Lời người dịch: Tổng thống Biden sẽ cho rút hết quân đội Mỹ khỏi Afghanistan cuối tháng 8. Nhiều quận lỵ đang rơi vào tay quân Taliban. Hoa Kỳ cho phép 2500 người nhập cư Mỹ; những ai từng làm việc với họ, kể cả thông dịch và phiên dịch. Sự kiện này nhắc đến ngày 30.4.1975 ở miền Nam Việt Nam. Hai mươi năm có mặt tại đất nước khốn khổ vì xung đột vũ trang quốc tế, Mỹ không mang lại hòa bình lâu dài cho đồng minh của mình. Tổng thống Mỹ tuyên bố: “Hãy để người dân Afghan tự quyết định tương lai của chính họ “. Đồng minh không có quyền trách cứ họ. Tôi thấy Mỹ là nước ít bị ràng buộc hay ám ảnh nhiều về quá khứ. Chia tay Nam VN rồi Afghanistan một cách “nhẹ tựa lông hồng”. Điều ấy không có nghĩa họ “chẳng có thủy có chung”. Nó nói lên một sự thật, các đồng minh Mỹ nên hiểu “hãy cứu mình là chính”. Nam Hàn thực hiện thành công tư duy này. Một Hàn Quốc vươn lên cường quốc kinh tế sau khi Mỹ rút quân không bao lâu. “Hãy tự cứu lấy mình” ở Nam VN như thế nào? Dưới đây là cái nhìn của một nhà báo Mỹ về nhân vật quyền lực ít ai để ý tới - cựu thủ tướng VNCH đại tướng Trần Thiện Khiêm. Không cứ, hễ báo Mỹ thì đều nói… thật. Bài báo có những chi tiết cho thấy nhiều thành kiến và không chính xác về chế độ VNCH và có thể về nhân vật từng được Mỹ quý trọng. Nhưng nó nói lên phần nào cái nhìn dư luận Mỹ về bối cảnh dẫn đến sự sụp đổ của VNCH. Nhắc đến nỗi đau này, tôi rất xót xa nhưng sự kiện là sự kiện, tôi cần can đảm nhìn về quá khứ và rất áy náy với một người đã khuất, bởi “nghĩa tử là nghĩa tận”.
(Tran Thien Khiem, 95, Dies; a Power in South Vietnam Before Its Fall). Bài của Robert D. McFadden đăng trên The New York Times.
Đại tướng Trần Thiện Khiêm, người đứng thứ hai sau tổng thống Nguyễn văn Thiệu của Nam Việt Nam trong sáu năm cuối chiến tranh, chạy sang Hoa Kỳ ngay trước giờ Sài Gòn rơi vào tay cộng sản năm 1975, và ông qua đời ngày 23 tháng 6 tại quận Cam, California, thọ 95 tuổi.
Cái chết của ông, trong trại dưỡng lão ở vùng Irvine, qua thời gian hồi phục sau cú ngã té, được đồng sự thân cận, thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình xác nhận. Tướng Khiêm sống ở San Jose, hầu như không bao giờ xuất hiện trước công chúng từ sau cuộc chiến chấm dứt.
Một bậc thầy mưu đồ chính trị, tướng Khiêm làm thủ tướng Nam VN từ 1969 cho đến những ngày cuối cùng của chế độ, một nhân vật quân sự nhà nghề và là bàn tay quyền lực giấu mặt trong hơn hai thập kỷ người Mỹ can thiệp vào chiến trường VN. Ông tạo ra đảo chính và ngăn chặn đảo chính trong nước mình thập niên 1960.
Với sự chấp thuận ngấm ngầm của tổng thống John F. Kennedy và CIA Mỹ, tướng Khiêm miễn cưỡng giúp sắp xếp cuộc đảo chính quân sự, kết thúc bằng việc sát hại tổng thống Ngô Đình Diệm, một người chuyên quyền nhưng cũng là người gần gũi của ông, nhân vật mà ông và chính quyền Kennedy muốn lật đổ bằng một cuộc đảo chánh không đổ máu.
Tướng Khiêm, một con người với bề ngoài có vẻ khiêm tốn, làm đại sứ chính quyền Sài Gòn ở Hoa Kỳ và Đài Loan thời gian bốn năm. Ông từng nắm nhiều quyền hành đối với: cảnh sát; phụng sự xã hội; lực lượng quân cán chính 1,5 triệu người; “chương trình bình định nông thôn” phối hợp Mỹ-Việt nhằm thu hút “trái tim và khối óc” của nhân dân sống trong các làng mạc, người ta cho là du kích (Việt Cộng) kiểm soát.
Ảnh: Đại tướng Trần Thiện Khiêm lúc làm đại sứ tại Mỹ.
Là cánh tay mặt của tổng thống Thiệu, tướng Khiêm trấn áp đối lập, "chặt tay chặt chân" kẻ ủng hộ đối thủ không đội trời chung, phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, cựu tư lệnh không quân. Tướng Khiêm là nhà hành pháp cứng rắn và là “con cưng” (darling) của tòa đại sứ Mỹ.
Năm 1969, ông được cựu trung tướng, bạn thân, là tổng thống Thiệu thăng thưởng hai chức – tháng ba, làm phó thủ tướng, tháng tám, lên thủ tướng. Tướng bốn sao, ông cũng là sĩ quan quân sự cao nhất nước.
Việc đề bạt ông làm thủ tướng đã đưa quân đội vào chế độ tam đầu chế, một chế độ quân sự có vỏ bọc dân sự, củng cố sức đề kháng của chế độ Sài Gòn trước bất cứ cuộc đảo chánh hòa bình nào.
Trong vài năm sau đó, dưới sức ép phản chiến trong nước, Hoa Kỳ bắt đầu rút quân và cắt giảm viện trợ cho Nam Việt Nam. Bắc Việt tuyên bố họ sẽ không bao giờ nói chuyện với chế độ ông Thiệu, và Sài Gòn mất dần chỗ dựa trong chiến tranh. Nhưng đã có một ông Khiêm hớn hở bên cạnh ông Thiệu đón tiếp các nhân vật quan trọng như tổng thống Richard M. Nixon và nội các chính phủ Mỹ.
Khi nạn tham nhũng lớn mạnh ở Nam VN, ông Khiêm bổ nhiệm nhiều người thân vào chính quyền dân sự của mình. Theo các nhà điều tra và truyền thông Mỹ, ông giao hai người anh em giữ chức vụ ngành hải quan, giúp họ thu lợi vô kể từ buôn ma túy, hàng lậu ở phi trường Tân Sơn Nhất và hải cảng quốc gia; Một anh em cọc chèo làm đô trưởng Sài Gòn; một người bà con khác làm tư lệnh cảnh sát quốc gia.
Khi lạm phát tăng cao, ông Khiêm đưa ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng và nỗ lực bình định lớn hơn. Năm 1971, ông khẳng định 90% dân chúng sống trong vùng tương đối an ninh. Nhưng cùng năm đó, đối mặt với sự chống đối tăng dần trong dân chúng, chính phủ bãi bỏ hầu hết các cuộc bầu cử, tuyên bố các quan chức từ tỉnh trưởng đến các xã sẽ được chính phủ bổ nhiệm.
Năm 1973, các vấn nạn lớn hơn xuất hiện. Hiệp định hòa bình ký ở Paris giữa Bắc Việt, Hoa Kỳ, và tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, một cách miễn cưỡng. Ông Thiệu coi hiệp định là sự phản bội của người Mỹ từng cam kết ủng hộ VN. Can thiệp trực tiếp của Mỹ vào chiến tranh chấm dứt. Nhưng sau ngừng bắn, chiến sự giữa Nam-Bắc vẫn tiếp diễn. Ông Thiệu bám chặt quyền lực mặc dù cũng giao bớt một số nhiệm vụ cho ông Khiêm năm 1974.
Và bên cạnh tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Bắc Việt chuẩn bị tổng tấn công miền Nam. Chiến dịch khởi động đầu năm 1975. Đến tháng 3, quân lực Nam VN, ưu thế về số lượng nhưng mất tinh thần, số rút lui, số đầu hàng. Đội quân xâm chiếm tràn ngập hầu hết đất nước và bao vây Sài Gòn.
Trong một thông điệp đọc trên radio và truyền hình, ngày 2 tháng 4 năm 1975, ông Khiêm tuyên bố với quốc dân: “Trong hai tuần qua, chúng ta chịu rất nhiều tổn thất bởi vì chúng ta mất kiểm soát, không giữ vững hàng ngũ. Tôi cam đoan chính phủ sẽ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ còn lại của VNCH, dứt khoát sẽ lấy lại lãnh thổ mới đây rơi vào tay cộng sản”.
Nhưng chỉ 2 ngày sau, ông Thiệu tuyên bố cách chức ông Khiêm. Ông Khiêm biến mất trong một thành phố đang hoảng loạn khi dân chúng tranh nhau bỏ đi. Bản thân ông Thiệu từ chức ngày 21 tháng 3, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn vào 9 ngày sau đó, khi những quan chức VN và Mỹ cuối cùng được di tản thì xe tăng của quân Bắc Việt lăn xích vào thành phố.
Không rõ ông Khiêm thoát đi bằng cách nào, nhưng nhiều quan chức dân sự, quân sự, các ngoại giao đoàn, nhà báo và các nhân viên dân sự quan trọng được không vận khỏi Sài Gòn ra hàng không mẫu hạm Mỹ ở Biển Đông hoặc theo máy bay tới các căn cứ quân sự đồng minh ở Đông Nam Á.
Sau khi dừng ở Đài Loan, ông Khiêm đến Mỹ, người giàu nhất trong 200.000 người Việt di tản giàu nhất. Tờ Diễn đàn Chicago viết năm 1979: “Ông Khiêm, người sẽ không cần phải làm việc gì nữa, sống với vợ trong một ngôi nhà sang trọng ở ngoại ô Virginia, họ còn sở hữu một căn nhà khác ở nước Pháp”.
Sau đó, ông rời McLean, Virginia về California. Cựu tổng thống Thiệu định cư ở Luân Đôn, rồi Boston, và Pháp. Cựu phó tổng thống Kỳ điều hành một tiệm rượu ở Newark, California.
Ông Trần Thiện Khiêm sinh ngày 15 tháng 12 năm 1925 tại Sài Gòn. Ông là một trong 12 người con của ông Trần Thành và bà Võ Đích, đại điền chủ ở Long An, thành phố phía nam Sài Gòn. Mặc dù ba mẹ ông theo đạo Phật, ông lại học trường đạo tại Sài Gòn. Sau này, trong một cuộc phỏng vấn, ông nói: “Tôi bị cuốn hút vào đạo kitô giáo từ nhỏ”. Ông sinh ra trong một nước bị Tây đô hộ, Nhật chiếm đóng vào thế kỷ 19. Sau đệ nhị thế chiến, khi lãnh tụ cách mạng cộng sản Hồ Chí Minh tìm đến chủ nghĩa Mác để giành độc lập, người Pháp cố bám lấy chính quyền thuộc địa của mình, thì ông Khiêm theo học ở trường quân sự, sau này trở thành Học viện võ bị quốc gia Đà Lạt.
Năm 1948, ông trở thành vị trung úy đầu tiên trong quân đội VN chiến đấu bên cạnh quân đội Pháp chống lại Việt Minh của ông Hồ Chí Minh trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Ông thăng thiếu tá trong năm 1954 trong trận Điện Biên Phủ. Pháp thua trận, chấm dứt chiến tranh, đưa tới Hiệp định Geneve chia VN ra làm hai, miền Bắc cộng sản và miền Nam cộng hòa.
Năm 1957 đến 1958, với cấp bậc đại tá, ông Khiêm được cử đi học tại đại học Chỉ huy và Tham mưu tại Leavenworth, Kansas. Ông lập gia đình với Đinh Yến năm 1950, họ có một con gái. Người vợ đầu mất năm 2004, và sang năm 2005, ông cưới Ann Chastain, ở Eureka, California. Họ ly dị nhau năm 2012. Ông sống cùng con gái Yến Khanh, người con nuôi Trần Khẩn và cháu ngoại gái.
Thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 là thời gian miền Nam cai trị bởi nhà độc tài chuyên chế, một tổng thống được Mỹ ủng hộ, ông Ngô Đình Diệm, người ưu ái Công Giáo về mọi mặt trong một đất nước đông đảo là người Phật Giáo. Việc từ khước cho phép các cuộc bầu cử năm 1956 là một một nhân tố dẫn đến chiến tranh Việt Nam. Năm 1960, đại tá Khiêm đập tan một cuộc đảo chánh chống ông Diệm, người cha đỡ đầu của ông và được phong tướng.
Nhưng năm 1963, trong cuộc đảo chánh mà chính quyền Kennedy và tướng Trần Thiện Khiêm muốn không xảy ra bạo lực, các tướng lĩnh đảo chính khác âm mưu loại trừ tổng thống Diệm, bắn chết ông trong chiếc xe bọc thép đang trên đường tới phi trường với dự tính đưa ông đi lưu vong nước ngoài.
Sau âm mưu sát hại tổng thống, các tướng lĩnh thay phiên nhau làm đảo chánh. Tướng Khiêm một thời gian ngắn có chân trong nhóm đảo chính trước khi bị đưa đi làm đại sứ “lưu vong” tại Hoa Kỳ năm 1964.
Từ Washington, ông âm mưu cùng các tướng lĩnh khác ở Sài Gòn để tiếm quyền. Nhưng vào ngày dự định đảo chính, ông quên đặt giờ báo thức và ngủ quên. Cuộc đảo chính không có ông bị thất bại.
Năm 1965, nhóm quân đội cầm quyền khác, gồm tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, cử ông Khiêm làm đại sứ tại Đài Loan. Ông được triệu về nước năm 1968 và cam kết trung thành với tổng thống mới đắc cử Nguyễn Văn Thiệu. Một năm sau, ông ta được phong thủ tướng, và giữ vị trí quyền lực ấy cho đến những ngày cuối cùng.
Tướng Khiêm sống ẩn dật ở San Jose, cùng với một số cựu quan chức cao cấp Nam VN. (Ông rửa tội theo đạo công giáo cuối đời tại đây năm 2018). Cộng đồng người Việt tại Mỹ khá chia rẽ, với những cựu quan chức chống cộng quyết liệt. Tướng Khiêm tránh các cuộc tranh luận bằng cách ẩn mình khiêm tốn và không hề xuất hiện cho phỏng vấn.
Nguyễn Long Chiến dịch theo https://www.nytimes.com/.../tran-thien-khiem-95-dies-a...
Ghí chú: ở Sài Gòn sau các cuộc đảo chính, người bị "thua" sẽ được người "thắng" tống ra ngoại quốc làm đại sứ. Dương Văn Minh làm đại sứ tại Thái Lan khi bị Nguyễn Khánh hất cẳng. Trái lại, tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại khi ông bị họ đảo chánh. Và hồi ấy, báo chí hay có câu chế giễu "Thắng làm vua, thua làm đại sứ".