Sunday, February 4, 2024

DIỄN BIẾN HÒA BÌNH?

Nước ta có một lịch sử lâu dài chống ngoại xâm. “1000 năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, 20 năm nội chiến từng ngày “ (Trịnh Công Sơn). Hoàn cảnh ấy ám ảnh mọi nhà cầm quyền Việt Nam- từ cổ chí kim. Giữ cho nước “khỏi mất” là nỗi lo lớn nhất, không phải xây dựng đất nước hùng mạnh để không “bị mất” mới là nỗi lo lớn hơn.

Tâm thức chống “Diễn biến hòa bình”, tôi cho là,  tâm thức  “mặc cảm” thiếu tự tin.

Áp dụng cho dịch bịnh, trước đây, ai nói “nên sống chung với Covid” là “phản động”, là diễn biến hòa bình. Bây giờ, “sống chung với Covid” không còn là “phản động” nữa. Tất nhiên sống với vi rút Corona không có nghĩa là phó mặc nó “tác oai tác quái”.

Có thời điểm, “phong tỏa” là thượng sách. Trung Quốc, thời gian 2 tháng rưỡi ở Vũ Hán, khống chế bùng phát nhờ biện pháp khắc nghiệt nhất, nghiêm ngặt nhất. Thành công là nhờ lúc ấy không có biến chủng Delta - lây nhanh hơn gấp chục lần và độc lực mạnh hơn. Họ nhiều tiền nên tổ chức khá tốt “hậu cần” cho những hộ bị phong tỏa, bên cạnh áp dụng công nghệ (giờ ta gọi là xanh, vàng, đỏ), cả drone (máy bay tự hành) theo dõi người ra khỏi nhà. Quan trọng nhất, họ có vắc xin (đến nay là 71% trên số dân 1,4. Mỹ- 53,1%) Anh - 64,8% theo CNN).

Ảnh: Trẻ em cũng phải tách khỏi gia đình đi cách ly.

Bây giờ họ còn áp dụng “biện pháp” cũ nữa hay không? Áp dụng khá hiệu quả. Ở tỉnh Phúc Kiến mới đây có 129 ca nhiễm, 57 người ở độ tuổi dưới 12. Tất cả đều bị đưa đi cách ly. Một trẻ 4 tuổi, xúng xính trong bộ áo bảo hộ ni lông, trên vai mang ba lô, một mình đi vào khu cách ly, khiến hàng triệu người trên mạng Weibo xúc động rơi nước mắt; cha mẹ em không được đi theo do quy định của nhà nước. Nhưng trong khu cách ly, các y tá, bác sĩ, trang trí trong phòng, trên lối đi, những hình ảnh đầy màu sắc, giúp các em nhỏ đỡ nhớ nhà. Ở VN có ai nghĩ đến thế không? Không. Lý do: F0 VN phát hiện mỗi ngày nhiều đến mức “chóng mặt” ở thành phố lớn nhất nước.

Với số dân Phúc Kiến 38,56 triệu người, 129 F0 cách ly tập trung là biện pháp thượng sách. Sài Gòn hơn 10 triệu dân, cách ly tập trung làm sao xuể hàng mấy trăm ngàn F0? “Học tập và làm theo” cũng cần sáng tạo và linh hoạt. Máy móc, chẳng thà đừng học.

Tại sao cũng cách ly, cũng phong tỏa, cũng nghiêm ngặt, chúng ta không thành công bằng người TQ? Chắc chắn ai cũng dễ dàng có câu trả lời.

Thành phố HCM phong tỏa nghiêm ngặt có thể nói nhất nước từ khi có dịch đến nay, từ thời điểm “ai ở đâu, ở đó”, với sự trợ giúp của quân đội. Số ca nhiễm mỗi ngày có thấp hơn trước phong tỏa nghiêm ngặt không? Phong tỏa lâu dài, nền kinh tế VN sẽ đổ sụp khi Sài Gòn là đầu tàu kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong một clip (theo Facebook của Nguyễn Anh Tuấn): “Các đồng chí định phong tỏa đến bao giờ? Một nhà dính F0, các đồng chí phong tỏa cả khu phố. Một xã dính F0, các đồng chí phong tỏa một huyện…nhưng mà anh em, thôi để cho nó an toàn…cứ phát hiện có F0 là các đồng chí lại phong tỏa”.

Phong tỏa nghiêm ngặt để “tiêu diệt vi rút” và tìm cách an toàn để “sống chung với nó” là hai lựa chọn.

Tuy không nói ra, người đứng đầu nào cũng canh cánh nỗi lo “phải chịu trách nhiệm” (xử lý kỷ luật) nếu để địa phương mình có nhiều người nhiễm. Trách nhiệm nặng nề như thế, một số bang của Mỹ có nhiều người chết hẳn có thống đốc bay chức từ lâu? Có khi tổng thống Mỹ cũng “lãnh đạn”, để hơn 670 ngàn người về nước Chúa vì COVID.

Tôi nhắc lại - có hai phương án:

1- Tiếp tục phong tỏa để “diệt dịch như diệt giặc”, hy sinh kinh tế để cứu mạng người (tin vui, số người chết ngày càng ít nhờ chăm sóc y tế khá hơn trước).

2- Dỡ bỏ rào chắn phong tỏa, tìm cách sống chung an toàn nhất có thể với dịch, để phục hồi dần dần kinh tế.

“Chắc bắp” nhất đối với đa số quan chức là chọn lựa số 1: Cấm dễ hơn mở. Phương án 2 có lẽ rất ít quan chức can đảm chọn: rất dễ bị “đánh đổi” số mạng chính trị nếu phương án này không thành công.

Thực tế là thế giới đang dần dần chấp nhận “sống chung với lũ”. Việt Nam không thể “kiên định” với chiến lược “Zero- Covid” (quét sạch dịch). Nhưng thay đổi chiến lược có bị xem là “diễn biến hòa bình” không? Tôi nghĩ lãnh đạo nào dám lấy “sinh mạng chính trị” của mình để “mở cửa” kinh tế mới thực sự là lãnh đạo có tầm nhìn và có khí tiết. “Kiên định” rồi chết chùm thì kiên định làm gì? (Tôi nói kiên định với “Zero-Covid”).

Ghi chú thêm: Thủ tướng Anh trước đây đối diện với chỉ trích kịch liệt khi chuẩn bị gỡ bỏ lockdown (dễ chịu hơn VN nhiều). Bỏ phong tỏa, dịch kiểm soát không nổi, có thể bị mất chức nhưng ông kiên quyết: “Bây giờ không mở thì đến bao giờ mới mở?”. Quyết tâm đầy trách nhiệm.