VNExpress có bức ảnh chụp Gò Vấp ứ đọng hàng ngàn người chờ xét giấy thông hành covid trên một con phố dài. Người ken dày người, xe ken dày xe. Corona sẽ đi đâu? Người chờ soát giấy và người kiểm tra giấy, cả hai đều lo lắng không khác nhau: làm sao cho mau chóng lưu thông.
Sài Gòn là đô thị hình thành rất sớm. Hệ thống giao thông chằng chịt nhất Việt Nam. Tôi có mặt ở Sài Gòn từ năm 1972. Cho đến nay, tôi vẫn thường hay hỏi đường đi. Tôi có thể ví đường lớn là động mạch, đường nhỏ là tĩnh mạch, đường hẻm (ngõ, ngách) là mao mạch. Sài Gòn sống nhờ có nhiều mạch máu.
Sài Gòn cũng là nơi hội tụ của người từ Bắc, từ Trung, và từ các tỉnh miền Nam. Vì sao người ta không ra thủ đô Hà Nội hay thành phố Đà Nẵng để sinh sống mà lại vào Sài Gòn? Tôi không nói Sài Gòn bao dung và rộng mở. Sài Gòn là nơi người giàu nhất và người nghèo nhất có thể sống nhờ nó.
Người nghèo thành phố và người nhập cư chiếm gần như áp đảo số dân thực sự của Sài Gòn. Thời dịch bệnh phải phong tỏa, người có ăn ngồi nhà vẫn không đói nhưng người nghèo không ra khỏi nhà sẽ đói. Các tổ chức tư nhân, các cá nhân từ thiện không đủ sức cưu mang họ. Ra đường là lẽ sống đối với họ dù cho ra đường không theo quy định là phạm luật. Không có người nghèo nào gan dạ ra đường để bị phạt tiền (ngoại trừ các người chạy bộ, đạp xe có thói quen tập thể dục từ lâu).
Có người nói dân Sài Gòn không ý thức “giãn cách” bằng dân các tỉnh, thành phố từng cách ly, từng phong tỏa chống dịch. Không. Họ rất ý thức nên mới đứng chờ ở chốt kiểm soát. Nếu vô ý thức, họ sẽ đi vào các ngõ hẻm để tránh kiểm soát. Sài Gòn có hàng vạn đường hẻm. Có đủ bảo vệ để chốt chặn hay không?
Nếu không linh hoạt biện pháp chống dịch với Sài Gòn, khó mà ngăn tình trạng phá vỡ quy định giãn cách của chính phủ, như qua bức ảnh. Và, tôi có thể ví, nếu chặn được các mạch máu của cơ thể thì mới có thể ngăn được người ra đường ở Sài Gòn. Nên lưu ý, chỉ người nghèo mới ra đường. Họ ra đường để đi tìm miếng cơm trong thời buổi khó khăn dịch bịnh này.