Monday, February 5, 2024

AI BẦU, AI CỬ.

Có người giàu tưởng tượng, nêu gia sử, sau đệ nhị thế chiến , có vị lãnh đạo như Lý Quang Diệu, Việt Nam có thể hoá rồng mà không phải chiến tranh.

Nói như thế cũng chưa biết đúng sai. Thời điểm lịch sử từ 1945 cho đến 1975, Việt Nam ta nổi tiếng thế giới chẳng cần một sinh viên du học anh họ Lý : hai đế quốc to, Pháp, Mỹ bó giáp, cuốn cờ.

Đất nước hóa rồng nhờ xây dựng đâu rạng rỡ bằng con Rồng cháu Tiên có thành tích nhờ đánh nhau!

Như một gia đình, người cha giỏi giang, có đầu óc- nói  cho “hoành tráng “- có tầm nhìn, quốc gia với nguyên thủ tài ba, sẽ hoá rồng không mấy chốc: ví dụ của Hàn Quốc, Đài Loan, Mã Lai, Singapore...

Cách tuyển lựa người tài điều hành đất nước chỉ duy nhất bằng bầu cử và ứng cử tự do. Các nước chuyên chế không chấp nhận phương thức “cổ lỗ sĩ” này. Hậu quả, sinh mệnh quốc gia như đánh số đề: rất hồi hộp. Nhưng không sao, ông lãnh đạo nào cũng đặng, giỏi hay không giỏi cũng chả chết thằng Tây nào, đất nước vẫn tuần tự nhi tiến. “Tiến lên không biết đi đâu. Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi” (*).

Ứng cử với số cử tri 40 triệu chắc chắn sẽ khó khăn rất nhiều cho người đắc cử so với 3 hay 4 triệu “cử tri ưu tú” mỗi 5 năm mới họp một lần. Đất nước hồng phúc lắm mới chọn ra người tầm  nhìn như Võ Văn Kiệt, chứ chưa mơ tới Park Chung-hi hay Mahathir Mohamad.

Tầm vĩ mô như thế, tầm vi mô lại là nỗi ưu tư không kém.

Những vấn đề nhỏ như:

- Lề đường thành phố. Nhếch nhác, tôi chỉ có thể gọi như thế. Lề đường không dành cho người đi bộ thì nó cũng phải thông thoáng, không bị chiếm dụng, gây cản trở giao thông; người ta dừng xe máy mua thức ăn, thức uống, thời gian cao điểm đông người sau giờ làm việc.

- Tiếng ồn. Xưa thành phố mới có tiếng ồn. Nay, nông thôn không kém: karaoke, loa “kẹo kéo “ tra tấn màng nhĩ người nghe. Loa ấp, loa xã, loa phường phát có giờ giấc vẫn làm người nghe khó chịu huống hồ loa kẹo kéo sáng, trưa, chiều, tối. Loa quảng cáo mọi công suất phát ra ầm ì như tra tấn người đi lại. Rất là tự do.

- Súng thể thao và cưa máy. Hai cái này tưởng như vô hại nhưng lại huỷ diệt môi trường tàn khốc còn hơn bom napalm hay chất khai quang của Mỹ trong chiến tranh. Cưa tay như cưa đại, cưa líu, rựa, rìu ông bà dùng ngày xưa, cây rừng ngàn năm vẫn không hết. Cưa máy, nhiều người thành phố chưa thấy, chỉ cần 10 phút, cây 100 năm tuổi, hai người ôm ngã rầm tức khắc; cưa trong đêm, hàng vạn người cưa, cả rừng Trường Sơn mênh mông, kiểm lâm là tề thiên cũng phải bó tay. Chưa kể một số kiểm lâm viên mang cốt lâm tặc.

Ná thun trẻ con chúng tôi bắn chim biết bao giờ mới đụng tới chào mào, se sẻ, cà cưỡng? Súng săn một phát một chim. Chim sẽ thành mồi nhậu ngày càng nhiều.

- Chích điện đánh cá. Nhiều vùng nông thôn vẫn còn có người dùng ắc quy biến thế bắt cá. Đây là cách tận diệt giống nòi thủy sản hữu hiệu nhất: cá lớn chết, cá con nào sống nổi.

Tiếng ồn, cưa máy, súng bắn chim, ắc quy giết cá, lề đường, vấn đề quản lý hóc búa lắm hay sao?

Tôi nêu mấy cái tầm thường trên để làm ví dụ cho lập luận: mọi cấp quản lý đất nước cần phải có: tầm nhìn; nhỏ thì tầm ngắn, lớn thì tầm xa. Không tầm cần bị loại bỏ khỏi guồng máy.

Nói thì dễ làm thì khó. Nhưng như thế không có nghĩa bó tay: chỉ cần phát huy dân chủ. Mỗi người đứng đầu đều phải ứng cử. Hy vọng: Tôi và nhiều cử tri thấy ông A không có tầm, bỏ phiếu truất phế ổng ở nhiệm kỳ tiếp. Như thế, đố ông nội nào lụm thụm mà nhiệm kỳ nào cũng thấy mặt ổng, ngang nhiên lãnh đạo.

Niềm hy vọng của tôi đến đây lại giống mấy bác giàu tưởng tượng nêu ở đầu bài viết?

(*) Phan Khôi?

Ảnh: Cưa đại (đợi), cưa líu.