãy chú trọng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, và các cơ sở tiếp nhận người bị COVID có thể trở nặng. Hãy “chơi “ lại COVID, không thụ động trốn tránh nó bằng “giấy đi đường”, bằng ngăn sông cấm chợ. Cấm đi đường làm gì khi không ai dại đến nổi ra đường “không mục đích chính đáng “ để bị phạt, bị khó dễ. Họ ra đường để giải quyết bức bách nào đó cho gia đình, cho bản thân, hay phải làm công việc xã hội phân công cho họ. Cũng có kẻ lợi dụng ra đường để thực hiện “phi vụ” nào đó. Vì một số ít không tuân thủ mà chính quyền phải buộc xác nhận giấy nọ, giấy tê, lập trạm này, trạm khác, các nhân viên công lực vừa vất vả, vừa có nguy cơ lây nhiễm cao, và dân khổ, chính quyền cũng chẳng sướng gì . Chưa kể tập trung xin giấy lại là cơ hội cho dịch bịnh lây lan.

Khoanh vùng cách ly, tầm soát vi rút bằng cách xét nghiệm đại trà, bóc tách FO, thực hiện hiệu quả không? Nếu có F0 thì sẽ cách ly tập trung để ngăn ngừa dịch bịnh? Rất hay, đó là khi chưa có biến thể Delta, dịch chưa tiềm ẩn trong cộng đồng. Quy định của bộ y tế: Sau một lần ngoáy mũi lấy dịch, người thao tác phải sát trùng tay. Đến người thứ sáu, người lấy mẫu phải đổi găng tay mới. Nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi đổ từ đầu chí chân, làm việc trên 8 giờ một ngày, ngày nào cũng đối diện với “địch” (COVID), họ có còn đủ sức, đủ tỉnh táo để tuân thủ quy định của bộ y tế? Và khi sơ ý vì quá mệt, hơi thở của người nhiễm vi rút không dính vào tay người lấy mẫu để “đi” vào mũi người kế tiếp, kế tiếp? Chen nhau để đi xét nghiệm không là cơ hội cho vi rút lây lan?

Vì sao, người ta không phát các que thử cho mỗi gia đình, hướng dẫn học cách thử? Tôi thấy rất đơn giản. Có người bảo, có người sẽ không thử. Họ không thử là vì dương tính họ sẽ bị “hốt “ đi cách ly. Họ dính vi rút nhưng được cách ly tại nhà, được y tế theo dõi tình hình sức khỏe, chỉ có ai điên mới không tự làm xét nghiệm. Phát que tự xét nghiệm sẽ giúp y tế bớt gánh nặng. Tự xét nghiệm sẽ giúp người không tụ tập dễ lây lan.

Nói tóm lại, nhà nước đừng suy nghĩ như thời bao cấp: Mọi cái từ cây kim sợi chỉ đều phải lo cho dân. Mấy chục năm XHCN, các vị có lo cho dân bằng chính họ hay không?

Đối phó dịch cũng không khác. Cái nào dân lo được hãy để họ lo. Cái họ không lo được nhà nước phải lo: Bịnh viện tiếp nhận COVID có nguy cơ trở nặng. Những phương tiện cứu sống bịnh nhân mà người dân không có: Bình thở oxy, máy xét nghiệm PCR, vắc xin…

Nhưng điều quan trọng hàng đầu: Hãy làm cho người dân không cảm thấy bức bách, sẵn lòng cùng chính phủ, chung tay chống lại dịch bịnh. Hãy dỡ bỏ ngay “ngăn sông cấm chợ” và những hàng rào kẽm gai.

Tinh thần lên, COVID xuống. Rất đơn giản.